Thăng Long Tứ trấn

Thuật ngữ “Thăng Long Tứ trấn” xuất hiện trên một văn bản rất muộn vào năm 1956, trong tập sách “Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ” của tác giả Đặng Xuân Khanh. Sách dành 2 dòng chữ Hán liệt kê: “Thăng Long Tứ trấn. Đông trấn Hàng Buồm Bạch Mã đại vương từ. Tây trấn Thủ Lệ Linh Lang đại vương từ. Nam trấn Kim Liên Cao Sơn đại vương từ. Bắc trấn Tây Hồ Trấn Vũ đại đế từ”. 

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử với biết bao biến cố thăng trầm của thời đại, những giá trị văn hoá tâm linh của “Thăng Long Tứ trấn” vẫn còn vẹn nguyên. Mỗi ngôi đền đều thờ một vị thần khác nhau, mang những nét tâm linh, kiến trúc độc đáo, riêng biệt. Đi qua từng di tích cổ kính ta mới thấy được vẻ đẹp cổ kính trầm mặc nhưng không kém phần lộng lẫy của “Thăng Long Tứ trấn” .

Theo các nhà nghiên cứu, để bảo tồn và phát huy hiệu quả những giá trị lịch sử, văn hóa của Tứ trấn Thăng Long – Hà Nội, chúng ta cần nắm rõ những giá trị cơ bản của bốn ngôi đền, bao gồm: Giá trị về lịch sử; giá trị về văn hóa (bao hàm giá trị nghệ thuật, kịch bản cho lễ hội, trò diễn…) và giá trị khoa học (không gian cảnh quan, kiến trúc, di vật…). 

Theo quan niệm của nhiều người Việt, số 4 đọc là “tứ,” gần giống âm “tử”, chỉ sự chết chóc, nên không đẹp. Tuy vậy, số 4 lại mang lại mang rất nhiều ý nghĩa tốt lành; số 4 là sự hình thành của 2 cặp như tượng trưng cho sự lâu bền, viên mãn. Có vạn điều may mắn và hạnh phúc liên quan đến số 4 như một năm có 4 mùa: Xuân – Hạ – Thu – Đông; đất có 4 phương: Đông – Tây – Nam – Bắc. Ngoài ra, số 4 tạo ra hình vuông, tượng trưng cho sự vững chắc, ổn định và bình yên. Số 4 được tạo thành từ hai cặp đôi nên sẽ thuận lợi và tốt lành hơn.

Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế – Học viện Báo chí và Tuyên truyền, “số 4 biểu trưng cho những điều tốt đẹp nhất, con số này được cha ông ta sử dụng khá nhiều trong vấn đề tự nhiên và xã hội như một sự cân bằng, đủ đầy của trời đất.”

“Ở nước ta, một năm có 4 mùa, tương đương với 4 tiết trong năm. Số 4 là con số là thành phần quan trọng trong dãy số tự nhiên, nếu thiếu đi số 4 thì sẽ mất đi sự hài hòa, âm dương ngũ hành mất đi sự cân bằng, tương sinh, tương khắc từ đó khó có thể phát triển. Con số này theo quan điểm của người Việt nó thể hiện sự chắc chắn, ổn định lâu dài bền vững, thuận quy luật tự nhiên của trời đất…”

Đánh giá về con số “4 – Tứ” trong tâm thức dân gian của người Việt, Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh, Quyền Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử Văn hóa thuộc Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: “Trong văn hóa xã hội của người Việt, chúng ta thấy có Tứ bất tử – bốn vị thánh không chết – Sống mãi trong tâm thức tín ngưỡng thờ cúng của người Việt; Tứ phủ – Bốn phủ thờ bốn bà chúa cai quản bốn vùng: Mẫu Thiên, mẫu địa, mẫu thoải – miền nước và mẫu thượng ngàn – miền rừng núi; Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện – Bốn vị thần/phật tượng trưng cho mây, mưa, sấm, chớp; An Nam tứ đại khí – Bốn bảo vật pháp khí của nhà Phật: Tượng Phật chùa Quỳnh Lâm – Quảng Ninh; Tháp Báo thiên – Thăng Long; Chuông Quy điền – Hà Nội; Vạc chùa Phổ Minh, Nam Định…

Nếu như những con số “4 -Tứ” gắn với tự nhiên phản ánh quy luật và sức mạnh của tự nhiên, thì 4 con số gắn với đời sống văn hóa xã hội con người là một sự cầu mong sự bền vững, trường tồn, sự chở che bảo vệ cho cuộc sống con người được an lành, hạnh phúc.

Tứ trấn bảo vệ cho Thăng Long, hay Thăng Long có bốn ngôi đền bảo vệ cũng hàm nghĩa như vậy. Đó là sự trấn giữ – ngăn chặn, giúp cho Kinh đô Thăng Long tránh được những thiên tai, địch họa từ ngoài xâm nhập vào. Từ đó giúp cho cuộc sống của người dân được yên ổn. Sâu xa hơn thì sự yên ổn trường tồn thịnh vượng của Kinh đô Thăng Long, chính là sự trường tồn thịnh vượng của quốc gia Đại Việt. Bởi Kinh đô Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay luôn là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế quan trọng nhất của cả nước.

Thuật ngữ “Thăng Long Tứ trấn” xuất hiện trên một văn bản rất muộn vào năm 1956, trong tập sách Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ của tác giả Đặng Xuân Khanh. Sách dành 2 dòng chữ Hán liệt kê: “Thăng Long Tứ trấn. Đông trấn Hàng Buồm Bạch Mã đại vương từ. Tây trấn Thủ Lệ Linh Lang đại vương từ. Nam trấn Kim Liên Cao Sơn đại vương từ. Bắc trấn Tây Hồ Trấn Vũ đại đế từ”. 

