Mexico gây sức ép với Mỹ trong đàm phán NAFTA

Mexico cảnh báo sẽ không hợp tác với Mỹ về vấn đề người di cư trái phép và an ninh trong trường hợp Washington rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Mexico gây sức ép với Mỹ trong đàm phán NAFTA ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Ildefonso Guajardo Villarreal (giữa) tại vòng tái đàm phán thứ nhất Hiệp định NAFTA ở Washington, DC ngày 16/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo ngày 6/10 cảnh báo nước này sẽ không hợp tác với Mỹ về vấn đề người di cư trái phép và an ninh trong trường hợp Washington rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ Latinh (CEAL) lần thứ 18 được tổ chức tại Los Cabos, bang Baja California Sur, Bộ trưởng Ildefonso Guajardo cho biết trong trường hợp NAFTA đổ vỡ chỉ có 3% xuất khẩu của nước này sang thị trường Mỹ sẽ phải chịu thuế nhập khẩu cao trên 25%, 1% chịu thuế từ 10-20%, khoảng 4% chịu thuế từ 5-10%, 43% chịu thuế dưới 5% và số còn lại vẫn được hưởng thuế 0%.

Do đó, các tác động xấu trong ngắn hạn đối với kinh tế Mexico, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư và thương mại, có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, cần phải tránh các phản ứng thái quá trên thị trường tài chính.

Trong trường hợp này, Mexico cần thúc đẩy chương trình đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng khả năng cạnh tranh, cũng như đẩy mạnh tự do hóa nhiều lĩnh vực kinh tế nhằm hội nhập nhanh vào kinh tế thế giới.

[Căng thẳng Mỹ-Canada đặt ra cơ chế giải quyết tranh chấp của NAFTA]

Quan chức Mexico cũng khẳng định cam kết của chính phủ nước này trong việc đa dạng hóa thương mại và thúc đẩy các thỏa thuận hợp tác với các quốc gia Mỹ Latinh như Argentina và Brazil.

Cho đến nay, NAFTA đã trải qua 3 vòng tái đàm phán, nhưng 3 bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết những vấn đề được xem là khó khăn nhất, vướng mắc nhất liên quan đến sản phẩm sữa, các bộ phận tự động, cơ chế giải quyết tranh chấp và ý tưởng của Mỹ đề xuất buộc phải xem xét lại NAFTA 5 năm/lần.

Tại vòng đàm phán đầu tiên, các bên đã cam kết tiến hành một tiến trình đàm phán nhanh chóng và toàn diện nhằm điều chỉnh thỏa thuận này, cũng như cố gắng hoàn tất đàm phán vào đầu năm 2018.

NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ năm 1994.

Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ đạt trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục