Thuốc lá thế hệ mới

3005thuocla1-1590884957-42.jpg

Bên cạnh các sản phẩm thuốc lá điếu, cigar, thuốc lá sợi (thuốc lào) đang được quản lý theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, thị trường Việt Nam đang xuất hiện một số sản phẩm thuốc lá mới.

Trong số đó, phổ biến nhất là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery – ENDs) và thuốc lá làm nóng (Heated Tobacco Product – HTPs).

Các sản phẩm này đang ngày càng phổ biến nhưng lại có nguy cơ trở thành mối hiểm họa với sức khỏe người dùng.

Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nước (shisha) và thuốc lá làm nóng (HTPs) xuất hiện nhiều trên thị trường và được nhà sản xuất quảng cáo là ít tác hại hơn thuốc lá điếu thông thường, là sản phẩm để hỗ trợ người hút thuốc cai thuốc lá điếu thông thường.

Điều này khiến nhiều người nhầm tưởng thuốc lá thế hệ mới giúp họ bỏ thuốc lá điếu thông thường dần dần nhưng trên thực tế thì không phải như vậy.

Nhân Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), phóng viên Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu 2 bài viết làm rõ về thuốc lá thế hệ mới cũng như tác hại khôn lường từ những sản phẩm này./.

Thuốc lá thế hệ mới

Không phải giải pháp để cai thuốc lá điếu thông thường

Thời gian gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nước (shisha) và thuốc lá làm nóng (HTPs) xuất hiện nhiều trên thị trường và được nhà sản xuất quảng cáo là ít tác hại hơn thuốc lá điếu thông thường, là sản phẩm để hỗ trợ người hút thuốc cai thuốc lá điếu thông thường. Điều này khiến nhiều người nhầm tưởng thuốc lá thế hệ mới giúp họ bỏ thuốc lá điếu thông thường dần dần nhưng trên thực tế thì không phải như vậy.

Nhiều thành phần tương tự thuốc lá điếu thông thường

Theo tìm hiểu của phóng viên, thuốc lá thế hệ mới được bán nhiều tại các cửa hàng, trên mạng internet với nhiều tên gọi, dạng sản phẩm, kiểu dáng đa dạng, bắt mắt với đủ loại giá thành từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng. Đặc biệt, thành phần của các loại thuốc lá này đều chứa nicotine (chất gây nghiện cực mạnh).

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, thuốc lá thế hệ mới hoàn toàn không an toàn và không có khả năng hỗ trợ cai nghiện thuốc lá điếu thông thường do loại thuốc lá này vẫn chứa chất gây nghiện nicotine (chất gây nghiện tương tự như heroin hay cocaine).

Theo nghiên cứu của các chuyên gia, thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng là 2 loại thuốc lá thế hệ mới khác nhau. Trong đó, thuốc lá điện tử có cấu tạo gồm các bộ phận pin, sạc; bộ phận gia nhiệt, làm nóng, dẫn dòng khí; bộ phận chứa ống đựng dung dịch điện tử.

Người dân hút thuốc lá điện tử tại Washington, DC, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Người dân hút thuốc lá điện tử tại Washington, DC, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Loại thuốc lá này có loại dùng 1 lần hoặc nhiều lần (người dùng cần bổ sung thêm dung dịch điện tử khi hết). Thành phần dung dịch điện tử hầu hết chứa nicotine, glycerin, propylene glycol và hương liệu (có trên 15.500 loại hương liệu).

Propylene glycol (mặc dù được coi là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít) có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.

Glycerin/Glycerin gốc thực vật khi được đun nóng và hóa hơi, tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên. Trong khi, thuốc lá điện tử lại hoạt động bằng cách làm nóng dung dịch lỏng hòa tan (dung dịch điện tử), tạo nên một hóa hơi (không phải hơi nước) cho người dùng hít vào. Làn hơi này vẫn tỏa ra môi trường dẫn đến việc những người xung quanh cũng hít phải, ngửi thấy và cảm nhận rõ.

Thuốc lá làm nóng sử dụng thiết bị điện tử để làm nóng điếu thuốc hay đầu cắm lá thuốc ép. Điếu thuốc hay đầu mồi được làm nóng đến nhiệt độ đủ cao (vài trăm độ C) để sinh ra các hạt khói, làn khói có thể hít vào.

Thuốc lá điện tử. (Nguồn: Reuters)
Thuốc lá điện tử. (Nguồn: Reuters)

Thiết bị điện tử bao gồm bộ phận gia nhiệt làm nóng, điếu thuốc hay đầu cắm phải được sử dụng cùng nhau. Thuốc lá làm nóng sử dụng nguyên liệu lá thuốc lá, giấy pha tẩm lá thuốc lá nên có tính chất tương đồng với thuốc lá điếu thông thường về thành phần nguyên liệu. Do đó, thuốc lá làm nóng cũng gây ra tác hại với sức khỏe con người tương tự như thuốc lá điếu thông thường.

Bởi vậy, việc các nhà sản xuất quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá đốt nóng là sản phẩm không đốt cháy nên không tỏa khói từ đó giảm tác hại hơn thuốc lá điếu thông thường là không chính xác.

Các bác sỹ cho rằng dạng hơi của thuốc lá điện tử bên cạnh các chất gây nghiện, vẫn chứa formaldehyde, benzene và nitrosamines (chất đặc biệt có trong thuốc lá và gây ung thư), acetaldehyde và các chất gây ung thư khác.

Do đó, người hít phải khói thuốc lá điện tử cũng giống như người hút trực tiếp đều có nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, trong đó có ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày…; các vấn đề sẽ ảnh đến chất lượng cuộc sống như vô sinh, liệt dương, bệnh lý răng miệng, bệnh lý đại tràng, dạ dày…

Không phải giải pháp để bỏ thuốc lá điếu thông thường

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, thuốc lá thế hệ mới hoàn toàn không an toàn và không có khả năng hỗ trợ cai nghiện thuốc lá điếu thông thường do loại thuốc lá này vẫn chứa chất gây nghiện nicotine (chất gây nghiện tương tự như heroin hay cocaine).

 San Francisco là nơi đặt trụ sở của Juul Labs, một trong những nhà sản xuất thuốc lá điện tử hàng đầu thế giới. (Ảnh: Fortune)
 San Francisco là nơi đặt trụ sở của Juul Labs, một trong những nhà sản xuất thuốc lá điện tử hàng đầu thế giới. (Ảnh: Fortune)

Khi ngưng sử dụng, hàm lượng nicotin trong máu giảm, gây cảm giác bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, thôi thúc người dùng cần phải sử dụng. Đây chính là triệu chứng nghiện nicotine, hay nghiện thuốc lá.

Khi người dùng hút càng nhiều nicotine thì cơ thể càng quen, càng gây nghiện nặng hơn. Do đó, bản thân thuốc lá thế hệ mới gây ra và duy trì chứng nghiện nicotine không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Đồng thời, nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm này thậm chí làm người dùng vừa nghiện thuốc lẫn nghiện nicotine, nguy hại hơn là biến đổi cấu trúc ADN.

Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử tiện dụng với các ống dung dịch được đóng gói cho hàng trăm hơi hút, hầu như không có định lượng về nồng độ nicotine trong mỗi ml.

Điều này khiến người sử dụng không kiểm soát được số lượng thuốc hút trong ngày như thuốc lá điếu thông thường, dẫn đến nguy cơ hút nhiều thuốc hơn, từ đó tiêu thụ nhiều nicotine và các chất độc hại khác, gây nguy cơ ngộ độc cấp tính.

Ngoài ra, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường. Nguyên liệu thường phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau nên dễ bị lợi dụng để tăng lượng nicotine, thậm chí pha trộn cả heroin để gây nghiện cho người sử dụng.

Tại Việt Nam, tình trạng tội phạm ma túy trộn các loại ma túy vào các sản phẩm thuốc lá điện tử và hướng vào đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ đã được điều tra, phát hiện và vẫn đang diễn biến phức tạp.

Hiện chưa có đầy đủ thông tin về mức độ gây hại của các loại thuốc lá mới và bằng chứng để xác định tính hiệu quả của việc sử dụng thuốc lá thế hệ mới như một biện pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá điếu thông thường.

Nhìn vào thành phần và một số nghiên cứu về thuốc lá thế hệ mới cũng có thể thấy, thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng không thể là “cứu cánh” giúp người hút thuốc lá cai thuốc lá điếu thông thường bởi bản thân thuốc lá thế hệ mới cũng chứa những thành phần độc hại giống hoặc hơn cả thuốc lá điếu thông thường.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cho biết hiện chưa có bằng chứng rõ ràng nào về công dụng cai nghiện thuốc lá thông thường của thuốc lá điện tử. Với đa số người hút thuốc, việc sử dụng thuốc lá điện tử chỉ có tác dụng làm giảm việc hút thuốc chứ không khiến họ bỏ thuốc hẳn.

Điều này cũng có nghĩa là người sử dụng sẽ dùng đồng thời cả thuốc lá thường và thuốc lá điện tử. WHO khuyến cáo nên cấm hoặc kiểm soát thuốc lá điện tử nhằm hạn chế ảnh hưởng của sản phẩm này với sức khỏe con người. Trên thế giới đã có nhiều quốc gia cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, trong đó có cả các nước trong khối ASEAN./.

Biển báo cấm hút thuốc. (Nguồn: Getty Images)
Biển báo cấm hút thuốc. (Nguồn: Getty Images)

Tác hại khôn lường

Các loại thuốc lá thế hệ mới bao gồm thuốc lá điện tử (ENDs) và thuốc lá làm nóng (HTPs) đều có chứa các thành phần độc hại, khi sử dụng đều có sự đốt cháy và có khói, hơi tỏa ra môi trường gây tác hại cho cả người hút và người xung quanh do hút thuốc lá thụ động như thuốc lá điếu thông thường.

Thứ thuốc độc hại này không chỉ tiềm ẩn nhiều tác hại đối với sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Ảnh hưởng lớn đến sức khỏe

Theo Liên minh Kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á (SEATCA) đa phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine – chất gây nghiện cao, là nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư. Sử dụng nicotine quá liều gây ngộ độc. Nghiện nicotine là một trong những nguyên nhân gây các bệnh tim mạch, đột quỵ.

Thuốc lá nói chung và thuốc lá thế hệ mới nói riêng không chỉ tiềm ẩn nhiều tác hại đối với sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Có các bằng chứng cho thấy khí thải của thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có thể gây rủi ro cho những người xung quanh. Khi một người tiếp xúc với nicotine, nhịp tim và huyết áp sẽ tăng lên bởi động mạch vành bị co lại, làm giảm lưu lượng máu và khí oxy. Qua thời gian, sự tiếp xúc với nicotine có thể dẫn đến bệnh về tim, đột quỵ và đau tim.

Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do hút thuốc lá. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)
Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do hút thuốc lá. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Khí thải của các sản phẩm này gây ảnh hưởng lớn đến giới trẻ, đặc biệt là trẻ em vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25.

Chỉ riêng nicotine đã gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, thiếu niên, thanh niên; gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của bà mẹ và thai nhi trong thai kì; gây ra sinh non, thai lưu. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh não khiến người dùng ở nhóm tuổi trẻ dễ bị nghiện nicotine hơn, sớm ảnh hưởng đến sức khỏe và ngày càng trầm trọng hơn trong tương lai.

Đặc biệt, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù thuốc lá làm nóng được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như khói thuốc lá điếu thông thường, trong đó có một số hóa chất được xếp vào nhóm gây ung thư phổi, mũi, thực quản, gan, tuyến tụy và cổ tử cung…

Trong thời gian gần đây, khi dịch COVID-19 bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia trên thế giới, các chuyên gia y tế đã kêu gọi những người hút thuốc bỏ thuốc và các công ty thuốc lá ngừng sản xuất và bán các sản phẩm thuốc lá để giúp giảm rủi ro từ COVID-19.

Theo tuyên bố chung của WHO, những người hút thuốc có nhiều khả năng mắc bệnh nặng như COVID-19 so với những người không hút thuốc. Bởi hút thuốc làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại Coronavirus và các bệnh khác. Thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh không truyền nhiễm như tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và tiểu đường…

Thuốc lá điện tử. (Nguồn: Reuters)
Thuốc lá điện tử. (Nguồn: Reuters)

Ông Gan Quan, chuyên gia y tế công cộng, Giám đốc Chương trình kiểm soát thuốc lá của Liên minh Quốc tế phòng chống Lao và Bệnh phổi như hút thuốc lá gây suy yếu hệ thống miễn dịch của con người, làm hệ thống miễn dịch ít có khả năng đáp ứng hiệu quả với nhiễm trùng.

Những người hút thuốc cũng có thể đã mắc các bệnh về phổi hoặc suy giảm dung tích phổi, điều này làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng. Điều tốt nhất mà ngành công nghiệp thuốc lá có thể làm là ngay lập tức ngừng sản xuất, tiếp thị và bán thuốc lá.

Ảnh hưởng kinh tế-xã hội

Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng hiện có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ thông qua các quảng cáo sản phẩm với nhiều kiểu dáng thiết kế “sành điệu” tạo gu thẩm mỹ, kết hợp nhiều tính năng sử dụng tiện lợi, hương vị mới lạ; sử dụng hình thức bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet ) để tiếp cận nhanh nhất đến giới trẻ.

Theo điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố của nước ta vào năm 2019, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở học sinh Việt Nam có xu hướng giảm từ 4% xuống 3,6% nhưng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử bắt đầu tăng lên 2,6%.

Một báo cáo tại Anh về ảnh hưởng ban đầu của việc sử dụng thuốc lá điện tử nêu rõ thanh thiếu niên chưa bao giờ hút thuốc lá nhưng sử dụng thuốc lá điện tử có khả năng sẽ hút thuốc lá điếu thông thường cao hơn tới 6 lần so với những thanh thiếu niên chưa từng sử dụng thuốc lá điện tử.

Biển báo cấm hút thuốc tại một nhà hàng. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Biển báo cấm hút thuốc tại một nhà hàng. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Do đó, thuốc lá điện tử làm gia tăng việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá ở thanh thiếu niên, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ. Đặc biệt, việc gia tăng số lượng người sử dụng các sản phẩm thuốc lá sẽ gây ảnh hưởng đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và nỗ lực phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử còn có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội. Do thuốc lá điện tử có thiết kế mở (phần chứa dung dịch tách rời có thể tự nạp) nên người sử dụng hoặc một số cơ sở bán hàng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác mà khó bị phát hiện.

Ngoài ra, thiết bị của các sản phẩm này có rất nhiều thành phần như nhựa, pin, bảng mạch điện, dung dịch… Quy trình dỡ bỏ, phân loại… nhằm tái chế hay vứt bỏ, tiêu hủy đều phức tạp và tốn kém. Nếu bị vứt bỏ dưới dạng vỡ, nát chúng có thể phát tán ra môi trường các chất độc hại như kim loại, axit, nicotine gây ảnh hưởng môi trường…

Đồng thời, thiết bị điện tử của các sản phẩm này có thể hỏng, lỗi và gây cháy nổ, thương tích, mất an toàn cho người sử dụng. Các chấn thương nghiêm trọng đã được ghi nhận như miệng, mặt, cổ, mắt, mũi, xương hàm… Tuy vậy, các sản phẩm này hiện vẫn thiếu hướng dẫn người dùng cách loại bỏ sản phẩm sau khi sử dụng.

Siết chặt quản lý

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở nước ta thời gian qua đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên, mỗi năm thuốc lá vẫn gây ra 40.000 ca tử vong; chi tiêu cho hút thuốc lá chiếm trên 31.000 tỷ đồng. Chi phí cho một số bệnh tật phổ biến do thuốc lá đã lên tới trên 21.000 tỷ đồng mỗi năm.

Tình nguyện viên đạp xe hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5/2020 trên các tuyến phố của Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Tình nguyện viên đạp xe hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5/2020 trên các tuyến phố của Hà Nội. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng không làm giảm đi các tác hại này mà thậm chí sẽ làm gia tăng gánh nặng bệnh tật và các chi phí khác, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống…

Theo Phó Giám đốc Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá Phan Thị Hải hiện nay, nhiều quốc gia đã cấm mua bán, sử dụng sản phẩm thuốc lá điện tử do lo ngại những nguy cơ mà sản phẩm này mang lại, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Do đó, Việt Nam không nên cho phép thí điểm bất cứ loại thuốc lá mới nào và cần siết chặt quản lý các sản phẩm thuốc lá có mặt trên thị trường.

Việt Nam hiện không sản xuất thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng nên việc cho phép nhập khẩu thuốc lá điện tử sẽ chỉ làm lợi cho các công ty thuốc lá nước ngoài, gây bất lợi đến kinh tế và sản xuất nội địa.

Hiện nay, Tổ chức Hải quan quốc tế của Liên hợp quốc xếp thuốc lá điện tử không chứa nicotine vào chương hóa chất nên không phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc mức thuế thấp. Bên cạnh đó, bộ phận điện tử của sản phẩm thuốc lá điện tử là phần có chi phí và giá cao, không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước trong khu vực (trừ Campuchia) và các nước trên thế giới nên dễ tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng.

Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.
Nhấp chuột để xem kích thước chuẩn.

Cụ thể, tỷ lệ thuế trong giá bán lẻ của nhãn hiệu thuốc lá phổ biến nhất ở Việt Nam hiện đang ở mức khoảng 36,7% so với mức trung bình toàn cầu là 58,3%; mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 70% tính trên giá xuất xưởng trong khi mức thuế tiêu thụ đặc biệt được WHO khuyến nghị là 75%.

Do vậy, để hạn chế tiêu dùng và tiếp cận sản phẩm thuốc lá (đặc biệt với học sinh, sinh viên, người có thu nhập thấp), Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá đề nghị sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó tăng thuế đối với thuốc lá nhằm góp phần đạt mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ hút thuốc, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Việc này cũng đồng thời giúp tăng nguồn thu cho ngân sách, phù hợp với chính sách của Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật phòng chống tác hại của thuốc lá “Áp dụng chính sách thuế phù hợp để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.”

Trước những tác hại của thuốc lá thế hệ mới với sức khỏe người dân, đặc biệt là giới trẻ, Bộ Y tế cùng một số bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và Quốc hội cấm sử dụng và nhập khẩu sử dụng. Riêng đối với thuốc lá nung nóng do áp dụng quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là vẫn được dùng nguyên liệu lá thuốc lá và chế phẩm khác có liên quan, nên theo Luật, loại này vẫn được cho phép sử dụng.

Nhưng Bộ Y tế sẽ yêu cầu phải có những quy định mang tính đặc biệt hơn như cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh; phải có quy định quy chuẩn quốc gia cho loại thuốc này để giới hạn hàm lượng an toàn cho người sử dụng./.

Đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5/2020. (Ảnh: Minh Quyết/ TTXVN)
Đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31/5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ 25-31/5/2020. (Ảnh: Minh Quyết/ TTXVN)