(昇龍四鎭東鎭行帆白馬大王祠西鎭守隸靈郞大王祠南鎭金蓮高山大王祠北鎭西湖鎭武大帝祠).

Đây là cách diễn giải trên cơ sở thuật ngữ “Tứ trấn từ” đã xuất hiện trong văn bản Hà thành linh tích cổ lục có niên đại thời Nguyễn. (四鎭祠東鎭行帆庯白馬大王祠西鎭守隸寨靈郎大王祠南鎭金蓮坊高山大王祠北鎭西湖真武觀 – Đông trấn hàng Buồm phố Bạch Mã đại vương từ; Tây trấn Thủ Lệ trại Linh Lang đại vương từ; Nam trấn Kim Liên phường Cao Sơn đại vương từ; Bắc trấn Tây Hồ Chân Vũ quán). 

Nếu căn cứ vào thuật ngữ xuất hiện trên văn bản thì bốn ngôi đền được cấu trúc hoàn chỉnh tại bốn phương vị của thành Thăng Long rất muộn.

Theo nghiên cứu của Tiến sỹ Nguyễn Doãn Minh thì “Tứ trấn Thăng Long” hay “Thăng Long Tứ trấn” là một sự “Sáng tạo/tạo dựng truyền thống”. Có thể thấy, “Truyền thống” “Tứ trấn từ” hay “Thăng Long Tứ trấn” được các Nho sĩ dưới thời Nguyễn tạo dựng trong bối cảnh lịch sử Hà Nội dưới triều Nguyễn – triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam đang trong giai đoạn thoái trào, đi vào con đường mất nước và dưới sự áp bức bóc lột sâu sắc của thực dân Pháp xâm lược.

Song song với bối cảnh chính trị đó là sự đấu tranh, mâu thuẫn, giằng co giữa hai luồng văn hóa cũ và mới, giữa Đông và Tây, giữa bảo thủ và duy tân. Cho nên “tạo dựng truyền thống” “Tứ trấn Thăng Long” có ý nghĩa tạo dựng nên một không gian thiêng riêng có của Hà Nội và mang tính chính trị là chủ yếu. Vì họ tạo dựng nhằm nhắc nhớ về kinh đô Thăng Long với các triều đại thịnh trị, về một kinh đô Thăng Long có Tứ trấn bảo vệ nên chưa bao giờ bị mất nước như trong bối cảnh họ đang phải dày vò chứng kiến cảnh nước mất nhà tan. 

Có bốn yếu tố làm cơ sở cho sự tạo dựng:

Thứ nhất: “Không gian thiêng” Thăng Long đã được tạo lập khoảng 800 năm trước.

Thứ hai: Các Đức thần ở bốn ngôi đền đều có công giúp các triều đại đương thời dẹp giặc, trừ tà, củng cố vương triều như đã đề cập.

Thứ ba: Các cơ sở cứ liệu liên quan đến sự hình thành quan niệm “Tứ trấn” (bản đồ Hồng Đức, “Vua Lê Thế Tông (1573-1599) lên ngôi, gia phong cho thần, gọi đền Linh Lang là một trấn che chở cho kinh đô.

Hàng năm, cứ đầu mùa xuân lại sai các quan đến làm lễ tế), Quán Trấn Vũ ở phía bắc thành là để trấn giữ phương bắc (城北鎭武觀北方之鎭也.

Thứ tư: Niềm tin vào yếu tố phong thủy của kinh thành Thăng Long. Mỗi lần kinh đô dời đổi khỏi Thăng Long, đất nước luôn rơi vào tình thế lệ thuộc, mất chủ quyền. Thế kỷ 15, Hồ Quý Ly cho chuyển kinh đô vào Thanh Hóa, rồi mất nước vào tay giặc Minh, khiến nhân dân phải chịu cảnh lầm than suốt 20 năm. Cuối thế kỷ 18, triều Tây Sơn chịu một số phận ngắn ngủi khi kinh đông không chọn định ở đây. Thế kỷ 19, vua Gia Long cho chuyển kinh đô vào Huế, dần dần đất nước trở thành thuộc địa của thực dân Pháp, nhân dân trong tình cảnh “thân một cổ chịu hai tròng áp bức.

Mặc dù vậy, nguồn tư liệu dưới đây dù không nói về thuật ngữ Tứ trấn, nhưng chắc chắn cấu trúc Tứ trấn có sớm hơn nhiều. Tập Bản đồ thời Hồng Đức được vua Lê Thánh Tông cho vẽ đầy đủ về lãnh thổ Đại Việt và bản đồ các vương quốc trong vùng. Năm 1490 tập bản đồ hoàn thành, gồm 13 thừa tuyên (sau đó đổi làm xứ) trong đó có bản đồ vẽ về Trung Đô (kinh thành Thăng Long).

Bên cạnh việc vẽ lại quy mô đặc điểm của thành Thăng Long bao gồm vị trí giáp ranh, các chiều cạnh Đông, Tây, Nam, Bắc, đặc điểm thành Thăng Long, các địa danh như: điện Kính Thiên, Đoan môn, Đông cung, Thái Miếu, phủ Phụng Thiên, hồ Hoàn Kiếm, Quốc Tử giám, điện Nam Giao, hồ Tây, núi Khán Sơn, Giảng Võ, cửa Bảo Khánh, sông Tô Lịch… thì 3 ngôi đền Bạch Mã, đền Linh Lang (Voi Phục, chữ Lang có bộ Vũ ở trên?) và quán Trấn Vũ cũng được định vị lần lượt vào 3 phương: Đông, Tây, Bắc theo thành Thăng Long.

Mặc dù ngôi đền Kim Liên (Cao Sơn – trấn phía Nam) chưa thấy xuất hiện trong bản đồ này, nhưng có thể khẳng định muộn nhất vào năm 1772 ngôi đền Kim Liên đã hiện diện tại vị trí như hiện nay. Nội dung bia khắc một văn bản có niên đại vào năm 1510, đưa ra giả thiết mong manh về sự hiện diện của ngôi đền cùng với niên đại của văn bản cũng như ba ngôi đền xuất hiện trên bản bản đồ có niên hiệu Hồng Đức đã được đề cập.

Theo tư liệu được lưu giữ tại đền, thời gian chính xác ngôi đền được xây dựng là vào năm 866 khi Cao Biền xây Thành Đại La. Về sau, đền được xây dựng lại vào năm 1010 khi Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long. Đền được dựng ở phía Đông thành tọa lạc ở phường Hà Khẩu, tổng Đông Thọ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức ngày nay là số 76 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. 

Đền Bạch Mã toạ lạc tại số 76 Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Theo truyền thuyết, điểm thiêng của miền đất Long Đỗ chính là ngọn núi Nùng, nơi Lý Nguyên Gia lập đền thờ thần Tô Lịch và tôn làm Thành hoàng. Miền đất này được dòng sông Tô ôm ấp vây bọc. Như vậy, có thể thấy chính Đức thần là vị Thành hoàng đầu tiên của miền đất Đại La từ đời Lý Nguyên Gia (năm 822) qua đời Cao Biền (năm 866) thời thuộc Đường, đến miền đất Thăng Long triều đại Lý (từ năm 1010) thời độc lập tự chủ mà Đức thần được biết đến với tên gọi Bạch Mã.

Trong cuốn sách cổ “Việt Điện U Linh” và “Lĩnh Nam chích quái” có đề cập khá cụ thể về truyền thuyết đền Bạch Mã gắn với việc xây La Thành của Cao Biền và đắp thành Thăng Long của vua Lý Thái Tổ. Tương truyền, vào năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Sau nhiều lần đắp thành không thành, vua cho người cầu khấn nơi đền Long Đỗ. Thấy một con ngựa trắng đi ra từ trong đền, lần theo vết chân ngựa, nhà vua đã phác họa bản đồ xây thành. Bản đồ được vẽ theo vết chân ngựa trắng đã giúp thành đứng vững và thần Long Đỗ được vua Lý Thái Tổ phong làm “Quốc đô định bang Thành Hoàng Đại Vương”.

Theo chia sẻ của Tiến sỹ Nguyễn Doãn Minh,  trước đó, Đức thần Long Đỗ còn có công trong việc đập tan sự trấn yểm của viên đô hộ nhà Đường là Cao Biền, khiến tên này phải kinh sợ.

Qua nhiều lần tu sửa, đền Bạch Mã ngày nay vẫn mang những nét kiến trúc đặc trưng của thời nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX. Được xây theo hình chữ “tam” với phương đình tám mái, đền Bạch Mã có một tam bảo và hơn mười ba hoành phi. Nét độc đáo của ngôi đền được thể hiện qua hệ thống mái hình “vỏ cua”. Điều này không những tạo nên sự liên kết cho toàn bộ kiến trúc ngôi đền mà còn giúp tạo điểm nhấn khác biệt, mở rộng không gian và là một đặc điểm hiếm thấy so với các di tích khác ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. 

Đền Bạch Mã ngôi đền cổ kính bậc nhất trong Thăng Long Tứ trấn.

Được biết, đền Bạch Mã quay về hướng Đông Nam và cũng là ngôi đền chính trấn giữ phía Đông trong “Thăng Long Tứ trấn”. Ngôi đền được bố trí theo chiều dọc gồm các phần: Phương Môn, Phương Đình, Tiền Tế, Trung Tế và Hậu Cung. Tượng Bạch Mã được thờ ở chính điện còn khám thờ thần Long Đỗ được đặt trong cung cấm.

Bên cạnh đó, nơi đây cũng lưu giữ nhiều tượng và di vật quý bao gồm tượng thần Long Đỗ từ thời nhà Lê vào thế kỷ XVII, 18 bia đá cổ, 17 đạo sắc phong thời Nguyễn, nhiều đồ thờ tự và thư tịch có liên quan…

Hỏa bốc tam khu thiêu bất tận

Phong trần nhất trận phiến nan khuynh

(Tạm dịch: Ba lần lửa bốc không cháy/Một phen gió bụi chẳng siêu)

Hai câu thơ trên được thái sư Thượng tướng Trần Quang Khải đề ra khi cả ba lần quân Nguyên xâm lược, đốt phá Thăng Long, lửa đều không bén được đến đền. Và cũng như vậy, nhiều thế kỷ qua đi, khi không quân Mỹ dùng máy bay B52 chống phá miền Bắc, đền Bạch Mã vẫn còn vẹn nguyên như là một trong những minh chứng cho sự vững bền của nhân dân ta qua bao cơn bão của lịch sử.

Di tích đền Bạch Mã trước đây có lễ hội Nghênh Xuân có nguồn gốc từ thời Lý được tổ chức vào mùa Xuân hằng năm. Lễ hội này không những mang đậm dấu ấn của văn hóa nông nghiệp mà còn là sự kết hợp hài hòa với tín ngưỡng các tôn giáo như Phật giáo hay Đạo giáo.

Ngày nay, lễ hội đền Bạch Mã thường được tổ chức vào ngày 12, 13 tháng 2 âm lịch với những nghi thức tế lễ cùng các hoạt động văn hóa khác. Được tổ chức vào mốc thời gian khởi đầu cho một năm mới, lễ hội mang theo mong ước về một mùa màng bội thu, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.

Trải qua hơn một thiên niên kỷ, ngôi đền thờ thần Long Đỗ từ lâu đã trở thành một di sản lịch sử, văn hóa quan trọng, là một trong những điểm đến tâm linh của nhân dân thủ đô. Đền Bạch Mã đã được xếp hạng Di tích Lịch sử Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia năm 1986.

Các nghi thức trong lễ hội Đền Bạch Mã.

Nằm trên con phố Hàng Buồm nhộn nhịp, bao quanh bởi những cảnh vật đang ngày một đổi thay, chứng kiến thủ đô ngày càng phát triển, đền Bạch Mã vẫn vẹn nguyên nét đẹp cổ kính, độc đáo. Nơi đây vẫn đang ngày qua ngày đón chào những người con đất Việt trở về với những giá trị xưa nhưng không cũ, về với những nét đẹp văn hóa của dân tộc, với những trang sử mãi trường tồn với thời gian.

Sở hữu vẻ đẹp cổ kính, uy nghiêm, đền Voi Phục là một trong “Tứ trấn Thăng Long”. Ngôi đền là nơi thờ phụng thần Linh Lang – một nhân vật lịch sử đã có công giúp vua Lý Thánh Tông dẹp giặc Tống.

Là “Tây trấn chính từ”, đền Voi Phục tọa lạc ở phía Tây thành Thăng Long, nay là phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Ngôi đền nằm trên gò Long Thủ và được bao quanh giữa những tán cây cổ thụ xanh tốt.

TS. Nguyễn Doãn Minh chia sẻ về nguồn gốc của đền Voi Phục: Ngôi đền còn được gọi là đền Linh Lang được bản thần tích trại Thủ Lệ phản ánh xuất hiện vào đời vua Lý Thánh Tông (1054-1072). Đức thần được thờ là Hoàng tử Linh Lang, có nguồn gốc là con của Long Vương thác sinh vào làm con một bà phi của vua Lý Thánh Tông, tên là Hạo nương. Đức thần đã có công giúp vua Lý Thánh Tông đánh giặc Trinh Vĩnh (giặc Tống). Sau khi mất, ngài còn hiển thánh giúp chúa Trịnh Tùng đánh dẹp nhà Mạc. Bản thần tích được Đông các Đại học sĩ ở Hàn Lâm viện soạn vào năm 1572 (niên hiệu Hồng Phúc nguyên niên).”

Vẻ uy nghiêm hiếm có của Đền Voi Phục – Trấn Tây thành Thăng Long xưa.

Tương truyền rằng, Linh Lang Đại vương sinh ra đã có diện mạo tuấn tú, khôi ngô, càng lớn lại càng tỏ rõ là chàng trai văn võ song toàn. Thời thơ ấu, hoàng tử sống cùng mẹ trong cung ở khu Thị Trại, ngày nay là phường Thủ Lệ. Lúc bấy giờ, đất nước rơi vào thế lâm nguy khi giặc Tống liên kết với quân Chiêm Thành lăm le xâm lược bờ cõi Đại Việt. Nhà vua xuống chiếu tìm nhân tài đánh giặc cứu nước. 

Khi sứ giả đi ngang qua Thị Trại, hoàng tử Linh Lang đã nhờ sứ giả về tâu với vua xin một lá cờ hồng, một cây giáo và một thớt voi. Theo huyền tích được lưu truyền trong dân gian, sau khi nhận đủ phẩm vật vua ban, Linh Lang hoàng tử thét lớn: “Ta là thiên tướng” và ngay sau đó con voi phủ phục xuống để hoàng tử ngự lên. Trên lưng voi, hoàng tử Linh Lang chỉ đạo hơn năm nghìn binh mã đánh thẳng vào nơi đóng quân của giặc. Tiếng voi gầm, ngựa hí cùng khí thế hào hùng của quân ta đã khiến giặc Tống sợ hãi phải bỏ cả gươm giáo để chạy thoát thân. 

Vậy nhưng không lâu sau chiến thắng vẻ vang đó, hoàng tử Linh Lang lâm bệnh nặng và qua đời. Nhà vua khi ấy vô cùng tiếc thương bèn phong hoàng tử Linh Lang làm Linh Lang Đại vương và cho lập đền thờ.

Từ đó, để lý giải cho tên đền Voi Phục, dân gian vẫn gắn liền ngôi đền thờ Linh Lang Đại Vương với sự tích con voi phủ phục khi nghe tiếng thét của hoàng tử. Ở cổng đền ngày nay vẫn còn giữ hai bức tượng voi phủ phục hai bên để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng đã đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ bờ cõi.

Với cấu trúc hoành tráng, ngôi đền có tiền đường ba gian hai dĩ, chính điện bày lỗ bộ, bên trái đặt trống đại, bên phải treo chuông đồng, hai đầu hiện có xây áp vào hai mái nhỏ che cặp ngựa tế hồng, bạch.

Hậu cung thượng điện gồm ba gian, có bàn thờ với các pho tượng bằng gỗ và đồng. Mái đền chính được đắp lưỡng long trên nóc, bốn phía có các đầu đao cong vút mang hình rồng, phượng, lân, hổ. Hậu đường, cũng là nơi thờ mẫu thân của thần Linh Lang và Tam tòa Thánh Mẫu, gồm năm gian có cửa bức bàn với kèo cột làm bằng gỗ lim.

Một điều đặc biệt là các pho tượng đá từ thềm tam quan đến thềm hậu đường đều mô phỏng hình con cá sấu trước và trong khi hóa rồng.

Hơn thế nữa, có thể nói, đền Voi Phục là một trong những địa điểm tâm linh được nhân dân hết mực tôn kính. Vào năm 1994, nhân dân Thủ Lệ đã quyên góp để đúc lại quả chuông cao 93cm, thân chia bốn múi và có đúc nổi dòng chữ “Tây trấn thượng đẳng”. Ngôi đền thờ phụng thần Linh Lang chính thức được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1962.

Cận cảnh cặp voi phục ngay sau cổng tam quan Đền Voi Phục.

Nằm ven hồ bên những hàng cây cổ thụ xanh tốt quanh năm, đền Voi Phục luôn toát lên một vẻ đẹp uy nghiêm và cổ kính của một thắng cảnh, là điểm đến tâm linh hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

Di tích lịch sử văn hóa đình- đền Kim Liên nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa thành phố Hà Nội đã được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia – một trong Tứ trấn Thăng Long hay còn được gọi là “Trấn Nam Phương”của thủ đô Hà Nội. Đền (đình) này thờ thần Cao Sơn.

Thần Cao Sơn có sự tích nằm trong hệ thống huyền thoại thời dựng nước và giữ nước đầu tiên được thờ ở rất nhiều nơi, trong địa bàn tụ cư của người Việt cổ. Truyền thuyết về Cao Sơn đại vương rất phong phú và ngày càng được lịch sử hóa. 

Tương truyền, đền được lập nên để thờ Cao Sơn Đại Vương, người đã có công giúp Sơn Tinh chiến thắng Thủy Tinh và sau này giúp vua Lê Tương Dực dẹp loạn, khôi phục nhà Lê. Do đó, vua Lê cho xây đền, dựng bia “Cao Sơn Đại vương thần từ bi minh tự” để hương khói phụng thờ. 

Đền Kim Liên (hay còn gọi là đền Cao Sơn) là trấn phía nam trong tứ trấn của kinh thành Thăng Long xưa.

Đến thời Lê thần Cao Sơn đã được lịch sử hóa, có tên gọi và quê quán. Theo thần tích cổ, Cao Sơn đại vương tên Hiển, là Lạc tướng Vũ Lâm – con trai thứ 17 của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cai quản vùng núi phía Tây Ninh Bình. Đền thờ chính của thần ở huyện Phụng Hóa, nay là đền Láo ở xã Văn Phú, Nho Quan, Ninh Bình.

Theo sử liệu tại đền, đền Kim Liên được xây dựng từ khi vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long để bảo vệ phía Nam kinh thành mới. Đình Kim Liên được xây dựng tựa lên một gò đất cao nhất vùng cũng là nơi mở ra ô Kim Hoa (còn gọi là ô Đồng Lầm), cửa ngõ giao lưu giữa vùng Sơn Nam về với Kinh thành. Xưa vùng Kim Hoa (tên Nôm là Đồng Lầm) là vùng đầm lầy lội, chủ yếu là vùng trũng, đền được xây dựng trên một gò đất cao nhất vùng và thờ thần Cao Sơn Đại Vương cầu thần phù trợ cho việc canh tác, giảm bớt thiên tai cho người dân.

Từ thời xa xưa, Đồng Lầm là vùng có tên đẹp Kim Hoa, tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Đến khoảng đầu đời Vua Thiệu Trị vì kiêng tên húy của mẹ Vua là Hồ Thị Hoa, nên đổi là Kim Liên, sau là tổng Kim Liên. Quá trình lịch sử, Đền được dùng làm trung tâm hoạt động những việc lớn của làng, vì vậy đã mang chức năng của một ngôi đình và gọi theo tên làng nên có tên là Đình Kim Liên như hiện nay.

Về tên gọi, trong Lý lịch khu di tích lịch sử nghệ thuật đình chùa có viết: “Đình còn được gọi là đền Kim Liên, đền Cao Sơn. Văn bản cổ nhất trong di tích hiện còn niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 (năm 1510) ghi tên di tích là “Cao Sơn đại vương thần từ” (Đền thần Cao Sơn Đại Vương)… Di tích trước đây thuộc phường Kim Hoa, sau thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, sau Cách mạng Tháng Tám thuộc làng Kim Liên, xã Phương Liệt, quận 7 Hà Nội. Ngày nay, di tích thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội”.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Doãn Minh hiếm có nơi nào đình – đền là một. Lý giải về vấn đề tên gọi, ông Minh cho biết: “Đền là nơi thờ vị thần Cao Sơn Đại Vương. Sau này, đền trở thành nơi hội họp của làng xã để quyết định những công việc chính trong một năm nên trở thành trung tâm hành chính. Khi là trung tâm hành chính thì trở thành đình, đình thờ thành hoàng mà Cao Sơn Đại Vương là thần hoàng quản thổ, vừa là thần hoàng, vừa là người cai quản ở đất này nên đã đề nghị ghi: Đền – đình Kim Liên”.

Xoay quanh vấn đề định danh cho di tích này, nhà báo Lê Tiên Long cũng cho rằng, trước đây có thể là một ngôi đền thờ thần Cao Sơn kiến trúc ban đầu của nó là một ngôi đền. Sau này người dân Kim Liên đã lập thêm tam quan ở phía trước đền, bổ sung một số kiến trúc mới tạo thành đình Kim Liên.

Di vật quan trọng nhất của đền Kim Liên là tấm bia đá rất lớn được chạm khắc tinh xảo, cao 2,34m, rộng 1,57m, dày 0,22m. Bia có khắc: “Cao Sơn Đại Vương thần từ bi minh” do sử thần Lê Tung soạn năm 1510 nói về công lao của thần Cao Sơn Đại Vương trong việc ngầm giúp vua Lê giành lại ngai vàng từ tay ngoại thích. Đến nay, tại đình Kim Liên còn lưu giữ 39 đạo sắc phong cho thần Cao Sơn Đại Vương, 26 sắc phong thời Lê Trung Hưng, 13 sắc phong thời nhà Nguyễn.

Cũng theo đó, chuyên gia văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh phân tích, nếu đền Kim Liên là một trong Tứ trấn của Thăng Long như quan niệm ngày nay thì ngôi đền có niên đại khởi dựng từ thời Lý. Tấm bia này được dựng vào tháng 8 năm Cảnh Hưng thứ 33 ( năm 1772) để khắc nội dung một văn bản có niên đại vào năm 1510. Điều này đưa ra giả thiết về sự hiện diện của ngôi đền cùng với niên đại của tấm bia. Theo đó, đền Kim Liên xuất hiện muộn nhất vào năm 1772”.

Rễ cây đa bao bọc tấm bia đá cổ ở đền Kim Liên.

Đồng tình với quan điểm trên, nhà báo Lê Tiên Long cũng chia sẻ: “Tuy đền Kim Liên được xây dựng muộn nhất trong “Thăng Long Tứ trấn”, nhưng sự tích về vị thần được thờ trong đền lại rất cổ xưa. Bởi đền thờ Cao Sơn đại vương là thần của núi, theo tương truyền thì có họ hàng với đức thánh Tản Viên, lại có thuyết nói thần Cao Sơn là con của Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ. Đây là một trong những tổ phát tích ra dân tộc Việt Nam”.

Đình và đền Kim Liên được xây dựng trên một gò đất cao ở phía Đông đầm Kim Liên. Cổng và cửa chính điện đều hướng về phía Tây, trông ra đầm Kim Liên (đầm này nay không còn do bị lấp đi để làm đường vành đai 1). 

Kết cấu đình và đền Kim Liên gồm có Nghi môn, Đại bái và Cung cấm. Nghi môn là một nếp nhà ba gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Nhà đại bái gồm 5 gian mới được thành phố tôn tạo trong dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Hà Nội, với kiểu dáng kiến trúc truyền thống.

Hậu cung là một nếp nhà ba gian dọc, xây gạch trần mái lợp ngói ta. Gian cuối cùng là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương và hai nữ thần phối hưởng là Tôn nữ Động Hồ Trưng Vương và Huệ Minh công chúa.

Với kiến trúc độc đáo và lễ hội đầy màu sắc, đền (đình) Kim Liên đang lưu giữa những giá trị văn hóa, lịch sử vô giá. Đó chính là chiếc cầu nối truyền thống ngàn năm của Kinh Đô Thăng Long xưa truyền lại tới Hà Nội hôm nay.

Năm 1990, đền Kim Liên đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày nay, đình đã được tu bổ và xây mới lại trên nền của di tích cũ. 

Trước đây, lễ hội đền Kim Liên thường diễn ra từ ngày 11/3 đến 16/3 âm lịch nhưng nay chỉ gói gọn trong hai ngày 15 – 16/3 và lễ hội chính là ngày 16 tháng 3 âm lịch hàng năm – đây là ngày sinh của thần Cao Sơn.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh giải thích rõ hơn về truyền thống lễ hội : “Trong dịp lễ hội mọi người có cơ hội chung vui ăn uống, cùng tiến hành những hoạt động vui chơi giải trí, cùng tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn đối với thần Cao Sơn Đại Vương. Lễ hội làng Kim Liên không chỉ có người dân trong làng mà cả khách thập phương đều thể hiện sự tôn sùng và thành kính mong muốn vị thần dân làng đang thờ che chở bảo vệ, ban phúc lộc cho họ trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy mà mối liên kết giữa các thành viên trong làng ngày càng chặt chẽ hơn. Lễ hội là cầu nối giữa hiện tại và quá khứ, góp phần củng cố thêm tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm tạo nên sức mạnh tập thể cộng đồng…”

Thông qua lễ hội đền đình làng nhân dân muốn thể hiện lòng thành kính và biết ơn đối với thần Cao Sơn Đại Vương. Đó là truyền thống hướng về cội nguồn lịch sử, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tôn vinh những người anh hùng dân tộc. Truyền thống cần được phát huy không chỉ trong hiện tại mà cả trong tương lai.

Tín ngưỡng, tôn giáo của người dân làng Kim Liên là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người dân làng thờ phật, thờ Mẫu, thờ Thánh, thờ Thành hoàng Làng, có nhiều gia đình thờ Bác Hồ.

Ngày nay, giá trị của di tích đền – đình Kim Liên còn được thể hiện qua văn hóa vật chất tinh thần ngày càng phát huy hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, hướng đến các thế hệ trẻ, biết rằng nơi đây chính là cội nguồn tạo nên một sự đoàn kết, hướng con người đến những điều thiện, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho cộng đồng hăng say lao động sản xuất.

Trải qua hơn nghìn năm, đền Quán Thánh hay Trấn Vũ Quán nổi tiếng linh thiêng, thuộc một trong “Thăng Long Tứ trấn” của đất kinh kỳ xưa. Đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một vị thần trấn giữ hướng Bắc kinh thành Thăng Long. 

Đền Quán Thánh nằm bên ngã ba đường Thanh Niên – Quán Thánh. Ban đầu, ngôi đền này nằm ở phía Nam sông Tô Lịch.

Theo nhiều sử sách để lại, Trấn Vũ là tên gọi tại Việt Nam của thần Chân Vũ, người Việt còn gọi là Trấn Võ, là một trong những vị thần được thờ phụng phổ biến tại Trung Quốc và các nước Á Đông. Vị thần này tượng trưng cho sao Bắc cực, và là một vị thần lớn của đạo Giáo thống trị phương Bắc, kiêm quản lý các loài thủy tộc nên cũng được coi là thủy thần hay hải thần. 

Theo tài liệu của Ban Quản lý đền Quán Thánh, tương truyền Huyền Thiên Trấn Vũ là vị thiên thần trấn cửa Bắc môn thiên phủ vào thời nhà Tùy (năm 589-600) giáng sinh đầu thai làm con vua nước Tĩnh Lạc (Trung Quốc). Lớn lên, Huyền Thiên bỏ ngôi hoàng tử, vào tu ở núi Vũ Dương (Trung Quốc).

Cổng tam quan của đền Quán Thánh ở Hà Nội thập niên 1890.

Sau 42 năm tu luyện, Huyền Thiên đắc đạo, sang du ngoạn nước ta, đến sông Nhị Hà, làng Long Đỗ (Hà Nội ngày nay) vào tu đạo tại một ngôi đền bên Hồ Tây, dùng đạo pháp khử trừ các loại yêu quái để cứu dân rồi hóa. Do đó, người dân nhớ ơn nên lập đền thờ tại phường Đồng Xuân, huyện Thọ Xương gọi là Huyền Thiên Quan.

Cũng theo tài liệu của Ban Quản lý đền, còn một truyền thuyết nữa liên quan đến Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo tài liệu này, vào đời Hùng Vương, tại rừng Thiết Lâm, làng Long Đỗ có hồ tinh 9 đuôi làm hại dân. Ngọc Hoàng sai thần Huyền Thiên hạ giáng, dùng phép thuật giết hồ tinh rồi cả khu Thiết Lâm sụp xuống thành hồ (tức là Hồ Tây ngày nay). Vì thế, Vua Lý Thái Tổ sau khi xây thành Thăng Long cho lập đền thờ Huyền Thiên ở phía tây bắc thành để trấn yêu quái.

Còn truyền thuyết Việt Nam cho rằng, Trấn Vũ là vị thần ở núi Sái (nay thuộc làng Thụy Lôi, huyện Đông Anh) có công giúp An Dương Vương trừ tà ma quấy rối việc xây thành Cổ Loa. Ông từng du ngoạn Hồ Tây và trừ hồ tinh chín đuôi lẩn quất ở núi đá cạnh hồ.

Chia sẻ về vấn đề này, theo nhà báo Lê Tiên Long, Thánh Trấn Vũ là một hình tượng kết hợp nhân vật thần thoại Việt Nam (ông Thánh đã giúp An Dương Vương trừ ma trong khi xây dựng thành Cổ Loa) và nhân vật thần thoại Trung Quốc Chân Võ Tinh quân (vị Thánh coi giữ phương Bắc). Nhà báo Tiên Long đánh giá, đây là dấu hiệu ảnh hưởng của Đạo giáo du nhập vào và bản địa hóa ở nước ta. 

Nhà báo Lê Tiên Long cho hay, Đền Quán Thánh nằm bên bờ Hồ Tây, gần với tiếng chuông của chùa Trấn Vũ đã cùng nhau hòa nhịp với thiên nhiên, góp phần tạo nên khung cảnh lãng mạn, nên thơ, không kém phần cổ kính, mang dấu ấn của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Có thể thấy, Đền Quán Thánh thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ đã đi vào ký ức thiêng liêng của nhiều thế hệ, của bao tao nhân mặc khách qua câu ca dao:

“Gió đưa cành trúc la đà

Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”.

Tư liệu lịch sử cũng ghi chép, Đền Quán Thánh được xây dựng từ thời nhà Lý, đã từng trải qua nhiều lần tu sửa, đây chính là 1 trong rất ít di tích lịch sử còn mang lại những dấu ấn của Đạo giáo – tôn giáo từng cực kỳ thịnh hành tại nước ta thời xưa. Sau khi dời đô về Thăng Long, vua Lý Công Uẩn cho dời đền về vị trí như ngày nay, với hy vọng Huyền Thiên Trấn Vũ sẽ giúp việc trị thủy quái Hồ Tây và trấn giữ mặt Bắc thành Thăng Long. Đền được gắn biển là Công trình 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Trao đổi với VietnamPlus, Tiến sỹ Nguyễn Doãn Minh cho biết: “Đền Quán Thánh tức Chân Vũ quán thờ đức Huyền Thiên Thượng đế được xây dựng vào năm 1102 từ thời Lý. Tục thờ Đức thần Huyền Thiên Thượng đế khi du nhập vào nước ta đã được Việt hóa và trở thành một biểu tượng của sức mạnh chống thiên nhiên và ngoại xâm của dân tộc. Đức thần Huyền Thiên Thượng đế không chỉ còn là một vị thần của Đạo giáo mà thực sự đã trở thành một Phúc thần của kinh thành Thăng Long”.

“Một số nguồn tư liệu cũng cho biết thêm, đền Quán Thánh được khởi dựng từ thời Lý. Sách Lĩnh Nam chích quái chép, đền được dựng ở gần đầm Thây Cáo hồ Tây để thần trị yên loài tinh cáo trắng 9 đuôi đã gây nhiều tai họa cho dân cư một đầu thời vua Lý Thái Tổ (1010-1028). Còn sách Đại Việt sử lược (thế kỷ XIV) ghi lại, vào Năm Nhâm Ngọ thời vua Lý Nhân Tông (1072-1127)) đã xây cất nhà chùa ba ngôi là: Khai Nguyên, Thái Dương và Bắc Đế, chính vì thế cho thấy niên đại dựng đền Quán Thánh là khá tin cậy”- TS. Nguyễn Doãn Minh giải thích.

Là một ngôi đền với lối kiến trúc khá độc đáo, hằng năm thu hút đông đảo người dân đến tham quan, trong đền có thờ một pho tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ được đúc vào năm 1677. Vị quan trực tiếp chỉ huy đúc tượng Thánh Huyền thiên Trấn Vũ là Vũ Công Chấn. Ông cho đúc tượng Huyền thiên Trấn Vũ bằng đồng hun đen, thay cho pho tượng bằng gỗ trước đó. Đặc biệt, pho tượng này đã được công nhận là 1 trong những bảo vật quốc gia năm 2016.

Bức tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96 m, nặng 4 tấn trong đền Quán Thánh.

Được biết, bức tượng đồng đen Huyền Thiên Trấn Vũ cao 3,96 m, nặng 4 tấn. Tượng có đầu tròn, đội mũ ni, tai to, khuôn mặt đầy đặn với đôi mắt mở to, mũi cân phân, miệng ngậm, râu dài…Tượng toát lên vẻ uy nghi, đầy sức mạnh nhưng rất tinh tế ở các đường nét, có hồn và mang dáng vẻ riêng biệt. Trên mình tượng mặc áo đạo sĩ, ngồi trên một tảng đá lớn, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quấn và chống lên lưng vị rùa. Sở dĩ tượng cầm thanh kiếm chống lên lưng rùa và tay kiếm có rắn quấn quanh vì Trấn Vũ là vị thần nổi tiếng của Đạo giáo, có tài bắt quyết trừ ma, nhất là trong việc hàng phục rùa và rắn đã trở thành loài yêu quái.

“Pho tượng này nói lên trình độ đúc đồng của nhân dân ta thế kỉ 17 rất đặc sắc với những đường nét tinh xảo, mềm mại không ở đâu có, nó là nguồn tư liệu sáng giá để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về kỹ thuật đúc đồng của người Việt, cùng những vấn đề về lịch sử – văn hóa, kinh tế – xã hội ở nước ta thời trung đại, đặc biệt là trong giai đoạn thế kỷ XVII – XVIII. Đây không chỉ là một pho tượng thiêng mà còn được đánh giá là một công trình kiến trúc độc đáo-nghệ thuật đúc đồng và sự tài hoa của những người nghệ nhân Việt Nam các thể kỷ về trước”- nhà báo Lê Tiên Long đánh giá.

Ngoài pho tượng đồng nổi tiếng trên, đền Quán Thánh còn có những đồ vật bằng đồng rất lớn khác như chiếc khánh đồng từ thời Tây Sơn, đôi đèn bằng đồng chạm trổ rất cầu kỳ, cùng vạc đồng, lư hương đồng… và 52 bộ hành phi câu đối từ các thời.

Đền Quán Thánh nằm góc đường Cổ Ngư xưa (nay là đường Thanh Niên, phường Quán Thánh, quận Ba Đình).

Đền Quán Thánh còn nổi tiếng với vẻ đẹp của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Trên các bộ phận kiến trúc bằng gỗ của ngôi đền các đề tài như tứ linh, dơi, cá, tùng, trúc, cúc, mai, lẵng hoa, bầu rượu, thanh gươm, cảnh sinh hoạt của trần gian và thượng giới… được chạm khắc một cách tinh xảo mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê.

Bức phù điêu chạm khắc cảnh sinh hoạt của Tam Phủ trước nhà Đại Bái.

Với dòng lịch sử, kiến trúc nghệ thuật độc đáo, những bảo vật quý giá và cả những truyền thuyết kỳ bí, đền Quán Thánh luôn là một trấn giữ phía Bắc uy nghiêm và huyền bí của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Đền Quán Thánh không chỉ là một công trình độc đáo về mặt kiến trúc mà còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa của người Hà Nội xưa. Đến nay, vào ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch hằng năm, đền đều tổ chức lễ hội để người dân tưởng nhớ người đã có công diệt trừ tà ma, yêu quái để người dân luôn được bình yên. Bên cạnh đó, vào những ngày mùng một, rằm hoặc lễ tết ngôi đền này cũng đón tiếp rất nhiều du khách và người dân đến dâng hương, cầu bình an, tài lộc.

Nội dung: Hào Nguyễn – Khánh Linh – Thuý Hằng
Ảnh/Thiết kế: Hào Nguyễn