Vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội

“Ngứa trên đầu lại gãi dưới chân” – câu nói bức xúc phần nào cho thấy sự bất lực này dường như ngày càng giống với câu chuyện xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội nhiều năm qua.

Dù thành phố đã quyết tâm giải quyết triệt để tình trạng này nhưng việc thực hiện lại chưa chạm không đến gốc, đến rễ vấn đề. Trong khi thành phố kiên quyết xử lý, vi phạm vẫn tiếp tục phát sinh ở nhiều nơi, nhiều cấp…

Phải chăng một “Hà Nội không vội được đâu” vẫn ứng nghiệm trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng ở Thủ đô?

Loạt 3 bài về vi phạm trật tự xây dựng ở Hà Nội sẽ cung cấp cho độc giả một góc nhìn tổng thể về những vi phạm trong trật tự xây dựng, việc xử lý cũng như những giải pháp để dần tháo gỡ những tồn đọng trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Bất cập trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn Hà Nội tồn tại như một vấn nạn xã hội và luôn là một “cái kim trong bọc” gây nhức nhối trong dư luận, làm “đau đầu” các cấp chính quyền, thậm chí cả Chính phủ và các bộ, ngành.

Mặc dù nhiều lần Đảng bộ, chính quyền thành phố Hà Nội ban hành các chủ trương, giải pháp, thậm chí đưa vào Nghị quyết để xóa bỏ vấn nạn này nhưng kết quả đạt được vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với chính mục tiêu đặt ra và mong đợi của người dân. Điều đáng nói là trong khi những vi phạm tồn đọng, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm thì số công trình vi phạm mới vẫn liên tiếp xuất hiện.

Những “cục nợ” sai phạm

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dù cơ bản có đầy đủ các chế tài để xử lý dứt điểm hàng loạt công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng, nhưng thực tế trên địa bàn Thủ đô vẫn còn 7 quận, huyện không nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội. Điển hình là các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thạch Thất, Hoài Đức.

Dẫn chứng cụ thể, từ năm 2017, tại Kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện phải phối hợp giải quyết dứt điểm 413 công trình tồn đọng nhiều năm. Tuy nhiên, đến tháng 3/2019, theo thống kê vẫn tồn 80 công trình vi phạm, cá biệt cả năm 2018, toàn thành phố không xử lý thêm trường hợp nào.

Lần đầu tiên, Sở Xây dựng Hà Nội buộc phải “bêu” tên công khai 43 công trình vi phạm tồn đọng

Trước tình trạng này, lần đầu tiên, Sở Xây dựng Hà Nội buộc phải “bêu” tên công khai 43 công trình vi phạm tồn đọng (phát sinh năm 2015-2016). Dẫn đầu là quận Hoàn Kiếm (8 trường hợp), kế sau là Hai Bà Trưng (7 trường hợp), Thanh Xuân và huyện Thanh Trì (mỗi nơi 5 trường hợp), Ba Đình (3 trường hợp), Nam Từ Liêm (3 trường hợp)…

Đáng chú ý, trong danh sách đó có sự góp mặt của những dự án lớn như: Tòa nhà Hòa Bình Green City; chung cư Mỹ Sơn Tower và chung cư cao tầng 62 Nguyễn Huy Tưởng; công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh và công trình hỗn hợp nhà ở-trung tâm thương mại CT5 Tân Triều; nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi; tòa HH01 và tòa 04-HH02 dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ…

Một trong những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu của Hà Nội – Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội – cũng bị nêu đích danh một số công trình vi phạm tại lô E3, E4, E5 Khu đô thị mới Cầu Giấy (lô E3, E4, E5). Ngoài các dự án cao ốc trên còn có hàng chục công trình nhà xưởng, khu công nghiệp tồn tại vi phạm mà đến nay cơ quan chức năng chưa thể giải quyết dứt điểm.

Đáng chú ý, tình trạng vi phạm tại nhà ở riêng lẻ của các hộ dân cũng diễn ra tràn lan và đây là đối tượng gây nhiều khó khăn cho cả cấp chính quyền lẫn lực lượng chức năng khi xử lý hành vi vi phạm, xảy ra nhiều khiếu kiện, chống đối.

Công trình xây dựng sai phép ở 107 phố Thanh Nhàn tồn đọng từ năm 2015, nhưng đến tháng 6/2019 quận Hai Bà Trưng mới xử lý xong phần sai phạm. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)
Công trình xây dựng sai phép ở 107 phố Thanh Nhàn tồn đọng từ năm 2015, nhưng đến tháng 6/2019 quận Hai Bà Trưng mới xử lý xong phần sai phạm. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Có thể “điểm mặt” một số công trình dây dưa kéo dài nhiều năm: Số 3B và 107 phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng); 11B-174-176-225 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân); các trường hợp vi phạm tại mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình); 45 hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại huyện Quốc Oai; 7 trường hợp xây trên đất nông nghiệp tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức)…

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, cùng với hàng loạt công trình vi phạm chưa được xử lý dứt điểm trên thì kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra của Hà Nội cũng rất chậm, dù tháng 6/2017, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch chuyên đề về khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, nâng cao hiệu quả thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý sau thanh tra về vi phạm trật tự xây dựng.

Trong tổng số 12 kết luận thanh tra (gồm Kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra thành phố và Thanh tra Sở Xây dựng), có 25 công trình, dự án vi phạm. Đến nay, thành phố mới xử lý xong 4 công trình, còn lại 21 công trình đang tiếp tục xử lý và trong số này có 10 công trình xem xét chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra.

Có thể liệt kê một số công trình đang trong quá trình xử lý như: Khu đô thị Văn Quán-Yên Phúc; Khu nhà ở và Trung tâm thương mại Hà Đông; Khu đô thị Thanh Hà-Cienco 5; các dự án xây dựng bãi đỗ xe kết hợp khuôn viên cây xanh và dịch vụ công cộng thuộc Khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng…

Thách thức nhà quản lý

Ở một góc độ khách quan, cũng dễ nhận thấy trong những năm qua, việc quản lý trật tự xây dựng đô thị được Hà Nội xác định là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và đã được các cấp lãnh đạo thành phố quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Đây cũng là nội dung được Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội giám sát, chất vấn và tái chất vấn tại nhiều kỳ họp khóa XV. Nhờ đó, nhiều công trình xây dựng đã được kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện các vi phạm; những vụ việc phức tạp, nổi cộm cũng dần được hạn chế.

Mặc dù vậy, mới đây, tại phiên giải trình của Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố khoá XV về quản lý trật tự xây dựng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc vẫn nhấn mạnh trên địa bàn Thủ đô còn tồn tại nhiều công trình xây dựng sai phép, gây thiệt hại chung cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của các cấp chính quyền.

Lãnh đạo Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong các vấn đề về quy hoạch, quản lý theo quy hoạch; xây dựng và quản lý phát triển đô thị với những vi phạm về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, kiến trúc… Đặc biệt, nhiều vi phạm trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại cũ chưa được xử lý dứt điểm; một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện nhưng chưa giải quyết kịp thời, triệt để. Bên cạnh đó, tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” tiếp tục phát sinh trên một số tuyến đường, tuyến phố mới mở gây mất mỹ quan đô thị…

Tình trạng nhà “siêu mỏng, siêu méo” tiếp tục phát sinh trên một số tuyến đường, tuyến phố mới mở gây mất mỹ quan đô thị

Đánh giá về lĩnh vực quản lý này, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định những vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố đã diễn ra trong thời gian dài, ở nhiều mức độ khác nhau. Chỉ tính 3 năm qua, còn nhiều công trình phát sinh và vi phạm nghiêm trọng, đã có sự chỉ đạo cụ thể của Chính phủ, của cả hệ thống cơ quan báo chí, đặc biệt là nhiều kiến nghị của cử tri.

Cụ thể, năm 2016 có 2.469 trường hợp vi phạm (chiếm 13,5%), năm 2017 có 1.916 trường hợp (chiếm 10,99%), năm 2018 có 1.065 trường hợp (chiếm 5,22%), 6 tháng đầu năm 2019 lập hồ sơ xử lý 357 trường hợp…

Theo ông Nguyễn Đức Chung, vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội hiện tập trung ở 4 nhóm: Các công trình vi phạm lâu rồi nhưng chưa được xử lý hoặc công trình không những không bị xử lý mà còn phát sinh vi phạm mới ngay trên đó; các vi phạm mới hoàn toàn không bị xử lý; vi phạm trên đất nông nghiệp và một vấn đề hoàn toàn mới là các công trình vi phạm tại các khu đô thị.

Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng đô thị kéo dài và lan rộng trên địa bàn Hà Nội? Dư luận rất cần các cấp chính quyền thành phố, các sở ngành chức năng và hơn ai hết là 30 Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị phải xác định đúng nguyên nhân; chỉ rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng cá nhân, tập thể liên quan. Trên cơ sở đó, Hà Nội phải đưa ra được lộ trình, biện pháp khắc phục cụ thể, kiên quyết hơn nữa nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý trật tự xây dựng đô thị thời gian tới./.

Công trình hỗn hợp nhà ở-trung tâm thương mại CT5 Tân Triều (huyện Thanh Trì) do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư cũng là một trong những dự án vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015-2016. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Công trình hỗn hợp nhà ở-trung tâm thương mại CT5 Tân Triều (huyện Thanh Trì) do Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 Điện Biên làm chủ đầu tư cũng là một trong những dự án vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015-2016. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Ì ạch xử lý, trách nhiệm thuộc về ai?

Những lý do được nhiều cấp, ngành, địa phương của Hà Nội đưa ra để lý giải cho tình trạng chậm trễ trong xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể điểm lại hàng chục đầu lý do như khung pháp lý chưa hoàn thiện; chưa có chế tài hoặc chế tài chưa hoàn thiện; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp qua nhiều giai đoạn của khung chính sách pháp luật; việc xử lý đúng luật lại có thể dẫn đến phát sinh vấn đề xã hội phức tạp… thậm chí có cả những nguyên nhân do những hành vi hành chính không phù hợp, vận dụng sai quy định pháp luật hoặc vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức được giao quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng, quy hoạch…

Gian nan xử lý vi phạm

Tại Văn bản số 239/UBND-ĐT ngày 17/1/2019, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu trong tháng 3/2019 các địa phương phải xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015-2016, nhưng vì nhiều vướng mắc, đến nay mới xử lý xong có 3/43 trường hợp xử.

Điển hình tại tòa nhà 8B Lê Trực, từ tháng 10/2016, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng Hà Nội đã hoàn thành “cắt ngọn” phần sai phạm giai đoạn 1 (phá dỡ tầng 19 và tum). Song đã 4 năm trôi qua, việc xử lý vi phạm giai đoạn 2 cũng rất khó khăn do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu tòa nhà. Các đơn vị liên quan và bên tư vấn vẫn đang thận trọng đánh giá phương án phá dỡ với yêu cầu đặt ra phải đảm bảo kỹ thuật và an toàn tuyệt đối với công trình, không thể để ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của cư dân sinh sống sau này.

Dư luận và cử tri đặt nhiều câu hỏi khi Hà Nội loay hoay và “ngâm” quá lâu tiến độ xử lý giai đoạn 2. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không đảm bảo an toàn khi tiếp tục phá dỡ, Hà Nội cần công bố kết luận cụ thể của đơn vị chuyên môn và các chuyên gia.

Phá dỡ phần sai phạm tại công trình 8B Lê Trực. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Phá dỡ phần sai phạm tại công trình 8B Lê Trực. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Tiếp đó, nếu phê duyệt được phương án rồi thì đơn vị nào sẽ đứng ra thực hiện việc phá dỡ, bởi hiện nay có hiện tượng “đùn đẩy” trách nhiệm giữa chính quyền và chủ đầu tư, trong khi đó, Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình là nơi ra quyết định cưỡng chế xử lý vi phạm của công trình này? Điều này càng khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân mua nhà gặp khó khăn. Họ trở thành nạn nhân của dự án sai phạm, thậm chí, nhiều gia đình cạn kiệt tiền thuê nhà phải sống nhờ người thân và cũng có cặp vợ chồng tan vỡ vì nợ nần. Do vậy, quyền lợi của người mua nhà cũng cần được các cấp, các ngành tính đến trong quá trình xử lý sai phạm.

Việc xử lý các dự án, công trình vi phạm lớn đã khó, nhưng với các công trình nhỏ lẻ hoặc nhà riêng của người dân cũng không hề đơn giản.

Ông Vũ Tuấn Trung, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm, cho biết toàn bộ 8 trường hợp tồn đọng trên địa bàn đều là nhà ở tư nhân, đã đưa vào sử dụng ổn định nên việc xử lý sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài.

Với các công trình nhỏ lẻ hoặc nhà riêng của người dân, việc xử lý vi phạm cũng không hề đơn giản

Đơn cử, các công trình vi phạm 91 phố Hàng Đào, nhà 3-3A-3B-3C-nhà A số 8 Lý Nam Đế, trong quá trình tổ chức cưỡng chế, các hộ dân có đơn khiếu kiện đề nghị làm rõ lối đi cầu thang, lối đi chung hay việc phá dỡ gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình liền kề.

Tương tự, công trình ở ngõ 1, phố Kiều Mai (quận Bắc Từ Liêm), Ủy ban Nhân dân phường Phúc Diễn đã ra thông báo cưỡng chế phần vi phạm do không bảo đảm an toàn lưới điện, nhưng 8 tháng nay, hạng mục này vẫn nguyên hiện trạng do chủ đất cố tình khiếu kiện. Còn tại công trình 174-176 Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân), việc khắc phục hậu quả cũng khó khăn do chủ đầu tư chuyển nhượng cho người khác…

Đi tìm gốc, rễ của vấn đề  

Vi phạm tràn lan, kéo dài nhưng các cấp chính quyền và đơn vị chức năng lại cho rằng việc chủ đầu tư cố tình tránh né, chây ì dẫn đến kết quả thực hiện các chỉ đạo xử lý của thành phố còn chậm, chưa triệt để.

Khó khăn hơn nữa là các vi phạm xảy ra ở những dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được bán, bàn giao cho người dân vào ở, tập trung đông dân cư nên quá trình xử lý cần xem xét đến việc ổn định an ninh trật tự và cuộc sống của người dân. Nhiều vụ việc có tình tiết phức tạp, cần điều tra xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể liên quan.

Bên cạnh đó, việc triển khai Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng bộc lộ những hạn chế như: một số hành vi vi phạm có mức phạt cao không phù hợp thực tiễn quản lý; thời hạn ngừng thi công 60 ngày đối với công trình không phép, sai phép chưa đáp ứng được với các dự án đầu tư; các trường hợp xây trên đất công, đất nông nghiệp không có căn cứ để xử lý theo lĩnh vực trật tự xây dựng…

Công trình cao 7 tầng và 1 tum tại 174-176 Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị phát hiện xây sai phép tầng tum từ năm 2014 nhưng giữa năm 2019, lực lượng chức năng mới xử lý xong vi phạm. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Công trình cao 7 tầng và 1 tum tại 174-176 Nguyễn Xiển (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị phát hiện xây sai phép tầng tum từ năm 2014 nhưng giữa năm 2019, lực lượng chức năng mới xử lý xong vi phạm. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Lý giải là vậy nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia cũng như lãnh đạo một số quận, huyện, tình trạng chậm trễ phát hiện và xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội ngoài nguyên nhân chủ quan và khách quan thì một yếu tố nổi cộm là sự thiếu quyết liệt của một số cấp chính quyền cơ sở.

Không ít nơi, các cấp lãnh đạo cấp ủy và chính quyền chưa nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của cấp ủy, dẫn tới thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, thậm chí còn buông lỏng quản lý.

Trong khi đó, hệ thống thanh tra xây dựng, chính quyền các phường chưa đề cao trách nhiệm, thiếu sự giám sát, kiểm tra và chưa kiên quyết, chủ động xử lý triệt để các vi phạm. Tình trạng xử phạt nhiều lần nhưng vẫn để tồn tại, không có biện pháp khắc phục hậu quả vẫn diễn ra, dẫn đến chủ đầu tư coi thường kỷ cương, pháp luật, cố tình vi phạm.

Đề cập đến những vi phạm tồn tại trên địa bàn quận, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu thẳng thắn nhận lỗi do cán bộ chủ quan, buông lỏng kiểm tra, giám sát; cán bộ phường lúng túng trong xử lý nên tình trạng vi phạm kéo dài. Cam kết xử lý dứt điểm hàng loạt công trình xây dựng trên đất nông nghiệp và xây sai phép tại 225-174-176 Nguyễn Xiển… tồn đọng từ năm 2014, Bí thư Quận ủy quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cũng chỉ rõ trách nhiệm do chính quyền phường phát hiện chậm, không báo cáo lên quận; cán bộ giám sát lỏng lẻo và thiếu sót ở khâu quản lý nên xử lý không kịp thời, kéo dài…

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng. (Ảnh: TTXVN)
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Phiên giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng. (Ảnh: TTXVN)

Từ những giải trình của các cấp chính quyền và sở, ngành chức năng, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của các Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trong thời gian qua.

“Cho dù các đội này qua nhiều lần thay đổi mô hình hoạt động nhưng luôn có nhiệm vụ quan trọng nhất là kiểm tra, lập biên bản, lập kế hoạch và báo cáo Ủy ban Nhân dân các cấp xử lý vi phạm. Nhưng trên thực tế vẫn tồn tại 80 công trình vi phạm cũ và cả năm 2018 vẫn không “nhúc nhích.” Rõ ràng, trách nhiệm trước hết thuộc về lực lượng đó, cần khắc phục ngay. Nếu các đội cứ làm đủ 7 nhiệm vụ của mình thì chắc chắn không thể phát sinh vi phạm mới,” bà Ngọc khẳng định.

Bà Ngọc còn dẫn chứng một hộ dân xây nhà chỉ đẩy một xe cát nhỏ, cán bộ quản lý trật tự xây dựng biết ngay. Vậy tại sao có những nhà xây rất to lớn mà lại không biết? Điều đó cho thấy đội ngũ thanh tra chưa thực thi hết trách nhiệm mà chỉ lập biên bản báo cáo rồi để đó. Trong khi đó, việc phối hợp giữa các ngành với địa phương còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, vẫn còn tình trạng mỗi nơi trả lời một kiểu và đổ trách nhiệm lẫn nhau; ý thức chấp hành của một bộ phận người dân cũng chưa cao.

Công trình xây trái, cán bộ sai

Xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng kéo dài là do việc phát hiện vi phạm không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ của không ít cán bộ cơ sở, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các cấp, Ủy ban Nhân dân thành phố và cả Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.”

Theo ông Nguyễn Đức Chung, đến nay, toàn thành phố đã có 98 cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã, phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra bị xử lý vì để xảy ra vi phạm. Chỉ tính riêng năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội xử lý kỷ luật 28 công chức Thanh tra xây dựng; Ủy ban Nhân dân thành phố kỷ luật 41 cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có 20 Chủ tịch, 11 Phó Chủ tịch bị xử lý từ khiển trách đến cách chức). Thậm chí, trường hợp có dấu hiệu tội phạm làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa những sai phạm đã chuyển Công an thành phố xử lý nghiêm.

Toàn thành phố đã có 98 cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã, phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra bị xử lý vì để xảy ra vi phạm

Trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đất công ích, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của một số Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, xã; tạm dừng điều hành với 7 Chủ tịch xã; 61 công chức địa chính.

“Với các vi phạm sau 1/1/2014, Sở tiếp tục xử lý nghiêm, dứt điểm chứ không thể ‘chạy theo’ vi phạm,” Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết.

Có thể thấy bên cạnh hàng loạt những nguyên nhân khách quan còn có không ít trường hợp đến từ lỗi chủ quan, cố ý của cán bộ có thẩm quyền. Cùng với đó là quy trình, quy định, thủ tục, trình tự xử lý vi phạm còn nhiều điểm bất cập, chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với cả đối tượng vi phạm và cán bộ thực thi pháp luật. Do đó, yêu cầu hoàn thiện thể chế là đòi hỏi tất yếu nhằm khắc phục cơ bản những tồn tại đang đặt ra./.

Dự án chung cư cao tầng 62 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) do Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình làm chủ đầu tư nằm trong danh sách 43 công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015-2016. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Dự án chung cư cao tầng 62 Nguyễn Huy Tưởng (quận Thanh Xuân) do Công ty trách nhiệm hữu hạn Hòa Bình làm chủ đầu tư nằm trong danh sách 43 công trình vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng từ năm 2015-2016. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Luật hóa để xử lý dứt điểm

Để “gom quyết tâm, hiệu quả hóa mọi hành động” trong xử lý vi phạm trật tự xây dựng, nhiều chuyên gia cho rằng Hà Nội và các địa phương cần kiến nghị Trung ương luật hóa chế tài xử lý đối với các chủ đầu tư và cá nhân vi phạm. Điều này sẽ giúp khắc phục một cách cơ bản những vướng mắc, tồn tại sẵn có, đơn giản hóa những vấn đề đang được coi là phức tạp, là rào cản khiến các ngành chức năng “bó tay” trước sai phạm.

Cùng với việc hoàn thiện thể chế, để công tác này thực sự đem lại hiệu quả, Hà Nội cần tiếp tục huy động sự vào cuộc quyết liệt của người đứng đầu các tổ chức Đảng, mà trước hết là trực tiếp xem xét, giải quyết từng vụ việc.

Biến chủ trương thành hành động cụ thể

Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26/5/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn thành phố” là một chủ trương cần thiết, khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ thành phố đối với công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng đô thị.

Thực hiện Chỉ thị này và nhiều chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành các quy định, đề ra những biện pháp, lộ trình giải quyết cụ thể như: thí điểm sắp xếp lại lực lượng thanh tra xây dựng; tổ chức các cuộc thanh tra công vụ để kiểm tra các nội dung kiến nghị được cử tri, báo chí nêu; tiếp nhận ý kiến, khiếu nại của người dân, trên cơ sở đó tiến hành thực hiện nhiều kết luận thanh tra; tổ chức kiểm tra và rà soát, thống kê tất cả vi phạm còn tồn tại trên địa bàn…

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết trước đây, để xử lý công trình tồn đọng, các quận, huyện mới chỉ báo cáo về hành vi vi phạm, chưa nêu cụ thể tình trạng xây dựng của từng trường hợp. Vì vậy, Sở đã cử đoàn kiểm tra trực tiếp rà soát hồ sơ, đánh giá rõ từng vụ việc về quy mô vi phạm, hiện trạng thực tế, trên cơ sở đó, hướng dẫn các quận, huyện căn cứ quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng để xem xét, xử lý từng trường hợp.

Công trình nào phù hợp quy hoạch, đủ điều kiện tồn tại thì tổ chức họp để xin ý kiến tham vấn của liên ngành, thống nhất biện pháp xử lý, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố xem xét quyết định; nếu không sẽ kiên quyết tổ chức cưỡng chế, xử lý dứt điểm.

Tại quận Hai Bà Trưng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận Vũ Đại Phong cho biết cùng với việc chỉ đạo Đảng ủy các phường kiểm điểm thật sâu trong việc buông lỏng quản lý, đặc biệt là thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường khi để xảy ra vi phạm, được sự hướng dẫn và phối hợp của các ngành, các vi phạm tồn đọng trên địa bàn đã từng bước được tháo gỡ.

Cụ thể, 2 công trình nhà ở riêng lẻ (107 phố Thanh Nhàn, 823 phố Bạch Đằng), dù đã có quyết định cưỡng chế nhưng nhờ sự kiên trì vận động, chủ đầu tư đã tự tháo dỡ các hạng mục vi phạm.

Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình nhà A số 8 phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm) cũng gặp khó khăn, kéo dài do các hộ dân có đơn khiếu nại. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)
Việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại công trình nhà A số 8 phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm) cũng gặp khó khăn, kéo dài do các hộ dân có đơn khiếu nại. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Tại quận Hoàn Kiếm, một số vi phạm tồn đọng cũng được tập trung xử lý kiên quyết. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận đã phân công một Phó Chủ tịch phụ trách hằng tháng phải tổ chức họp với các phường và Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị để kiểm điểm, đánh giá. Đến nay, các công trình vi phạm tại 54 Thợ Nhuộm, 84 Thợ Nhuộm, 128-130 Hàng Bông, 45-47 Hàng Đồng, 43 Hàng Đồng…, đã được lên phương án cưỡng chế. Đối với các công trình có khiếu kiện, quận đã xây dựng lại phương án cưỡng chế sau khi làm rõ các vướng mắc…

Theo lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội, sau khi có Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, trong năm 2018, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố đã đôn đốc thực hiện 111 chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về các vấn đề cụ thể được dư luận báo chí quan tâm, trong đó có 45 vụ việc liên quan trực tiếp đến quản lý trật tự xây dựng.

Trong năm qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã đôn đốc Thanh tra thành phố có công bố kết luận đối với những vi phạm nghiêm trọng tại rừng Sóc Sơn để Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng xử lý dứt điểm các vi phạm kéo dài…

Không để “trên nóng, dưới lạnh”

Thực tế, đây không phải lần đầu tiên công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng tồn đọng “lỗi hẹn” thời gian theo tiến độ. Để các vi phạm không còn “treo” và đặc biệt không để phát sinh vi phạm mới, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị Ủy ban Nhân dân thành phố cần có nhiều giải pháp mạnh hơn và đồng bộ hơn nữa.

Trước hết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, thành phố yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; gắn trách nhiệm với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc giám sát, đôn đốc thực hiện, trong đó, cần chú trọng tăng cường và xem xét trách nhiệm các Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng và thanh tra xây dựng.

Việc tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 91 phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – nhà giữa) cũng xảy ra khiếu kiện nên thời gian xử lý bị kéo dài. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)
Việc tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 91 phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội – nhà giữa) cũng xảy ra khiếu kiện nên thời gian xử lý bị kéo dài. (Ảnh: Nguyễn Hoàng/TTXVN)

Đối với nhóm vi phạm trật tự xây dựng tại các dự án, khu đô thị mới, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần có giải pháp chỉ đạo nghiêm vì hiện nay giữa chính quyền địa phương và chủ đầu tư không rõ ràng trách nhiệm quản lý, dẫn đến hoàn toàn xây dựng tự do.

“Chủ đầu tư không quản lý, phường xã thì bảo chưa được bàn giao nên nếu không có chỉ đạo trực tiếp thì sẽ lại bức xúc,” bà Ngọc nhận định.

Riêng với các cấp ủy, phải đổi mới công tác tuyên truyền tới nhân dân, từ nhân dân để phát hiện những công trình vi phạm nhằm xử lý ngay từ đầu và nghiêm túc xử lý người không chấp hành. Cùng với đó, Thành ủy chỉ đạo các ban đảng phối hợp với Hội đồng Nhân dân thành phố kiểm tra những cơ sở đảng, tổ chức cố tình không thực hiện nhiệm vụ hoặc chậm trễ, kéo dài, cố tình để vi phạm mới xảy ra; theo đó, Ban Nội chính, Ủy ban kiểm tra Thành ủy cùng Hội đồng Nhân dân thành phố giám sát, kiểm tra.

Theo kế hoạch, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội sẽ có chuyên đề riêng để tiếp xúc cử tri và kiểm tra, giám sát lại hoạt động của các Đội Quản lý trật tự xây dựng. Trường hợp các công trình do chủ doanh nghiệp vi phạm, nếu chủ đầu tư không khẩn trương khắc phục, thành phố cương quyết không cấp phép đầu tư các dự án mới.

Luật hóa chế tài xử lý

Xuất phát từ thực tế triển khai công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, Hà Nội cho rằng điều quan trọng là cần luật hóa chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư và cá nhân để xảy ra vi phạm.

Vì vậy, Hà Nội kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng tổ chức Thanh tra chuyên ngành xây dựng 3 cấp (cấp bộ, cấp sở và cấp huyện) tại các đô thị đặc biệt như thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh để nâng cao hiệu quả quản lý, đồng thời, xem xét sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về việc cấp giấy phép xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ ở nông thôn theo hướng chỉ quy định việc miễn phép xây dựng đối với các nhà ở riêng lẻ ở nông thôn tại khu vực chưa có quy hoạch xây dựng và quy hoạch nông thôn được phê duyệt.

Điều quan trọng là luật hóa chế tài xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư và cá nhân để xảy ra vi phạm

Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2017/NĐ-CP theo hướng giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm phổ biến như sai quy hoạch, lấn chiếm không gian… để việc xử lý vi phạm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện, đảm bảo tính kịp thời, tăng tính chủ động cho chính quyền cơ sở, hạn chế việc chuyển hồ sơ tới Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng…

Đối với những vi phạm xây dựng tồn đọng trên đất nông nghiệp, đất công ích và đất rừng, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết sau 1/1/2018 đã có Nghị định 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ, thay thế 2 Nghị định 121 và 180/NĐ-CP nhưng trên thực tế các quận, huyện vẫn thực hiện theo 2 Nghị định cũ này.

“Nếu chỉ hạ độ cao công trình và vẫn để chủ vi phạm ‘ngồi đó’ thì đến năm sau vi phạm vẫn y nguyên. Song, nếu vẫn áp dụng theo 2 Nghị định 121 và 180/NĐ-CP thì không thể giải quyết được dứt điểm vi phạm,” ông Dục khẳng định.

Về bất cập này, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết căn cứ Luật Thủ đô, nhiều lần Hội đồng Nhân dân thành phố đề xuất tăng mức xử phạt và giờ là thời điểm cần làm. Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội giao các ngành chuẩn bị, Hội đồng Nhân dân thành phố sẽ thông qua mức xử phạt đủ mạnh để răn đe các đối tượng vi phạm.

“Biết rồi lại bàn, bàn rồi đâu lại vào đấy,” cứ như vậy, sai phạm này chưa xử lý xong đã “mọc” ra sai phạm khác. Đã đến lúc Hà Nội cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt và khả thi hơn để chấm dứt những “cục nợ” sai phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Thủ đô. Hà Nội đẹp, thanh lịch và văn minh, vẻ đẹp ấy, trước tiên đến từ bộ mặt đô thị mà trong đó việc quản lý tốt trật tự xây dựng đóng vai trò quyết định./.

Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại 225 Nguyễn Xiển tồn đọng từ năm 2014, nhưng đến giữa tháng 6/2019, chính quyền quận Thanh Xuân mới cam kết xử lý. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)
Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp tại 225 Nguyễn Xiển tồn đọng từ năm 2014, nhưng đến giữa tháng 6/2019, chính quyền quận Thanh Xuân mới cam kết xử lý. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)