Microsoft thúc giục khách hàng từ bỏ Windows XP

Microsoft Việt Nam thúc giục khách hàng của mình nên từ bỏ hệ điều hành nổi tiếng Windows XP bởi những hạn chế về bảo mật dữ liệu.
Microsoft Việt Nam vừa phát đi thông báo nhắc nhở doanh nghiệp và người sử dụng Windows XP nâng cấp lên nền tảng hệ điều hành mới, trước khi đơn vị này chính thức "khai tử" hệ điều hành đã 11 năm tuổi này vào ngày 8/4/2014.

Theo đó, từ tháng 4 năm sau, Microsoft sẽ không còn cung cấp sửa lỗi tự động, cập nhật, hoặc hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến cho Windows XP. Điều này cũng có nghĩa là người dùng sẽ không nhận được bản cập nhật bảo mật giúp bảo vệ máy tính từ các vi rút gây hại, phần mềm gián điệp và phần mềm độc hại khác có thể ăn cắp thông tin cá nhân.

[Microsoft đã kết thúc kỷ nguyên của Windows XP]

Theo ông Vũ Minh Trí, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam, cho dù Windows XP là một trong những hệ điều hành phổ biến nhất trong lịch sử Microsoft, nhưng Windows XP không được thiết kế để xử lý những vấn đề hiện đại như như thách thức gia tăng từ các cuộc tấn công mạng hay nhu cầu an toàn cho dữ liệu riêng tư cao hơn...

Theo những phát hiện từ báo cáo Bảo mật Microsoft Security Intelligence phát hành vào tháng 6/2012 thì Windows XP SP3 dễ bị tổn thương hơn so với Windows 7 SP1 tới 3 lần.

Ngoài các vấn đề an ninh nghiêm trọng, tiếp tục sử dụng Windows XP sẽ đối mặt với các mối đe dọa bổ sung bao gồm các vấn đề cần tuân thủ như mã hóa, bảng băm, nhận dạng, đồng thời hơn 60% các nhà cung cấp phần mềm độc lập và các trình duyệt hiện đại không còn hỗ trợ Windows XP.

Do đó, người dùng cần dịch chuyển từ Windows XP lên hệ điều hành thế hệ mới để tránh đi các rủi ro gây ra gián đoạn kinh doanh hoặc phát sinh thêm chi phí điều hành vì các lỗ hổng.

[Windows XP vẫn đang là hệ điều hành phổ biến nhất]

Trích nguồn từ Hãng nghiên cứu thị trường IDC, Microsoft Việt Nam cho biết hết tháng 3/2013, Windows XP vẫn chiếm xấp xỉ 45,8 % thị phần hệ điều hành trên máy tính Việt Nam (tương đương với hơn 5,5 triệu máy tính cá nhân). Con số này cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (34%)./.

Hồng Gấm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục