Thành phố Hồ Chí Minh

1405doanhngh-1589466627-90.jpg

Kể từ lúc xuất hiện cho đến nay, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng không ngoại lệ khi có hàng chục nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc đang cầm cự một cách khó khăn.

Cả hệ thống chính trị đã và đang khẩn trương vào cuộc, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, từ chính sách quản lý vĩ mô cho đến chính sách tài khoá, thuế, thủ tục hành chính… nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại, ổn định sản xuất kinh doanh và tạo điều kiện phục hồi cho doanh nghiệp.

TTXVN giới thiệu loạt bài phản ánh nỗ lực tự thân vượt khó của doanh nghiệp cũng như các chính sách hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước tại Thành phố Hồ Chí Minh, nơi được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước./.

Bài toán cho quản trị doanh nghiệp

Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau dịch COVID-19, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần bắt tay đánh giá lại toàn bộ quy trình vận hành doanh nghiệp vừa qua, cũng như tính hiệu quả công việc của đội ngũ người lao động.

Song song đó, sau thời gian người lao động “sống chậm” khi thực hiện làm việc từ xa, ở nhà… trở lại với guồng máy bình thường, doanh nghiệp cần giải bài toán quản trị doanh nghiệp để đảm bảo chiến lược sản xuất, kinh doanh đã đặt ra.

“Giữ chân” người lao động

Theo cuộc khảo sát của Công ty cổ phần Kết nối Nhân tài (Talentnet), trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số hóa và cắt giảm chi phí vận hành công ty, đồng thời giải quyết bài toán về nhân sự hậu mùa dịch. Điều mà doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất hiện nay là làm sao có đủ nguồn thu để tồn tại và giữ nhân viên.

Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau dịch COVID-19, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần bắt tay đánh giá lại toàn bộ quy trình vận hành doanh nghiệp vừa qua, cũng như tính hiệu quả công việc của đội ngũ người lao động.

Bà Tiêu Yến Trinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Talentnet cho rằng, công tác nhân sự “hậu COVID-19” là bài toán vừa khó vừa dễ. Cụ thể doanh nghiệp sẽ thuận lợi khi nguồn ứng viên dồi dào do lượng người lao động mất việc tăng, thái độ và sự cầu thị của ứng viên đối với vị trí tuyển dụng sẽ tốt hơn trước đây.

Quận Thủ Đức trao tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Quận Thủ Đức trao tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch bệnh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tuy nhiên, khó khăn đối với nhà tuyển dụng là trong làn sóng dịch chuyển đầu tư sẽ có nhiều nhà đầu tư đến mở nhà máy, cơ sở sau khi Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, kéo theo nhu cầu tuyển dụng của một số ngành nghề đặc thù với sự cạnh tranh khốc liệt trong cuộc chiến dành nhân tài.

Dự báo doanh nghiệp sẽ tạm dừng hoặc không tuyển một số vị trí trọng yếu do việc triển khai chiến lược sản xuất, kinh doanh năm 2020 có thay đổi.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp có xu hướng quyết định đầu tư vào đội ngũ nhân viên hiện tại, thay vì tuyển nhân sự mới trong khi bản thân người lao động cũng sẽ cân nhắc và thận trọng hơn đối với những cơ hội việc làm mới.

“Điều quan trọng là nhà tuyển dụng cần có một kế hoạch tổng thể với sự phân bổ nguồn lực hợp lý thì mới tận dụng được cơ hội từ thị trường nhân lực; đồng thời, người lãnh đạo cần truyền cảm hứng cho người lao động, đào tạo cho nhân viên mình đủ năng lực để thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần có chính sách tưởng thưởng cho người lao động, xây dựng văn hóa và môi trường lao động linh hoạt nhằm tối đa hóa nguồn lao động hiện hữu và sử dụng lao động bên ngoài,” bà Tiêu Yến Trinh chia sẻ.

Ông Trần Tấn Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Càphê Hello 5 chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp tại chương trình tọa đàm với chủ đề Dự báo kinh tế Việt Nam 2020, tác động của dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp thích ứng với dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)
Ông Trần Tấn Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Càphê Hello 5 chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp tại chương trình tọa đàm với chủ đề Dự báo kinh tế Việt Nam 2020, tác động của dịch COVID-19 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp thích ứng với dịch bệnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Xuân Anh/TTXVN)

Ở khía cạnh khác, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Công ty Navigos Search (công ty cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự) cho rằng, khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu tuyển dụng sẽ bùng nổ vì các doanh nghiệp sẽ cần đến đội ngũ nhân lực để vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, các doanh nghiệp nên xúc tiến hoạt động tuyển dụng trong thời gian này vì nguồn cung lao động đang dồi dào hơn và ứng viên khi nhận việc sẽ có nhiều thời gian để hòa nhập với công ty và chuẩn bị cho kế hoạch phát triển sau khi dịch bệnh qua đi.

Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giữ lại nhân sự của mình. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG) cho biết, đến nay NLG chưa phải cắt giảm nhân viên nào để giảm chi phí.

Ngược lại, mọi kế hoạch tuyển dụng các nhân sự tài năng và tâm huyết vẫn đang diễn ra để đáp ứng kế hoạch mở rộng và phát triển kinh doanh cho năn 2021-2022.

Việc gìn giữ con người giống hệt như những gì chúng tôi đã trải qua trong cuộc khủng hoảng 5 năm liên tục 2008-2012. Trong 5 năm này đã có lúc những nhà lãnh đạo cao cấp từ chối nhận lương nhưng vẫn không cắt giảm một nhân viên nào bởi chúng tôi luôn tin rằng “con người,” đặc biệt là những nhân tài là tài sản quý giá nhất của một doanh nghiệp.

Định hướng chính sách nhân lực sau dịch COVID-19, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, thành phố cần giữ cho doanh nghiệp không phá sản bằng cách hỗ trợ thu nhập cho người lao động để người lao động không mất việc làm. Bởi lẽ nếu mất lao động, doanh nghiệp không thể phục hồi sản xuất. Thành phố có thể hỗ trợ thu nhập cho người lao động ít nhất là 3-4 tháng bằng gói hỗ trợ của Chính phủ và gói hỗ trợ riêng của thành phố.

Gia tăng quản trị tài chính

Bên cạnh câu chuyện về nhân sự, theo các chuyên gia, việc tái cấu trúc, tăng cường quản trị tài chính là giải pháp trọng yếu để doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19.

Quang cảnh chương trình tư vấn trực tuyến Chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Quang cảnh chương trình tư vấn trực tuyến Chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 của Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cụ thể, doanh nghiệp cần thu hồi nguồn vốn, dòng tiền về càng nhanh càng tốt để hạn chế rủi ro thay vì quá tập trung vào lợi nhuận trước mắt.

Muốn vậy, người chủ doanh nghiệp phải kịp thời có chiến lược quản trị tài chính phù hợp với biến động của nền kinh tế trong nước cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Doanh nghiệp cần có chiến lược sản xuất kinh doanh khả thi, quản trị tài chính công khai, minh bạch… để có thể sử dụng hiệu quả vốn vay từ hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Theo bà Lâm Thị Ngọc Hảo, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam, nếu có kế hoạch kinh doanh với định hướng chiến lược rõ ràng, có chiến lược quản trị tài chính tốt thì doanh nghiệp sẽ không gặp khó khăn khi tiếp cận các tổ chức tài chính và nguồn vốn vay, có thể phòng, chống những rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và xử lý được khủng hoảng khi có đột biến thị trường.

Bên cạnh câu chuyện về nhân sự, theo các chuyên gia, việc tái cấu trúc, tăng cường quản trị tài chính là giải pháp trọng yếu để doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dịch COVID-19 ngoài thách thức còn là cơ hội để tái cấu trúc kinh tế lại theo hướng hiệu quả, bền vững, doanh nghiệp tái cơ cấu để thích ứng và hiệu quả cao hơn, phát triển bền vững hơn.

 Khách hàng giao dịch tại phòng giao dịch VietinBank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
 Khách hàng giao dịch tại phòng giao dịch VietinBank. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Giáo sư, tiến sỹ Hồ Đức Hùng, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, có thể tái cấu trúc lại doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung vào chuỗi giá trị, định hướng về thị trường, nhất là thị trường nội địa.

Đồng thời, khôi phục và khai thác những sản phẩm hiện có, thay đổi phương thức kinh doanh, phát triển sản phẩm hiện có sang thị trường mới nhất là ngành công nghiệp chế biến.

Còn theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 là khó khăn lớn, nhưng chưa phải là dấu chấm hết đối với doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp phải tái cấu trúc; trong đó, coi trọng việc chuyển đổi công nghệ thông tin, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhiều nước đang chuyển đổi công ty từ một số nơi; trong đó, có Trung Quốc về các nước Đông Nam Á nên đây sẽ là cơ hội đối với cộng đồng doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngay từ lúc này cần xác định kịch bản cho thời điểm “hậu COVID-19” là giai đoạn tăng cường xuất khẩu mặt hàng thực phẩm lương thực cho châu Âu và Mỹ là những thị trường hiện đang căng thẳng chuỗi cung ứng thực phẩm.

Muốn vậy, thành phố cần hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thêm thị trường thông qua việc đàm phán với các quốc gia hiện không có dịch COVID-19 hoặc kiểm soát dịch tốt đễ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận; đồng thời, đưa ra dự báo tác động lên nhóm ngành hàng, sản phẩm nhằm định hướng và đề xuất biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp./.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)

Khởi động lại với mô hình kinh doanh mới

Ghi nhận trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh theo khung giờ bình thường và đảm bảo thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19.

Song song đó, nhằm tạo động lực mới và kích cầu tiêu dùng, không ít doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh và tung ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người dân.

Phát triển dịch vụ tiện ích

Chia sẻ về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2020, đại diện Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (SATRA) cho biết, doanh nghiệp chú trọng thị trường nội địa thông qua hoạt động mở rộng phân phối bán lẻ song song với việc đảm bảo hiệu quả quản trị và kiểm soát.

Nhằm tạo động lực mới và kích cầu tiêu dùng, không ít doanh nghiệp đã chuyển đổi mô hình kinh doanh và tung ra nhiều sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng của người dân. 

SATRA đang tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu và có biện pháp ứng phó với phòng vệ thương mại từ những thị trường xuất khẩu.

Người dân theo đạo Hồi tham quan, mua sắm tại cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods Halal. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Người dân theo đạo Hồi tham quan, mua sắm tại cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods Halal. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Cùng với đó, SATRA sẽ chú trọng lĩnh vực công nghệ, nhằm từng bước xây dụng hệ thống quản trị công nghệ đáp ứng vận hành hành thống bán lẻ đang được mở rộng và mục tiêu chuyển dịch dần sang quản lý số.

“Hiện, SATRA đã và đang xây dựng mô hình thương mại điện tử, quảng cáo điện tử trên ứng dụng Satra Loyalty và triển khai thực hiện dịch vụ thanh toán bằng các ví điện tử cho hệ thống bán lẻ của SATRA. Ngoài ra chúng tôi còn đề xuất giải pháp E-makerting, bán hàng online và thương mại điện tử cũng như nhiều biện pháp số hóa khác cho các hoạt động quản lý,” đại diện của SATRA cho biết thêm.

Ở lĩnh vực du lịch, bên cạnh dấu hiệu khởi sắc từ thị trường khách lẻ, thị trường khách đoàn nội địa của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cũng đã bắt đầu đón nhận những dấu hiệu tích cực trở lại khi các đoàn khách công ty, đoàn khách cơ quan, xí nghiệp đã liên hệ tư vấn và ký hợp đồng du lịch cho các tour dự kiến khởi hành trong thời gian tới.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch đã kịp thời triển khai những gói tour du lịch phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới của người dân.

Cụ thể, đáp ứng nhu cầu đi du lịch của du khách sau một thời gian dài giãn cách cũng như đánh dấu việc chính thức khởi động lại hoạt động kinh doanh, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist triển khai các gói sản phẩm du lịch trong nước dành cho nhóm khách nhỏ, nhóm khách gia đình với mức giá ưu đãi so với giá bình thường.

Mặc dù, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist triển khai và giảm giá nhiều gói sản phẩm du lịch đa dạng, nhưng vẫn đảm bảo sự an toàn phòng chống dịch cho du khách đi tour cũng như chất lượng dịch vụ không đổi, hành trình tham quan phong phú, mới lạ, lịch khởi hành linh hoạt.

Điển hình, đối với những tour khởi hành từ Thành phố Hồ Chí Minh, Lữ hành Saigontourist triển khai lại một số tour định kỳ khởi hành trong tháng 5, 6/2020 như các tour Đà Lạt, Nha Trang, Phan Thiết, Cần Thơ… với mức giá ưu đãi từ 1,979 triệu đồng/khách (tùy hành trình); sản phẩm Free & Easy đi Vũng Tàu, Hồ Tràm, Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang với giá từ 1,439 triệu đồng/khách, dịch vụ book khách sạn và thuê xe dành cho nhóm khách nhỏ, nhóm khách gia đình.

 Gian hàng của Công ty du lịch Saigontourist trong “Ngày hội khuyến mại du lịch”. (Ảnh: Trần Việt/ TTXVN)
 Gian hàng của Công ty du lịch Saigontourist trong “Ngày hội khuyến mại du lịch”. (Ảnh: Trần Việt/ TTXVN)

Cùng với những gói tour truyền thống, tour Free and Easy hay Combo nghỉ dưỡng cao cấp, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist còn triển khai dịch vụ cung cấp Travel Voucher.

Với tính năng tiện dụng và linh hoạt phù hợp với thị hiếu tiêu dùng hiện đại, phiếu du lịch Saigontourist Travel Voucher là món quà ý nghĩa và hữu ích để các công ty, doanh nghiệp dành tặng nhân viên hay khách hàng, đối tác như một hình thức tri ân, khen thưởng…

Liên kết bán hàng online

Khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấy, những xu hướng tương lai bán lẻ sẽ được định hình theo những đặc điểm chính như nhu cầu về sự tiện lợi, nhu cầu cao cấp hóa các sản phẩm dịch vụ, nhu cầu kết nối liên tục…

Thị trường Việt Nam đang đứng hàng đầu về kết nối internet, với trung bình hàng tuần người Việt Nam dùng đến hơn 24 giờ để kết nối internet.

Cùng với xu hướng kết nối internet, người tiêu dùng hiện đại đang hướng đến mua sắm đa kênh, gồm không gian mua sắm hiện đại, được nhân viên tiếp đón văn minh, chu đáo; hàng hóa sản phẩm có xuất xứ rõ ràng, thực phẩm được sơ chế kỹ và đóng gói cẩn thận; có đủ dịch vụ tiện ích tại hầu hết các siêu thị, cửa hàng từ khâu giữ xe, giao hàng tận nhà, giao dịch thanh toán hóa đơn điện, nước, internet, cab tivi… Tất cả tạo ra sự kết nối đồng bộ, thống nhất cho cả hệ thống thương mại, dịch vụ.

Nhiều người dân đã chuyển hướng sang “đi chợ online” thời dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhiều người dân đã chuyển hướng sang “đi chợ online” thời dịch COVID-19. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dưới góc độ chuyên gia, theo tiến sỹ Đinh Bá Tiến, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi từ offline sang online, đẩy giao dịch trực tuyến tăng 20-30%.

Không chỉ thế, các sàn thương mại điện tử còn đưa ra các gói hỗ trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ tích cực bán hàng qua sàn. Các nền tảng giao nhận, thanh toán cũng đã đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường trong mùa dịch bệnh.

Vì vậy, trong thời gian tới, doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh… để tăng hiệu quả kinh doanh sau dịch bệnh.

“Vừa qua có một số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ khá nhanh nhạy trong chuyển đổi kinh doanh sang online. Tuy nhiên, muốn doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả hơn, nhà nước nên tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp để họ có thể tiếp cận các giải pháp tổng thể khi chuyển đổi số. Về lâu dài, sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh chuyển đổi số ở khối cơ quan nhà nước và đầu tư hạ tầng kinh tế số bảo đảm thông tin liền mạch. Riêng với các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn trong nước cần ngồi lại để đưa ra những gói dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ làm việc từ xa, giao dịch online… hiệu quả trong kinh doanh,” tiến sỹ Đinh Bá Tiến chia sẻ.

Để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới, sau thời gian thử nghiệm và nhận được sự ủng hộ từ quý khách hàng, trong tháng 4/2020 vừa qua, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ sức sản – VISSAN chính thức đưa vào hoạt động dịch vụ đặt hàng và giao tận nhà qua Hotline và Fanpage. Chương trình được áp dụng tại tất cả các quận huyện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (trừ huyện Củ Chi và huyện Cần Giờ).

Song song đó, kể từ ngày 25/4, VISSAN chính thức mở gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử Sendo nhiều tiện ích và ưu đãi hấp dẫn cho khách hàng khi người tiêu dùng có thể lựa chọn mua sắm với hơn 300 sản phẩm của VISSAN trên những trang thương mại điện tử lớn và uy tín tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, VISSAN sẽ tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa kênh bán hàng trực tuyến thông qua website. Với việc hợp tác với các trang thương mại điện tử, không chỉ VISSAN mà nhiều doanh nghiệp sản xuất đã và đang khẳng định uy tín thương hiệu trong việc mở rộng và phủ sóng những kênh bán hàng, đảm bảo cung cấp những sản phẩm tươi ngon, an toàn vệ sinh đến tận tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi nhất.

