Việt Nam-Chile

Thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971, Việt Nam và Chile luôn phát huy truyền thống quan hệ hữu nghị, đoàn kết ngay trong thời khắc khó khăn nhất. Trong công cuộc xây dựng và phát triển ngày nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Chile ngày càng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực.

Luôn ủng hộ nhau trong lịch sử

Việt Nam và Chile tuy cách xa nhau về địa lý nhưng có mối quan hệ truyền thống rất tốt đẹp. Với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Thượng viện Chile Salvador Allende được biết đến như một biểu tượng của phong trào quốc tế ủng hộ Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông cũng là người bạn, người đồng chí thủy chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam.

Tháng 5/1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết liệt, trên cương vị Chủ tịch Thượng viện, vị lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Chile đã vượt Thái Bình Dương sang thăm Việt Nam, mang đến cho nhân dân Việt Nam tình cảm đoàn kết, sự động viện và ủng hộ quý báu của nhân dân Chile.

Bên cạnh sự ủng hộ, tình đoàn kết của Chile đối với Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập, lịch sử quan hệ Việt Nam-Chile một lần nữa ghi dấu ấn vào tháng 9/1969, khi Tổng thống Chile lúc bấy giờ Salvador Allende thực hiện chuyến thăm tới Việt Nam, cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng cho mối quan hệ đoàn kết và hợp tác hai bên, đưa đất nước Chile anh em trở thành quốc gia Nam Mỹ đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào ngày 25/3/1971. Đó chính là di sản vô giá mà hai nhà lãnh đạo đã để lại cho hai nước, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Chile. Đặc biệt, tháng 5/2007, Việt Nam và Chile đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Tổng thống ChileMichelle Bachelet ngày 19/11/2016 trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Peru. (Ảnh: TTXVN phát)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp Tổng thống ChileMichelle Bachelet ngày 19/11/2016 trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Peru. (Ảnh: TTXVN phát)

Quan hệ chính trị-ngoại giao gắn bó và tin cậy

Quan hệ chính trị-ngoại giao giữa Việt Nam và Chile ngày càng gắn bó và tin cậy, thể hiện qua các chuyến thăm và tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương. Trong những năm qua, lãnh đạo cấp cao và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương hai nước thường xuyên thực hiện các chuyến thăm lẫn nhau nhằm thảo luận và hoạch định phương hướng hợp tác.

Qua các chuyến thăm, các lãnh đạo cấp cao Chile đều thể hiện sự coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ nhiều mặt với Việt Nam, khẳng định coi Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chính sách hướng sang Đông Nam Á của Chile, sẵn sàng làm cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam đi vào thị trường khu vực.

Việt Nam cũng luôn coi trọng quan hệ hợp tác với Chile và sẵn sàng hợp tác với Chile trong các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh. Các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng làm cầu nối để Chile phát triển hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á.

Về các cơ chế hợp tác, Việt Nam và Chile duy trì thường xuyên và hiệu quả cơ chế Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (gần đây nhất là phiên họp Tham khảo chính trị lần thứ 5 giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Bộ Ngoại giao Chile tại Hà Nội vào tháng 10/2016) và cơ chế Hội đồng Thương mại tự do giữa hai nước.

Hai bên duy trì phối hợp và hợp tác tốt tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, trong đó Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Diễn đàn Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC)… Chile đã ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, ứng cử vào Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) (tháng 10-1997), hợp tác và hỗ trợ Việt Nam đăng cai tổ chức năm APEC 2006.

Việt Nam ủng hộ Chile vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2010. Hai bên cam kết đổi phiếu ứng cử vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Việt Nam nhiệm kỳ 2020-2021, Chile nhiệm kỳ 2014-2015, ECOSOC (cùng nhiệm kỳ 2016-2018).

Năm 2016, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Chile phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Chile.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc tin tưởng quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Chile ngày càng phát triển mạnh mẽ vì lợi ích hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Chile Sebastian Piñera Echenique ký Tuyên bố chung Việt Nam-Chile ngày 22/3/2012. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Chile Sebastian Piñera Echenique ký Tuyên bố chung Việt Nam-Chile ngày 22/3/2012. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)

Hợp tác kinh tế phát triển mạnh mẽ

Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Chile ngày càng phát triển mạnh mẽ. Là một thị trường với hơn 17,7 triệu dân, thu nhập bình quân đầu người 24.100 USD/năm, Chile không chỉ là một thị trường nhập khẩu lớn các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam mà còn là cầu nối để hàng hóa Việt Nam đến với cả khu vực Mỹ Latinh rộng lớn. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác quan trọng của Chile ở khu vực Đông Nam Á.

Chile là một trong những quốc gia đầu tiên công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Hai bên đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Hawai, Mỹ tháng 11/2011. Ngày 1/12014, FTA Việt Nam-Chile đã chính thức có hiệu lực, đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong hợp tác thương mại giữa hai nước. Hai bên cũng đã tổ chức các phiên họp lần I và lần II Hội đồng Thương mại tự do Việt Nam-Chile.

Trong khuôn khổ Hiệp định TPP mà hai nước đều là thành viên, Việt Nam và Chile sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, nông nghiệp, khoáng sản, viễn thông…

Theo thống kê, hợp tác thương mại Việt Nam-Chile tăng từ 170 triệu USD năm 2005 lên 1,4 tỷ USD năm 2016. Trong 9 tháng năm 2017, trao đổi thương mại song phương đạt 955,7 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất 752,17 triệu USD, chủ yếu là hàng công nghiệp nhẹ như giày dép, sản phẩm dệt may, hàng thủy sản, sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và linh kiện điện tử, xi măng, cà phê, gạo… và nhập 203,52 triệu USD từ Chile, chủ yếu là các nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu như đồng, gỗ thông, bột giấy, bột cá làm thức ăn gia súc, rượu vang…

Đặc biệt, trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà hai nước đều là thành viên, Việt Nam và Chile sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, năng lượng, nông nghiệp, khoáng sản, viễn thông… cũng như khai phá các lĩnh vực hợp tác mới như quốc phòng , chống biến đổi khí hậu và thiên tai.

Về đầu tư, một số nhà đầu tư hàng đầu Chile đang thăm dò khả năng đầu tư tại Việt Nam.

Hợp tác văn hóa-giáo dục-du lịch đạt kết quả thực chất

Nhiều nội dung hợp tác về văn hóa, giáo dục-đào tạo, du lịch đã được hai bên triển khai và đạt kết quả thực chất như dự án đào tạo cán bộ Chính phủ Việt Nam tại Học viện Ngoại giao Chile, giao lưu văn hóa thông qua các kỳ Festival Huế.

Với đà phát triển thuận lợi cùng với sự nỗ lực chung của cả hai bên, chắc chắn mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Chile sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ vì lợi ích của hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực và trên thế giới./.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Thứ trưởng Ngoại giao Chile Edgardo Riveros Marin ký Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông giữa Việt Nam và Chile ngày 17/10/2016. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Thứ trưởng Ngoại giao Chile Edgardo Riveros Marin ký Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông giữa Việt Nam và Chile ngày 17/10/2016. (Ảnh: Nguyễn Khang/TTXVN)