Trái tim nhà khoa học phải lắng nghe hơi thở cuộc sống

anhdaidien-1607741067-0.jpg

Đầu tháng 12/2020, phó giáo sư Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội) là một trong hai nhà khoa học được xướng tên tại Giải thưởng Noam Chomsky Ngôi sao Tỏa sáng về Thành tựu trong nghiên cứu 2020. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Hiệp hội các nhà nghiên cứu hàn lâm liên quốc gia (STAR).

Đáng chú ý, đây là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng này.

Nguồn cảm hứng lớn

Thưa phó giáo sư Trần Xuân Bách, là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng Noam Chomsky, cảm giác của phó giáo sư thế nào?

Phó giáo sư Trần Xuân Bách: Đây thực sự là niềm hạnh phúc lớn đối với tôi và các cộng sự khi được các đồng nghiệp đề cử và xét tặng Giải thưởng Noam Chomsky 2020 của Hiệp hội các nhà nghiên cứu hàn lâm liên quốc gia (STAR).

             Các cá nhân được nhận giải thưởng Noam Chomsky 2020.
             Các cá nhân được nhận giải thưởng Noam Chomsky 2020.

Trong hành trình khám phá tri thức, cũng như những nghiên cứu viên khác, tôi luôn trân quý và nâng niu tất cả mọi sự ghi nhận, dù ở cấp độ nào. Tôi ghi nhớ tất cả những cột mốc này cùng với những thông điệp, kỳ vọng được gửi gắm của cộng đồng khoa học. Tôi coi đó như nguồn cảm hứng và sự động viên cho mình và các đồng nghiệp nỗ lực hơn nữa để hướng tới những mục tiêu mới.

Tôi ghi nhớ tất cả những cột mốc này cùng với những thông điệp, kỳ vọng được gửi gắm của cộng đồng khoa học.

Giáo sư Noam Chomsky được thế giới biết đến với rất nhiều danh hiệu như một trong những học giả đương đại xuất chúng nhất, là cha đẻ của ngôn ngữ học hiện đại, một trong những người thông minh nhất thế giới, là trí thức thiên tài dấn thân và phụng sự xã hội… Được nhận một giải thưởng vinh danh mang tên Noam Chomsky có ý nghĩa như thế nào với ông?

Phó giáo sư Trần Xuân Bách: Đúng vậy. Thế giới nhắc đến giáo sư Noam Chomsky bằng tất cả sự ngưỡng mộ dành cho những nỗ lực bền bỉ và tiên phong trong nghiên cứu và phụng sự nhân loại của ông. Những lý thuyết mà ông gây dựng hơn 60 năm trước đã đặt những nền móng quan trọng cho ngành ngôn ngữ học hiện đại và khoa học liên ngành về phát triển con người.

Phó giáo sư Bách cho rằng những ý chí và tinh thần của người Việt Nam đã thôi thúc thế hệ trẻ khát vọng vươn lên trong mọi hoàn cảnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư Bách cho rằng những ý chí và tinh thần của người Việt Nam đã thôi thúc thế hệ trẻ khát vọng vươn lên trong mọi hoàn cảnh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giải thưởng mang tên giáo sư Noam Chomsky là một niềm vinh dự lớn đối với tôi. Đặc biệt hơn nữa, những quan điểm và tư tưởng của ông cũng chính là những kim chỉ nam mà tôi theo đuổi trong nhiều năm qua. Đó là “kết nối toàn cầu” và “nghiên cứu liên ngành.” Đây là những đòi hỏi tất yếu và xu thế phát triển của khoa học ứng dụng để giải quyết những thách thức hiện tại trong phát triển ở phạm vi toàn cầu.

Tôi rất tâm đắc với nhận định mà Giáo sư Noam Chomsky đưa ra: “Chúng ta đang ở trong thời khắc mà nhân loại phải khẳng định liệu chúng ta có đủ năng lực trí tuệ và đạo đức để cùng chung sức, phối hợp và vượt qua những thử thách đang hiện hữu có tính chất toàn cầu?”

Đặc biệt hơn nữa, những quan điểm và tư tưởng của ông cũng chính là những kim chỉ nam mà tôi theo đuổi trong nhiều năm qua.