Đại diện một thương hiệu khác, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Xuân Nguyên chia sẻ kinh nghiệm thành công khi giới thiệu ra thị trường 24 chủng loại sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm phối hợp với mật ong là việc Tập đoàn đã và đang không ngừng phát triển đa dạng kênh phân phối, bán lẻ như siêu thị, nhà thuốc, tiệm tạp hóa…

Bên cạnh đó, Xuân Nguyên đảm bảo được sản lượng cung ứng cho thị trường với tổng sản lượng 10.000 tấn/năm, với tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 20% và còn lại là phục vụ thị trường nội địa.

Còn theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), dự kiến nhu cầu đối với hoạt động mua sắm online, giao hàng, chuyển phát có thể gia tăng trong thời gian tới.

Hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op.(Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op.(Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Để đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt hiện tại của thị trường bán lẻ, Saigon Co.op đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai chiến lược phát triển, đồng hành cùng nhà cung cấp và đối tác.

Saigon Co.op cũng sẽ tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, số hóa, tự động hóa, phát triển E-commerce kết hợp phương thức bán hàng đa kênh…

Riêng trong những tháng đầu năm 2020, Saigon Co.op đã phát triển dịch vụ dịch vụ bán hàng tận nhà với hơn 800 điểm bán của Saigon Co.op bao gồm Co.opmart, Co.opmart SCA, Co.opXtra, Co.op Food, Finelife, Co.op Smile…

Đặc biệt, nhân viên thuộc hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ gửi đến tận nhà khách hàng phiếu đặt hàng có sẵn danh mục gồm 3 nhóm hàng là thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ thiết yếu và hóa phẩm.

Khách hàng chỉ cần chọn lựa theo danh mục này và liên hệ siêu thị theo số điện thoại trên phiếu đặt hàng, hàng sẽ được đưa tới nhà. Bên cạnh hình thức phiếu đặt hàng, dịch vụ đặt hàng qua điện thoại của Saigon Co.op vẫn tiếp tục phục vụ khách hàng theo giờ hoạt động của điểm bán./.

Người dân mua sắm tại hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op. (Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN)
Người dân mua sắm tại hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op. (Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN)

Hỗ trợ về vốn và chính sách thuế

Ngoài yếu tố nhân lực, quản trị, điều cốt lõi, không thể tách rời đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp là vấn đề tài chính. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện đến cộng đồng doanh nghiệp, không những sụt giảm lợi nhuận mà còn đẩy doanh nghiệp đến bờ phá sản vì hết thiếu tiền, hết tiền và không đủ tiền để cầm cự trong khoảng thời gian nhất định.

Trước diễn biến đó, sự vào cuộc của ngành thuế, ngân hàng có ý nghĩa vô cùng hệ trọng đối với “sinh mệnh” của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Khoanh nợ, giảm lãi suất

Trong giai đoạn hiện nay, nhiều doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi, cơ cấu lại nợ để có cơ hội tiếp cận thêm đa dạng nguồn vốn vay và có thể vay mới.

Trước tác động của dịch COVID-19, sự vào cuộc của ngành thuế, ngân hàng có ý nghĩa vô cùng hệ trọng đối với “sinh mệnh” của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Nhựa Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay “cứu doanh nghiệp như cứu hỏa” và muốn vậy chính sách hỗ trợ phải làm nhanh, nên hỗ trợ cho cả ngành thay vì hỗ trợ đối với từng doanh nghiệp.

Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)
Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Để tiết giảm thời gian trong hậu kiểm thiệt hại, chỉ cần kiểm tra vấn đề nợ thuế, bảo hiểm xã hội và nợ ngân hàng của doanh nghiệp, sau đó giải ngân gói hỗ trợ.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh nêu thực trạng việc nhiều doanh nghiệp dệt may thành phố không có nguồn thu do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó, có không ít doanh nghiệp đã đóng cửa từ tháng 3/2020 nên không có tiền đề trả lương cho công nhân. Trong khi đây là điều kiện để xét duyệt hồ sơ vay vốn của ngân hàng.

Vì thế ngân hàng nên cân nhắc xem xét hạ tiêu chí cho vay, cùng với đó có chính sách giảm lãi suất các khoản vay của doanh nghiệp trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19 và cung cấp các khoản vay ưu đãi từ 6-12 tháng thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong điều kiện khó khăn hiện nay về nguyên liệu, thị trường xuất khẩu ngưng trệ, không có đầu ra, nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng, trong khi đây là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Do vậy, hệ thống ngân hàng cần hạ chỉ tiêu cho vay đối với doanh nghiệp cũng như hỗ trợ về giảm lãi suất, giãn nợ…

Trong khi đó, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho kéo giãn, chuyển nợ thuế doanh nghiệp sang năm 2021 và các năm tiếp theo tùy thuộc vào sự phục hồi kinh tế và sức khỏe của doanh nghiệp, kiến nghị được giảm thuế doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng.

Văn phòng Ủy ban Nhân dân Quận 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp trong ngày đầu tiên kết thúc thời gian giãn cách xã hội. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Văn phòng Ủy ban Nhân dân Quận 3 phục vụ người dân và doanh nghiệp trong ngày đầu tiên kết thúc thời gian giãn cách xã hội. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Đồng thời cho các doanh nghiệp được hỗ trợ mà không cần phải chứng minh thiệt hại, không phân biệt quy mô thông qua nhóm giải pháp giải cứu cấp bách và giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp với sự vào cuộc chủ động của hệ thống ngân hàng trong việc thẩm định, trả lời hồ sơ vay vốn cho doanh nghiệp, bảo trợ cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.

Dưới góc độ chuyên gia, tiến sỹ Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ đề xuất, việc Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại để khoanh nợ vay cho doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi lưu thông dễ đổ vỡ như du lịch, vận tải, ẩm thực, giải trí… và những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tiếp sức cho doanh nghiệp

Nói về các giải pháp hỗ trợ đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà hệ thống ngân hàng đã và đang thực hiện, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 26/4 trên địa bàn thành phố đã cơ cấu lại nợ là 63.000 tỷ đồng, giảm lãi cho doanh nghiệp, kinh tế hộ khoảng 12.300 tỷ đồng với 168.000 khách hàng (trong đó chiếm 38% là doanh nghiệp). Từ khi có dịch COVID-19 đến nay hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố đã cho vay mới hơn 88.800 tỷ đồng.

Ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp. (Nguồn: TTXVN)
Ngân hàng hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp. (Nguồn: TTXVN)

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng yêu cầu các doanh nghiệp công bố công khai bộ tiêu chí rõ ràng, cụ thể về doanh thu, dòng tiền, khả năng trả nợ để ngân hàng đưa vào danh sách các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ.

Doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành và các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp khi đưa vào chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp phải báo cáo minh bạch, rõ ràng dòng tiền, có như vậy ngân hàng mới quản lý, đảm bảo thu hồi nợ và cho vay vốn.

“Ngành ngân hàng luôn đồng hành với doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì, khôi phục sản xuất kinh doanh và tạo đà phát triển sau dịch COVID-19. Ngân hàng cam kết không thiếu vốn cho doanh nghiệp và sẽ thực hiện hiệu quả hơn nữa chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng trong thời gian tới. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh sẽ kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm nếu các ngân hàng gây khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp,” ông Nguyễn Hoàng Minh khẳng định.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) phụ trách khối quản trị tài chính và nguồn vốn cho biết, mục tiêu mà các ngân hàng thương mại là hỗ trợ cho doanh nghiệp, không có chuyện trì hoãn, gây khó dễ cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên hoạt động của ngân hàng thương mại cũng phải đảm bảo các quy trình an toàn theo quy định của pháp luật.

Dẫn chứng cụ thể, ông Hoàng Minh Hoàn cho hay, đối với ngân hàng thương mại, việc xét duyệt hồ sơ vay của doanh nghiệp đều phải thông qua hệ thống thẩm định nội bộ và dựa trên nhiều yếu tố để quyết định hạn mức cho vay.

Ngân hàng SCB luôn cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn khó khăn tạm thời này, tuy nhiên nhằm đảm bảo hoạt động ngân hàng hiệu quả, SCB phải kiểm soát được rủi ro mới quyết định duyệt cho vay.

Cán bộ Phường 1, Quận 3 chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Cán bộ Phường 1, Quận 3 chi trả hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động đến tất cả hoạt động kinh tế, Chính phủ đã ban hành các gói cứu trợ, từ chính sách tài khóa đến tài chính đã góp phần củng cố niềm tin cho doanh nghiệp.

Đầu tháng 4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 41/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất nhằm hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Nghị định nói trên của Chính phủ, theo thống kê từ Cục Thuế thành phố, đã có khoảng 255.000 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ 97,35% trên tổng số doanh nghiệp trên địa bàn được thụ hưởng chính sách này.

Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện cơ quan thuế đang thực hiện khoanh nợ cho các doanh nghiệp trong thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2020 theo Nghị định 41/NĐ-CP của Chính phủ với số tiền được khoanh nợ khoảng 40.000 tỷ đồng.

“Từ nay đến 30/7/2020, doanh nghiệp gửi đơn xin gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất sẽ được cơ quan thuế tự động gia hạn. Cũng trong khoảng thời gian này, cơ quan thuế sẽ không gây bất kỳ áp lực nào cho doanh nghiệp trong việc gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất,” ông Lê Duy Minh cam kết.

Cũng theo đại diện Cục Thuế thành phố, ngoài đối tượng doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố có 43.000 hộ kinh doanh, tiểu thương đang gặp nhiều khó khăn do COVID-19 cũng được gia hạn nộp thuế.

Từ tháng 3 đến hết tháng 12/2020, các đối tượng này sẽ được khoanh nợ, không phát sinh các khoản chậm nộp để có thêm nguồn lực tài chính ổn định tình hình sản xuất kinh doanh./.

Người dân nộp thuế tại điểm thu Ngân hàng Vietcombank. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Người dân nộp thuế tại điểm thu Ngân hàng Vietcombank. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Phát triển trong trạng thái bình thường mới

Trước đại dịch COVID-19, hơn ai hết, mỗi doanh nghiệp, tổ chức hoạt động kinh tế cần ý thức việc tự chủ, “mình cứu mình,” tái cơ cấu hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn. Sau đó với các chính sách hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, việc phụ hồi, duy trì và lấy đà phát triển đối với doanh nghiệp sẽ trở nên khả thi và thuận lợi hơn.

Dịch COVID-19 là cơ hội để Thành phố Hồ Chí Minh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị xanh, giảm thâm hụt lao động.

Về dài hơi, doanh nghiệp sẽ vượt qua được khủng hoảng nếu nền kinh tế vĩ mô ổn định, vừa thực hiện được mục tiêu kép là phát triển kinh tế và kiểm soát được dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội. Thành phố Hồ Chí Minh, với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, không nằm ngoài quy luật đó.

Cơ hội chuyển đổi

Theo ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị xanh, giảm thâm hụt lao động.

Công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thực hiện giãn ca, rửa tay khử trùng và đo thân nhiệt trước khi vào xưởng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Công nhân Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thực hiện giãn ca, rửa tay khử trùng và đo thân nhiệt trước khi vào xưởng. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Chống dịch vẫn là mục tiêu quan trọng nhưng biện pháp thực hiện sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp để đạt được mục tiêu kép là kết hợp được sự phục hồi kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội; trong đó, sự ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường trong nước trở nên quan trọng hơn đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam nói chung và của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo chia sẻ của ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đã “xoay chuyển” tình thế khá tốt, tận dụng cơ hội để sản xuất các thiết bị công nghệ cao phục vụ phòng chống dịch, sản phẩm thiết bị y tế, dịch vụ số cho doanh nghiệp, môi trường trực tuyến… nên ít ảnh hưởng, tăng trưởng tốt.

Tương tự, nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực lương thực thực phẩm do nhu cầu sản phẩm thiết yếu tăng cao nên đã tận dụng cơ hội để sản xuất hết công suất, đưa thêm nhiều sản phẩm, đầu tư thêm công nghệ, nâng cao giá trị sản phẩm. Nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày đã chuyển đổi sang sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ y tế để đi vào các thị trường lớn.

Để chủ động vượt qua khó khăn giai đoạn hiện nay, ông Chu Tiến Dũng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục đầu tư hạ tầng, chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư nước ngoài thời kỳ hậu COVID-19; hoàn thiện môi trường pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sang môi trường kinh tế số; hướng dẫn, công khai các tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ và thành phố, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, chuyển đổi nguồn nhân lực, khởi nghiệp sáng tạo.

Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)
Nghiên cứu phát triển sản phẩm vi mạch bán dẫn, kết quả hợp tác chuyển giao công nghệ tại Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tiến Lực/TTXVN)

Đồng thời, thành lập Tổ công tác giải cứu doanh nghiệp để theo dõi, đôn đốc, giải quyết và đề xuất các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright đề xuất việc thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để huy động vốn triển khai cho nhiều dự án đầu tư công trọng điểm. Như vậy mới tận dụng được cơ hội, tạo đà cho sự phục hồi kinh tế trong năm 2021, đảm bảo tính thanh khoản cho doanh nghiệp, duy trì việc làm cho người lao động.

Chủ động để thích ứng

Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động, kiên quyết, kiên trì phòng chống dịch bệnh, thực hiện các giải pháp từ ngắn hạn đến dài hạn để ứng phó, giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế, ổn định sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội cũng như chờ thời điểm lấy đà để phát triển trở lại.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, chính quyền thành phố, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tiếp tục chung tay phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường.

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân, thành phố sẽ có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương, mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế du lịch với từng nước.

Cùng với đó, việc số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, đẩy mạnh thực hiện thành phố thông minh, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% các dự án, xây dựng Khu công nghệ cao giai đoạn 2, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, đẩy mạnh đề án khởi nghiệp sáng tạo…

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu trong buổi làm việc trực tuyến giữa Thủ tướng với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh về thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong phát biểu trong buổi làm việc trực tuyến giữa Thủ tướng với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố Hồ Chí Minh về thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Hiện thành phố đang phải đối diện với một số vấn đề thách thức như vấn đề kinh tế số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thị trường xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng do đứt gãy chuỗi cung ứng, việc vực dậy sức mua của thị trường nội địa, thời điểm mở cửa để phát triển du lịch quốc tế…

“Sự tăng trưởng chậm lại của thành phố sẽ có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước. Vì vậy, tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để khôi phục và phát triển kinh tế thành phố là mệnh lệnh cần phải làm ngay,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho hay.

Theo người đứng đầu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, dù bị ảnh hưởng nặng nền bởi dịch COVID-19 nhưng kinh tế-xã hội thành phố vẫn có những điểm sáng đáng ghi nhận.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế 4 tháng đầu năm 2020 giảm nhưng vẫn chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong GDP cả nước. Giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 4.270 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2019.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 14,42 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ 2019. Điều này cho thấy, thành phố vẫn có những yếu tố tích cực là tiền đề để tiếp tục phát triển nhanh hơn.

Du khách tham quan du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Du khách tham quan du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Trong thời gian tới, thành phố xác định chủ động chuyển sang trạng thái “bình thường mới,” tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa hạn chế những tác động khó khăn của dịch COVID-19, phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đồng thời thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố năm 2020.

Về giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, thành phố sẽ triển khai thực hiện kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2020 với 5 nhóm nội dung.

Cụ thể, thành phố hỗ trợ duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp; trong đó, chú trọng hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động (tháng 5 đến tháng 6/2020), hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa 100 triệu dân.

Đồng thời, hỗ trợ giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hỗ trợ khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh quá trình số hóa quản trị doanh nghiệp và quản lý ngành; thực hiện các chương trình khởi nghiệp sáng tạo. Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế, du lịch với từng nước vào thời điểm phù hợp (tháng 5 đến tháng 12/2020).

Mặt khác thành phố sẽ xây dựng kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế từng quý và cả năm 2020, dự báo đánh giá chỉ số từng ngành, lĩnh vực, qua đó có giải pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên, tiềm năng, có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố nhằm đạt mức tăng trưởng GRDP cao nhất có thể.

Ngoài các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp riêng, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục giảm 10% giá điện như hiện nay và tạm thời dừng áp dụng bậc thang giá điện để hỗ trợ nhân dân và doanh nghiệp cho đến khi Chính phủ công bố hết dịch tại Việt Nam.

Ủy ban Nhân dân thành phố kiến cũng nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho doanh nghiệp được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất đối với số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến tháng 6/2020.

Với những nỗ lực “tự giải cứu” của doanh nghiệp, các chính sách quản lý kinh tế và hỗ trợ từ Chính phủ, địa phương, thiệt hại kinh tế đối với doanh nghiệp trên cả nước đã được giảm thiểu đến mức thấp nhất.

Không chỉ vậy, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội trong giai đoạn khó khăn tạm thời này để tái cơ cấu hoạt động, chuyển hướng kinh doanh phù hợp, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ để cầm cự, ổn định sản xuất, tiến tới hồi phục, lấy lại đà phát triển trong thời điểm “hậu COVID-19,” góp phần quan trọng vào sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế của cả nước./.

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)