Mexico là nước ở Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nhất bởi mã độc WannaCry

Theo số liệu của Nhóm nghiên cứu và phân tích phần mềm bảo mật Internet Kaspersky Mỹ Latinh, Mexico hiện là quốc gia bị tấn công mạnh nhất bởi mã độc tống tiền WannaCry tại khu vực này.
Mexico là nước ở Mỹ Latinh bị ảnh hưởng nhất bởi mã độc WannaCry ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: forbes.com)

Theo số liệu của Nhóm nghiên cứu và phân tích phần mềm bảo mật Internet Kaspersky Mỹ Latinh, Mexico hiện là quốc gia bị tấn công mạnh nhất bởi mã độc tống tiền WannaCry tại khu vực này.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, Giám đốc Kaspersky Mỹ Latinh Dmitry Bestuzhev cho biết tính đến ngày 13/5, một ngày sau cuộc tấn công mạng phạm vi toàn cầu, Mexico là nước bị ảnh hưởng thứ 3 trong khu vực Mỹ Latinh, sau Brazil và Ecuador.

Tuy nhiên, chỉ 48 giờ đồng hồ sau đó, Mexico đã lên vị trí số 1 trong danh sách này. Ông Bestuzhev nhận định có hiện tượng này là bởi ngày thứ 2 của cuộc tấn công rơi vào ngày đầu tuần, khi các cơ quan và xí nghiệp quay trở lại làm việc.

[Vụ tấn công mạng toàn cầu: Dữ liệu chưa được khôi phục dù trả tiền]

Chuyên gia trên cũng cho biết các cơ quan và doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công là nhóm chịu tổn thương nhiều nhất từ mã độc tống tiền WannaCry, tiếp đến là ngành công nghiệp di động và một số cơ sở cấp bằng lái xe và thu tiền phạt trong lĩnh vực giao thông vận tải. 

Số liệu thống kê mới nhất chỉ ra rằng hiện đã có hơn 200.000 máy tính tại 150 quốc gia trên toàn thế giới đã bị lây nhiễm loại mã độc này.

Như vậy, con số máy tính bị nhiễm đã tăng gấp đôi so với thời điểm ngày 13/5 và số lượng quốc gia có máy tính bị ảnh hưởng cũng tăng gấp rưỡi, gây thiệt hại kinh tế là hơn 62 tỷ USD. Con số này được dự kiến là sẽ còn tiếp tục tăng.

Mã độc WannaCry yêu cầu nạn nhân trả 300 USD thông qua tiền ảo Bitcoin nếu muốn giải mã. Số tiền này sẽ tăng gấp đôi sau 3 ngày, nếu người dùng không thanh toán kể từ cảnh báo đầu tiên.

Dữ liệu trong máy tính sẽ bị xóa sau 7 ngày nếu yêu cầu của hacker không được đáp ứng. Theo giới chuyên gia, WannaCry sử dụng phương thức mã hóa phức tạp, mỗi tập tin bị khóa có "chìa" riêng mà chỉ kẻ tấn công mới có thể mở./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục