Vòng xoáy đối đầu trong quan hệ Nga-Mỹ

Quan hệ Nga-Mỹ trong năm 2017 dường như đã quay theo vòng tròn 365 ngày để trở lại đúng điểm khởi đầu của thế bế tắc giống như cách đây 1 năm, vào cuối nhiệm kỳ chính quyền Tổng thống Barack Obama 

Những biện pháp trừng phạt và đáp trả mà Nga và Mỹ áp dụng với nhau trong năm 2017 cùng những căng thẳng leo thang thực sự đã đẩy quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới vào một vòng xoáy đối đầu chưa có điểm dừng.

Bước vào năm 2017, dư luận từng kỳ vọng sự kiện ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ sẽ giúp làm “tan băng” trong quan hệ giữa Moskva và Washington, vốn dưới thời người tiền nhiệm Obama đã bị đẩy xuống mức tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump cũng nhiều lần phát đi thông điệp và cam kết sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga, động thái được đánh giá là hết sức tích cực không chỉ đối với quan hệ hai nước mà cả đối với cục diện quốc tế nói chung. Thế nhưng, “niềm vui ngắn chẳng tày gang,” những kỳ vọng ban đầu đã nhanh chóng bị cuộc điều tra về cái gọi là “Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016” phủ bóng đen.

Dù Nga nhiều lần khẳng định không can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ, dù Tổng thống Donald Trump nhiều lần bác bỏ cáo buộc êkíp tranh cử của ông “bắt tay” với Nga và ví cuộc điều tra liên quan vấn đề này như một cuộc “săn phù thủy”, song nghi án “Moskva lũng đoạn đời sống chính trị ở Washington” vẫn là câu chuyện được xới lên trong suốt năm 2017.

Bất kể nguồn cơn câu chuyện là do chính những vấn đề “nội bộ lục đục” của nước Mỹ, hay do một số nhóm lợi ích ở Mỹ không muốn chứng kiến viễn cảnh Washington-Moskva xích lại gần nhau, thì quan hệ Mỹ-Nga năm 2017 đã “lao dốc” không phanh, khiến vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ phải thừa nhận:”mối quan hệ giữa Moskva và Washington đang ở mức thấp chưa từng thấy và rất nguy hiểm.’

Năm 2017 đã chứng kiến nhiều màn đối đầu giữa Nga và Mỹ cả về ngoại giao, kinh tế, truyền thông lẫn trên trường quốc tế. Đỉnh điểm của căng thẳng là việc hai viện Quốc hội Mỹ hồi tháng 7 thông qua luật siết chặt trừng phạt Nga kèm theo những điều khoản đặt Tổng thống Trump vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” buộc phải ký ban hành. Nga coi đây là đòn “khiêu chiến,” khiến Moskva ra quyết định trục xuất 755 nhà ngoại giao Mỹ, đồng thời không cho Đại sứ quán Mỹ ở Nga tiếp tục sử dụng một số cơ sở ở thủ đô Moskva. Đáp lại, lập tức Mỹ yêu cầu Nga đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại thành phố San Francisco, cùng 2 cơ sở Thương vụ tại thủ đô Washington và thành phố New York.

“Cuộc chiến ngoại giao” vẫn tiếp diễn này không khỏi khiến dư luận liên tưởng tới những sự kiện ngay trước thềm Năm mới 2017, khi Washington công bố một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moskva, bao gồm việc yêu cầu 35 quan chức Đại sứ quán Nga ở Washington DC và Tổng lãnh sự quán Nga tại San Francisco rời khỏi Mỹ trong vòng 72 giờ.

Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: New York Post)
Tổng thống Nga Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: New York Post)

Căng thẳng giữa Nga và Mỹ trên mặt trận kinh tế cũng trở nên gay gắt hơn. Hai bên tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt lẫn nhau. Thậm chí Mỹ còn áp dụng nhiều biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các doanh nghiệp trong những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế Nga như năng lượng và xuất khẩu vũ khí. Moskva cáo buộc Washington cạnh tranh không lành mạnh khi sử dụng công cụ trừng phạt nhằm chiếm ưu thế trên thị trường vũ khí thế giới và “hất” Nga ra khỏi thị trường năng lượng châu Âu.

Không dừng lại ở đó, hành động “ăn miếng trả miếng” giữa Nga và Mỹ còn lan sang cả lĩnh vực truyền thông. Những hạn chế mà phía Mỹ áp đặt đối với các cơ quan truyền thông Nga, như buộc các hãng Russia Today (RT), Sputnik đăng ký hoạt động ở Mỹ với tư cách “văn phòng đại diện nước ngoài”, tước quyền tác nghiệp của các nhà báo RT tại quốc hội Mỹ, gây sức ép để Twitter cấm tài khoản của các hãng tin RT và Sputnik quảng cáo… bị Nga coi là “hành động gây hấn,” dẫn tới hàng loạt biện pháp đáp trả tương xứng từ Moskva.

Nga cũng thông qua luật về các hãng truyền thông nước ngoài, liệt một loạt cơ quan báo chí Mỹ vào danh sách phải đăng ký hoạt động như “văn phòng đại diện nước ngoài” và “cấm cửa” tất cả các nhà báo làm việc cho các phương tiện truyền thông đại chúng Mỹ đến Duma quốc gia (Hạ viện) Nga.

Đó là chưa kể nguy cơ đụng độ quân sự luôn cận kề giữa hai cường quốc sở hữu tới 95% số vũ khí hạt nhân của thế giới, cũng là hai nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất. Ngay trong những ngày này, Nga và Mỹ lại tái diễn màn cáo buộc lẫn nhau vi phạm Hiệp ước về thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) mà Mỹ và Liên Xô trước đây ký năm 1987, vốn được coi là “hòn đá tảng” trong tiến trình hạn chế và cắt giảm vũ khí hạt nhân.

Ba tên lửa RSD 10 từ thời XôViết chuẩn bị được tiêu hủy tại bãi phóng vệ tinh Kapustin Yar theo điều khoản của Hiệp ước INF. (Nguồn: Sputnik/TTXVN)
Ba tên lửa RSD 10 từ thời XôViết chuẩn bị được tiêu hủy tại bãi phóng vệ tinh Kapustin Yar theo điều khoản của Hiệp ước INF. (Nguồn: Sputnik/TTXVN)

Nguy cơ bùng phát cuộc chạy đua vũ trang mới giữa hai nước đang lộ rõ khi Mỹ tuyên bố xem xét phát triển các hệ thống tên lửa tầm trung được phóng từ mặt đất, những thiết bị sẽ giúp Mỹ có khả năng tự bảo vệ mình và các đồng minh, trong khi việc Washington đe dọa rút khỏi INF đang đặt an ninh và sự ổn định trên thế giới vào tình thế nguy hiểm.

Trên trường quốc tế, Nga và Mỹ không chỉ khẩu chiến gay gắt mà thiếu chút nữa là có thể đối đầu quân sự ngay tại Syria, sau vụ Tổng thống Trump ra lệnh bắn 59 quả tên lửa hành trình Tomahok xuống một căn cứ quân sự của Syria hồi tháng 4 với cái cớ “trừng phạt một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học nghi do chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thực hiện,” còn Moskva coi hành động này là xâm lược một quốc gia có chủ quyền.

Thậm chí, cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thảo luận về một nghị quyết liên quan tới vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria cũng biến thành màn đối đầu Nga-Mỹ khi hai bên liên tục cáo buộc, chỉ trích lẫn nhau.

Bất đồng trong quan hệ Nga-Mỹ kéo theo quan hệ giữa Nga với Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng không thể “xuôi chèo mát mái.” Nga và EU tiếp tục gia hạn các biện pháp trừng phạt lẫn nhau, trong khi NATO đẩy mạnh triểu khai binh sĩ và khí tài quân sự tại các quốc gia Đông Âu và Baltic giáp biên giới Nga nhằm kiềm chế Moskva. Về phần mình, Moskva coi đây là hành động đe dọa an ninh và lợi ích quốc gia và cũng tăng cường sức mạnh quân sự như một biện pháp đối trọng với Mỹ và NATO.

Quả thực, trong suốt năm 2017, thế đối đầu giữa Nga và Mỹ khiến lòng tin giữa hai bên bị xói mòn nghiêm trọng, đồng nghĩa với việc Moskva và Washington không thể hợp tác với nhau, cả ở cấp độ song phương lẫn trong các vấn đề quốc tế.

Đặc biệt, đối với những vấn đề quốc tế nóng như tình hình bán đảo Triều Tiên, Ukraine, thỏa thuận hạt nhân Iran hay cuộc xung đột Trung Đông, Nga và Mỹ chẳng những không phối hợp được với nhau mà còn luôn trong tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”. Tất cả khiến quan hệ Nga-Mỹ có những thời điểm bị coi là đang sa vào một cuộc “Chiến tranh Lạnh” mới.

Khi lực lượng chống Nga vẫn đang có ảnh hưởng rất lớn tại Washington, tương lai quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này trong năm 2018 sẽ còn ảm đạm

Trong bối cảnh hiện nay, khi lực lượng chống Nga vẫn đang có ảnh hưởng rất lớn tại Washington, tương lai quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới này trong năm 2018 sẽ còn ảm đạm.

Những bất đồng tích lũy trong nhiều năm qua khó có thể được khai thông một sớm một chiều, thậm chí có thể xuất hiện những căng thẳng mới ở những lĩnh vực mà Nga và Mỹ đang cạnh tranh ảnh hưởng hay những khu vực mà hai cường quốc này có lợi ích địa-chính trị, bởi quan điểm của hai bên vẫn còn rất nhiều cách biệt. Vòng xoáy đối đầu giữa hai nước nhiều khả năng chưa thể chấm dứt khi cả hai vẫn quyết liệt “đọ” sức mạnh và vị thế siêu cường.

Tuy nhiên, những tín hiệu phát đi từ cả Nhà Trắng lẫn Điện Kremlin đang cho thấy Mỹ và Nga đều không muốn đối đầu hai nước leo thang thành cuộc đấu “một mất một còn.” Phía Mỹ vẫn tuyên bố đang nỗ lực để gây dựng lại lòng tin với Nga, trong khi Moskva khẳng định “chưa bao giờ đóng cửa với Mỹ.”

Thực tế đã chứng minh đối thoại trực tiếp giữa Nga và Mỹ có thể mang lại nhiều lợi ích, như cuộc trao đổi ngắn giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ bên lề Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Đà Nẵng tháng 11 vừa qua đã dẫn tới một tuyên bố chung, trong đó hai bên nhất trí tiếp tục nỗ lực chung nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cũng như khẳng định giải quyết vấn đề Syria bằng biện pháp chính trị.

Việc Nga và Mỹ cùng bày tỏ thiện chí tiếp tục duy trì đối thoại để cải thiện lòng tin và tìm cách hợp tác trong những lĩnh vực hai bên cùng có lợi ích, có thể coi là điểm sáng của một năm nhiều biến động trong mối quan hệ luôn phức tạp và đầy sóng gió giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này./.

Đại sứ quán Nga tại thủ đô Washington, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Đại sứ quán Nga tại thủ đô Washington, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)