Thành phố Thủ Đức: Kết nối đô thị sáng tạo tương tác cao

ttxvn2812th-1609144089-75.jpg

Ngày 31/12/2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Thủ Đức.

Đây cũng là cơ sở pháp lý để thành phố triển khai xây dựng Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông tại thành phố Thủ Đức.

Thực hiện nhiệm vụ này, thành phố sẽ tổ chức nhiều phần việc liên quan đến quy hoạch cho đến kêu gọi đầu tư vào từng khu vực, từng dự án thành phần…

Hiện tại, kết nối thành phố Thủ Đức với các khu vực khác, bao gồm khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận gồm Đồng Nai, Bình Dương vẫn chỉ là kết nối hiện hữu của ba quận gồm Quận 2, Thủ Đức và Quận 9.

Ngoài các kết cấu hạ tầng kết nối được hình thành từ trước khi có quy hoạch thành phố Thủ Đức và trong quy hoạch hạ tầng khu Đông Thành phố Hồ Chí Minh cũng chưa có dự án nào được bổ sung mới.

TTXVN giới thiệu loạt 4 bài viết về hiện trạng thành phố Thủ Đức hiện nay và định hình trong tương lai khi triển khai các nội dung quy hoạch cũng như vai trò liên kết phát triển giữa khu vực này với các địa phương lận cận về hạ tầng giao thông, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển mới của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như của cả khu vực phía Nam./.

Định hình “thành phố trong thành phố”

Việc thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh không phải bước đột phá trong tư duy mà đã được quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Việc Thành phố Hồ Chí Minh công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Thủ Đức trở thành một dấu mốc quan trọng để chính thức thực hiện xây dựng mô hình “thành phố trong thành phố.”

Tuy nhiên, với Thành phố Hồ Chí Minh, đây được kỳ vọng sẽ là mô hình tạo nên đột phá mới, thúc đẩy phát triển nhanh của thành phố trong giai đoạn tới.

Dự kiến vào ngày 31/12 tới đây, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ công bố Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Thủ Đức, một dấu mốc quan trọng để chính thức thực hiện xây dựng mô hình “thành phố trong thành phố.”

Chiếm 7% GDP cả nước

Thành phố Thủ Đức trực thuộc Thành phố Hồ Chí Minh trên cơ sở sắp xếp Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức có diện tích 211,56km2, dân số hơn 1 triệu người, với 34 phường.

Về vị trí, thành phố Thủ Đức giáp Quận 1, Quận 4, Quận 7, Bình Thạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mục tiêu cốt lõi của thành phố Thủ Đức là trở thành hạt nhân thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/12 để xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/12 để xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Giai đoạn 2017-2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế 3 quận trên luôn đạt hơn 10% gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ các ngành dịch vụ, công nghiệp, xây dựng.

Thông tin về các chỉ tiêu và tiến độ quy hoạch, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết dự kiến dân số thành phố Thủ Đức cư trú sẽ đạt mức 1,5 triệu người vào năm 2030, đạt mức 1,9 triệu người vào năm 2040 và đạt mức 3 triệu người vào năm 2060. Vì thế quy hoạch đô thị sẽ tính toán cho mức dân số tối đa để chuẩn bị cho nhu cầu tương lai.

Cụ thể, giao thông công cộng cần đáp ứng 50%-60% nhu cầu đi lại. Mạng lưới đường trục chính đô thị cần hoàn thiện với khoảng cách giữa các tuyến đường từ 4-6km.

Đến năm 2040, đảm bảo 10% diện tích thành phố Thủ Đức sẽ là công viên, 1.000-1.200ha đất công nghiệp sẽ được bố trí để đảm bảo không gian sản xuất công nghệ cao và nghiên cứu phát triển.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố Thủ Đức sẽ là hạt nhân và một cực tăng trưởng mới thúc đẩy phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, qua đó góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại, hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp hội nhập quốc tế.

Về tổng thể, thành phố Thủ Đức có vị trí quan trọng trong vùng tam giác Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bà Rịa Vũng Tàu, là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa Thành phố với các tỉnh Đông Nam Bộ.

Nằm ở cửa ngõ Đông Bắc Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức tiếp giáp khu vực trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, giáp thành phố Biên Hòa, Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, thành phố Dĩ An và thành phố Thuận An của tỉnh Bình Dương.

Hiện nay Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức cũng đã hình thành các nền tảng quan trọng, gồm khu Công nghệ cao quy mô 913 ha (Quận 9) có tỷ lệ đầu tư lấp đầy khoảng 90% với 156 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 7,1 tỷ USD.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh cạnh Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Đại lộ Nguyễn Văn Linh cạnh Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (quận Thủ Đức) diện tích khoảng 643ha, có trên 10.000 giảng viên, trong đó có hơn 1.000 giáo sư, tiến sỹ và khoảng 100.000 sinh viên.

Trong khi đó, Khu Trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm có diện tích khoảng 657ha, chức năng chính là trung tâm thương mại, tài chính, dịch vụ và dân cư hiện đại.

Cùng với vị trí địa lý thuận lợi, thành phố Thủ Đức cũng có hạ tầng giao thông tương đối phát triển.

Hệ thống hạ tầng đồng bộ gồm có tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, cảng Cát Lái…

Dự kiến, sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp khoảng 7% GDP của cả nước.

Thông qua những thay đổi trong cơ chế phân cấp về ngân sách, Thành phố Hồ Chí Minh được tăng cường khả năng huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực tại thành phố Thủ Đức theo cơ chế phân bổ có yếu tố ưu tiên đối với các ngành đặc thù mũi nhọn, phù hợp theo định hướng đô thị sáng tạo.

Mặt khác, việc xác định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền sẽ dần hình thành nền tảng vững chắc cho các cam kết của chính quyền với nhà đầu tư, đảm bảo tính ổn định của các cơ chế, chính sách.

“Phác thảo” thành phố Thủ Đức tương lai

Theo đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, thành phố Thủ Đức sẽ có 8 khu vực trọng tâm.

Cụ thể, Khu đô thị mới Thủ Thiêm giữ vai trò là trung tâm công nghệ tài chính, là vị trí lý tưởng cho các hoạt động đổi mới sáng trong cự ly gần tới trung tâm hiện hữu thành phố. Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc nhằm phát triển thể dục thể thao và chăm sóc sức khoẻ thể chất và tinh thần.

Các phương tiện lưu thông qua Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Các phương tiện lưu thông qua Hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho rằng, đây là một trong các lợi thế cạnh tranh giúp Thành phố Hồ Chí Minh trở nên khác biệt với các đô thị trong Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, giúp cho việc thu hút người lao động có thu nhập cao chọn địa điểm sinh sống tại Thành phố.

Khu công nghệ cao – Trung tâm sản xuất tự động hóa và Khu công viên khoa học sẽ tạo ra sản phẩm mang tính đột phá, tự động sản xuất, trở thành nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương.

Khu Đại học Quốc gia thành phố – Trung tâm công nghệ thông tin và công nghệ giáo dục là một quần thể giáo dục đào tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Về chức năng phát triển đô thị, Khu Tam Đa, Long Phước – Trung tâm công nghệ sinh thái, được quy hoạch sẽ tận dụng các điều kiện tự nhiên của khu vực phía Đông Quận 9 để thúc đẩy du lịch sinh thái, đặt ga đường sắt cấp vùng và trung tâm chế biến thực phẩm để hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ẩm thực cũng như nông nghiệp công nghệ cao trong khu vực.

Quy hoạch thành phố Thủ Đức sẽ được cập nhật vào quy hoạch điều chỉnh chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Đây là cơ sở cho sự gắn kết, liên kết phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Khu Tam Đa sẽ cung cấp một cơ hội cho sự sáng tạo trong thiết kế và vận hành, vừa kết nối với các hạ tầng giao thông quan trọng bao gồm cả tuyến đường cao tốc và đường sắt nối với sân bay quốc tế mới, vừa cho phép phát triển có giới hạn và sử dụng kỹ thuật cao để giảm thiểu tác động môi trường, vừa bảo tồn các khu vực đa dạng nhất về sinh học.

Trong khi đó, Khu Trường Thọ – Đô thị tương lai phát triển theo mô thành phố thông minh, một “phòng thí nghiệm đô thị” tích hợp công nghệ vào đời sống thường nhật. Những ý tưởng độc đáo và có tính cách mạng nhất về công nghệ sẽ diễn ra tại đây.

Là trung tâm kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ, Khu cảng quốc tế Cát Lái sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của cảng Cát Lái, chuyển đổi công nghệ cảng để hoạt động hiệu quả hơn.

Thủ Đức cũng sẽ là trung tâm khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam được quy hoạch nhằm tạo ra môi trường khởi nghiệp, kinh doanh và kinh tế sáng tạo với chi phí hạ tầng rẻ nhất để khuyến khích các hoạt động kinh tế khởi nghiệp.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, thành phố Thủ Đức sẽ có 3 giai đoạn phát triển; trong đó giai đoạn 1 (2020-2022) là giai đoạn khởi tạo, giai đoạn 2 (2023-2030) là giai đoạn triển khai, giai đoạn 3 (2030-2040) là giai đoạn hoàn thiện. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2020-2025 nhu cầu vốn nhà nước đi vay hoặc phát hành trái phiếu ước tính hơn 41.660 tỷ đồng.

Hiện thành phố đang khẩn trương các công việc để sớm hoàn thiện đồ án quy hoạch, tổ chức hội nghị kêu gọi đầu tư vào từng khu vực, lập dự án thành phần…

Quy hoạch thành phố Thủ Đức sẽ được cập nhật vào quy hoạch điều chỉnh chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Đây là cơ sở cho sự gắn kết, liên kết phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông./.

Khoang chở khách trên toa xe của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Khoang chở khách trên toa xe của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Trung tâm kết nối, phát triển vùng

Khu vực phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mạnh trong tương lai, đặc biệt khi đề án thành lập thành phố Thủ Đức được triển khai.

Đây là khu vực có khả năng kết nối thuận lợi với Bình Dương, Đồng Nai nhờ hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, từ các tuyến đường đã và đang hình thành, cùng các cảng biển, cảng cạn, tạo điều kiện phát triển kinh tế trong vùng.

Quy hoạch nhiều tuyến đường trọng điểm

Những năm gần đây, Thành Hồ Chí Minh đã tiến những bước dài trên con đường phát triển về thương mại, dịch vụ, công nghệ và hạ tầng đô thị.

Tại khu vực phía Đông, hạ tầng giao thông đô thị đa phương thức có nhiều chuyển biến mạnh mẽ với sự xuất hiện hàng loạt công trình trọng điểm tạo điều kiện kết nối thành phố Thủ Đức với Bình Dương, Đồng Nai.

Khu vực phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ nhiều yếu tố để phát triển mạnh trong tương lai, đặc biệt khi đề án thành lập thành phố Thủ Đức được triển khai.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, với việc hợp nhất ba quận để thành lập thành phố Thủ Đức, khu vực này sẽ có vị trí địa lý trung tâm miền Đông Nam Bộ với hệ thống giao thông được đầu tư phát triển đồng bộ, thuận lợi để kết nối, hợp tác phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận.

Đó là tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên, dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2021; đường vành đai 3 (Mỹ Phước-Tân Vạn-Nhơn Trạch), cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành-Dầu Giây, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 1K, Xa lộ Hà Nội.

Giữa năm 2020, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2030, với nhu cầu vốn đầu tư khoảng 952.000 tỷ đồng.

Đường ray tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đã được các đơn vị thi công lắp đặt. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Đường ray tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên đã được các đơn vị thi công lắp đặt. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, quan điểm phát triển giao thông vận tải thành phố phải gắn liền với địa lý vùng để đảm bảo giao thông thuận tiện giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các đô thị vệ tinh trong khu vực, với cả nước và quốc tế.

Phát huy vai trò đặc biệt của thành phố trong mối quan hệ với vùng Thành phố Hồ Chí Minh và mục tiêu phát triển trở thành đầu mối giao thông của vùng, đảm bảo sự động bộ cả về chức năng, vị trí, cấp kỹ thuật và quy mô quy hoạch.

Hiện nay, các địa phương như Bình Dương, Đồng Nai cũng đã và đang triển khai, quy hoạch các dự án giao thông mang tính kết nối vùng. Đầu năm 2020, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã phê duyệt dự án đầu tư nâng cấp mở rộng đường Quốc lộ 13 nối ranh từ quận Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) đến trung tâm thành phố Thủ Dầu Một.

Công trình dự kiến thực hiện từ nay đến năm 2023 tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.400 tỷ đồng.

Một trong dự án hạ tầng giao thông đang thu hút sự chú ý lớn ở Bình Dương là tuyến xe buýt nhanh (BRT) do Công ty Liên doanh Becamex-Tokyu làm chủ đầu tư.

Quy mô đầu tư 1.827 tỷ đồng, với chiều dài 30,8km, đây là dự án mang tầm chiến lược hoạch định cả về hạ tầng giao thông và phát triển đô thị.

Dự án sẽ kết nối thành phố mới Bình Dương đến ga Suối Tiên của metro số 1 Thành phố Hồ Chí Minh, giúp mở rộng liên kết vùng, đặc biệt tạo liên kết giữa Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, góp phần kết nối nhanh và rút ngắn giữa các trục giao thông giữa ba địa phương.

Trong khi đó, tại huyện Nhơn Trạch và Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang triển khai xây dựng đường 319, trực tiếp kết nối cảng Phước An với cao tốc Bến Lức-Long Thành, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu).

Tháng 10 vừa qua, Đồng Nai khởi công xây dựng cầu Vàm Cái Sứt trên tuyến Hương lộ 2 (Biên Hòa), dự kiến sẽ hoàn thành sau 18 tháng, sẽ kết nối toàn bộ Hương lộ 2 với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.

Trước đó, tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái nhằm thay thế phà Cát Lái.

Đây là cầu vượt sông Đồng Nai, nối huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) với Quận 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), giúp kết nối giữa Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh cũng như toàn khu vực Đông Nam Bộ.

Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, cho biết những năm tới, Đồng Nai sẽ là một đại công trường với hàng loạt dự án lớn về hạ tầng được triển khai. Khi đường 319 và cầu Vàm Cái Sứt hoàn thành sẽ phá vỡ những bế tắc trong kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp trên địa bàn Long Thành, Nhơn Trạch và Biên Hòa (Đồng Nai) với Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu.

Các công trình này sẽ giảm tải cho cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Quốc lộ 51, giúp phương tiện, hàng hóa dễ dàng lưu thông, tiết kiệm thời gian đi lại Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Nai.

Phát huy lợi thế cụm cảng

Cùng với đường bộ, khu vực phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh cũng có hệ thống giao thông đường thủy phát triển với sông Sài Gòn và sông Đồng Nai…

Đây là khu vực thuận lợi để phát triển ngành hậu cần logistics phân phối vận chuyển hàng hóa bằng cách kết nối luồng vận chuyển đa phương thức bao gồm hàng hải (cụm cảng Cái Lái-Phú Hữu), đường sắt, đường bộ (cảng ICD Long Bình, Bến xe miền Đông mới) và đường thủy nội địa.

 Cảng Tân Cảng-Cát Lái. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
 Cảng Tân Cảng-Cát Lái. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cảng Cát Lái, cảng biển lớn nhất Việt Nam sẽ thuộc khu vực thành phố Thủ Đức tương lai, là nền tảng quan trọng phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh có 5 cảng cạn (ICD) đang hoạt động tại khu vực phường Trường Thọ (Thủ Đức).

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cụm ICD Trường Thọ nằm ở cửa ngõ phía Đông Thành phố, kết nối bằng đường bộ với Xa lộ Hà Nội qua Đường số 1, số 2 của phường Trường Thọ và kết nối bằng đường thủy qua sông Sài Gòn.

Đây là mắt xích đặc biệt quan trọng trong hệ thống hạ tầng trung chuyển hàng hóa tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, đóng vai trò hậu phương cho các cảng biển tại Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tại Bình Dương, hiện địa phương đang quy hoạch xây dựng 4 cảng đường sông trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai, là các cảng chuyên đáp ứng trung chuyển hàng hóa phục vụ nhu cầu logictis của các doanh nghiệp.

Cảng Thạnh Phước là cảng sông đầu tiên của tỉnh Bình Dương nằm tại hữu ngạn sông Đồng Nai đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1.

Đây là cảng thủy nội địa cấp 3 được sử dụng để bốc xếp hàng hóa tổng hợp và container với quy mô 63ha, tổng công suất bốc dỡ 1-5 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, Bình Dương cũng có cảng An Sơn có khả năng tiếp nhận xà-lan từ 1.000 tấn đến 2.200 tấn; đang tập trung đẩy nhanh hoàn thành xây dựng cảng An Tây trên sông Sài Gòn có thể đón tàu có tải trọng 2.000 tấn…

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao cho biết tỉnh rất quan tâm về phát triển giao thông đường thủy; trong đó chú trọng quy hoạch nhiều cảng chuyên dụng về trung chuyển hàng hóa.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng cảng An Sơn, cảng An Tây trên sông Sài Gòn và các cảng có công suất lớn trên sông Đồng Nai…

Đây là trục giao thông đường thủy huyết mạch trung chuyển container ra các cảng biển lớn; đồng thời cũng là giải pháp giảm tải cho giao thông đường bộ.

Tại Đồng Nai, theo quy hoạch, trên địa bàn tỉnh sẽ có 44 cảng trên 4 sông lớn gồm sông Đồng Nai, Nhà Bè, Long Tàu và Thị Vải.

Năm 2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cấp phép đầu tư dự án cảng Phước An (huyện Nhơn Trạch), đây là dự án cảng quy mô lớn của tỉnh Đồng Nai và hiện đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng.

Dự án có diện tích hơn 180ha, nơi đây chủ yếu tiếp nhận tàu tổng hợp, container tải trọng đến 60 ngàn DWT, gồm 10 bến tàu có tổng chiều dài hơn 3.000m.

Theo Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai, đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai mới chỉ có 21 cảng đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, chưa bằng 1 nửa tổng số cảng đã được quy hoạch. Trong số này có 2 cảng có quy mô trên 100ha gồm cảng Nhà máy luyện phôi thép Sunsteel (Nhơn Trạch) và cảng Vedan (Long Thành).

Việc tập trung quy hoạch các cảng sông và phát huy tốt lợi thế giao thông đường thủy trên sông Đồng Nai và Sông Sài Gòn, giải tỏa rất lớn cho giao thông đường bộ đang bị quá tải và ách tắc nhiều tuyến đường dẫn về các cảng biển lớn.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn là các trục đường kết nối đến cảng sông cần sớm đầu tư mở động để đảm bảo cho vận tải logistics.

Điều này sẽ tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa từ các khu công nghệ cao, khu công nghiệp trong vùng./.

Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Quy hoạch dựa trên kinh tế tri thức

Phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh cũng như khu vực lân cận như Bình Dương, Đồng Nai hiện có nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội với các trường đại học, khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Định hướng thành lập thành phố Thủ Đức hướng tới khu đô thị tương tác cao, với nền tảng khoa học công nghệ phát triển, sẽ là tiền đề phát triển kinh tế tri thức trong vùng.

Sáng tạo trong vùng công nghệ cao

Nhằm hình thành trung tâm động lực tăng trưởng mới cho Thành phố Hồ Chí Minh trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ năm 2018, thành phố đã triển khai xây dựng đề án Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, với quy hoạch là thành phố Thủ Đức tương lai.

Định hướng thành lập thành phố Thủ Đức hướng tới khu đô thị tương tác cao, với nền tảng khoa học công nghệ phát triển, sẽ là tiền đề phát triển kinh tế tri thức trong vùng.

Hiện nay, khu vực phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh bước đầu hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành và phát triển mạnh mẽ, có sự tham gia của nhiều trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, thuận lợi tạo ra được các sản phẩm mang hàm lượng khoa học-công nghệ cao.

Điển hình, Khu Công nghệ cao và Khu Đại học Quốc gia thành phố tập trung 12 trường đại học, viện nghiên cứu có vị trí chủ đạo, đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo khu vực này.

Với 18 năm hình thành và phát triển, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh hiện thu hút thành công nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao như Intel, Nidec, Jabil, Sonion, Sanofi, FPT, Nipro, Datalogic, Samsung,… với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Khu Công nghệ cao được xác định là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố.

Khu Công nghệ cao, quận 9. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Khu Công nghệ cao, quận 9. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Đây là nơi cung cấp và nuôi dưỡng những ý tưởng khoa học và công nghệ, thu hút vốn, công nghệ, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước, thích nghi với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Việc phát triển Khu đô thị sáng tạo tại thành phố Thủ Đức sẽ gặp nhiều thuận lợi trong kết nối vùng, với “Vùng đổi mới sáng tạo” của Bình Dương và định hướng phát triển công nghệ cao của Đồng Nai.

Hiện Bình Dương đặt quyết tâm nâng dần chất lượng về phát triển, thu hút đầu tư gắn với sản xuất theo xu hướng khoa học – công nghệ tiên tiến, ít thâm dụng lao động từ nay đến năm 2030, biến Bình Dương thành “Vùng đổi mới sáng tạo.”

Mục tiêu là xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh có một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo rộng hơn, tạo nền tảng để xây dựng một môi trường đầu tư hấp dẫn, từng bước trở thành vùng sản xuất thông minh, tạo ra giá trị hàng hóa có chất xám cao và một môi trường sống lành mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, định hướng của tỉnh là phát triển công nghiệp phải gắn liền với phát triển khoa học-công nghệ; phát triển kinh tế của tỉnh gắn với phát triển kinh tế của vùng. Nhận thức của Bình Dương rất rõ ràng, đó là Bình Dương sẽ có nền khoa học-công nghệ phát triển ngang tầm với các tỉnh khác và trong khu vực.

Những năm gần đây, Đồng Nai cũng quan tâm thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, hiện đại. Hiện nay, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đang triển khai xây dựng Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, có tổng diện tích hơn 400ha, vốn đầu tư hơn 280 triệu USD.

Khu công nghiệp sẽ ưu tiên thu hút các ngành nghề công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đang làm việc với các đơn vị liên quan để triển khai Dự án khu công nghệ cao Việt-Hàn (Techno Park), với số vốn đăng ký 150 triệu USD, diện tích khoảng 300ha.

Techno Park sẽ thu hút được từ 2-3 tỷ USD vốn đầu tư trong khoảng thời gian từ 6-9 năm sau khi đi vào hoạt động.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, quá trình chuyển hướng thu hút đầu tư đang được Đồng Nai thực hiện mạnh mẽ. Tỉnh đã quy hoạch 3 phân khu công nghiệp hỗ trợ với những ngành nghề chất lượng cao.

Đồng Nai rất muốn “kéo” các doanh nghiệp công nghệ cao về, nâng chất hoạt động công nghiệp. Dù thực tế tỉnh chưa có khu công nghệ cao nhưng Đồng Nai cũng đã định hướng các khu công nghiệp công nghệ cao.

Hiện nay, việc đầu tư lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ cũng được Thành phố Hồ Chí Minh kết nối với các “vệ tinh” xung quanh. Thời gian qua, Khu Công nghệ cao và Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố làm việc với chủ đầu tư về tổ chức tìm kiếm nhà cung cấp và khảo sát thực địa các nhà máy của nhà đầu tư tại Bình Dương.

Khu công nghệ cao cũng làm việc với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu về ký kết thỏa thuận phối hợp liên kết vùng, triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Phát triển công nghiệp hiện đại

Với vai trò là đầu tàu thúc đẩy phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, hàng năm, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp khoảng 27% tổng thu ngân sách cả nước.

Sản lượng công nghiệp thành phố chiếm khoảng 30% giá trị sản lượng toàn quốc và thu hút khoảng 39,1% nguồn vốn FDI vào Việt Nam.

Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Khu chế xuất Tân Thuận. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Tại thành phố Thủ Đức trong tương lai, Khu Chế xuất Linh Trung 1, Khu Chế xuất Linh Trung 2 và Khu Công nghiệp Bình Chiểu có tỷ lệ lấp đầy 100%; không những sử dụng lao động của Tp. Hồ Chí Minh mà của cả tỉnh Bình Dương, Đồng Nai.

Vị trí các khu này gần với Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương), Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai) tạo nên chuỗi dịch vụ logistics với hệ thống kho bãi, cụm cảng tương đối hiện đại.

Tương tự, Khu Công nghiệp Cát Lái (Quận 2) hiện đang được đầu tư, sau khi hoàn thành sẽ gia tăng chuối giá trị logistics với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) qua phà (cầu) Cát Lái.

Tại Bình Dương, toàn tỉnh có 29 khu công nghiệp tập trung và 10 cụm công nghiệp. Tỉnh đã thu hút gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn đầu tư đã giải ngân hơn 35,4 tỷ USD.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp đi vào hoạt động; có hơn 1.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 31 tỷ USD. Đến nay, tại Đồng Nai có gần 700 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Theo Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai, hiện Đồng Nai thực hiện chủ trương thu hút FDI có chọn lọc, kiên quyết từ chối những dự án gây ô nhiễm, sử dụng nhiều lao động, công nghệ lạc hậu; chỉ thu hút những dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ và những dự án vốn nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Với vị trí gần nhau, định hướng phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố Hồ Chí Minh không thể tách rời quy hoạch Vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, để từng bước hiện đại hoá, mở rộng quy mô và liên kết phát triển các khu công nghiệp cần thực hiện thành công kế hoạch sử dụng đất và đầu tư hạ tầng, đưa sản xuất khu công nghiệp đạt công nghệ tiên tiến, tích hợp quy hoạch khu công nghiệp vào quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội chung.

Định hướng phát triển công nghiệp trong thời gian tới theo hướng thúc đẩy công nghiệp công nghệ cao, kinh tế tri thức và kinh tế số, gắn với lợi thế đặc trưng của thành phố trong không gian vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong giai đoạn 2020-2025, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hoàn thiện đường vành đai 3, vành đai 4, từng bước kết nối giữa các khu công nghệp, khu đô thị vệ tinh, cung cấp các dịch vụ thiết yếu bổ trợ cho các khu công nghiệp gắn với việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến giao thông chính.

Giai đoạn 2025-2045, xây dựng hệ thống kho bãi, logistics, bố trí các địa điểm kho bãi tập trung, hệ thống logictics và vùng công nghiệp sản xuất, lưu giữ, lưu thông hàng hoá.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, thành phố Thủ Đức sẽ trở thành khu đô thị sáng tạo tương tác cao, là mô hình phát triển dựa trên kinh tế tri thức, kinh tế số, đồng thời là nơi chuyển giao công nghệ mới cho các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ và mở rộng các dịch vụ sản phẩm công nghệ 4.0 tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Để phát triển thành phố Thủ Đức, Thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị định riêng với chính sách đặc thù cho mô hình thành phố thuộc thành phố.

Với nền tảng khoa học công nghệ, giáo dục phát triển, nhân lực trình độ cao, thành phố Thủ Đức có tiềm năng phát triển mô hình kinh tế tri thức, liên kết với Bình Dương, Đồng Nai để tạo thành vùng đổi mới sáng tạo lan tỏa.

Để thực hiện tốt mục tiêu này, trong quy hoạch phát triển thành phố Thủ Đức cần đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển vùng./.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong  phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/12 để xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. . (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong  phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ 51 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9/12 để xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh. . (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Gắn với quy hoạch vùng

Để thúc đẩy sự phát triển của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh, không chỉ là sự phát triển đơn thuần của thành phố Thủ Đức trong tương lai, bài toán quy hoạch cho thành phố phải đặt trong sự phát triển chung của vùng, với tính liên kết phát triển với Bình Dương, Đồng Nai.

Kết nối phát triển đô thị

Khi triển khai xây dựng thành phố Thủ Đức, một trong những bài toán quy hoạch quan trọng là phát triển các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn Quận 2, Thủ Đức và Quận 9 nhằm góp phần phân bổ và tổ chức lại dân cư, kéo giảm áp lực cho khu vực trung tâm. Mục tiêu là thu hút người dân tập trung về khu Đông sinh sống, làm việc.

Việc phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, thành phố Thủ Đức nói riêng không thể tách rời với việc thực hiện quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh.

Dưới góc độ quy hoạch, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, phải giải quyết bài toán về nguồn lực tài chính từ nguồn vốn xã hội hóa dựa trên những bản quy hoạch đủ sức hấp dẫn doanh nghiệp cũng như tạo ra tương đương số lượng việc làm thu nhập cao và môi trường sống chất lượng cao tương xứng.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố lập và phê duyệt quy hoạch tổng thể khu vực 3 quận phía Đông thành phố nhằm kiến tạo một đô thị sáng tạo tương tác cao về quy hoạch tích hợp, cách thức tạo quỹ đất, phát triển giao thông, chính sách nhà ở, quản lý nước và chống ngập, tài chính đô thị, hạ tầng công nghiệp…

Khoang chở khách trên toa xe của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Khoang chở khách trên toa xe của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Thành phố sẽ tăng cường vận tải hành khách công cộng đáp ứng 50-60% nhu cầu đi lại của người dân Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố đến năm 2040, mở rộng mạng lưới giao thông đường sắt đô thị trên địa bàn các quận hướng Đông và định hướng kéo dài tuyến metro số 1 kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.

Trong giai đoạn trước mắt, nghiên cứu giải pháp mở rộng mạng lưới xe buýt, BRT trong khu vực phía Đông, gắn kết với các trung tâm phát triển, các khu dân cư mới và kết nối với tuyến metro số 1 đang hình thành.

Về mạng lưới giao thông giữa thành phố Thủ Đức với các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai hiện cũng khá thuận lợi. Hiện Quốc lộ 13 là trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương, hiện đang được đầu tư mở rộng.

Đường này có ý nghĩa tạo đòn bẩy nâng cao vị thế của Bình Dương góp phần phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư; đồng thời tạo ra chuỗi đô thị hai bên đại lộ Bình Dương gia tăng giá trị của bất động sản khu vực.

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cho biết, tỉnh gấp rút xây dựng hoàn thiện các cơ sở hạ tầng giao thông kết nối với các tỉnh, thành trong khu vực, giải quyết tình trạng kẹt xe; cải cách thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ 4.0 để sớm trở đưa Bình Dương trở thành vùng đổi mới sáng tạo.

Tỉnh quan tâm xây dựng các công trình giao thông kết nối liên kết vùng như cầu Bạch Đằng vượt sông Đồng Nai; đường Mỹ Phước-Tân Vạn hoàn thiện nối thông xuống cảng biển và Bến xe miền Đông mới của Thành phố Hồ Chí Minh; nâng cấp, mở rộng đường Quốc lộ 13.

Tuyến metro số 1 nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)
Tuyến metro số 1 nhìn từ trên cao. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Tuyến đường Mỹ Phước-Tân Vạn là huyết mạch giao thông nằm trong chiến lược đó của Bình Dương. Tuyến đường kết nối phát triển vùng công nghiệp phía Nam và phía Bắc của tỉnh, là một phần của dự án đường vành đai 3 của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Mai Hùng Dũng, việc hình thành được con đường Mỹ Phước-Tân Vạn tạo ra hạ tầng đột phá không chỉ cho tỉnh mà cho vùng phụ cận.

Cụ thể, con đường đã kết nối hầu hết các khu công nghiệp lớn trong tỉnh – nơi con đường đi qua đều có Khu công nghiệp mọc lên.

Trong phát triển giao thông, Đồng Nai cũng có nhiều tuyến đường kết nối trực tiếp với Thành phố Hồ Chí Minh như Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, cao tốc Bến Lức-Long Thành, đường vành đai 3, đường vành đai 4, Xa lộ Hà Nội.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết Đồng Nai từng kiến nghị kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) đến thành phố Biên Hòa và đã được Thành phố Hồ Chí Minh đồng thuận, đến nay, Đồng Nai vẫn giữ nguyên quan điểm này.

Trong tương lai gần, khi cầu Vàm Cái Sứt và cầu Cát Lái hoàn thành, các khu đô thị ở Đồng Nai, đặc biệt là thành phố mới Nhơn Trạch sẽ trở nên gần hơn với Thành phố Hồ Chí Minh, có thêm động lực mạnh để cất cánh, thúc đẩy kinh tế xã-hội phát triển nhanh, bền vững.

Đến nay, các ngành chức năng của Đồng Nai đang tập trung nghiên cứu, quy hoạch xây dựng khu vực phụ cận sân bay Long Thành thành “thành phố sân bay.”

Trong tổng thể vùng Thành phố Hồ Chí Minh

Bài toán quy hoạch phát triển thành phố Thủ Đức phải đặt trong sự kết nối phát triển với Bình Dương, Đồng Nai. Việc phát triển Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, thành phố Thủ Đức nói riêng không thể tách rời với việc thực hiện quy hoạch vùng Thành phố Hồ Chí Minh (bao gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang, Thành phố Hồ Chí Minh).

Theo quy hoạch, vùng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, phát triển không gian vùng theo hướng liên kết vùng với khung hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Một góc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức, Chính phủ cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh lưu ý về quy hoạch chung, tổ chức lấy ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, các tập đoàn công nghệ, tài chính, bất động sản hàng đầu thế giới về định hướng xây dựng thành phố Thủ Đức, làm rõ các điểm nhấn, điểm khác biệt của thành phố mới.

Đồng thời, quy hoạch thành phố Thủ Đức cần được gắn trong quy hoạch chung của Thành phố Hồ Chí Minh cũng như quy hoạch vùng, để tạo động lực tăng trưởng.

Tỉnh Bình Dương với các đô thị trung tâm Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Bến Cát, Tân Uyên là vùng đô thị phụ cận của Thành phố Hồ Chí Minh. Vai trò của Bình Dương trong kết nối vùng Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Hiện nay, việc đầu tư phát triển các đô thị phía Nam trực thuộc tỉnh Bình Dương được quan tâm, từng bước có kế hoạch đầu tư xứng tầm với đô thị được phân loại và nâng cao khả năng kết nối.

Thời gian qua, địa phương đã nỗ lực trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung; trong đó chú trọng đến việc kết nối các trục giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt liên khu vực mang tính kết nối đến các đô thị thuộc tỉnh Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.

Khu Công nghệ cao, quận 9. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)
Khu Công nghệ cao, quận 9. (Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN)

Trong quy hoạch vùng của Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai đóng vai trò trung tâm với đô thị vệ tinh độc lập là Biên Hòa và các đô thị vệ tinh phụ thuộc là đô thị mới Nhơn Trạch, Tam Phước, Long Thành, Trảng Bom, Hiệp Phước.

Đồng Nai là tỉnh có nhiều lợi thế để xây dựng khu đô thị vệ tinh cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều dự án khu dân cư tại Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom đã và đang triển khai.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, Đồng Nai có vị trí hết sức quan trọng, là cửa ngõ phía đông Thành phố Hồ Chí Minh. Hai địa phương có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, xã hội, có rất nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, người lao động đang sản xuất, kinh doanh, làm việc tại Đồng Nai nhưng lại sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại.

Trong lĩnh vực công nghiệp, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đã liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Với nông nghiệp, Đồng Nai là nguồn cung cấp nhiều loại gia súc, gia cầm và các sản phẩm khác cho Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Cao Tiến Dũng phân tích, thành phố Biên Hòa hiện có gần 1,2 triệu dân và có nhiều mối liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh. Nếu Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại, tài chính, khoa học thì Biên Hòa sẽ là nơi phát triển công nghiệp, sản xuất.

Vì thế nhu cầu kết nối giữa 2 thành phố là rất lớn. Tuyến metro số 1 kéo dài đến Đồng Nai cần được đầu tư càng sớm càng tốt, vì mang lại hiệu quả vận chuyển hành khách rất cao.

Để đẩy mạnh liên kết vùng trong lĩnh vực giao thông, thời gian qua, ngành chức năng Đồng Nai đã nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xây dựng các tuyến đường kết nối sân bay Long Thành với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Quốc lộ 51, Vành đai 3, Vành đai 4.

Trong tương lai, hai địa phương nghiên cứu mở đường để kết nối sân bay Long Thành với sân bay Tân Sơn Nhất.

Với những nền tảng kết nối hạ tầng giao thông hiện hữu cũng như trong quy hoạch về giao thông, đô thị, Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông (hay thành phố Thủ Đức) và các đô thị của Bình Dương, Đồng Nai sẽ có sự gắn kết phát triển thuận lợi.

Việc quy hoạch phát triển dựa trên mối liên kết này sẽ thúc đẩy sự phát triển đột phá không chỉ cho thành phố Thủ Đức nói riêng và Thành phố Hồ Chí Minh nói chung, mà đó là sự phát triển cho cả khu vực./.

Xưởng thực hành tự động hóa với nhiều robot hiện đại tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Thành phố cũng như cả nước. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Xưởng thực hành tự động hóa với nhiều robot hiện đại tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao cho Thành phố cũng như cả nước. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)