Mercedes-Benz chú trọng thị trường Trung Quốc

Mercedes-Benz chuyển bộ phận thiết kế của mình từ Nhật đến Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao tại nước này.
Gần 20 năm trước đây, Oliver Boulay, kỹ sư thiết kế của Mercedes-Benz, đến Nhật Bản để làm việc. Giờ đây, đúng như mơ ước của mình, ông đang có mặt tại Bắc Kinh để phụ trách phòng thiết kế của hãng xe Đức tại Trung Quốc.

"Trung Quốc là một nơi tốt để suy nghĩ về những việc sắp làm” Boulay, 52 tuổi, nói, “giờ đây, tôi với nhân viên của mình đã có thể nghĩ về tương lai xe hơi thế giới từ văn phòng ở Bắc Kinh sau khi chuyển về đây từ Nhật Bản”.

Việc Mercedes-Benz chuyển bộ phận thiết kế của mình từ Nhật Bản đến Trung Quốc được coi là động thái đáp ứng tín hiệu thị trường. Lượng xe Mercedes-Benz báo tại Trung Quốc chiếm 4% tổng lượng xe của hãng bán trên toàn cầu. Nhiều khách hàng Trung Quốc mua xe khi họ trong độ tuổi 30-40, trẻ nhất so với mọi thị trường khác của hãng xe Đức.

Thương hiệu Mercedes-Benz được nhiều người Trung Quốc coi là biểu tượng cho sự thành đạt. Nhưng người Trung Quốc còn muốn sở hữu chiếc xe tiện dụng hơn nữa với ghế sau rộng rãi, đầy đủ mọi tiện nghi và giúp người ngồi thư giãn tối đa.

Nắm bắt được những thay đổi này, nhiều hãng xe lớn như GM, Volkswagen hay Toyota đã chuyển trọng tâm chú ý tới Trung Quốc, nơi vừa được coi là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, GM đã chuyển Văn phòng Quốc tế của mình tới Thượng Hải dưới danh nghĩa liên doanh với đối tác Tập đoàn công nghiệp ôtô Thượng Hải. Cùng thời điểm này, Ford chuyển văn phòng đại diện của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình dương từ Bangkok tới Bắc Kinh.

GM cũng đã đi trước một bước khi chuyển công việc thiết kế vài mẫu xe của mình tới Trung Quốc. Đó là Buick LaCrosse, Regal và Chevy Cruze. “Những thiết kế của chúng tôi ngả theo thị hiếu của khách hàng Trung Quốc”, ông Lowell Paddock, Phó Chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm quốc tế của GM nói.

Về phần mình, Mercedes-Benz cũng nhận thức rõ được tầm quan trọng của “thị hiếu khách hàng tại thị trường Trung Quốc”. Ông Ulrich Walker, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Daimler khu vực Đông Bắc Á nói: “Trung Quốc chiếm phần quan trọng trong kế hoạch phát triển toàn cầu của Daimler”.

Hiện tại, Trung Quốc là thị trường lớn thứ tư thế giới của Mercedes-Benz (năm 2006 mới là thứ 10). Trung Quốc cũng là một trong những nơi tiêu thụ nhiều xe Mercedes-Benz S-class nhất thế giới.

Tháng Chín vừa qua, Mercedes-Benz bán được 44.300 xe ở Trung Quốc, tăng 52% so với năm trước. Cùng thời điểm này, lượng xe của hãng bán tại Nhật giảm 28% xuống còn 21.829 chiếc.

Vậy là Boulay đến Bắc Kinh khi mác xe Mercedes-Benz đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Người đàn ông sinh tại Pháp này đã có 17 năm làm việc tại Phòng thiết kế của hãng xe Đức tại Tokyo, 1 trong 5 phòng thiết kế trên thế giới của Mercedes-Benz.

Theo Boulay, phòng thiết kế mà ông phụ trách có nhiệm vụ đưa ra những sản phẩm mới không chỉ cho thị trường Trung Quốc mà còn cho cả thế giới, như chiếc xe hơi chạy điện sang trọng mang thương hiệu Mercedes-Benz.

Đáng chú ý là phương tiện đi lại ưa thích của Boulay tại Bắc Kinh lại là chiếc xe đạp điện made in China có giá khoảng 300 USD. Đây là phương tiện được nhiều người Trung Quốc tin dùng. Đối với Boulay, đây là “tiền đề tốt để họ làm quen với những chiếc ôtô hybrid hay xe chạy điện trong tương lai”./.

Tùng Lâm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục