Tuổi trẻ

Được ra mắt trùng với dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3 và lại có thêm dàn diễn viên chính toàn nữ, thoạt nhìn tưởng như “Tháng Năm Rực Rỡ” là một bộ phim dành riêng cho phái đẹp.

Nhưng trong thực tế, đây là một bộ phim dành cho tất cả, đặc biệt là những ai đã bước qua tuổi thanh xuân và muốn tìm lại những ký ức về tình bạn đẹp đẽ, những giấc mơ đầy lý tưởng, những dại khờ đầu tiên… của một thời tuổi trẻ giờ chỉ còn là kỷ niệm. “Tháng Năm Rực Rỡ” thành công trong việc giúp khán giả tìm lại những ký ức ấy, như cách nhóm nữ quái “Ngựa Hoang” tìm thấy nhau sau hai thập niên xa cách.

Một sản phẩm “remake” thành công

“Tháng Năm Rực Rỡ” thực chất là một phiên bản “remake” (làm lại) của bộ phim Hàn Quốc “Sunny.” Tác phẩm của điện ảnh Hàn từng gây tiếng vang lớn khi ra mắt năm 2011 với doanh thu tương đương 51 triệu USD và là phim ăn khách thứ nhì xứ sở kim chi năm đó. Tại giải “Oscar Hàn Quốc” Grand Bell Awards lần thứ 48, “Sunny” được đề cử 9 hạng mục và ra về với 2 giải.

Với một nguyên tác thành công đến vậy, “Tháng Năm Rực Rỡ” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đứng trước không ít thách thức. Đầu tiên là việc trong vài năm trở lại đây, dù có nhiều phim Việt “remake” nhưng hiếm tác phẩm nào thành công và được khán giả đón nhận rộng rãi như trường hợp “Em Là Bà Nội Của Anh” (Miss Granny). Tiếp theo là việc chắt lọc bí quyết thành công của phiên bản gốc, để thành phẩm cuối cùng là một bộ phim “remake” chất lượng mang dấu ấn Việt thay vì là một phiên bản “copy & paste” vô hồn.

Bối cảnh Đà Lạt với nhiều đường dốc được đưa vào phim rất
Bối cảnh Đà Lạt với nhiều đường dốc được đưa vào phim rất “ngọt”

Thật may là “Tháng Năm Rực Rỡ” đã vượt qua những thách thức đó, có thể thấy qua việc bộ phim nhận được đánh giá tích cực từ giới chuyên môn và có những suất chiếu sớm trong tình trạng kín rạp.

Với một kịch bản gốc từng được đề cử giải Grand Bell, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cùng các biên kịch đã khéo léo cải biên câu chuyện để phù hợp với bối cảnh, văn hóa Việt Nam; đồng thời vẫn trung thành với tinh thần của bản Hàn Quốc.

Nếu chưa từng xem qua bản gốc “Sunny” hoặc biết trước đây là phim “remake”, rất có thể khán giả sẽ nghĩ rằng đây là một sản phẩm “thuần Việt”. Trong bối cảnh thị trường phim nước nhà vẫn khan hiếm những kịch bản gốc chất lượng, những sản phẩm remake với những nét cải biên thành công như “Tháng Năm Rực Rỡ” là một trường hợp để các nhà làm phim học hỏi.

Nếu chưa từng xem qua bản gốc “Sunny” hoặc biết trước đây là phim “remake”, rất có thể khán giả sẽ nghĩ rằng đây là một sản phẩm “thuần Việt”.

Người xem có thể thích thú khi bắt gặp hình ảnh quen thuộc của Đà Lạt với những đặc sản như chuối nướng, bánh tráng; bùi ngùi nghĩ về thời bé nằm ngủ cạnh ông bà hay bật cười trước những câu chửi “theo bài theo vần” của người Bắc được cô nàng Phương “biểu diễn” trong phim.

Đạo diễn Dũng “khùng” thậm chí còn táo bạo cải biên so với phiên bản gốc bằng cảnh quay Hiểu Phương thời trẻ vừa đi vừa hát dưới mưa. Cảnh quay được thực hiện liền theo dạng ‘One-shot” được đạo diễn mô phỏng lại trường đoạn kinh điển của Gene Kelly trong bộ phim “Singing in the Rain.” Trường đoạn này thể hiện rõ niềm vui của một cô gái trẻ khi vừa “say nắng”, nhìn mọi thứ xung quanh đều màu hồng và ngay cả cơn mưa bất chợt cũng chẳng thể làm cô bớt hạnh phúc.

Cảnh Hiểu Phương hát dưới mưa là một sáng tạo của Nguyễn Quang Dũng
Cảnh Hiểu Phương hát dưới mưa là một sáng tạo của Nguyễn Quang Dũng

Câu chuyện phim “Tháng Năm Rực Rỡ” được đan xen giữa hiện tại (năm 2000) với quá khứ (thập niên 1970s) với nhân vật chính là các thành viên của nhóm nữ quái “Ngựa Hoang”. Câu chuyện bắt đầu với việc Hiểu Phương (Hồng Ánh thủ vai) – một người phụ nữ trung niên có cuộc sống thành đạt – tình cờ bắt gặp người bạn cũ Mỹ Dung (Thanh Hằng) trong bệnh viện.

Chứng kiến Dung “đại ca” – thủ lĩnh của nhóm “Ngựa Hoang” một thời đầy năng lượng nhiệt huyết – giờ lại mang trọng bệnh, Phương quyết tâm tìm lại các thành viên khác của nhóm. Hành trình tìm lại bạn cũ ấy của Phương giúp cô tìm lại những cảm xúc, ký ức tưởng như đã bị chôn vùi theo năm tháng với nhiều biến động cuộc sống và những biến cố của cuộc đời…

Ký ức thanh xuân trong trẻo

Câu chuyện về thời thanh xuân của nhóm “Ngựa Hoang” tại ngôi trường ở Đà Lạt trước năm 1975. Khi đó, Hiểu Phương (Hoàng Yến Chibi) còn là một cô bé gốc Thái Bình đầy bỡ ngỡ tại một môi trường hoàn toàn mới. Cô nữ sinh với gương mặt thông minh, lanh lợi này dần hòa nhập khi được kết nạp vào nhóm bạn nữ sinh với những cá tính độc đáo.

Từ thủ lĩnh là nàng Dung “đại ca” với phong cách hảo hán, nàng hoa khôi Tuyết Anh (Jun Vũ), “nữ hoàng chửi thề” Thùy Linh (Trịnh Thảo), “minh tinh tương lai” Bảo Châu (Khổng Tú Quỳnh) cho tới nàng mập duyên dáng Lan Chi (Minh Thảo) đều có những nét riêng đáng nhớ.

Tình bạn của nhóm Ngựa hoang gợi lại những ký ức tươi trẻ cho phần đông khán giả
Tình bạn của nhóm Ngựa hoang gợi lại những ký ức tươi trẻ cho phần đông khán giả

Tình bạn và tuổi trẻ của nhóm “Ngựa Hoang” này có thể khiến nhiều người xem bồi hồi vì bắt gặp hình ảnh của chính mình trong đó. Có lẽ ai cũng từng có hoặc mong muốn mình có một thanh xuân thật đáng nhớ bên cạnh những người bạn thân thiết, trải qua những tháng ngày dù hạnh phúc hay gian khổ đều có nhau.

Nhóm “Ngựa Hoang” phiên bản 1970 đại diện cho những điều đó, tương phản với hoàn cảnh của hai thập niên sau khi họ tan rã mỗi người một nơi và phải rất trải qua nhiều gian khó mới có thể tìm thấy nhau.

Tình bạn và tuổi trẻ của nhóm “Ngựa Hoang” này có thể khiến nhiều người xem bồi hồi vì bắt gặp hình ảnh của chính mình trong đó.

Điểm cộng của “Tháng Năm Rực Rỡ” đầu tiên là phần hình ảnh. Nước phim với tông màu vintage giúp bộ phim vừa mang sắc thái “rực rỡ” như tựa phim lại vừa có cảm giác hoài cổ. Bối cảnh phim được chăm chút tỉ mỉ từng chi tiết, khiến một Đà Lạt xưa được tái hiện với các cảnh quay được thực hiện tại trường quay tại Thành phố Hồ Chí Minh lẫn chính Đà Lạt.

Đà Lạt được tái hiện đầy lãng mạn trên phim
Đà Lạt được tái hiện đầy lãng mạn trên phim

Từ những ngôi nhà gỗ cổ, những quán cà-phê chơi nhạc rock chát chúa ngập mùi thuốc lá, rạp chiếu bóng xưa, những mảnh vườn cẩm tú cầu đặc trưng; những tấm biển quảng cáo xưa “Nhà sách Duy Tân,” “Sữa đậu nành cô Năm”, “Bách hoá tổng hợp Hồng Đào”, “Café Baly Paris”… được vẽ tay cho tới cả những chiếc xe đạp Peugeot, Lambretta cổ hay những chiếc ô tô quân cảnh thường thấy qua ảnh chụp đều xuất hiện trong phim.

Việc chọn Đà Lạt – một trung tâm văn hóa giáo dục của miền Nam vào thập niên 1970 – giúp bộ phim toát lên tinh thần rực rỡ của tuổi trẻ, đồng thời tăng thêm phần lãng mạn với những khung cảnh như dốc Tăng Bạt Hổ, cầu chữ Y trên hồ Xuân Hương…

Phần quay phim cũng là một điểm sáng với sự chuyển cảnh tài tình giữa quá khứ và hiện tại. Các quay long-shot giới thiệu lớp học ở đầu phim hay cảnh hỗn chiến giữa hàng trăm người biểu tình và quân đội cho thấy sự tỉ mỉ, chăm chút của đoàn làm phim.

Cộng hưởng cho những hình ảnh ấn tượng ấy là phần âm nhạc xuất sắc đủ khiến khán giả ở lại nghe hết cho tới khúc credit. Phiên bản gốc “Sunny” từng thành công nhờ sử dụng âm nhạc Hàn thập niên 1980s (bối cảnh phim) kèm theo các ca khúc pop phương Tây để thể hiện làn sóng âm nhạc khiến giới trẻ Hàn Quốc si mê thời điểm đó. Ở phiên bản Việt, các ca khúc “vang bóng một thời” như Kim (Y Vũ), Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang (Phạm Duy và Ngọc Chánh), Niệm Khúc Cuối (Ngô Thụy Miên), Yêu (Văn Phụng), Tôi Muốn (Lê Hựu Hà)… được cất lên với hơi thở mới.

Bộ phim tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ
Bộ phim tràn đầy năng lượng của tuổi trẻ

Dù chưa từng được sống vào thời điểm các bài hát kể trên được ra đời và được phổ biến rộng rãi, những khán giả đương đại vẫn có thể cảm nhận được tinh thần sôi động, tràn đầy năng lượng tuổi trẻ của chúng. Đan xen với những ca khúc “cũ mà mới” còn là bài hát mới “Nụ hôn đánh rơi” do Hoàng Yến Chibi thể hiện nhiều khả năng sẽ trở thành “hit” khi được ra mắt.

Khi những câu hát trong “Nụ hôn đánh rơi” được cất lên cũng là lúc nhân vật Phương lần đầu cảm thấy rạn vỡ trong tình cảm, khiến khán giả cũng không tránh khỏi cảm giác buồn xót xa thay cho cô gái trẻ.

Câu chuyện phim tương đối nhẹ nhàng, chủ yếu xoay quanh tình bạn và những cảm xúc khó có thể tránh khỏi của tuổi mới lớn. Đó có thể là cô gái bị say nắng bởi anh chàng hotboy, mâu thuẫn giữa những cá tính hay khi xung đột giữa các nhóm “nữ quái”. Dù là tuyến chuyện nào thì đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vẫn cho thấy sự chắc tay trong dẫn dắt câu chuyện và phát triển tâm lý nhân vật, để cảm giác không bị lê thê dù thời lượng phim là không ngắn. Qua đó, thông điệp về tình bạn được nổi bật lên và giúp khán giả đồng cảm với các nhân vật.

Điểm cộng từ những cái tên “cũ”

Sự kết nối cảm xúc giữa khán giả và nhân vật sẽ chẳng thể nào có được nếu các diễn viên không thể hiện thuyết phục. Sau vai phụ trong “Cô Gái Đến Từ Hôm Qua,” Hoàng Yến Chibi được trao vao chính Hiểu Phương và khiến người xem tin rằng cô hoàn toàn có thể theo đuổi song song cả nghề ca sĩ lẫn diễn viên.

Hoàng Yến được đo ni đóng giày cho vai Hiểu Phương thời trẻ với đôi mắt trong trẻo
Hoàng Yến được đo ni đóng giày cho vai Hiểu Phương thời trẻ với đôi mắt trong trẻo

Hoàng Yến như được đo ni đóng giày cho vai diễn Phương, với gương mặt sáng và đôi mắt to tròn tinh nghịch. Nhìn cô diễn một cách tự nhiên, khó ai có thể nghĩ đây là một ca sĩ đi đóng phim. Cùng với Jun Vũ có gương mặt đẹp và thần thái kiểu “nàng thơ” phù hợp với vai hoa khôi Tuyết Anh, Hoàng Yến là điểm sáng nhất của nhóm “Ngựa Hoang” thời trẻ.

Ở phiên bản của họ hai chục năm về sau, các nhân vật dường như đều đối mặt với những vấn đề hoặc có một cuộc sống không hạnh phúc. Nhân vật có cuộc sống viên mãn nhất là Phương với người chồng thành đạt, cô con gái xinh xắn. Nhưng ẩn sau cuộc sống như mơ đó vẫn tồn tại những vấn đề, khi cô đã đánh mất đi giấc mơ trở thành nữ nhà văn để sống cuộc sống an phận và không thể tâm sự, hiểu được chính cô con gái mình.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ với Mỹ Dung và sau đó là hành trình đi tìm lại nhóm “Ngựa Hoang” đã giúp cuộc sống một màu của Phương được đa sắc trở lại. Các diễn viên Hồng Ánh, Mỹ Uyên, Mỹ Duyên đều tròn vai, trong khi Tuyền Mập với vai Lan Chi lúc lớn để lại ấn tượng với lối diễn tự nhiên, gây cười nhiều qua những câu thoại bỗ bã, “thô mà thật”.

Tháng Năm Rực Rỡ để lại dư vị cảm động về tình bạn bền lâu
Tháng Năm Rực Rỡ để lại dư vị cảm động về tình bạn bền lâu

Có đôi chút điểm trừ ở việc Thanh Hằng dù vẫn rất xinh đẹp nhưng có vẻ ngoài dường như quá cầu kỳ đối với một nhân vật đang cận kề cái chết. Diễn xuất của người mẫu nổi tiếng này so với phiên bản giàu năng lượng thời trẻ của Dung “đại ca” do Hoàng Oanh thủ vai thì có một độ chênh nhất định. Đó là một trong những vết gợn nhỏ của phim, bên cạnh việc các cảnh đáng ra thực sự cao trào lại chỉ đem lại cảm xúc ở mức vừa phải, chưa đẩy lên tới ngưỡng tối đa mà nếu được thì bộ phim sẽ đáng nhớ hơn.

Dẫu vậy, về tổng thể “Tháng Năm Rực Rỡ” là một bộ phim chất lượng của điện ảnh Việt Nam. Không chỉ thành công trong việc tái hiện bối cảnh xưa, kết nối cảm xúc với khán giả và khơi dậy những ký ức về thời thanh xuân, tác phẩm còn khai thác tốt điểm mạnh của những cái tên trẻ như Hoàng Yến Chibi hay Jun Vũ. Những phản hồi tích cực từ cả giới phê bình lẫn khán giả cho thấy rằng điện ảnh Việt Nam luôn có cơ hội trên sân nhà, miễn là sản phẩm đủ tốt.