The BandFest

Ghép nối những mảng âm nhạc khác biệt lại với nhau, giữa cổ điển và đương đại, mới và cũ, Đông và Tây, ngày hội âm nhạc “The BandFest” của cặp đôi nhạc sỹ Anh Quân – ca sỹ Mỹ Linh cho thấy được sự độc đáo trong ý tưởng, đồng thời là tầm nhìn và sự dịch chuyển của những nghệ sỹ xứng tầm.

Định hình là điểm đến, cũng là trạm dừng chân cho những ban nhạc trẻ Việt Nam và quốc tế, “The BandFest” tiếp tục là một “làn gió mới” cho đời sống thưởng thức cũng như thị trường âm nhạc 2018. Những cái tên mới, những cá tính âm nhạc triển vọng như PB Nation, Jazz Glory, Yellow Star Big Band, bên cạnh những tên tuổi nghệ sỹ gạo cội như Nguyên Lê, Benjamin Schatz (nghệ sỹ dương cầm), Hogyu Hwang (chơi bass); và Mỹ Linh… gieo hy vọng về một bữa tiệc âm nhạc đầy sôi động, tươi mới cho mùa Hè năm nay.

“The BandFest” không dừng lại là màn chào sân của những “thành tố” đơn lẻ cá tính và nổi trội, “The BandFest” nhiều hơn thế ở tính chuyên nghiệp và sòng phẳng của giới chơi nhạc qua những màn kết hợp đầy thách thức, ngẫu hứng.

Tầm nhìn trẻ

Từ phía Việt Nam, ngoài Mỹ Linh, những nghệ sỹ và các ban nhạc góp mặt tại “The BandFest” đều rất trẻ, thậm chí chưa được biết đến nhiều về mặt đại chúng. Ngoại trừ PB Nation gồm hai cá tính âm nhạc Phúc Bồ và Hà Lê, thì Jazz Glory và Yellow Star Big Band là những cái tên còn rất mới.

Từng xuất hiện tại cuộc thi “Ban Nhạc Việt,” Jazz Glory và Yellow Star Big Band đều gây ấn tượng cho khán giả. Tuy dành giải á quân nhưng cả hai lại được giới làm nghề đánh giá cao. Nhạc sỹ Anh Quân từng thốt lên, “lâu lắm rồi Việt Nam mới lại có lứa các nghệ sỹ trẻ tài năng, đam mê, truyền được nhiều cảm hứng đến như thế.”

Như đúng tên gọi, ban nhạc trẻ gồm 6 thành viên Jazz Glory mang đến chất jazz rất đương đại, những màn kết hợp tạo nên những thanh âm đầy mới mẻ, và khá… dễ nghe.

Ban nhạc trẻ Jazz Glory. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ban nhạc trẻ Jazz Glory. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Khác với Jazz Glory, Yellow Star Big Band với 17 thành viên, nhóm giống một dàn nhạc hơn là một ban nhạc. Chơi đa thể loại, đậm màu sắc từ blue jazz, đến nhạc kịch Broadway hay rock… Yellow Star Big Band là một dàn hợp xướng cùng một giọng hát chính đầy màu sắc, biến báo được ở nhiều thể loại khác nhau.

Cảm hứng của giám đốc Anh Quân thì “The BandFest” không chỉ là một buổi hòa nhạc của các ban nhạc, mà đó là “ngày hội” đúng nghĩa bởi những màn kết hợp không hẹn trước với nhau. Vì lẽ đó, “The BandFest” không dừng lại là màn chào sân của những “thành tố” đơn lẻ cá tính và nổi trội, “The BandFest” nhiều hơn thế ở tính chuyên nghiệp và sòng phẳng của giới chơi nhạc qua những màn kết hợp đầy thách thức, ngẫu hứng.

Đó là ý tưởng độc đáo của Giám đốc âm nhạc Anh Quân khi ghép nối những mảng âm nhạc khác biệt lại với nhau, giữa cổ điển và đương đại, mới và cũ, Đông và Tây.

Trên sân khấu “The BandFest” tối 30/4 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khán giả sẽ được chứng kiến Lê Minh Hiếu (tay trống của Jazz Glory) chơi trực tiếp trong sét biểu diễn với ban nhạc của Nguyên Lê. Bên cạnh đó, sự kết hợp “liên biên giới” còn thể hiện ở màn biểu diễn đầy ngẫu hứng của ban nhạc Jazz Glory khi kết hợp với giọng ca đầy chất jazz đến từ Thụy Điển, Anna Hogberg.

  • 1-1524561222-65.jpg
  • 2-1524561243-13.jpg
  • 3-1524561265-0.jpg
  • 4-1524561285-74.jpg
  • 5-1524561301-70.jpg
  • 6-1524561316-69.jpg
  • 7-1524561333-85.jpg
  • 8-1524561350-25.jpg

Tất nhiên, để tạo nên những phần trình diễn, ứng tấu mà trong đó, có sự đầu tư về chất xám, dàn dựng và tập duyệt để làm sao ăn khớp giữa những “cá thể nghệ sỹ” – vốn khác nhau không phải là điều dễ dàng. Ngoài ý tưởng độc đáo, thử thách này khá “liều” của giám đốc âm nhạc muốn mang đến sự “giao lưu” thực thụ và sòng phẳng cho các nghệ sỹ cũng như bất ngờ cho công chúng.

Giấc mơ “ươm mầm” và bệ phóng lãng mạn

Sẽ thiếu sót khi chỉ nhận định “The BandFest” có một ý tưởng độc đáo mà không nhắc đến khía cạnh khác: Sự “điên rồ” và cực đoan của giám đốc âm nhạc Anh Quân và nhà sản xuất Young Hit Young Beat Academy. Vì sao? Bởi ở thời điểm này ý tưởng này dù rất hay, nhưng nó gần như một sự thể nghiệm hơn là một ngày hội âm nhạc, mang tính chất trình diễn cho khán giả thưởng thức.

Một trong những lý do chính để “The BandFest” ra đời chính bởi nhạc sỹ Anh Quân muốn đòi lại công bằng cho các ban nhạc, nơi các nghệ sỹ nhạc công thường được trả những đồng lương ít ỏi, so với ca sỹ dù xét về tổng thể thành công của một sự kiện âm nhạc, họ là những người đóng vai trò hết sức quan trọng.

Với giá vé từ 300 nghìn đồng, khán giả dễ dàng tìm cho mình một chỗ ngồi, để có thể “phiêu” trong đêm hội của những sự kết hợp. 

Không tuyên bố, nhưng sâu xa, “The BandFest” gần như là một trong những hành động hiện thực hóa đầu tiên về “lời hứa” của cặp đôi Anh Quân và Mỹ Linh về bệ phóng dìu dắt những tài năng trẻ tại sân chơi Ban nhạc Việt có cơ hội được học tập và biểu diễn trên các sân khấu chuyên nghiệp trong và ngoài nước.

Sự lãng mạn và “điên rồ” còn ở chỗ, “The BandFest” tiếp tục là giấc mơ đơn độc của người nghệ sỹ với tâm huyết và tầm nhìn ươm mầm tài năng và phát triển đời sống âm nhạc Việt Nam. Bởi xét ở nghĩa nào đó về thị trường và bài toán kinh tế, dù thử nghiệm hay với tầm nhìn lâu dài thì nếu thất bại, nỗ lực kiến tạo sẽ bị khai tử khi thói quen bỏ tiền mua vé của đại bộ phận công chúng hiện vẫn chưa là chỉ dấu cho thấy Việt Nam là một điểm đến lý tưởng của nghệ sỹ, nhà sản xuất quốc tế.

Chỉ từ 300 nghìn đồng, công chúng có cơ hội vào Nhà hát Lớn thưởng thức Nguyên Lê Band ngẫu hứng cùng các nghệ sỹ trẻ tài năng Việt Nam... (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 
Chỉ từ 300 nghìn đồng, công chúng có cơ hội vào Nhà hát Lớn thưởng thức Nguyên Lê Band ngẫu hứng cùng các nghệ sỹ trẻ tài năng Việt Nam… (Ảnh: Nhân vật cung cấp) 

Ngay cả Monsoon Music Festival, lễ hội âm nhạc hàng năm có sự tham gia đông đảo của nghệ sỹ trong nước và quốc tế do nhạc sỹ Quốc Trung thực hiện, sau bốn năm với sự chung tay nhiều đơn vị, nhãn hàng tài trợ cũng “lao đao” vì không thoát nổi bài toán kinh tế.

Với giá vé từ 300 nghìn đồng, khán giả dễ dàng tìm cho mình một chỗ ngồi, để có thể “phiêu” trong đêm hội của những sự kết hợp. Nhất là khi, họ có thể được thưởng thức âm nhạc của Nguyên Lê, giọng hát của diva Mỹ Linh, cùng các ban nhạc trẻ đầy cá tính của Việt Nam.

Hướng đến lễ hội âm nhạc trong nhà, “The BandFest” dự kiến sẽ được tổ chức thường niên vào mỗi tháng Tư và ít nhất sẽ diễn ra trong vòng 5 năm, và nhà sản xuất âm nhạc của chương trình sẽ phải đối diện khả năng lỗ rất cao, doanh thu không bù lại được khâu sản xuất.

Ca sỹ Mỹ Linh chia sẻ, nhà tổ chức xác định lỗ sâu để nuôi giấc mơ ươm mầm tài năng ban nhạc trẻ. “Với giá vé từ 300 nghìn đồng, các bạn trẻ vẫn có thể đến xem được thần tượng của mình ở Nhà hát Lớn. Với tầm nhìn lâu dài cũng nỗ lực muốn phát triển một thế hệ âm nhạc trẻ, chúng tôi xác định lỗ trong năm năm đầu tiên.”

Ban nhạc trẻ triển vọng Jazz Glory tại World Youth Jazz Malaysia 2016

Giám đốc âm nhạc – Nhạc sỹ Anh Quân hào hứng: “The BandFest là ý tưởng ấp ủ rất lâu của tôi và êkíp, là cảm hứng của tôi muốn khởi tạo một sân khấu đúng nghĩa cho các ban nhạc được hoạt động và chơi nhạc, biểu diễn. Âm nhạc Việt Nam từng chứng kiến thời hoàng kim của các ban nhạc. Ở đó, các ban nhạc trở thành yếu tố chủ chốt cách tân, định hướng và tiên phong mở ra các xu hướng âm nhạc mới.”

Tất nhiên, khi tương lai vẫn là viễn cảnh trong tầm nhìn thì hơn ai hết, cả nghệ sỹ lẫn công chúng và nền âm nhạc đều cần những những người như thế để tiên phong tạo ra sự khác biệt từ những ý tưởng và tầm nhìn cực đoan, lãng mạn nhưng cũng đầy thiện ý và táo bạo.

Giữa những ngày tháng Tư ở Hà Nội, sự ra đời của “The BandFest” giống như “lời hẹn” để được nghe “gió hát mùa Hè” trong bối cảnh đời sống thưởng thức đang bão hòa hiện nay./.