Miền Trung khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 10

Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 10, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Lực lượng chức năng của các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đang khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả bão số 10 nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại các địa phương cho biết, bão số 10 đã gây thiệt hại rất lớn cho các tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...

Theo thống kê sơ bộ, tính đến sáng 1/10, bão số 10 đã làm 3 người chết, 2 người mất tích và 50 người bị thương; gần 100.000 căn nhà bị tốc mái, ngập và sập đổ; nhiều trường học, bệnh viện, trạm y tế... bị hư hại; hàng chục nghìn ha cây trồng bị thiệt hại; hàng trăm cột điện hạ thế và cao thế bị nghiêng, đổ, đường dây điện bị đứt; nhiều tuyến đường giao thông, công trình thủy lợi bị sạt lở; nhiều tàu, thuyền neo đậu tại bến cũng bị chìm và hư hỏng.

Lực lượng Quân đội đã tích cực tham gia ứng phó bão số 10. Cụ thể là để khắc phục gián đoạn liên lạc tại tỉnh Quảng Bình, lúc 21 giờ ngày 30/9, Quân khu 4 đã điều 1 xe VISAT, 1 xe thông tin tìm kiếm cứu nạn cùng cán bộ, chiến sỹ Lữ đoàn Thông tin 80 vào triển khai hệ thống thông tin, phục vụ công tác chỉ huy khắc phục hậu quả.

Bộ Chỉ huy Biên phòng Hà Tĩnh đã cứu được 10 công nhân bị mắc kẹt trên container tại công trường xây dựng Cầu sông Yên, xã Kỳ Trinh, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào lúc 22 giờ ngày 30/9. Lúc 23 giờ ngày 30/9, Bộ Chỉ huy quân sự Quảng Bình cử cán bộ, chiến sỹ tổ chức khắc phục hậu quả do cột phát sóng VOV đổ làm 1 người bị thương, 2 người chết và sơ tán 30 người trên xe khách Hà Tĩnh tại cầu Dài, Đồng Hới an toàn.

Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ di dời được 28.939 hộ dân với 113.123 người đến nơi an toàn.

Tỉnh Quảng Bình là địa phương bị thiệt hại nặng nề với 3 người chết do cột ăngten gẫy và tường sập đè, 13 người bị thương. Số nhà bị sập và tốc mái lên tới trên 90.000 nhà tập trung ở các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch và Quảng Ninh.

Hệ thống điện lưới bị cắt hoàn toàn; nhiều cột điện, cột ăngten của hệ thống thông tin liên lạc bị gãy đổ, gây tê liệt không liên lạc được trong thời gian có bão; nước sinh hoạt mất hoàn toàn, diện tích cây cao su bị gãy đổ trên diện rộng. Số lượng tàu thuyền bị đắm, hư hại tại bến là 28 tàu, trong đó có 16 tàu bị chìm.

Nhờ sự nỗ lực khắc phục của ngành giao thông, đến sáng nay quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh cơ bản đã thông; tuyến đường sắt thông suốt,. Nhưng nhiều tuyến đường ngang, đường liên thôn, liên xã còn bị tắc... Thiệt hại về giao thông ước tính khoảng 50 tỷ đồng.

Tại cuộc họp triển khai công tác khắc phục hậu quả bão số 10 vào sáng nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu phải nắm chắc tình hình thiệt hại để có biện pháp chỉ đạo khắc phục cụ thể. Trước mắt tập trung khắc phục hạ tầng thiết yếu như điện, nước, giao thông; kiên quyết không để dân đói, dân rét...

[Thủ tướng chỉ đạo chủ động khắc phục hậu quả bão] 


Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên-Huế, bão số 10 làm 2 người bị thương; 6 nhà bị sập, 368 nhà bị tốc mái.

Thiệt hại nặng nhất là huyện Phong Điền với 133 nhà bị tốc mái. Thiệt hại do sạt lở bờ biển gây ra trên tổng chiều dài 5.000m.

Bão số 10 kết hợp với triều cường và sóng biển dâng cao còn làm sạt lở 20,5km đê Hữu sông Hương; đê Tây phá Tam Giang; đê Đông phá Tam Giang đoạn qua các xã Điền Hải, Vinh Hà...; gây gãy đổ 5 cột điện trung thế, 10 cột hạ thế; làm toàn bộ phụ tải huyện Nam Đông, Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Hương Trà mất điện, ước công suất thiệt hại 40MWW (khoảng 35% phụ tải toàn tỉnh)...

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa Thiên-Huế đã duy trì lực lượng 3.400 cán bộ, chiến sĩ ứng trực đối phó với bão sang hỗ trợ, giúp dân sửa chữa lại nhà cửa sau bão số 10 tại địa bàn các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang. Ban Đầu tư và Xây dựng thuỷ lợi 5 đang khẩn trương xử lý giải toả cây và rác, với khối lượng khoảng 5.000m3 chắn trên thân đập của công trình hồ chứa nước Tả Trạch.

Các xã Hải Dương (thị xã Hương Trà); xã Vinh Hải (huyện Phú Lộc) đang huy động lực lượng xử lý khẩn cấp hơn 1.000m bờ biển bị xâm thực sát vào nhà ở của dân; xử lý khẩn cấp việc hàn khẩu đoạn đê sông Hương bị sạt lở trên tổng chiều dài 9m, sâu 3m qua địa bàn xã Phú Thạnh (huyện Phú Vang).

Tại Quảng Trị, bão số 10 đã làm 17 người bị thương; gần 3.700 nhà bị sập, tốc mái; gần 6.900 ha cây cao su bị đổ gãy, 500 ha tiêu, 3.500 ha sắn, 2.000 ha hoa màu và hơn 500 ha nuôi tôm bị thiệt hại; 1,2km đê kè Gio Việt bị sạt lở; trên 100 cột điện bị nghiêng đổ.

Ông Bùi Lê Bắc, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến trưa 1/10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 18 người bị thương và hơn 4.000 ngôi nhà bị tốc mái do cơn bão số 10 gây ra.

Địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất là huyện Kỳ Anh với 4 xã bị ngập cục bộ là Kỳ Nam, Kỳ Thịnh, Kỳ Thư và Kỳ Trinh. Tại huyện Kỳ Anh, 1.153 ngôi nhà, 16 điểm trường, trạm y tế, nhà văn hóa bị tốc mái và nhiều cây cối bị gãy đổ.

Tại huyện Lộc Hà, mưa bão cũng đã làm cho 216 ngôi nhà bị tốc mái, trên 200 ngôi nhà bị ngập chìm, gây sạt lở 3.000m3 bờ ao nuôi trồng thuỷ, hải sản và hàng ngàn ha hoa màu bị hư hại.

Ngay sau khi bão tan, các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp tục bám sát cơ sở để chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do hoàn lưu của bão số 10 gây ra; vận động nhân dân và huy động lực lượng tại chỗ để khắc phục hậu quả bão số 10, sớm ổn định cuộc sống người dân.

Từ ngày 30/9 đến sáng 1/10, tại các xã phía Nam của huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã có mưa lớn cục bộ, nhất là ở lưu vực một số hồ đập. Theo số liệu tại các trạm đo của Công ty Thủy nông sông Chu đến trưa ngày 1/10, tại hồ Kim Giao 2 (xã Tân Trường) lượng mưa đo được là 540mm, hồ Quế Sơn (xã Mai Lâm) 403mm, hồ Đồng Chùa (xã Hải Thượng) 501mm.

Tại một số hồ đập lớn khác trên địa bàn tỉnh như Hồ Yên Mỹ (huyện Nông Cống) mực nước đang ở cao trình +20.15, đã mở 3 cửa xả; hồ Kim Giao 2 đã ngang đỉnh tràn, hồ Đồng Chùa mực nước cao hơn đỉnh tràn 20cm...

Thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 10 gây ra với Thanh Hóa cũng tập trung chủ yếu ở huyện Tĩnh Gia với 10 nhà bị sập và tốc mái, 1.000 hộ dân thuộc các xã Hải Hà, Hải Thượng, Hải Yến, Mai Lâm, Tĩnh Hải, Trường Lâm, Tùng Lâm, Tân Trường bị ngập; 3.100 ha lúa, lạc và rau màu các loại bị hư hỏng; hồ Đồng Đáng (xã Trường Lâm), dung tích khoảng 300.000m3 và hồ Thung Cối (xã Phú Lâm), dung tích 200.000m3 đã bị vỡ; ngoài ra còn khoảng 10.000 m3 đường liên xã bị sạt lở, nhiều tuyến kênh mương bị sạt lở nghiêm trọng, bờ bao nuôi trồng thủy sản ở nhiều xã trong huyện bị tràn, vỡ...

Đặc biệt có khoảng 500 600 hộ dân tại 5 xã Hải Thượng, Mai Lâm, Trường Lâm, Tùng Lâm, Tân Trường hiện đang bị cô lập trong nước lũ.

Riêng tại huyện Nông Cống có 2 học sinh ở xã Công Bình, trên đường đi học về đã bị lũ cuốn trôi vẫn chưa tìm thấy. Quốc lộ 1A đoạn cầu Hổ (Tĩnh Gia), khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh Thanh Hóa-Nghệ An bị ngập sâu 1m, dài khoảng 500m từ đêm 30/9, khiến đoạn đường này bị ách tắc cả 2 chiều.

Để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện Tĩnh Gia, ngay trong đêm 30/9, sáng 1/10 các cấp, các ngành của tỉnh Thanh Hóa đã điều động 310 chiến sỹ thuộc các đơn vị quân sự, công an, biên phòng, 220 dân quân của huyện Tĩnh Gia cùng 19 xuồng máy tham gia sơ tán dân và điều động lực lượng để phân luồng giao thông tại quốc lộ 1A đoạn qua huyện Tĩnh Gia. Tỉnh Thanh Hóa đã huy động 300 thùng mì tôm loại 300 gói/thùng; 100 thùng nước khoáng... để kịp thời cứu đói cho dân các xã ngập lụt trên địa bàn huyện Tĩnh Gia.

Trưa 1/10, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đã cùng các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt tại các địa bàn xung yếu ở Tĩnh Gia, yêu cầu huyện Tĩnh Gia tiến hành rà soát, sơ tán người, tài sản ở vùng mép nước, nội đê khi nước sông, biển dâng cao đến nơi an toàn; khẩn trương chuyển hàng cứu trợ cho nhân dân các xã bị cô lập do nước lũ, không để người dân bị đói, khát; chủ động tiêu nước đệm, đồng thời tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ chứa, kiểm tra vận hành các cống tiêu vùng triều, cửa biển để tiêu úng an toàn.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương đã cứu hộ thành công 5 thuyền viên trên tàu NĐ-1533 bị chìm do sóng đánh. Hiện tại sức khỏe của 5 thuyền viên trên tàu NĐ-1533 đã ổn định.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều tuyến đường bị ách tắc giao thông do ngập nước và sạt lở đất đá do ảnh hưởng của cơn bão số 10. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Nghệ An đang phối hợp với Sở Giao thông vận tải Nghệ An tiến hành kiểm tra các tuyến đường, các đập tràn bị ngập và những vị trí sạt lở để chỉ đạo khẩn trương đảm bảo an toàn giao thông./.

Thanh Tuấn-Đức Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục