Giải pháp cho đường

Mía đường mong có chính sách “mềm” cho xuất khẩu

Hiệp hội mía đường đề nghị Chính phủ nghiên cứu cho doanh nghiệp mía đường một cơ chế “mềm” để xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), hiện các nhà máy đường mới chỉ bán được 1/3 sản lượng đường sản xuất; tính chung cả nước hiện còn tồn kho khoảng 300.000 tấn đường, riêng Casuco đang tồn kho khoảng 20.000 tấn, cao hơn rất nhiều so với các năm trước.

Nguyên nhân đường tồn kho nhiều là do tình hình sản xuất đường trên thế giới năm nay cung đã vượt cầu. Cả thế giới còn thừa khoảng 5,8 triệu tấn đường .Sản lượng đường thừa của Việt Nam tuy không lớn nhưng do chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu bị lỗ nên việc xử lý sản lượng đường dư thừa của các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn.

Đáng ngại nhất là lượng đường nhập lậu trực tiếp từ Thái Lan qua biên giới nước bạn Campuchia vào Việt Nam mỗi năm từ 400.000 đến 500.000 tấn, cộng với khoảng 100.000 tấn đường giữ lại từ chính sách tạm nhập tái xuất, mỗi năm sản lượng đường nhập lậu vào Việt Nam khoảng 600.000, gần bằng 1/2 sản lượng đường của Việt Nam sản xuất trong các năm qua.

Để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Long kiến nghị với Chính phủ phải nỗ lực hơn nữa trong việc xử lý đường nhập lậu. Mặt khác, đề nghị Chính phủ nghiên cứu cho các doanh nghiệp xuất khẩu đường một cơ chế “mềm” để xuất qua đường tiểu ngạch vì hiện nay đường là một trong các mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá được quản lý, kiểm soát rất chặt chẽ trong khi một số nước lân cận đang thiếu đường. Nếu thực hiện các thủ tục quá chặt chẽ như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ mất thời cơ và lượng đường tồn kho cũng rất khó được giải quyết.

Cũng theo ông Long, cùng với lượng đường tồn kho lớn, hiện giá đường bán sỉ trong nước cũng rất thấp, bình quân giá đường cát bán sau thuế là 14.500 đồng/kg trong khi giá thành sản xuất mỗi kg đường là 14.000 đồng. Sau khi trừ tất cả các chi phí, mỗi kg đường, doanh nghiệp đang bị lỗ 500đồng, một số doanh nghiệp khác còn bị lỗ tới 1.000đồng./.

Ngọc Thiện (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục