Tuyệt tác là như vậy…

Michael Jackson - Tuyệt tác là như vậy…

Sở hữu một giọng hát rất đặc trưng, thích nghi dễ dàng với các thể loại đôi khi rất khác xa nhau, đó lại là một tài năng “phù thủy” Jackson.
Về Michael Jackson, tạp chí Rolling Stone (số 946, 15/4/2004) đã ca ngợi: “Tuyệt tác là như vậy, và bất cứ cái gì không đạt tới chuẩn mực ấy, đương nhiên bị coi là dưới tầm tuyệt tác”.
 
Hơn cả một “vua nhạc Pop”
 
Sẽ không dễ dàng chút nào để tìm câu trả lời cho một câu hỏi tưởng đơn giản, Michael Jackson thuộc (hay đi theo) dòng nhạc (thể loại) nào? Danh xưng hết sức to tát King of Pop hiển nhiên không phải chỉ để nói rằng anh là Vua của “nhạc Pop” – chính xác hơn, ở thời điểm cụm từ này xuất hiện, Michael Jackson là Vua của “văn hóa pop” (Pop Culture) đương thời.
 
Tại giải Grammy 1984, Michael đã nhận được các giải thưởng sau (giữa các giải khác, tổng cộng 8 giải), nên nhớ, lúc này anh chưa được gọi là King of Pop:
 
 - Ca sĩ trình diễn nhạc pop xuất sắc – với bài "Thriller".
 - Ca sĩ trình diễn nhạc rock xuất sắc – với bài "Beat it".
 - Ca sĩ trình diễn nhạc R&B xuất sắc – với bài "Billie Jean".
 
Một mình thống trị (ít nhất tại Grammy) ba thể loại âm nhạc thịnh hành nhất của văn hóa đại chúng, coi như Michael Jackson khi ấy đã lên tới đỉnh cao mà một ca sĩ có thể đạt tới, lấn sân triệt để, đáp ứng một cách xuất sắc tiêu chuẩn đa năng, đa tài, đa thể loại – điều mà ngày nay rất nhiều nghệ sĩ nô nức làm theo, từ diva hát opera đến ngôi sao teen pop.
 
Chưa hết, nửa thập kỷ trước khi dòng nhạc mà nay được coi là thời thượng - cổ điển giao thoa (classical crossove), hay ở ta quen gọi là bán cổ điển - rón rén lên ngôi thì trong siêu phẩm History (1995), Michael Jackson đã chơi một lèo 4 bài hát có thể coi là mẫu mực cho phong cách operatic pop, còn gọi là pop opera, đó là các bài "Childhood", "Earth song", "Little Susie", "Smile", kết hợp tuyệt vời màu sắc âm nhạc cổ điển với nhạc pop/rock chuẩn mực. Còn gì mà “ông hoàng” này không thể làm được?
 
30 năm trước, năm 1979, với album Off The Wall – vẫn được coi là album đầu tiên của Michael Jackson, vì nó đánh dấu sự ra đời của một Michael Jackson “người lớn”, với những khả năng sáng tạo phong phú chứ không chỉ đơn giản là một ca sĩ thiếu nhi có giọng hát thiên thần – Michael Jackson đã được ca ngợi như người đã đưa ra một định nghĩa để của dòng nhạc pop hôm nay.
 
Thời ấy, nhạc disco đang là cơn sốt trên toàn thế giới. Và chỉ cần một bài trong đĩa Off The Wall"Burn the disco out" – là đủ để Michael Jackson đứng ở một bậc hơn hẳn những siêu sao tiên phong của cơn sốt disco như Donna Summer, Bee Gees…
 
Nhưng quan trọng hơn chuyện thứ bậc, với một thể loại âm nhạc hết sức bình dân như disco, Michael Jackson và các cộng sự của mình vẫn đưa được vào đó những sáng tạo đầy tính đột phá về hòa âm, ghi âm, trình diễn.
 
Công thức này được tiếp tục phát triển trong album có tính “cách mạng” tiếp sau đó là Thriller, kết hợp hoàn hảo của tính thị trường hết sức khôn ngoan với những tiêu chuẩn nghệ thuật cao cấp.
 
Ở thời huy hoàng về sáng tạo nghệ thuật của mình, giữa những năm 1980, Michael Jackson, với sự “chống lưng” của một huyền thoại âm nhạc là Quincy Jones đã làm được điều mà đến nay cả nền âm nhạc đại chúng vẫn phải mang ơn, đó là liên tục đưa ra các chuẩn mực sáng tạo cho nhạc pop (hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm hầu hết các dòng nhạc đại chúng) để pop không còn đơn giản là “phổ thông” hay “bình dân”.
 
Với Thriller, mọi con số doanh thu đưa ra đều ngay tức khắc thành lạc hậu – vì nó thay đổi hàng ngày; nhưng quan trọng hơn, giữa thời ngự trị của dòng synth-pop với new wave ồn ào dễ dãi, Thriller ra đời được coi là cứu tinh cho âm nhạc giàu tính nghệ thuật, mà vẫn cực kỳ ăn khách, cực kỳ “đại chúng”. Nếu không có Thriller thì Off The Wall đã có cơ hội trở thành album pop xuất sắc nhất mọi thời đại. 

Sở hữu một giọng hát rất đặc trưng (được mô tả là giọng nam cao lưỡng tính), rất dễ nhận ra, không biến đổi nhiều về âm sắc, nhưng lại thích nghi dễ dàng với các thể loại đôi khi rất khác xa nhau, nói đơn giản là hát cái nào ra cái đó mà không cần phải làm biến dạng giọng hát – đó lại là một tài năng “phù thủy” nữa của Michael Jackson..
 
Nhạc sĩ, nhà sản xuất Quincy Jones – một huyền thoại sống của âm nhạc thế giới, trên blog âm nhạc của ấn bản Los Angeles Times trực tuyến, chia sẻ một câu chuyện để thấy âm nhạc của Michael Jackson đã khiến cho cả các huyền thoại âm nhạc từ thời Michael Jackson chưa… ra đời phải nể phục như thế nào.
 
Count Basie, một nghệ sĩ jazz vĩ đại – người mà Quincy Jones coi như cha nuôi – đã nói với Q.Jones: "Những gì mà con và Michael đã làm, cả ta và Duke [Ellington] không nghĩ ra được cái gì tuyệt hơn thế. Bọn ta thậm chí còn không dám mơ được như thế".
 
Những bước chân mê hoặc từ Hollywood đến… Bollywood
 
Không cần thêm một chữ nào để mô tả thì bao nhiêu người cũng đã biết được moonwalk là gì. Nhưng moonwalk không đơn giản chỉ là một màn biểu diễn. Sáng tạo “chống trọng lực” này của Michael Jackson đã từng được cấp bằng sáng chế ở Hoa Kỳ và châu Âu, từ việc chế tạo đôi giày chuyên dụng đến các động tác cơ thể để tạo ra cảm giác nửa thực nửa ngờ nơi khán giả.
 
Quincy Jones nhận xét, nếu nhất thiết cần đem các hình mẫu trước đó ra để so sánh với Michael Jackson, thì phải nói anh là sự kết hợp của 3 huyền thoại, nhảy múa siêu như Fred Astaire, trình diễn biến hóa mê ly như Sammy Davis Jr. và sáng tạo trong âm nhạc, cộng với biểu diễn không kém James Brown.
 
Những bước nhảy mê hoặc, những màn trình diễn múa “tập thể” đều tăm tắp với những độc tác đầy kích thích của Michael Jackson trong các video clip (đặc biệt là "Thriller") và các show diễn đã kéo cả thế giới vào những… điệu nhảy miên man.
 
Hai năm trước (24 năm sau khi album Thriller trình làng), trên You Tube lên cơn sốt về một video clip các tù nhân trong một nhà tù ở Philippinnes đang nhảy bài "Thriller" như một bài thể dục mỗi ngày, và hai tù nhân ở đó về sau đã trở thành vũ công nổi tiếng.
 
Màn trình diễn trong "Thriller" còn ảnh hưởng tới cả xứ sở của ca vũ là… Ấn Độ. Nhiều phim Bollywood sau này, các màn ca vũ đã được dàn dựng theo tinh thần rất gần với… "Thriller" – theo tiết tấu nhanh mạnh là chính, trình diễn đông người, động tác phức tạp, nhiều biến hóa.
 
Óc sáng tạo của Michael Jackson đã biến các video ca nhạc trở thành một loại hình nghệ thuật cao cấp. Mỗi video được dàn dựng như một phim ngắn, đôi khi rất tốn kém (như "Scream" tốn 7 triệu đôla), và đạo diễn hay viết kịch bản thường là các tên tuổi lớn (Martin Scorsese với "Bad", John Landis với "Thriller", Stephen King chắp bút cho "Ghost"…).
 
Kênh truyền hình ca nhạc MTV đã và sẽ luôn phải cảm ơn Michael Jackson vì nhờ vào những video ca nhạc của anh mà kênh này đã có được thành công rực rỡ hồi những năm 1980.

Chính sự xuất hiện ở tư thế đàng hoàng được kính trọng của Michael Jackson trên MTV mà các nghệ sĩ da màu sau này mới không còn phải chịu sự kỳ thị ngấm ngầm của MTV nữa.
 
Và, còn gì nữa…?
 
Đó là bộ phim ca nhạc "The Wiz", một chuyển thể theo phong cách Motown tác phẩm kinh điển "Phù thủy xứ Oz" (của Frank Baum) mà Michael đóng vai thằng bù nhìn rơm (bên cạnh Diana Ross). Phim làm năm 1978, trước khi có album đột phá Off The Wall, và những gì diễn ra trong phim, với diễn xuất của Michael Jackson, đã báo trước những phẩm chất thiên tài sẽ được thể hiện sau này trong các bản ghi âm và trên sân khấu.
 
Một phim khác, vốn là phim ngắn 3D, Captain EO, phim "Moonwalker" là một sáng tạo tài tình khác của Michael Jackson khi “lắp ghép” các video-clip xuất sắc nhất của mình vào trong một câu chuyện huyễn tưởng rất kỳ lạ do chính anh viết.

Nếu có thời gian thì cũng nên xem vai diễn thoáng qua của anh trong bộ phim nhái rất “nhảm” và đầy chất giễu nhại châm biếm là "Miss Cast Away".
 
Và nếu muốn “đọc” câu chuyện về Michael Jackson qua hình ảnh, thay vì đọc sách, thì nên xem bộ phim "Man in the mirror"./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục