Thành tựu bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam

ttxvntreem-1510193329-64.jpg

Kể từ khi nước ta giành được độc lập, trong suốt 72 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, tạo dựng nên nền tảng vững chắc cho một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà ở đó các quyền tự do cơ bản của người dân được bảo vệ và không ngừng phát triển.

Tôn trọng, đảm bảo quyền con người

Một trong những thành tựu lớn nhất của lịch sử nhân loại là cuộc đấu tranh của các dân tộc chống lại áp bức, bất công và phấn đấu xây dựng một xã hội dân chủ, công bằng, mà ở đó con người được giải phóng và được hưởng mọi quyền tự do cơ bản. Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, nhân dân Việt Nam bằng cuộc đấu tranh giành độc lập đã đóng góp vào giá trị chung đó của nhân loại.

Và cũng từ cội nguồn truyền thống lịch sử, văn hóa hàng nghìn năm của một dân tộc luôn nêu cao tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình và các giá trị nhân văn, đồng thời cũng là nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam – từng là nạn nhân của các cuộc chiến tranh xâm lược và bị tước đoạt những quyền và tự do cơ bản nhất, nên từ những văn kiện đầu tiên, Đảng xác định rõ mục tiêu cơ bản và lâu dài của cách mạng là bảo đảm quyền con người cho người dân Việt Nam.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta thông qua tại Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, đã vạch ra đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó nhấn mạnh: đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng người lao động, giải phóng xã hội, để người cày có ruộng, người dân được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền.

Đồng thời, Đảng và Nhà nước Việt Nam coi việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có ý nghĩa then chốt đối với việc bảo đảm và phát triển quyền con người. Ngay trong lời nói đầu của Hiến pháp 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập – cũng đã khẳng định việc đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân là một trong những nguyên tắc cao nhất chỉ đạo các hoạt động của Nhà nước Việt Nam. Và mới chỉ gồm 70 điều, nhưng Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam đã dành 18 điều cho việc quy định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã có 5 lần sửa đổi Hiến pháp; trong đó, quyền con người ngày càng được quy định toàn diện, đầy đủ hơn.

Trong lời nói đầu của Hiến pháp 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập – đã khẳng định việc đảm bảo các quyền tự do cơ bản của người dân là một trong những nguyên tắc cao nhất chỉ đạo các hoạt động của Nhà nước Việt Nam  

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng nhiều luật để đảm bảo toàn diện việc thực hiện các quyền con người. Đặc biệt, trong quá trình xây dựng, các dự thảo văn bản luật và dưới luật đều được giới thiệu công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để tham khảo ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Bên cạnh đó Việt Nam cũng đã gia nhập hầu hết các điều ước nhân quyền quốc tế chủ chốt, trong đó có “Công ước về Quyền dân sự, chính trị “, “Công ước về Quyền Kinh tế, xã hội, văn hóa”; “Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc “Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”, là nước thứ hai trên thế giới và nước châu Á đầu tiên tham gia “Công ước Quyền trẻ em”, “Công ước quốc tế về Quyền của người khuyết tật”; đồng thời phê chuẩn 17 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Và những cam kết của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế đã được phản ánh trong các văn bản pháp luật trong nước.

Hệ thống thiết chế về quyền con người được xây dựng và không ngừng hoàn thiện, bảo đảm các chính sách của Nhà nước được triển khai một cách hiệu quả trên thực tế. Quyền con người được bảo đảm bởi các cơ quan trong hệ thống hành pháp, tư pháp, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Đồng thời, nhân dân cũng có thể tham gia đóng góp ý kiến thông qua các cơ chế dân cử cấp địa phương, các quy trình khiếu nại, tố cáo, thanh tra, khiếu kiện… theo tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.”

Tặng áo ấm cho trẻ em vùng cao Điện Biên. (Nguồn: TTXVN)
Tặng áo ấm cho trẻ em vùng cao Điện Biên. (Nguồn: TTXVN)

Không ngừng thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam

Chính từ chính sách nhất quán, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đảm bảo quyền con người và sự tham gia của toàn dân, cuộc sống và quyền của người dân đã được đảm bảo ngày càng đầy đủ trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hó, chính trị, dân sự. Những thay đổi tích cực này đã diễn ra ngay trong những năm tháng kháng chiến và càng thể hiện rõ nét hơn trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới.

Trong những năm qua Nhà nước Việt Nam đã thực hiện thắng lợi nhiều chương trình phát triển kinh tế – xã hội. Nhờ đó, trong giai đoạn 30 năm kể từ khi thực hiện đổi mới, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình tương đối cao. Theo số liệu Các chỉ số phát triển thế giới của Ngân hàng Thế giới, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm trong giai đoạn này của Việt Nam là 6,51%, cao hơn đáng kể so với các nước kém phát triển (4,49%), các nước có thu nhập thấp (3,76%), các nước có thu nhập trung bình thấp (4,75%) và của thế giới (2,83%) trong cùng giai đoạn.

Đời sống của người dân được bảo đảm, một bộ phận được nâng cao. Theo đánh giá của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam là một trong những nước đạt được thành tích nổi bật trong việc giảm số người bị đói từ 46,9% (32,16 triệu người) giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% (8,01 triệu người) trong giai đoạn 2010-2012 và đến năm 2016 chỉ còn 5,22%. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật (điện, đường giao thông, nước sạch…) và hạ tầng xã hội (y tế, trường học, điểm bưu điện…) nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp tục cải thiện đáng kể: 96% số xã đặc biệt khó khăn có đường ôtô đến trung tâm xã; 100% số huyện và 95% số xã đã có điện; 100% số xã có trường tiểu học, trường mẫu giáo; 100% số huyện có trường trung học phổ thông, 100% số huyện có trung tâm y tế và bác sĩ, cán bộ y tế. Tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số được chú ý bảo tồn và ngày càng được sử dụng phổ biến hơn.

Đảng và Nhà nước cũng đặc biệt quan tâm tới các nhóm người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật và người có HIV/AIDS. Với mỗi nhóm đối tượng, Nhà nước đều có các cơ chế, chính sách và ưu tiên cụ thể nhằm bảo vệ, hỗ trợ, tạo cơ hội cho từng nhóm phát triển, hòa nhập cộng đồng và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Tỷ lệ nữ và người dân tộc thiểu số của Quốc hội Việt Nam so với nhiều quốc gia ở khu vực thuộc vào loại cao. Lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ

Các quyền dân sự, chính trị luôn được bảo đảm, thể hiện rõ trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV. Tỷ lệ cử tri đã bỏ phiếu đạt 99,35%. Về cơ cấu đại biểu, có 86 đại biểu là người dân tộc thiểu số, phụ nữ là 133 người, người ngoài Đảng là 21 người… Tỷ lệ nữ và người dân tộc thiểu số của Quốc hội Việt Nam so với nhiều quốc gia ở khu vực thuộc vào loại cao. Lần đầu tiên Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ.

Thông tin đại chúng phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung, trở thành diễn đàn ngôn luận của các tổ chức xã hội, của nhân dân; là công cụ quan trọng trong việc bảo vệ lợi ích của xã hội, các quyền tự do của nhân dân và trong công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đến nay Việt Nam đã có 858 cơ quan báo chí in; 105 cơ quan báo điện tử; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Hiện nay, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam đều có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn, báo chí lớn như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg. Qua internet, người dân Việt Nam cũng có thể tiếp cận tin tức, bài vở của các cơ quan thông tấn, báo chí như: AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, The Economist, Financial Times…

Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển internet hàng đầu khu vực, đặc biệt là mạng Facebook. Theo cơ quan thống kê của mạng Facebook, hiện tại Việt Nam có 35 triệu người, bằng gần 1/3 dân số sở hữu tài khoản Facebook, trong đó, 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động. Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet lớn thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á.

Với chính sách của Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, phát huy các giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, cuộc sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam hiện nay rất sôi động, phong phú với trên 20 triệu tín đồ của các tôn giáo khác nhau, bao gồm các tôn giáo lớn trên thế giới là: Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo. Các sinh hoạt tôn giáo, các ngày lễ lớn của nhiều tôn giáo được tổ chức trọng thể với hàng trăm nghìn tín đồ tham gia. Các cơ sở thờ tự liên tục được cải tạo hoặc xây mới. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chức sắc nhà tu hành được duy trì và mở rộng.

Đại lễ Phật đản–Phật lịch 2561 tại Thừa Thiên-Huế năm 2017. (Nguồn: TTXVN)
Đại lễ Phật đản–Phật lịch 2561 tại Thừa Thiên-Huế năm 2017. (Nguồn: TTXVN)

Đóng góp tích cực của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Nhìn lại quá khứ, ngày 12-11-2013 (theo giờ Mỹ), với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu bầu, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016.

Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Ðảng và Nhà nước ta, phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế. Thành công này không đến một cách ngẫu nhiên, nó thể hiện thế và lực của đất nước đang ngày một vững chắc hơn, là sự tiếp nối của những thành công của Việt Nam trong ASEAN, APEC, ASEM, của việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao APEC 2016, Ðại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới năm 2015 và hiện nay là Hội nghị cấp cao APEC năm 2017.

Là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Việt Nam đã thể hiện sự nghiêm túc và có trách nhiệm trong việc tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân quyền, đóng góp vào việc đảm bảo các giá trị chung về quyền con người.

Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều tiếng nói đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường vai trò của Quốc hội, cải cách tư pháp; chia sẻ thực tế tôn trọng và bảo đảm các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị tại Việt Nam, kết quả tích cực về xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ về Phát triển, qua đó góp phần phản bác các thông tin sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam.

Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế

Những đóng góp của Việt Nam luôn trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm; tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và việc tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách cân bằng, tổng thể và toàn diện; đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của Liên hợp quốc về nhân quyền.

Có thể nói, những thành tựu trong công cuộc bảo vệ và phát triển quyền con người ở Việt Nam là kết quả của sự kết hợp giữa bản chất ưu việt, tiến bộ của chế độ xã hội chủ nghĩa với truyền thống nhân đạo, nhân văn của dân tộc Việt Nam, giữa chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam luôn đặt con người là trọng tâm trong sự phát triển đất nước, với nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong việc thúc đẩy thực hiện quyền con người.

Mặc dù hiện nay, trên thế giới còn nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề quyền con người và thậm chí một số thế lực thù địch đã lợi dụng điều này để vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, song những thành công mà Đảng và nhân dân ta đạt được trong những năm qua là bằng chứng không thể phủ nhận cho những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này./.

Một khóa họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có sự tham gia của đoàn Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)
Một khóa họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có sự tham gia của đoàn Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)