Miễn thi đại học cho thí sinh thuộc huyện nghèo

Thí sinh người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên tại các huyện nghèo sẽ được xét vào thẳng đại học.
"Thí sinh là người dân tộc thiểu số, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên (tính đến ngày nộp hồ sơ xét tuyển) tại các huyện nghèo theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, nếu học 3 năm cuối cấp và tốt nghiệp trung học phổ thông tại các huyện này, thì hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định xét tuyển cho vào học. Những thí sinh này, sau khi nhập học, được học bổ sung kiến thức 1 năm học, trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do hiệu trưởng các trường quy định.“ Đây là điểm mới nhất vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong Phương hướng, nhiệm vụ công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012. Theo lãnh đạo Bộ, quy định này nhằm thực hiện Chương hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo của Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ cũng quy định, kỳ thi tuyển sinh năm nay sẽ bỏ điểm b, điểm c khoản 1, Điều 33 của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Cụ thể, điểm b, c khoản 1, Điều 33 quy định: „b, Đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 1,5 điểm để số thí sinh trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết; c) Các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu đã được giao“. Như vậy, theo quy định mới của Bộ, mùa tuyển sinh năm nay, các thí sinh khu vực dân tộc thiểu số cũng như các trường đào tạo theo vùng sẽ không được hưởng ưu đãi về mức chênh lệch điểm số giữa các nhóm đối tượng. Mức chênh lệch chung sẽ là 1 điểm giữa hai đối tượng kế tiếp và 0,5 điểm giữa hai khu vực kế tiếp./.
Danh sách 62 huyện nghèo

1.   Tỉnh Hà Giang, gồm 6 huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ, Yên Minh, Xín Mần và Hoàng Su Phì.

2.  Tỉnh Cao Bằng, gồm 5 huyện: Thông Nông, Bảo Lâm, Hà Quảng, Bảo Lạc và Hạ Lang.

3.  Tỉnh Lào Cai, gồm 3 huyện: Si Ma Cai, Mường Khương và Bắc Hà.

4.  Tỉnh Yên Bái, gồm 2 huyện: Mù Căng Chải và Trạm Tấu.

5.  Tỉnh Phú Thọ, gồm 1 huyện: Tân Sơn.

6.  Tỉnh Bắc Giang, gồm 1 huyện: Sơn Động.

7.  Tỉnh Bắc Kạn, gồm 2 huyện: Ba Bể và Pác Nặm.

8.  Tỉnh Điện Biên, gồm 4 huyện: Mường Áng, Tủa Chùa, Mường Nhé và Điện Biên Đông.

9.  Tỉnh Lai Châu, gồm 5 huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ, Than Uyên và Tân Yên (tách ra từ huyện Than Uyên theo Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 30/10/2008 của Chính phủ).

10. Tỉnh Sơn La, gồm 5 huyện: Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, Quỳnh Nhai và Sốp Cộp.

11. Tỉnh Thanh Hóa, gồm 7 huyện: Lang Chánh, Thường Xuân, Như Xuân, Quan Hóa, Bá Thước, Mường Lát và Quan Sơn.

12. Tỉnh Nghệ An, gồm 3 huyện: Quế phong, Tương Dương và Kỳ Sơn.

13. Tỉnh Quảng Bình, gồm 1 huyện: Minh Hóa.

14. Tỉnh Quảng Trị, gồm 1 huyện: Đa Krông.

15. Tỉnh Quảng Nam, gồm 3 huyện: Nam Trà My, Tây Giang và Phước Sơn.

16. Tỉnh Quảng Ngãi, gồm 6 huyện: Sơn Hà, Trà Bồng, Sơn Tây, Minh Long, Tây Trà và Ba
Tơ.

17. Tỉnh Bình Định, gồm 3 huyện: An Lão, Vĩnh Thạnh và Vân Canh.

18. Tỉnh Ninh Thuận, gồm 1 huyện: Bác Ái.

19. Tỉnh Lâm Đồng, gồm 1 huyện: Đam Rông.

20. Tỉnh Kon Tum, gồm 2 huyện: Kon Plong và Tu Mơ Rông./.
Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục