Ứng xử trên mạng xã hội:

Không thể phủ nhận mạng xã hội giúp ích rất nhiều trong đời sống, từ việc thư giãn, kết nối đến thương mại… Thế nhưng, cũng chính mạng xã hội đã làm bao nhiêu gia đình tan nát, thậm chí có trường hợp tự tử chỉ vì lối hành xử theo thói a dua của người dùng… vốn tưởng mình là ‘thông thái.’ Và cũng chính sự sẻ chia nông nổi, thiếu cân nhắc trong một phút giây đã gây tổn hại cả khôn lường cho không ít người…

Lòng tốt hay thói a dua?

Câu chuyện ồn ào khắp mạng xã hội Việt mấy ngày gần đây vể chuyện cô bé nữ sinh một trường chuyên Hà Nội đưa lên mạng một dòng trạng thái tố bị anh rể đánh đập là một điển hình.

Câu chuyện ngay lập tức được dẫn dắt theo chiều hướng con gà rụng cả bộ lông với cả một đội quân Slockhom tinh nhuệ chỉ trong chốc lát, gia thế sự nghiệp của gia đình cô bé, bé học đâu trường nào, người anh là ai, rồi anh người anh, bố cô bé… cứ thế phơi bày lên mạng xã hội và lan tỏa. Câu chuyện lên đến đỉnh điểm là khi cô bé đóng trang facebook của mình đã tạo nên giả thiết cô bị giam cầm, o bế…

Chẳng cần rõ thực hư, các “quan tòa bàn phím” ào vào kết tội “kẻ ác,” nào là bố mẹ thiếu trách nhiệm, bỏ rơi con, nào là người chị vô tình, người anh thú tính… họ kết tội sang nhà trường thờ ơ, cộng đồng vô tri. Những kết án cay nghiệt, đầy thù hận.

Ảnh minh họa. (Nguồn: makeawebsitehub.com)
Ảnh minh họa. (Nguồn: makeawebsitehub.com)

Sự sẻ chia đến chóng mặt của cộng đồng đã lôi cả UNICEF vào cuộc, những người liên quan, người thì bị đình chỉ việc, người thì bị ảnh hưởng uy tín… bố mẹ con cái anh chị em xào xáo.

Dư luận hẳn chưa quên được rất nhiều vụ việc đáng tiếc chỉ vì rơi vào vòng xoáy dư luận trên Facebook. Vào hồi tháng Ba, một nữ sinh lớp 11 ở Nghệ An đã tự tử và nguyên nhân được cho rằng do clip ghi lại hình ảnh em và bạn trai hôn nhau trong lớp, trong đó có những Fanpage, trang thông tin có hơn 1 triệu người theo dõi. Hay, vào năm 2015, một nữ sinh đã uống thuốc diệt cỏ tử vong khi phát hiện clip quay cảnh ân ái của mình với bạn trai đã bị tung lên mạng xã hội…

Chẳng cần rõ thực hư, các “quan tòa bàn phím”  ào vào kết tội “kẻ ác,” kết tội bố mẹ vô trách nhiệm, kết tội nhà trường thờ ơ, cộng đồng vô tri. Những kết án cay nghiệt…

Ở trường hợp nữ sinh trường Amsterdam, nhiều người, chỉ vì tình thương đã chia sẻ câu chuyện nọ cũng như có những bình luận ác ý, nhưng không hiếm người chỉ vì “tỏ ra nguy hiểm,” là người “thạo tin” nên đã “tay nhanh hơn não” đưa ra những bình luận ác ý mà không tìm hiểu kỹ các nguồn thông tin để kiểm chứng.

Thế nhưng, khi nghe chưa “thủng” câu chuyện, thì việc bỗng dưng nhảy vào câu chuyện của người khác sẽ đem lại một tác dụng trái ngược với lòng tốt ban đầu.

Một cô bé 15 tuổi có thể chưa hiểu chuyện đời nên trong lúc nóng giận đã chia sẻ thông tin, nhưng cư dân mạng có rất nhiều người có kiến thức, có mối quan hệ, có địa vị và khả năng nếu muốn đi đến cùng tìm hiểu sự việc. Nhưng họ đã không làm vậy, mà chọn cách làm “lanh tanh bành” trên mạng xã hội, mà chẳng nghĩ rằng họ đang đẩy cô bé – người mà họ cho là nạn nhân cần cứu thành nạn nhân của chính họ.

Bởi ai cũng biết rằng, gia đình là nền tảng của xã hội, gia đình là thứ mà không ai đánh đổi, dù bất cứ giá nào. Và câu chuyện kia, trước hết là chuyện của một gia đình, những người thân của cô bé, cô bé sẽ phải đối diện cả quãng đời sau này ra sao khi đẩy bố mẹ, anh chị mình vào những câu chuyện mà cho đến giờ phút này, cũng chẳng ai biết thực hư ra sao.

Báo động chuyện ứng xử trên mạng

Về vấn đề này, nhà xã hội học, phó giáo sư, tiến sỹ Trịnh Hòa Bình chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus rằng, trong nhiều trường hợp, các thông tin không được kiểm chứng hoặc bịa đặt, thông tin xuất phát từ thiên kiến được tung lên mạng và được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Đặc biệt là những thông tin dính líu tới những gương mặt xã hội đáng chú ý hay thông tin liên quan các vấn đề nhạy cảm, có tính chất ưu tiên trong sự săm soi của cộng đồng.

“Chúng ta rất dễ bị sốc, bị ảnh hưởng ,tác động bởi thông tin phức hợp nhiều chiều như vậy,” ông Bình nói.

Một thống kê của We are Social được Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra mới đây cho thấy, số người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đạt 55 triệu người (chiếm tỷ lệ 57% dân số), trong đó lượng người dùng mạng xã hội qua di động là 50 triệu người. Thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong một ngày của người Việt tương ứng là 7 giờ và 2,5 giờ. Và, Facebook và YouTube là những trang được sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ là 61% và 59%.

Đồ họa mô tả kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội.

Trong khi đó, kết quả khảo sát của Chương trình nghiên cứu Internet và Xã hội đưa ra con số giật mình về trường hợp phát ngôn gây thù ghét của người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam. Cụ thể, về nói xấu, phỉ báng (61,7%); vu khống, bịa đặt thông tin (46,6%); kỳ thị dân tộc (37,01%); kỳ thị giới tính (29,03%); kỳ thị khuyết tật (21,76%); kỳ thị tôn giáo (15,09%)…

“Chúng ta phải sống chung với nó, trước khi bàn chuyện gỡ hay hành xử theo bộ quy tắc ứng xử trên mạng,” nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình nói.

Cũng theo ông, việc xây dựng bộ quy tắc chung rồi từ đó các đơn vị xây dựng quy tắc dành cho mình… nghe có vẻ dông dài. Nhưng, chính nó đã nêu lên tầm quan trọng của việc thông tin hỗn loạn như hiện nay.

Việc xây dựng bộ quy tắc chung rồi từ đó các đơn vị xây dựng quy tắc dành cho mình… nghe có vẻ dông dài. Nhưng, chính nó đã nêu lên tầm quan trọng của việc thông tin hỗn loạn như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng, việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên mạng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Đây được xem là “khế ước,” tương tác với nhau thế nào để tạo ra môi trường văn hóa trên mạng xã hội, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.

“Đôi khi người ta đưa thông tin chỉ để thể hiện người ta thạo tin, sóng đầu… chứ hoàn toàn không có trách nhiệm, thậm chí còn vô trách nhiệm theo khía cạnh gây tổn hại cho tổ chức, nhóm xã hội, cá nhân nào đó…,” ông Bình nhận định.

Nghĩ kỹ khi ấn enter

Phó giáo sư Trịnh Hòa Bình cho rằng lên mạng xã hội cũng như câu chuyện tiêu dùng. Người ta vẫn bảo nhau, phải là người tiêu dùng thông thái và lên mạng cũng cần phải như vậy. Thế nhưng, nói về điều này, sẽ có nhiều người giẫy lên bởi sao mà kịp thông thái cho được khi tốc độ truyền tin, vấn đề thông tin nhạy cảm như vậy. Và, nhiều người bị sốc và chia sẻ ngay, thực hư tính sau…

Nhưng, theo ông Bình, cộng đồng tiếp nhận thông tin trên mạng nên đi kèm sự phân tích, tìm kiếm các nguồn thông tin khác để kiểm chứng.

“Tôi cho rằng chúng ta buộc phải nhìn nhận, phân tích tính logic của thông tin, thời gian xuất hiện của thông tin, tính xu hướng, khuynh hướng của thông tin…để có thể thấy được thông tin đó chân thực hay không, được truyền đi với động cơ mục đích gì?… Từ đó, lấy ra những lợi ích từ việc tiếp nhận, bình luận hay chia sẻ thông tin,” ông Bình nói.

Người dùng nên suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ, bình luận trước một sự việc để tránh trở thành người lan truyền tin thất thiệt. (Nguồn: qz.com)
Người dùng nên suy nghĩ kỹ trước khi chia sẻ, bình luận trước một sự việc để tránh trở thành người lan truyền tin thất thiệt. (Nguồn: qz.com)

Ở góc độ khác, việc cung cấp thông tin lên mạng cũng là một vấn đề nhức nhối. Trong trường hợp của “nữ sinh trường Ams,” rõ ràng cô đã đặt chính gia đình của mình vào vòng xoáy dư luận mà không lường hết được các tác hại mà gia đình phải đối mặt. 

“Khi con người ta thiếu sự chín chắn, thiếu trách nhiệm khi lan truyền thông tin, cập nhật thông tin, biểu cảm thái độ… thì mọi lời khuyên dường như không có tác dụng hoặc đã muộn. Đó là câu chuyện nhỡn tiền của thời đại mạng xã hội bùng nổ ngày nay.”

Có nhiều trường hợp, có thể người dùng xuất phát từ sự hiếu kỳ, muốn trở thành trung tâm thông tin để được mọi người đồng cảm nên đã đăng tải dòng trạng thái lên mạng xã hội. Thế nhưng, khi cơn bão dư luận quét qua, nó sẽ để lại hậu quả thật khó lường.

Theo ông Bình, chúng ta phải chung sống với dư luận và mỗi lần có cú sốc như vậy, chúng ta cần phải tỉnh táo, ngộ ra thế nào là chân lý; thế nào là mối mối quan hệ cá nhân và xã hội với những vấn đề truyền thông giai đoạn mới để đi đến ứng xử chứng chắn hơn, trách nhiệm hơn. Bởi lẽ, khi cộng đồng vùi dập “đánh hôi,” chỉ cần mỗi người “đấm” một cái cũng sẽ “nát nhừ.”

Bởi thế, hơn lúc nào hết, mỗi người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ, cần ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc đăng tải, chia sẻ, bình luận những thông tin mang tính chất nhạy cảm; tránh trường hợp “tỏ ra là thạo tin,” câu like… để hạn chế tối đa nhiễu loạn thông tin, thậm chí gây ảnh hưởng tới chính người mình muốn bảo vệ./.

Tác giả: Trung Hiền

Đồ họa: Thanh Trà