Ông tin tưởng rằng các học giả STAR sẽ là những người tiên phong trong việc đương đầu giải quyết các thách thức với thế giới ngày hôm nay và chính sự “kết nối toàn cầu” là thứ toàn thế giới đang cần đến.

“Loài người đang phải tập trung vào đại dịch như một vấn đề toàn cầu. Nhưng đó cũng chỉ là vấn đề nhỏ nhất trong những thứ chúng ta phải đối mặt. Nhiều khủng hoảng trầm trọng hơn như những thảm họa môi trường đang chờ trực, mà chúng ta chỉ còn thời gian ngắn để phòng ngừa nó,” đó là những thông điệp của giáo sư Noam Chomsky mà tôi luôn khắc ghi.

Trí thức phải dấn thân và phụng sự

Những tư tưởng của giáo sư Noam Chomsky cần thiết như thế nào trong sự phát triển hiện nay của Việt Nam, thưa phó giáo sư?

Phó giáo sư Trần Xuân Bách: Tôi đã rất bất ngờ và sung sướng khi lắng nghe nhận định của giáo sư Noam Chomsky về định hướng phát triển khoa học liên ngành. Đây cũng chính là những điều mà tôi đã và đang nỗ lực nhiều năm theo đuổi, đầu tư đào tạo nhân lực, tổ chức đội hình nghiên cứu, xây dựng trường phái và mạng lưới nghiên cứu quốc tế.

Đó chính là nền tảng của phát triển khoa học ứng dụng trong đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thế giới đa chiều hôm nay. Đặc biệt, ở ông còn có quan điểm trí thức dấn thân và phụng sự rất uyên bác.

Phó giáo sư Trần Xuân Bách với Giải thưởng Khởi đầu sự nghiệp của Đại học Alberta Canada. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư Trần Xuân Bách với Giải thưởng Khởi đầu sự nghiệp của Đại học Alberta Canada. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tôi luôn dùng 3 chữ “I” để nói về triết lý và chiến lược phát triển nghiên cứu của mình. “International” (quốc tế) là tính chất toàn cầu của các thách thức lớn nhất về phát triển mà chúng ta đang phải đối mặt. “Interconnected” (liên kết) là sự liên ngành, tương tác đa chiều, đa kết nối trong bản chất của các vấn đề và trong cách chúng ta phải tư duy để giải quyết nó. “Integrated” (lồng ghép) là cách tiếp cận trong tổ chức thực hiện các giải pháp.

Quan điểm của giáo sư Noam Chomsky về phát triển giúp tôi vững tin vào lựa chọn của mình, và thêm năng lượng tích cực để sáng tạo trong nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Giáo sư Noam Chomsky nhận định: “Giờ đây, mọi thứ là toàn cầu” và tư tưởng này được mở rộng theo rất nhiều xu hướng trong nghiên cứu khoa học liên ngành. Những khám phá về phát triển ngôn ngữ con người mà ông nghiên cứu đã mở rộng ra nhiều ngành khoa học về nhận thức. Ông tin tưởng rằng sự kết hợp nghiên cứu hàn lâm và những khám phá ứng dụng sẽ đưa đến lời giải cho cuộc chiến với các vấn đề toàn cầu của chúng ta.

Ông cũng cho rằng “chúng ta đang tương tác đa chiều không chỉ về không gian, mà còn trong cả các lĩnh vực khoa học.”

Video lễ trao giải thưởng Noam Chomsky 2020.

Thế còn quan điểm về “trí thức dấn thân và phụng sự?”

Phó giáo sư Trần Xuân Bách: Tôi đã rất xúc động khi đọc những bài báo phỏng vấn giáo sư Noam Chomsky tại Mỹ sau chuyến thăm Việt Nam của ông năm 1970. Giữa những lúc khó khăn, gian khổ nhất của đất nước, thế hệ cha ông chúng ta đã làm lay động một học giả ở “phía bên kia” bởi những khát vọng vươn lên, tinh thần cầu thị, yêu chuộng và vun đắp cho những giá trị chung của nhân loại.

Giữa những lúc khó khăn, gian khổ nhất của đất nước, thế hệ cha ông chúng ta đã làm lay động một học giả ở “phía bên kia” bởi những khát vọng vươn lên, tinh thần cầu thị, yêu chuộng và vun đắp cho những giá trị chung của nhân loại.

Trong bom đạn, khổ đau và nhu cầu sinh tồn thường trực  thì hình ảnh đó chính là minh chứng lịch sử sinh động cho tinh thần Việt Nam, ý chí Việt Nam, phẩm chất và khát vọng của con người Việt Nam. Cũng từ đó, giáo sư Noam Chomsky đã trở thành một nhân vật trí thức lịch sử khi công khai phát động phong trào phản đối Chiến tranh Việt Nam tại Mỹ và vun đắp cho những giá trị nhân văn và phát triển con người.

Sau những trải nghiệm ở Hà Nội năm 1970, Chomsky đã vô cùng ấn tượng với giới khoa học Việt Nam trước những khao khát tri thức của họ giữa tình cảnh chiến tranh. Trong cuộc phỏng vấn tại văn phòng của ông ở Học viện Công nghệ Massachusetts (M.I.T) sau chuyến đi, Chomsky đã nói rằng: “Tôi vô cùng ngạc nhiên và hứng thú với việc những người ở trường đại học không muốn nói về cuộc chiến tranh, họ muốn nói về khoa học.”

Phó giáo sư Trần Xuân Bách cùng các đại diện thanh niên ASEAN tham dự đối thoại với các Thủ tướng các nước ASEAN năm 2017 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư Trần Xuân Bách cùng các đại diện thanh niên ASEAN tham dự đối thoại với các Thủ tướng các nước ASEAN năm 2017 tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Phó giáo sư, “khát vọng” lịch sử đó với giới trẻ ngày hôm nay có giá trị thế nào?

Phó giáo sư Trần Xuân Bách: Chắc chắc yêu cầu của phát triển hôm nay đòi hỏi chúng tôi phải kế thừa và vun đắp những truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã gây dựng. Nghiên cứu khoa học lúc nào cũng cần những “khát vọng.” Đặc biệt là những thách thức hiện tại luôn biến đổi liên tục, đa dạng, ở quy mô rộng lớn.

Khát vọng và tinh thần hành động không còn chỉ là những mong muốn hay lựa chọn, mà với thanh niên chúng tôi còn là một sứ mệnh, của một giai đoạn lịch sử.

Khát vọng và tinh thần hành động không còn chỉ là những mong muốn hay lựa chọn, mà với thanh niên chúng tôi còn là một sứ mệnh, của một giai đoạn lịch sử. Trong khoa học, giá trị của phát kiến và quy luật thay thế thường nhanh chóng và khắc nghiệt, khát khao khám phá tri thức, vì thế, thiết yếu như nhu cầu sinh tồn.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên chỉ làm khoa học bằng đôi tay và khối óc, mà cần mở tất cả các giác quan, để trái tim có thể lắng nghe được những đòi hỏi của cuộc sống. Để những nỗ lực và hy sinh trong khoa học sẽ tạo ra những giá trị xã hội rộng lớn hơn: Cho con người, cho dân tộc và đất nước.

Phó giáo sư Trần Xuân Bách trình bày tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư Trần Xuân Bách trình bày tại Diễn đàn trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu năm 2019. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những ý chí và tinh thần của người Việt Nam đã thôi thúc thế hệ trẻ chúng tôi khát vọng vươn lên trong mọi hoàn cảnh.

Quả ngọt là các nghiên cứu viên thuần thục

Nhìn lại chặng đường đã qua, ông thấy “quyết định nào quan trọng nhất” giúp mình phát triển về khoa học?

Phó giáo sư Trần Xuân Bách: Mỗi chúng ta đều phải lựa chọn hàng ngày. Tôi cho rằng khi chúng ta có lý tưởng và định hướng phát triển rõ ràng thì mọi quyết định đều cần thiết nhưng không còn có ảnh hưởng quá lớn. Khó khăn, thử thách luôn tồn tại và tôi không đặt cược vào 1 quyết định. Thay vào đó, tôi kiên định và tìm kiếm ý nghĩa của trong từng công việc, từng hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu.

Với tôi, điều quan trọng hơn là sự định hình con đường phát triển để mỗi cá nhân được khai phóng tiềm năng và góp phần tối đa hóa hiệu suất của cả hệ thống.

Dù vậy, nhìn lại những năm tháng học tập và làm việc ở nước ngoài, tôi thấy một điều giúp tôi mở rộng nhận thức về thế giới học thuật. Sau những thời gian làm việc cường độ rất cao đến kiệt sức, tôi tự hỏi động lực nào để hệ thống nghiên cứu và trường đại học ở các nước phát triển giữ được vị thế “luôn luôn đi đầu”? Cơ hội nào cho các nước hạn hẹp về nguồn lực có thể bắt kịp hay chúng ta sẽ “mãi mãi theo sau”?

Tôi nhận ra bên cạnh những đội ngũ tinh hoa, các giáo sư có vai trò dẫn dắt trong các đại học, thì động lực rất lớn của phát kiến ở chính người học – với những hoài bão và khát khao khám phá cùng sức làm việc không ngưng nghỉ. Điều quan trọng nhất là cách thức tổ chức để hòa quyện mối quan tâm và nỗ lực của mỗi người, trong mọi thời điểm, mọi giai đoạn phát triển để ai cũng có thể tham gia, ai cũng có thể đóng góp. Với tôi, điều quan trọng hơn là sự định hình con đường phát triển để mỗi cá nhân được khai phóng tiềm năng và góp phần tối đa hóa hiệu suất của cả hệ thống. Rõ ràng những nguyên lý này không dễ để thực hiện trong thời gian ngắn.

Phó giáo sư đã có những năm tháng học tập và làm việc tại nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Phó giáo sư đã có những năm tháng học tập và làm việc tại nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tôi đã quyết định về nước sớm hơn do với thời gian được cơ quan cử đi học và tập trung xây dựng các khung phát triển và chương trình đào tạo năng lực nghiên cứu cho các cán bộ y tế và cả sinh viên, đưa họ vào trong 1 quỹ đạo phát triển năng lực học thuật sớm nhất có thể. Tôi nghiên cứu các xu thế đầu tư ưu tiên nghiên cứu trong các chuyên ngành hẹp để tăng tính ảnh hưởng và hiệu quả của các trường phái nghiên cứu liên ngành.

Sau 10 năm, có lẽ thành quả mà tôi tâm đắc nhất là hàng loạt các bạn trẻ học trò của mình tự tin trở thành các nghiên cứu viên thuần thục, đạt nhiều giải thưởng khoa học cao và quan trọng hơn cả họ có lý tưởng và tâm thế của một cán bộ khoa học.

Sau 10 năm, có lẽ thành quả mà tôi tâm đắc nhất là hàng loạt các bạn trẻ học trò của mình đạt nhiều giải thưởng khoa học cao và quan trọng hơn cả họ có lý tưởng và tâm thế của một cán bộ khoa học.

Sau giải thưởng Noam Chomsky, ông và cộng sự có những dự định gì?

Phó giáo sư Trần Xuân Bách: Tất cả các giải thưởng đều là những cột mốc quan trọng với người làm khoa học, nhưng chắc chắn không bao giờ là mục tiêu hay đích đến. Tôi trân trọng tất cả sự tin tưởng và ủng hộ, cả những thành tựu cụ thể, hoặc đôi khi chỉ là những cử chỉ động viên hay ý niệm tốt lành mà mọi người xung quanh gửi gắm với các nghiên cứu viên trẻ chúng tôi.

Hòa chung trong rất nhiều nỗ lực nghiên cứu và phụng sự cộng đồng, niềm hạnh phúc với chúng tôi đơn giản chỉ là được thấy bản thân được có ích mỗi ngày, được tiến bộ trong từng việc nhỏ, được sống có ý nghĩa trong từng phút giây hiện tại.

Chúng tôi nghĩ rằng, cần liên tục thách thức và phủ nhận bản thân mình, liên tục vươn lên để làm chủ khoa học-công nghệ, như những nhà “leo núi” đó là khát khao chinh phục, nhưng không bao giờ nhìn được thấy “đỉnh”!

Xin trân trọng cảm ơn phó giáo sư!./.

Trí thức trẻ Việt Nam liên tục vươn lên để làm chủ khoa học-công nghệ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Trí thức trẻ Việt Nam liên tục vươn lên để làm chủ khoa học-công nghệ. (Ảnh: PV/Vietnam+)