Các tỉnh, thành phố ven biển miền Trung cần phát huy các ưu thế đặc thù để phát triển kinh tế-xã hội; trong đó, chú trọng bảo tồn văn hóa, giữ gìn thiên nhiên để phát triển du lịch bền vững.
Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc của Đoàn công tác Tiểu ban Kinh tế-Xã hội (Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng) với lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, diễn ra ngày 1/8 tại thành phố Đà Nẵng.
Thời gian qua, Đoàn công tác của Tiểu ban Kinh tế-Xã hội đã làm việc và khảo sát tại các địa phương để bổ sung thêm, đánh giá thực tiễn công tác triển khai nghị quyết Trung ương, nghị quyết của Đảng bộ các tỉnh, thành phố.
Tại buổi làm việc, Đoàn công tác đã nghe lãnh đạo các địa phương Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung báo cáo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ 2021-2025; lắng nghe tâm tư, suy nghĩ, trăn trở của các lãnh đạo địa phương đối với sự phát triển của địa phương, khu vực cũng như của cả nước.
Lãnh đạo các tỉnh, thành cũng có nhiều ý kiến, kiến nghị với Đoàn công tác để đề xuất động lực phát triển mới, cách làm đột phá trong các năm tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng Đoàn công tác, ghi nhận đánh giá cao những nỗ lực của các địa phương trong 5 năm qua; đồng thời yêu cầu các địa phương tiếp tục xác định những nhiệm vụ trọng yếu trong 5 năm tới, duy trì động lực phát triển.
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố cần phát huy hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, khác biệt của từng địa phương cũng như lợi thế chung của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Các địa phương cần đề xuất cụ thể về đổi mới thể chế, phát triển hạ tầng... để đạt mục tiêu phát triển trong 5 năm tới.
Bên cạnh đó, báo cáo của các địa phương cho thấy còn tồn tại những điểm nghẽn, hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế cả nước cũng như thế giới còn gặp nhiều khó khăn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng các địa phương cần tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh. Hiện nay, xu thế hội nhập là tất yếu nhưng vẫn phải độc lập, tự chủ. Vì vậy, các địa phương cần phối hợp giải bài toán quy hoạch vùng, làm rõ các mối quan hệ liên kết, những định hướng phát triển chung của vùng và định hướng riêng của mỗi tỉnh, thành phố.
Những năm tới, các địa phương khu vực miền Trung sẽ được kết nối chặt chẽ hơn về hạ tầng giao thông qua chủ trương đồng bộ các tuyến cao tốc, đầu tư đường sắt cao tốc, phát triển các tuyến đường thủy nội địa...
Từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các địa phương khu vực miền Trung cần tập trung phát triển đột phá trong các lĩnh vực như: khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, tăng cường quản lý Nhà nước.../.
Phát triển du lịch bền vững: Cần “Xanh hóa” từ tư duy đến hành động
Để du lịch phát triển và bền vững trong tương lai thì xu hướng chuyển đổi Xanh được cho là giải pháp hữu hiệu và cấp thiết trong thời gian tới. Đây cũng là xu thế tất yếu của du lịch thế giới.