covervietnammalaysia3.jpg

Việt Nam và Malaysia đều là các quốc gia nằm trong khu vực Đông Nam Á, nhân dân hai nước sớm có mối quan hệ giao lưu hợp tác, học hỏi lẫn nhau.

Mối quan hệ này ngày càng được tăng cường và phát triển hơn sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/3/1973.

Trong nửa thế kỷ qua, quan hệ hai nước Việt Nam và Malaysia phát triển tích cực, tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là từ khi nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2015.

Trải qua 5 thập kỷ, quan hệ hợp tác và hữu nghị giữa Việt Nam và Malaysia không ngừng được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực như chính trị-ngoại giao, quốc phòng-an ninh, kinh tế, văn hóa…

Trong nửa thế kỷ qua, quan hệ hai nước Việt Nam và Malaysia phát triển tích cực, tốt đẹp trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là từ khi nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2015.

Quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp

Trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao trên tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội và giao lưu nhân dân.

Về phía Malaysia có các chuyến thăm Việt Nam của Quốc vương Muhammad V (tháng 3/2009 và tháng 9/2013); Thủ tướng Najib Tun Razak (tháng 4/2014); Thủ tướng Mahathir Mohamad (tháng 8/2019); Thủ tướng Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob (tháng 3/2022)…

ttxvn_2903anh14.jpg
Thủ tướng Malaysia Hussein bin Dato' Onn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng sau lễ ký Tuyên bố chung Việt Nam-Malaysia, ngày 15/10/1978. (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm Malaysia của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 9/2011); Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 8/2015); Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (tháng 7/2017).

Ngay cả trong đại dịch COVID-19, Việt Nam và Malaysia vẫn đẩy mạnh quan hệ song phương bằng các cuộc điện đàm giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

Có thể kể đến, như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin về hợp tác đối phó dịch bệnh (ngày 23/6/2020); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein (ngày 23/10/2020) để trao đổi về các vấn đề hợp tác song phương; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao Hishammuddin Hussein nhân dịp ông nhậm chức (ngày 14/4/2021)…

Các cơ chế hợp tác luôn được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy và duy trì, bao gồm Ủy ban hỗn hợp về hợp tác Kinh tế, Khoa học và kỹ thuật Việt Nam-Malaysia; Ủy ban Hợp tác Quốc phòng; Ủy ban hỗn hợp Thương mại Việt Nam-Malaysia; Ủy ban Hợp tác Khoa học Công nghệ.

Hai nước đã thông qua Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021-2025 với các định hướng lớn, nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước, hướng tới cùng phục hồi và phát triển tự cường, bền vững trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.

Gần đây nhất, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Dato’ Sri Ismail Sabri bin Yaakob (tháng 3/2022), lãnh đạo hai nước đã khẳng định cam kết sẽ làm sâu sắc hơn nữa hợp tác chính trị và kinh tế thông qua thúc đẩy và duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc cấp cao, củng cố các cơ chế hợp tác song phương hiện có, đặc biệt là Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ (JCM) và Ủy ban hỗn hợp Thương mại (JTC).

Hai bên nhất trí duy trì phối hợp để thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký, bao gồm Kế hoạch hành động Việt Nam-Malaysia để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021-2025.

Các nhà lãnh đạo hai nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy vững chắc thương mại hai chiều theo hướng cân bằng và bền vững, nỗ lực đạt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 18 tỷ USD vào năm 2025, tiến tới tạo cân bằng thương mại hai nước.

ttxvn_2903anh13.jpg
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad thăm Nhà máy Yamaha Motor Việt Nam trong Khu Công nghiệp Nội Bài (Hà Nội, 28/8/2019). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hai bên cũng nhất trí tạo thuận lợi mở cửa thị trường cho các sản phẩm xuất khẩu chủ đạo của hai nước, bao gồm các mặt hàng nông sản và thủy sản, các sản phẩm Halal (những sản phẩm "được cho phép," "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo), thực phẩm chế biến, linh kiện và thành phẩm điện tử...

Ngoài ra, trên diễn đàn khu vực và quốc tế, Việt Nam và Malaysia luôn có sự phối hợp, thường xuyên trao đổi hợp tác và tham vấn lẫn nhau, do vậy có rất nhiều điểm đồng thuận và quan điểm chung trong ASEAN cũng như trong quan hệ giữa ASEAN với các nước bên ngoài, góp phần nâng cao vị thế và vai trò của ASEAN trên trường quốc tế.

Hợp tác kinh tế-thương mại liên tục phát triển

Trên nền tảng quan hệ chính trị vững chắc, hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Malaysia liên tục phát triển. Đây là lĩnh vực hợp tác song phương đạt kết quả tích cực trong những năm gần đây khi Malaysia luôn nằm trong nhóm các đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam.

ttxvn_2903anh18.jpg
Trung tâm điện lực Duyên Hải và dự án nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 2 do tập đoàn Janakuasa Malaysia đầu tư theo hình thức BOT. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11, thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Malaysia. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 12,5 tỷ USD năm 2021 (tăng 25,3% so với cùng kỳ 2020); đạt 14,67 tỷ USD năm 2022 (tăng 14,8% so với năm 2021). Trong hai tháng đầu năm 2023, kim ngạch song phương đạt 1,94 tỷ USD. Hai nước dự kiến sẽ đạt mục tiêu kim ngạch song phương 18 tỷ USD vào năm 2025 và đang hướng tới mục tiêu đạt 25 tỷ USD vào năm 2030.

Việt Nam xuất chủ yếu sang Malaysia điện thoại và linh kiện, dầu thô, gạo, cà phê, hải sản; nhập khẩu chủ yếu máy vi tính và sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, xăng dầu, hàng điện gia dụng và linh kiện, hoá chất.

Trong lĩnh vực đầu tư, Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ ba trong ASEAN tại Việt Nam (sau Singapore và Thái Lan), đứng thứ 10/142 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 710 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký 13,08 tỷ USD (tính đến tháng 2/2023).

Malaysia đã đầu tư vào nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam, trong đó đứng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh, tiếp theo là Trà Vinh, Hà Nội và các địa phương khác.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam có 21 dự án đầu tư còn hiệu lực sang Malaysia với tổng vốn đăng ký đạt 853 triệu USD, đứng thứ 9/78 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam (tính đến tháng 3/2022).

ttxvn_2903anh20.jpg

Hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11, thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Malaysia. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 14,67 tỷ USD năm 2022 (tăng 14,8% so với năm 2021). Hai nước dự kiến sẽ đạt mục tiêu kim ngạch song phương 18 tỷ USD vào năm 2025 và đang hướng tới mục tiêu đạt 25 tỷ USD vào năm 2030.

Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư Malaysia quan tâm tới thị trường Việt Nam. Họ nhận thấy Việt Nam còn rất nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác và kinh doanh, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế-thương mại mà còn trong kết nối trở lại du lịch, giao lưu nhân dân, giáo dục và lao động.

Trong khi đó, thị trường Malaysia đang rất cần lực lượng lao động cũng như có nhiều tiềm năng về hợp tác du lịch và đầu tư. Trong lĩnh vực hợp tác về thực phẩm theo tiêu chuẩn Hồi giáo Halal, Malaysia là một trong những nước có thế mạnh và đi đầu trong việc xây dựng tiêu chuẩn, thúc đẩy hợp tác đối với các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản, thủy-hải sản và các mặt hàng xuất khẩu khác.

Các mặt hàng này của Việt Nam sẽ không chỉ nhập khẩu vào thị trường Malaysia mà còn trung chuyển qua Malaysia tới các thị trường Hồi giáo ở Trung Đông và các nơi khác trên thế giới.

Cùng với hợp tác kinh tế, hợp tác an ninh-quốc phòng giữa hai nước cũng không ngừng được đẩy mạnh. Hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp và giao lưu, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm, trao đổi thông tin liên quan đến công tác phòng, chống khủng bố, tội phạm mạng, tội phạm xuyên quốc gia. Năm 2015, hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia.

ttxvn_2903anh9.jpg
Ngân hàng Hong Leong (Hong Leong Bank), 100% vốn đầu tư của Malaysia, hoạt động tại Việt Nam từ năm 2009 đến nay. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
ttxvn_2903anh21(1).jpg
Sáng 8/4/2019, chuyến bay số hiệu AK 575 của Hãng hàng không AirAsia (Malaysia) từ Kuala Lumpur hạ cánh xuống Sân bay Quốc tế Cần Thơ, đánh dấu lịch sử là chuyến bay quốc tế đầu tiên kết nối Cần Thơ bay thẳng đến Malaysia. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
ttxvn_2903anh15.jpg
Dây chuyền chiết nạp gas tại nhà máy của Công ty liên doanh khí hóa lỏng Thăng Long (Liên doanh giữa Tổng công ty khí Việt Nam và Công ty dầu khí Malaysia). (Ảnh: Hà Thái/TTXVN)
ttxvn_2903anh22.jpg
ttxvn_2903anh20(1).jpg
ttxvn_2903anh18.jpg
ttxvn_2903anh13.jpg
ttxvn_2903anh7.jpg

Ngoài ra, hợp tác song phương trong các lĩnh vực lao động, giáo dục, du lịch… cũng ghi nhận nhiều kết quả tốt đẹp. Hiện đang có khoảng hơn 1.000 lưu học sinh viên Việt Nam du học tại Malaysia. Hai bên đã ký Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giáo dục (ngày 6/3/2019), thay cho Bản ghi nhớ ký năm 2004.

Trong hợp tác phòng, chống đại dịch COVID-19, Việt Nam đã triển khai công tác viện trợ y tế cho Malaysia trị giá 50.000 USD (tương ứng 6.500 bộ đồ bảo hộ PPE); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã tặng Quốc hội Malaysia 20.000 chiếc khẩu trang y tế thông qua Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội (ngày 13/5/2020)…

2903vietnamindonesia.jpg

Cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia hiện có khoảng 28.000-29.000 người (tính đến hết năm 2021), là cầu nối góp phần thúc đẩy quan hệ truyền thống giữa hai nước ngày một tốt đẹp hơn.

Có thể thấy, trong 5 thập kỷ qua, quan hệ giữa Việt Nam-Malaysia luôn được các thế hệ lãnh đạo hai nước không ngừng vun đắp, phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác sâu rộng giữa hai nước, đem lại lợi ích, phồn thịnh chung cho nhân dân hai nước vì mục tiêu hòa bình, ổn định cho khu vực và trên thế giới./.

ttxvn_2903anh17.jpg
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trao tượng trưng hỗ trợ vật tư y tế của Việt Nam cho Chính phủ và nhân dân Malaysia phòng, chống dịch COVID-19 (Hà Nội, 18/5/2020).  (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

(0) Bình luận
© Bản quyền thuộc về VietnamPlus, TTXVN.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không ngừng thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia