Microsoft kiện chính phủ Mỹ về bảo vệ dữ liệu, thông tin khách hàng

Tập đoàn công nghệ Microsoft đã đâm đơn kiện chính phủ Mỹ vì một đạo luật liên bang cho phép giới chức nước này kiểm tra thư điện tử của khách hàng.
Microsoft kiện chính phủ Mỹ về bảo vệ dữ liệu, thông tin khách hàng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: EPA)

Ngày 14/4, Tập đoàn công nghệ Microsoft đã đâm đơn kiện Chính phủ Mỹ vì một đạo luật liên bang cho phép giới chức nước này kiểm tra thư điện tử (e-mail) các khách hàng của hãng trong khi buộc hãng phải giữ bí mật với khách hàng, cho rằng hành động này vi phạm Hiến pháp Mỹ.

Trong đơn kiện gửi đến một tòa án liên bang tại Seattle, Microsoft cáo buộc Bộ Tư pháp Mỹ đã lạm dụng đạo luật Bảo mật thông tin điện tử (ECPA) năm 1986, theo đó cho phép tòa án yêu cầu công ty này cung cấp e-mail hoặc các tài liệu khác của khách hàng được lưu trữ trên hệ thống máy chủ, trong khi cấm Microsoft thông báo với khách hàng về việc theo dõi này.

Cụ thể, trong gần 18 tháng qua, giới chức Mỹ đã yêu cầu Microsoft cung cấp thông tin khách hàng hơn 5.600 lần theo đạo luật ECPA, và 2.576 lần trong số đó có lệnh của tòa án không cho phép tập đoàn công nghệ tiết lộ đến khách hàng.

Hầu hết các yêu cầu đều áp dụng đối với các khách hàng cá nhân, không phải các công ty, và không có hạn kết thúc.

Microsoft khẳng định các hành động của Chính phủ đi ngược lại Điều sửa đổi thứ 4 của Hiến pháp, trong đó quy định quyền được biết của công dân và tổ chức khi chính quyền theo dõi hoặc tịch thu tài sản của họ, cùng với đó là vi phạm quyền tự do ngôn luận theo Điều sửa đổi thứ 1.

Trong phản ứng đầu tiên, một người phát ngôn của Bộ Tư pháp đã từ chối bình luận về động thái trên và chỉ cho biết chính phủ đang xem xét đơn kiện của Microsoft.

Bằng cách sử dụng Đạo luật ECPA, Chính phủ Mỹ đang ngày càng tăng cường triển khai các cuộc điều tra nhằm vào các cá nhân và doanh nghiệp lưu trữ dữ liệu trên các iCloud - "kho đám mây" - một hình thức giúp lưu trữ và tải dữ liệu về từ nguồn trực tuyến trên Internet.

Đạo luật 30 năm tuổi này từ lâu đã thu hút sự chú ý của các công ty công nghệ và những người chủ trương ủng hộ quyền riêng tư khi cho rằng văn kiện này được viết trước thời kỳ bùng nổ Internet và do đó đã quá lỗi thời.

Đây là cuộc xung đột mới nhất giữa các công ty công nghệ và giới chức Mỹ liên quan đến các quyền cá nhân và riêng tư. Trước đó, tập đoàn Apple cũng đã bước vào cuộc chiến pháp lý với Chính phủ Mỹ xoay quay việc mở khóa chiếc điện thoại iPhone 5C. Theo đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã nghị Apple giúp hủy chức năng tự xóa dữ liệu trên chiếc iPhone của thủ phạm tấn công một trung tâm đào tạo người khuyết tật, nhằm lấy thông tin từ thiết bị trên sau nhiều nỗ lực phá mật không thành.

Tuy nhiên, Apple đã đệ đơn phản đối đề nghị này, khẳng định mã hóa dữ liệu là công cụ có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo mật thông tin đối với người sử dụng. Cuối tháng 3, FBI thông báo đã bẻ khóa thành công chiếc iPhone nhờ một bên thứ 3 và đệ trình tòa án khép lại vụ kiện với Apple./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục