Chuyện Trịnh

bai1anh1-1614569242-59.png

Âm nhạc, nghệ thuật Việt Nam có một điểm sáng đặc biệt cho đến bây giờ chưa ai thay thế được: Trịnh Công Sơn – người nhạc sỹ tài ba đã viết lên những bài ca đi cùng năm tháng, trải qua bao lớp người.

Dù đã gần 20 năm sau khi Trịnh Công Sơn rời bỏ nhân thế, nhạc của ông vẫn sống mãi với thời gian và đồng hành với bao thế hệ người Việt. Mỗi phần con người hay những cảm quan sáng tác của Trịnh vẫn còn những bí ẩn và nhiều điều thú vị.

Khám phá Trịnh và nhạc Trịnh là khám phá một vẻ đẹp đặc biệt của Việt Nam. Không tỏa sáng rực rỡ thu hút ánh nhìn như châu ngọc, mà êm dịu nhẹ nhàng, dung dị gần gũi, càng hiểu về những chi tiết, ta càng cảm nhận được sự kỳ diệu trong những lời ca, nốt nhạc.

Trịnh Công Sơn ghi dấu bằng những tác phẩm thuộc dòng Tân nhạc Việt Nam. Những sáng tác đầu tay của ông được viết năm ông 17 tuổi, là “Sương đêm” và “Sao chiều.” Nhưng tác phẩm được xuất bản đầu tiên của Trịnh là “Ướt mi,” in năm 1959. Rồi ông được nhiều người biết đến và yêu thích.

Kể từ đó, suốt một đời “cát bụi mệt nhoài” của mình, Trịnh Công Sơn đã viết nên hơn 600 ca khúc và tham gia nhiều hoạt động nghệ thuật khác như làm thơ, đóng phim, vẽ tranh nhưng không chuyên.

Trịnh Công Sơn sinh năm 1939 tại Đắk Lắk, nhưng lớn lên tại Huế. Năm 18 tuổi, ông bị tai nạn nghiêm trọng trong lần tập Judo cùng em trai, phải nằm viện hai năm. Cũng trong khoảng thời gian ốm bệnh này, niềm đam mê âm nhạc của ông được đánh thức, sau đó ông tập trung sáng tác.

22 tuổi, chàng trai trẻ Trịnh Công Sơn thi đỗ và theo học ngành Tâm lý giáo dục trẻ em tại Trường Sư phạm Quy Nhơn. Sau khi tốt nghiệp, ông dạy tại một trường tiểu học ở Bảo Lộc, Lâm Đồng. Tại đây ông gặp Khánh Ly, cô ca sĩ gắn bó nhiều nhất với con đường nghệ thuật của ông và hai người cùng nổi danh khi đến Sài Gòn.

Sau ngày Thống nhất, ông trở về Huế, rồi quay lại Sài Gòn và ra đi tại thành phố này vào năm 2001, một mình. Nhiều người, có cả những người quen thân với Trịnh Công Sơn, nói rằng cuộc đời của ông bi kịch, buồn thương và cô đơn. Nhưng những người yêu nhạc Trịnh sau này ngoài thương tiếc cho cuộc đời ấy hẳn cảm ơn những ngày tháng ấy, để Trịnh có những cảm quan, trải nghiệm mà viết lên những bài ca bất hủ.

Âm nhạc gắn liền với đời và phận Trịnh Công Sơn. Ông viết nhạc từ đời từ những điều được thấy, được trải qua. Dù cuộc đời có nhiều buồn thương cô độc, nhạc Trịnh vẫn không bao giờ bi lụy, thê thảm hay tuyệt vọng. Với kho tàng âm nhạc đồ sộ, nhạc Trịnh hàm chứa tất cả hỉ nộ ái ố bi hoan ly hợp, xúc cảm mãnh liệt đến đâu cũng được hóa giải trong âm điệu nhẹ nhàng chậm chậm trải, trong lời ca dung dị thân thương nhưng cũng đầy chiêm nghiệm triết lý.

Bất cứ ai cũng tìm thấy mình trong ít nhiều câu ca của Trịnh, vì những gì Trịnh viết là thật lòng thật dạ, viết từ quá khứ, từ những yêu và đau trong đời người nghệ sỹ. Trịnh Công Sơn viết nhạc cho đại chúng, tác phẩm của ông mang những giá trị tinh thần bất diệt, được đông đảo yêu mến, đón nhận và có sức sống trường tồn với thời gian.

Dường như, trong từng nốt nhạc tiếng lời của Trịnh, nỗi buồn man mác luôn hiển hiện, thấm đẫm. Là “Diễm xưa,” “Hoa vàng mấy độ,” “Mưa hồng” – trong yêu thương đôi lứa vẫn thấy một chút tình sầu, tình nhớ. Một lần cà phê để con tim lặng lại, ta ngẫm về đời kiếp con người, “Một cõi đi về,” “Cát bụi” hay “Chiếc lá thu phai” vang lên như chiêm nghiệm như than thở nhưng lại đầy an ủi và bao dung cho những tâm hồn thương tổn.

Trịnh Công Sơn là một người kiên cường với đam mê âm nhạc mãnh liệt. Trong thời kỳ Chiến tranh Miền Nam, dù bị cả hai bên cấm đoán vì tư tưởng khác biệt, Trịnh vẫn miệt mài sáng tác những bài hát phản đối chiến tranh và kêu gọi nền hòa bình, thống nhất cho dân tộc Việt Nam. 30/04/1975, Trịnh Công Sơn đã lên Đài phát thanh Sài Gòn hát bài “Nối vòng tay lớn,” hòa cùng niềm vui chung của nước nhà trong ngày Thống Nhất.

Khoảnh khắc khi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn còn sống.

“Chuyện Trịnh…” là khúc dạo đầu cho loạt bài viết về Trịnh Công Sơn, mỗi bài là một chiêm nghiệm của chúng tôi về cố nhạc sỹ và những sáng tác của ông. Tuy có thể chưa được hoàn hảo như quý vị mong đợi, song quả là chúng tôi đã dành trọn tình yêu và tâm huyết khi thực hiện từng bài. Mong rằng có thể truyền tải tới các bạn – quý độc giả kính mến – một chút thi vị từ một người con đất Việt dành cả đời rong ruổi với những lời ca, nốt nhạc.

Chúc các độc giả có những phút giây êm đềm và tuyệt vời, đắm chìm trong âm nhạc và hiểu hơn con người Trịnh Công Sơn!

Nổi bật nhất trong các sáng tác của Trịnh Công Sơn là dòng nhạc về thân phận con người đượm triết lý Phật giáo và dòng nhạc phản chiến với những sắc thái đặc biệt. Phật tính và tư tưởng phản đối chiến tranh trong các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn tuy khác biệt luôn hướng đến những giá trị nhân văn, về những điều tốt đẹp, kêu gọi sự yêu thương giữa người với người. Dù là những triết lý Phật pháp hay dòng nhạc phản chiến, tất cả đều hòa quyện trong chất nhạc trữ tình lãng mạn, man mác, u hoài tạo nên một phong cách độc đáo, chỉ có ở Trịnh Công Sơn.

Với một tâm hồn thấm nhuần triết lý Phật giáo, Trịnh Công Sơn đã mê hoặc hàng triệu con tim bằng những ưu tư Phật tính trong các ca khúc của mình.

Trong một lần phỏng vấn với tờ Nguyệt san Giác Ngộ, Trịnh Công Sơn đã nói về những ảnh hưởng của Phật giáo đến các sáng tác của ông như sau: “Có thể vì một tuổi trẻ đã có cơ duyên đi qua những cổng nhà Phật nên trong vô thức, bên cạnh những di sản văn hóa Đông Tây góp nhặt được, còn có lời kinh kệ vô tình nằm ở đấy.”

Tuổi thơ Trịnh Công Sơn trôi qua trong không khí yên bình tĩnh lặng với mùi trầm hương và tiếng gõ mõ ở chùa Hiếu Quang tại Huế. Đối với ông, Phật giáo hiện sinh trong mọi giây phút, khoảnh khắc cuộc đời, cả cuộc sống thường nhật lẫn đời nghệ thuật.

Từng lời ca Trịnh Công Sơn thầm nhuần triết lý Khổ đế trong Tứ Diệu đế và Chủ nghĩa Hư vô của Phật pháp.

Đời người là bể khổ, từ khi sinh ra chúng ta đã bắt đầu một kiếp người khó khăn. Trong bài “Gọi tên bốn mùa,” Trịnh Công Sơn viết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho/Mang nặng kiếp người.” Kiếp người sao mà đau khổ? Phải chăng đau khổ từ những mối tình dang dở? Tình dù hư vô nhưng nỗi đau thì rất thật, có khi dằng dặc cố hữu cả đời người, phải tự mình hóa giải, tự mình tha thứ.

Với Trịnh Công Sơn, con người, suy cho cùng cũng chỉ là hạt bụi mà đến, đi rồi thì quay về hạt bụi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi?” (Cát bụi).

Nếu đã thế thì người so với sỏi đá có gì khác biệt? Con người có xúc cảm, có tình yêu thì sỏi đá cũng thế, vậy nên: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (Diễm xưa). Vạn vật đều có linh hồn và có thể giác ngộ, đây là triết lý tiêu biểu ở Đạo Phật, chúng sinh bình đẳng.

Sự nhạy cảm với những hữu hạn, vô thường, với những khổ đau trong kiếp người đã tạo nên một phong cách chỉ riêng Trịnh Công Sơn, chỉ có ở nhạc Trịnh. Tuy luôn khẳng định kiếp người nhiều khổ đau, ly biệt nhưng còn giây phút nào còn sống, còn tồn tại thì Trịnh Công Sơn vẫn nặng tình, vẫn thủy chung và luyến tiếc với đời để viết những lời ca tràn ngập tình yêu.

Cảm hứng sáng tác nhạc phản chiến của nhạc sỹ đến từ giai đoạn chiến tranh Việt Nam diễn ra ác liệt nhất: thập niên 60-70 của thế kỷ trước khi hàng nghìn chiến sỹ lên đường hành quân khiến gia đình chia ly, mất mát… Trong giai đoạn này, ông đã sáng tác ra tập “Ca khúc da vàng” – tập nhạc nổi tiếng của cố nhạc sỹ được phát hành vào cuối thập niên 1960.

Những tác phẩm trong thời gian này được ông viết lại dưới nhiều góc nhìn khác nhau về cuộc chiến tranh đẫm máu, luôn tràn đầy sự yêu thương, thấm đẫm lòng tự tình dân tộc cũng như nỗi khổ ải của con người trong chiến tranh Việt Nam, thể hiện tinh thần phản đối bạo lực, chiến tranh, kêu gọi sự đoàn kết và xóa bỏ lòng hận thù.

Nếu mỗi bản tình ca của Trịnh Công Sơn luôn có những câu hát đầy hoài niệm và dư vị tình yêu thì ngược lại, các sáng tác phản chiến của cố nhạc sỹ gốc Huế đã gắn kết mọi người với tư tưởng chống lại chiến tranh, kêu gọi hòa bình và yêu thương giữa người với người. Ngay khi những tác phẩm phản đối bạo lực chiến tranh đầu tiên được ra đời, Trịnh Công Sơn đã phải chịu những ý kiến chỉ trích xoay quanh ca từ và nội dung.

Trong thời điểm mà Việt Nam đang trải qua những ngày tháng gian khổ trên con đường thống nhất hai miền đất nước, những “Ca khúc da vàng” của ông bị ví như “cây liễu,” “ngọn gió tiêu cực” làm ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của người lính và ngọn lửa thống nhất rực cháy của nhân dân. Các ca khúc của ông phần lớn lên tiếng phản đối chiến tranh Việt Nam, cùng với đó quan điểm chính trị không thực sự rõ ràng đã đã gây ra sự nghi ngờ từ hai phía.

Hiện tại vẫn còn hai thái cực trái ngược khi nói đến nhạc Trịnh nói chung và dòng nhạc phản chiến của ông nói riêng. Một số cho rằng nhạc của ông đầy xúc cảm, chất chứa những cung bậc tâm sự khác nhau. Ngược lại, số khác lại cho rằng âm nhạc của Trịnh Công Sơn quá buồn tẻ, u sầu và ủy mị.

Đạo diễn Đoàn Quang Anh Khanh đã từng có phát biểu gây sốc khi nói về âm nhạc của cố nhạc sỹ: “Tư tưởng trong nhạc Trịnh vẫn còn đó sự hẹp hòi, loanh quanh luẩn quẩn không lối ra… nhạc thì tối, mang đầy âm khí. Chẳng thấy có cái gì cao siêu ở đây để mà thờ cả!.” Dù đúng hay sai, vẫn thấy dòng nhạc phản chiến đã ghi dấu ấn đặc biệt trong trong cuộc đời sáng tác của người nghệ sỹ.

Cho đến nay, Trịnh Công Sơn đã mãi ra đi, nhưng những gì ông để lại là một kho báu thiêng liêng vô giá. Dù là những bản tình ca đầy lãng mạn hay những khúc nhạc phản đối chiến tranh với lời ca đậm chất hiện thực trần trụi, thế nhưng điểm chung trong tất cả sáng tác của Trịnh Công Sơn là âm hưởng Phật tính len lỏi trong từng câu nhạc của ông. Những khúc nhạc ấy tràn đầy sự yêu thương, kêu gọi tình đoàn kết giữa người với người, phản đối những mâu thuẫn, bạo lực và khát vọng sống trong một thế giới hòa bình.

Có lẽ chính vì thế mà nhạc Trịnh đã đi vào lòng người một cách tự nhiên nhất và sống mãi với thời gian, nối tiếp bao thế hệ con người./.

Trịnh Công Sơn hát bài ‘Ở trọ.’

Trong cuộc đời âm nhạc với nhiều cung bậc cảm xúc của Trịnh Công Sơn, âm nhạc chính là nét đời, là không gian chất chứa tình yêu, niềm hạnh phúc. Nhắc đến vị cố nhân, người đời vẫn thường nhớ về những các nàng thơ khơi nguồn cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật. Đó là những người phụ nữ đặc biệt, đem lại thứ tình cảm thanh khôi, tinh khiết; nhưng cũng mang đi không ít nhung nhớ của vị thiên tài âm nhạc, xa theo vạn dặm trùng dương…

Bích Diễm (tên đầy đủ là Ngô Vũ Bích Diễm) là “bóng hồng” đầu đời của chàng trai trẻ họ Trịnh. Với khuôn mặt thanh tú, yêu kiều cùng dáng vẻ nhẹ nhàng trong tà áo dài trắng, Bích Diễm đã để lại niềm nhớ thương khắc khoải trong lòng vị nhạc sỹ trẻ.

Ấy nhưng, mối tình của cả hai quá đỗi chóng vánh do sự phản đối của thầy Ngô Đốc Khánh (cha của bà Bích Diễm). Hình ảnh của bà và câu chuyện tình dang dở đã trở thành nguồn cảm hứng để Trịnh Công Sơn chắp bút nên những ca khúc bất hủ, trong đó có “Diễm xưa,” được viết vào năm 1960.

Chỉ bằng vài nét đặc tả, Trịnh Công Sơn đã khắc hoạ ra bầu không gian tĩnh mịch, liêu trai đến sầu thương; với chiều dài của thời gian và chiều sâu của nỗi nhớ người trong mộng, không bóng hình, không màu sắc, chỉ còn tiếng mưa vọng lại.

Ca từ của bài hát là nỗi ám ảnh khôn nguôi của chàng trai ngóng trông hình bóng Diễm, đã thay lời bộc bạch nỗi niềm của biết bao chàng trai qua các thế hệ.

Đó là lý do vì sao mà “Diễm xưa” vẫn sống mãi với thời gian.

Dao Ánh (tên đầy đủ là Nguyễn Vũ Dao Ánh) là một người có vẻ đẹp đằm thắm và dịu dàng cùng đôi mắt “lung linh nắng thủy tinh vàng.” Tuy là người đến sau nhưng tình cảm của Dao Ánh và Trịnh Công Sơn mới thực sự là nỗi niềm tiếc nuối, không chỉ với người trong cuộc mà cả những kẻ đứng ngoài.

Lúc biết chị gái mình phải chia tay với cố nhạc sỹ, Dao Ánh đã viết thư động viên, an ủi ông. Sau một quãng thời gian dài với nhiều bức thư lắng đọng cảm xúc, hai người đã tìm đến nhau như một chốn đồng điệu… rồi dần dần nảy sinh tình cảm. Người đời vẫn có thể nghe được những thanh âm của cảm xúc, của tuổi trẻ, của trái tim khát yêu thông qua dư vị từ những bản thư tình của vị kỳ tài âm nhạc.

Ngày 25/3/1967, Trịnh Công Sơn chủ động chia tay với Dao Ánh. Ông viết trong thư: “Anh xin cảm ơn bốn năm ròng rã nâng niu tình yêu đó. Cũng xin cảm ơn những buổi đợi chờ thật dịu dàng không bao giờ còn có được.”

Kể cả trong khoảnh khắc cuối cùng, khi nỗi buồn đọng lại cùng dấu chấm hết, vị nhạc sỹ si tình vẫn thổ lộ tình cảm vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Suốt cả cuộc đời, Dao Ánh vẫn luôn là một nỗi ám ảnh, là sự trầm ngâm nơi đáy mắt, là cảm hứng của biết bao bản tình ca mà thầy Trịnh để lại cho đời. “Còn tuổi nào cho em,” “Lặng lẽ nơi này,” “Mưa hồng”… đều là những sáng tác mà ông viết tặng riêng cho nàng thơ của mình.

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là hai cái tên không thể tách rời của nền âm nhạc Việt Nam. Định mệnh đã mang hai tâm hồn tràn đầy tình yêu và tài năng đến với nhau, từ đó tạo nên cặp tri kỷ của lịch sử, của âm nhạc, vĩnh viễn thuộc về nhau.

Khánh Ly lần đầu gặp Trịnh Công Sơn tại hộp đêm Tulipe Rouge ở Đà Lạt vào năm 1965. Giọng hát của bà ngay lập tức thu hút nhạc sỹ, nhưng phải hai năm sau, Khánh Ly mới chính thức trở thành giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh. Hai người có buổi ra mắt đầu tiên tại trường Đại học Văn khoa trước hàng ngàn sinh viên và trí thức. Tiếng đàn ghita bay bổng của Trịnh Công Sơn hòa cùng giọng hát trầm độc đáo của Khánh Ly đã khiến cho khán giả hoàn toàn đắm mình, say sưa với những ca khúc tự tình bất hủ.

Mặc dù nổi tiếng ngay từ đó, Khánh Ly và Trịnh Công Sơn vẫn đi biểu diễn không công tại các trường đại học trong suốt 10 năm. “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn,” Khánh Ly chia sẻ.

Giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn không chỉ tồn tại mối quan hệ ca sỹ-nhạc sỹ, mà theo Trịnh Công Sơn, cuộc gặp gỡ giữa hai người là “cuộc gặp gỡ của định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau.” Khánh Ly không chỉ đem đến cảm giác yêu mà còn là nơi nương tựa tâm hồn, nghệ thuật, là người đi cùng ông trong suốt những năm tháng thanh xuân. Về phần mình, Khánh Ly cũng luôn khẳng định rằng mối liên hệ giữa họ là “mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường.”

Khác với Khánh Ly, Hồng Nhung gặp Trịnh Công Sơn khi cô đã có tên tuổi trong làng nhạc Việt, và Trịnh Công Sơn khi ấy đã là một nhạc sỹ lớn của nền tân nhạc. Cô Bống Hồng Nhung gặp vị nhạc sỹ vào mùa Thu năm 1991, gắn bó và mang đến cuộc đời ông những cảm xúc lãng mạn mới mẻ trong suốt 10 năm cuối đời.

Hồng Nhung hát nhạc Trịnh với một phong cách mới mẻ, hiện đại, nhiều dương tính chứ không trầm buồn như Khánh Ly. Vì vậy mà cô cũng từng đón nhận chỉ trích từ những người yêu nhạc Trịnh là phá hỏng nhạc Trịnh, nhạc Trịnh phải hát theo lối chậm rãi như Khánh Ly, để thấy được thân phận, tình đời. Khi ấy nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã lên tiếng bảo vệ: “Hồng Nhung làm mới lại các ca khúc của tôi. Có người thích, có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới, phù hợp với cái tiết tấu của thời đại – một sự lãng mạn mới.”

Sự trong trẻo, tinh khôi từ Hồng Nhung khiến nhạc sỹ xứ Huế như trẻ lại, khiến ông chìm đắm trong những bản nhạc tình. Tình cảm đặc biệt ấy được Trịnh Công Sơn ngầm khẳng định qua ba bài hát ông viết tặng cô: Bống Bồng ơi, Bống không là Bống và Thuở Bống là người. Đây là câu chuyện cổ tích về Bống, đồng thời là những cảm xúc trong sáng với tình yêu được trao gửi một cách thầm kín cho người con gái đáng yêu.

Mối lương duyên đặc biệt này đã từng khiến nhiều người thắc mắc. Nhắc đến chuyện này, Trịnh Công Sơn chỉ cười: “Hồng Nhung là một người quá gần gũi không biết gọi là ai,” bởi là bạn thì thân hơn là bạn, thầy, trò thì thân hơn thầy trò.

Mỗi một người phụ nữ đi qua đời nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đều để lại dấu ấn đặc biệt, dù là hạnh phúc hay đau buồn thì luôn có những hoài niệm. Và hơn cả thế, những cuộc gặp gỡ ấy đã để lại cho nền âm nhạc Việt Nam những tác phẩm sống mãi với thời gian./.

Trịnh Công Sơn và những nàng thơ ngang đời.

Nhạc Trịnh ngày nay vẫn còn giữ được sức lan tỏa trong cộng đồng người nghe nhạc, bằng chứng là chúng ta vẫn có thể tận hưởng những bản tình ca bất hủ thông qua phim ảnh hay các không gian quán cà phê nhạc Trịnh.

Đây là bộ phim được sản xuất dựa trên cuộc đời của cố nhạc sỹ gốc Huế. Đạo diễn đã lựa chọn một góc nhìn mới lạ để khai thác chuyện tình cảm của ông khi kể về cuộc đời của người nhạc sỹ, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ với Yoshii Michiko – du học sinh đến từ Nhật Bản tại Paris, Pháp. Thời điểm ấy, cô gái xứ phù tang khoảng 30 tuổi, có thể nói tiếng Việt, trong khi nhạc sỹ đã 45 tuổi.

Cảm phục và ngưỡng mộ trước Trịnh Công Sơn, Michiko đã dành nhiều thời gian và công sức của mình trong việc tìm hiểu ý nghĩa trong từng ca khúc của ông, từ đó, cô dẫn người xem cùng đi phiêu lưu tìm hiểu những câu chuyện cuộc đời của nhạc sỹ họ Trịnh.

Với bối cảnh hoài cổ giai đoạn giữa thập niên 70 và 90, “Em và Trịnh” sẽ khiến người xem chìm đắm trong chuyện tình yêu của Trịnh Công Sơn với những bóng hồng đi qua cuộc đời mình như Khánh Ly, Michiko, Thanh Thúy, Dao Ánh… Đây cũng là thời điểm mà ông cho ra đời nhiều tác phẩm bất hủ sau này.

Sau 2 tháng đắn đo trong việc tìm diễn viên phù hợp với hình ảnh của Trịnh Công Sơn, cuối cùng ekip của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh – người chỉ đạo chính sản xuất “Em và Trịnh” cuối cùng cũng đã công bố gương mặt sáng giá nhất. Thật bất ngờ, Avin Lu – nam diễn viên mới nổi trong bộ phim Sài Gòn trong cơn mưa đã được lựa chọn trong việc hóa thân thành cố nhạc sỹ họ Trịnh. Giải thích cho sự lựa chọn này, đạo diễn Gia Linh cho rằng ở Avin Lu gợi nhớ tới hình ảnh của Trịnh Công Sơn ngày xưa – có sự nhút nhát hồn nhiên, chút lãng mạn nghệ sỹ.

Bên cạnh nam diễn viên đóng vai Trịnh Công Sơn, những người được lựa chọn đóng vai bóng hồng của cố nhạc sỹ gốc Huế cũng vô cùng đáng quan tâm. Những người được lựa chọn bao gồm Lan Thy (vai Bích Diễm), Hoàng Hà (vai Dao Ánh), Nhật Linh (vai danh ca Thanh Thúy) đảm nhận. Đây đều là những gương mặt mới, chỉ vừa bắt đầu chạm ngõ vào làng phim điện ảnh nhưng đã được ông Gia Linh tin tưởng và đánh giá cao. Hiện tại, 2 “nàng thơ” là danh ca Khánh Ly, Michiko Yoshii vẫn chưa được công bố.

Bộ phim hiện tại được dự kiến quay vào tháng 11/2020 và sẽ được trình chiếu vào đúng dịp 20 năm ngày giỗ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

Phòng trà Trịnh Ca

Nhắc đến cà phê nhạc Trịnh, phòng trà Trịnh Ca thường là địa điểm yêu thích của những người đam mê nhạc Trịnh. Không gian của quán mang đậm chất Trịnh, được đặc trưng bằng mái ngói đỏ, tường gạch mộc và khung cửa sổ hình chữ Thọ. Bên trong quán treo nhiều hình ảnh của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn của nhiều thời kỳ tuổi tác, từ những bức tranh đen trắng đến những bức tranh màu.

 Nét đẹp cổ kính của phòng trà Trịnh Ca
 Nét đẹp cổ kính của phòng trà Trịnh Ca

Vào mỗi tối thứ Năm và Chủ nhật, con ngõ nhỏ sâu trong phố Tô Hiệu lại nhộn nhịp khách đến thưởng thức những buổi biển diễn nhạc Trịnh của quán.

Địa chỉ: Số 108A D2, ngõ 233 Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội.

Nhà sàn Art Cafe

Từ không gian nghệ thuật đầu tiên của Việt Nam với cái tên Nhà sàn Studio, được thành lập năm 1997 bởi nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Đức và nghệ sĩ Trần Lương, đến thời điểm hiện tại, Nhà sàn Art Cafe đã trở thành địa điểm yêu thích của những người muốn đắm chìm trong những giai điệu mộc mạc; ngắm nhìn những khoảng thời gian tưởng chừng như đã mất của một thời đáng lưu giữ.

Không gian quán đậm chất Tây Bắc của Nhà Sàn Art Cafe
Không gian quán đậm chất Tây Bắc của Nhà Sàn Art Cafe

Toàn bộ không gian nhà sàn được thiết kế mộc dưới con mắt của những người nghệ sỹ tài hoa. Khách đến quán có thể tận hưởng những khúc tình ca đầy da diết của Trịnh Công Sơn và cả những sáng tác trước 1975 của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên.

Địa chỉ: ngõ 462 đường Bưởi, Ba Đình, Hà Nội.

Cafe Cuối Ngõ

Đúng như tên gọi, Cafe Cuối Ngõ là một căn nhà cổ nằm sâu trong con ngõ 68 Cầu Giấy. Quán đặc biệt bởi không gian ấm cúng và tĩnh lặng, là địa điểm thích hợp cho những ai muốn tạm thời quên đi cuộc sống bộn bề và muốn đắm mình vào âm nhạc du dương.

Những bình hoa tươi điểm xuyết cho không gian hoài cổ tại Cà phê Cuối ngõ.
Những bình hoa tươi điểm xuyết cho không gian hoài cổ tại Cà phê Cuối ngõ.

Mỗi tối thứ Sáu, quán thường tổ chức các đêm nhạc Trịnh với sự tham gia của nhiều nhạc công, ca sỹ.

Địa chỉ: Số 4, Ngách 78, ngõ 68 Cầu Giấy, Hà Nội.

Cà phê Trịnh

Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ tại phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Cà phê Trịnh cũng là một địa điểm ưa thích của cộng đồng người yêu nhạc Trịnh. Quán có hai tầng, được decor theo phong cách cổ điển với nhiều góc chụp ảnh cực vintage.

Khách đến quán sẽ được thưởng thức những bản nhạc Trịnh du dương trong một không gian đầy nghệ thuật. Hằng tuần, vào tối thứ Sáu, quán cũng tổ chức đêm nhạc sống với sự tham gia của nhiều ca sỹ, nhạc sỹ tài năng.

Không gian thơ mộng của Cà phê Trịnh
Không gian thơ mộng của Cà phê Trịnh

Địa chỉ: Số 28, ngõ 45 (ngõ 1 cũ) phố Trần Thái Tông, Cầu Giấy Hà Nội.

Nhạc Trịnh không chỉ hiện hữu trong những tác phẩm nghệ thuật mà còn len lỏi vào trong từng góc phố con đường, vào cuộc sống hằng ngày của những tín đồ âm nhạc./.

Vào một buổi sáng mùa Đông ở Hà Nội, chúng tôi có cơ hội trò chuyện cùng anh Tiến Hưng – người phụ trách truyền thông của phòng trà Trịnh Ca.

Gắn bó với nhạc Trịnh từ những ngày ấu thơ, đối với anh, nhạc Trịnh không chỉ là niềm đam mê, mà còn là lẽ sống cuộc đời.

Anh bắt đầu nghe nhạc Trịnh từ khi nào?

Tiến Hưng: Tôi nghe nhạc Trịnh từ khi tôi còn bé vì bố mẹ tôi cũng thích nhạc Trịnh. Tuy nhiên, hồi đó không có điều kiện nên rất ít tác phẩm được lưu giữ. Kể từ đó đến nay, tôi vẫn nghe nhạc Trịnh, nhưng vẫn chưa hiểu hết ý tứ trong những ca từ của ông.

Vậy trong những điều đã hiểu, anh tâm đắc điều gì nhất và anh áp dụng trong cuộc sống như thế nào?

Tiến Hưng: Tùy vào từng khoảnh khắc thì tôi sẽ áp dụng những điều khác nhau. Tuy nhiên, nếu chọn điều tâm đắc nhất thì tôi sẽ chọn triết lý đạo Phật – tính vô thường. Có thể nói đây là đặc trưng của âm nhạc Trịnh Công Sơn và ông đã nhiều lần nhắc đến triết lý này trong các tác phẩm của mình.

Cơ duyên nào đã đưa anh đến với phòng trà Trịnh Ca? Sau thời gian làm việc ở đây, anh thầy phòng trà đã thay đổi như thế nào?

Tiến Hưng: Tôi nghĩ cơ duyên này bắt đầu từ tấm lòng yêu mến nhạc Trịnh, rồi đến yêu mến nhạc sỹ và cộng đồng người nghe nhạc Trịnh.

Tôi đã gắn bó với phòng trà được 6 năm và sau từng ấy thời gian, tôi thấy nơi này thay đổi rất nhiều. Điều dễ thấy nhất là cơ sở vật chất ngày càng tốt hơn và ngày càng có nhiều người nghe nhạc Trịnh. Về lứa tuổi thì cũng rất đa dạng, từ các bác trung niên, lớn tuổi cho đến các bạn trẻ. Phong cách âm nhạc ưa thích của khách tại phòng trà Trịnh Ca là phong cách mộc mạc thời xưa, vậy nên ca sỹ và ban nhạc không cần biểu diễn quá nhiều.

Trong quá trình hoạt động, phòng trà có gặp khó khăn gì không?

Tiến Hưng: Thật sự thì tôi quên những khó khăn ấy rồi, bởi vì tôi yêu nhạc Trịnh quá. Tôi có câu châm ngôn ưa thích và đây cũng là triết lý trong âm nhạc: “Hãy đi đến tận cùng của sự tuyệt vọng để thấy được tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa.” Dù có tuyệt vọng thì cũng đừng né tránh, hãy đối mặt và yêu. Một khi bạn đã yêu thì hãy yêu hết mọi thứ, đừng chối bỏ điều gì.

Anh có thể giới thiệu kỹ hơn về các đêm nhạc tại phòng trà Trịnh Ca không?

Tiến Hưng: Tối thứ Năm và Chủ nhật hằng tuần phòng trà đều tổ chức những đêm nhạc Trịnh. Ca sỹ biểu diễn ở đây chủ yếu là ca sỹ trẻ, tái hiện cách hát thời xưa của cô Khánh Ly, cô Trịnh Vĩnh Trinh… Thế hệ các cô là thế hệ vàng, hát hay và đúng chất nhạc Trịnh nhất; còn các thế hệ sau thì đều cố gắng tái hiện cách hát và cả không gian, thời đại xưa cũ ấy. Và để làm được điều đó thì đòi hỏi cách hát cần sự mộc mạc, giản dị.

Các bài hát được lựa chọn cẩn thận và các ca sỹ đều phải tập duyệt rất kỹ để có một đêm nhạc thật chỉn chu.

Theo quan sát của anh, ngoài phòng trà và quán cà phê thì nhạc Trịnh còn xuất hiện ở đâu nữa?

Tiến Hưng: Đối với tôi, nhạc Trịnh nhẹ nhàng như dòng suối, róc rách len lỏi vào từng khía cạnh của cuộc sống. Bởi vì Trịnh Công Sơn viết nhạc từ chính những trải nghiệm cá nhân, từ nhận thức về thân phận con người và từ việc phản đối chiến tranh. Ba mảng chính mà ông viết đều bắt nguồn từ một chữ “yêu.” Và con người thì có bao giờ ngừng yêu thương hay ngừng đau khổ. Ngày từ khi sinh ra con người đã cất tiếng khóc: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” – khóc vì phải mang nặng kiếp người nhiều đau đớn, sầu muộn.

Cảm nhận của anh về những bản nhạc Trịnh được các ca sỹ remix hay rap lại là như thế nào?

Tiến Hưng: Theo quan điểm cá nhân thì tôi không hoàn toàn thích những bản phối mới này, tuy nhiên đây vẫn là điều rất nên làm. Cách đây khoảng 2, 3 năm, tôi tham dự chương trình “Vọng cố đô” ở Huế. Ở đó, các nghệ nhân dân gian hát nhạc dân gian, hát ca Huế nhưng lại cũng hát bài “Ở trọ” của Trịnh Công Sơn. Vẫn là ca từ của ông nhưng được hát theo ca Huế, khiến tôi thật sự xúc động. Hay như Hà Lê, người tái hiện nhạc Trịnh theo phong cách mới và cũng hát rất hay. Tôi chỉ lấy hai ví dụ thôi chứ còn rất nhiều ca sỹ khác phối lại nhạc Trịnh. Một điểm chung giữa họ là dù phối theo cách nào, ca từ của Trịnh Công Sơn vẫn được giữ nguyên, điều này thể hiện sự trân trọng với cố nhạc sỹ.

Theo anh, trong tương lai Nhạc Trịnh có giữ được sức sống mãnh liệt như bây giờ không?

Tiến Hưng: Sức sống của nhạc Trịnh là muôn thuở. Những bạn trẻ của thế hệ 9X đã quan tâm và trân trọng nhạc Trịnh, thì tôi không hề lo rằng âm nhạc của ông sẽ biến mất. Sau này các bạn trẻ lại trao ngọn cờ ấy cho những thế hệ tiếp theo. Tôi nghĩ những giá trị nghệ thuật, văn hóa của nhạc Trịnh nói riêng, nhạc Phạm Duy, Văn Cao… nói chung sẽ trường tồn, bởi thế hệ nào cũng có những người kế thừa và phát huy.

Anh có thể chia sẻ một chút về kế hoạch phát triển phòng trà Trịnh Ca trong thời gian tới không?

Tiến Hưng: Tôi muốn lan tỏa phòng trà bằng nhiều công cụ, gần đây nhất là phát livestream đêm nhạc trên fanpage Trịnh Ca. Nhờ đó số lượng người nghe nhạc đã tăng lên rất nhiều, từ vài chục nghìn đến trăm nghìn người xem, đặc biệt là có cả khách ở châu Âu hay ở Mỹ. Tôi rất vui vì phòng trà Trịnh Ca có thể đem lại niềm vui cho mọi người.

Về việc mở rộng quán thì hiện nay có khoảng 10 địa phương muốn mở phòng trà Trịnh Ca. Mong muốn của tôi là mỗi tỉnh đều có một điểm như vậy để truyền tải âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Xin cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện!

Thực hiện: Thanh Huyền-Nguyễn Trang-Thùy Linh-Trung Hiếu-Minh Ngọc-Hải Đăng-Thùy Dung-Nhật Linh-Ngân Tuệ