Miền Trung, Tây Nguyên nâng năng lực chống lụt bão

Các tỉnh miền núi, miền Trung, Tây Nguyên cần tăng năng lực và trang thiết bị cho cán bộ và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của dân.
Nhằm chuẩn bị tốt công tác phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai năm 2012, ngày 17/5, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương đã tổ chức Hội nghị tập huấn phòng tránh lũ quét, phòng chống lụt bão các tỉnh miền núi, miền Trung và Tây Nguyên.

Tham dự có đại diện Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão của 27 tỉnh, thành phố thuộc khu vực này cùng với đại diện các Bộ, ngành Trung ương.

Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, trong 20 năm qua, Việt Nam đã có 200 lượt trận lũ quét xảy ra tại các tỉnh miền núi, làm hơn 800 người chết và mất tích, 476 người bị thương và hàng ngàn người khác bị tác động xấu về tâm lý và mất mát tài sản. Đặc biệt, trong những năm gần đây, một số tỉnh như Lai Châu, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Quảng Nam, Đắc Lắk liên tục xảy ra lũ quét.

Miền Trung là một trong những khu vực phải gánh chịu nhiều trận bão mạnh (hơn 65% tổng số bão vào Việt Nam) kèm theo các trận lũ lụt lớn, xảy ra với mức độ nghiêm trọng, dồn dập, không chỉ một đợt mà có khi xảy ra liên tiếp nhiều đợt gây thiệt hại về người, tài sản, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội.

Các tỉnh miền Trung có số lượng lớn về tàu thuyền đánh bắt thủy sản trên biển, nhất là đánh bắt xa bờ song công tác quản lý tàu thuyền vẫn còn bất cập, cần những biện pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân.

Khu vực miền núi, miền Trung và Tây Nguyên cũng là nơi có hàng ngàn hồ chứa thủy lợi, thủy điện được xây dựng trên các hệ thống sông nhưng hầu hết đều là hồ chứa nhỏ, nên tác dụng phòng lũ cho hạ du còn hạn chế. Sự phối hợp giữa cơ quan quản lý hồ chứa và chính quyền địa phương trong việc điều hành xả lũ, đảm bảo an toàn dân cư mới chỉ bước đầu, chưa thành nề nếp nên còn gây bức xúc trong dư luận, nhân dân.

Ngoài ra, năng lực của các cơ quan thường trực phòng chống thiên tai các cấp còn thiếu về con người cũng như trang thiết bị, khó khăn trong việc thường trực nắm bắt thông tin, tham mưu chỉ đạo điều hành phòng tránh thiên tai và chấp hành chế độ thông tin báo cáo.

Hiện mùa mưa lũ, bão đã đến, thiên tai có thể diễn biến khó lường. Do vậy, công tác phòng chống lụt, bão và giảm nhẹ thiên tai cần thực hiện theo tinh thần “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khẩn trương khắc phục và hiệu quả” với phương châm “bốn tại chỗ."

Theo đó, các tỉnh cần tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm như tăng cường công tác quy hoạch; nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng tránh thiên tai; tăng cường năng lực và trang thiết bị cho đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai; thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, hồ chứa nước, công trình thủy lợi, hệ thống đê biển, phương tiện trên sông, trên biển, ven biển và vùng ngập lụt.

Sau khi nghe Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão báo cáo công tác ứng phó với lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, miền Trung và Tây Nguyên và chỉ ra những tồn tại và một số nhiệm vụ cần triển khai trong thời gian tới, đồng thời nêu lên những vấn đề liên quan đến sạt lở đất, bờ biển và giải pháp xử lý; Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định xu thế thời tiết năm 2012 khu vực miền núi, miền Trung và Tây Nguyên… các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận và chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác phòng chống lụt bão tại địa phương./.

Thanh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục