Miền Trung và Tây Nguyên khẩn trương ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa và Kon Tum đang khẩn trương kêu gọi tàu tuyền vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn, sẵn sàng sơ tán dân trên bờ phòng chống sạt lở...
Miền Trung và Tây Nguyên khẩn trương ứng phó với áp thấp nhiệt đới ảnh 1Tàu cá vào neo đậu tại khu vực cửa sông Cái, thành phố Nha Trang. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Theo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà, huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) đến trưa 12/9 vẫn còn 226 tàu thuyền với 2.845 lao động của địa phương làm các nghề câu mực, lưới vây đang hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Đơn vị phối hợp với Hải đội 2, Vùng Cảnh sát biển 2, Trạm trực canh ven bờ, người thân của các tàu thuyền và chính quyền địa phương liên tục phát thông tin kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn đang trên biển khẩn trương chạy vào bờ hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn.

Ông Huỳnh Văn Định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Quang, huyện Núi Thành - nơi có cảng cá An Hòa và các eo lạch với hàng nghìn tàu thuyền vào trú ẩn, cho biết nhận được thông tin áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, địa phương đã dừng mọi hoạt động chưa thật sự cần thiết để tập trung cho công tác ứng phó.

Đến trưa 12/9, 9 tàu đánh bắt xa bờ và hơn 160 phương tiện gần bờ của ngư dân xã Tam Quang về nơi trú ẩn, 22 tàu thuyền xa bờ khác của ngư dân trong xã cũng đã tìm được nơi tránh trú hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

Địa phương cũng phối hợp với các lực lượng chức năng hướng dẫn cho tàu thuyền vào trú ẩn, ngăn chặn các trường hợp chủ quan cho tàu thuyền ra khơi; hướng dẫn người dân chèn chống nhà cửa, khơi thông cống rãnh để phòng ngừa ngập úng; chuẩn bị sẵn sàng các phương án di chuyển người, nhất là người già và trẻ em ở những vùng triều cường, khu vực có khả năng sạt lở đến nơi ở an toàn.

Thượng tá Đinh Đức Liên, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho biết tổ chức hướng dẫn tàu thuyền vào các nơi trú ẩn neo đậu an toàn, đơn vị đã yêu cầu toàn bộ lao động trên các tàu đã cập cảng tuyệt đối không được ở lại trên tàu để phòng ngừa rủi ro. Đồn đã phối hợp với Hải đội 2 chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng triển khai có hiệu quả các phương án tìm kiếm cứu nạn cứu hộ khi có hình huống xảy ra.

Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi cho biết đến chiều 12/9 tỉnh còn 343 tàu thuyền với hơn 2.290 lao động đang hoạt động trên biển, chưa thể vào đất liền tránh trú. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, các sở ngành khẩn trương phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị liên quan cấm các tàu xuất bến, kể cả tuyến vận tải đường thủy Sa Kỳ-Lý Sơn và ngược lại từ 14 giờ ngày 12/9 cho tới khi có thông tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới; yêu cầu 343 tàu thuyền còn hoạt động trên biển phải mau chóng trở về đất liền; duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với các tàu còn chưa vào kịp.

Các địa phương tăng cường kiểm tra các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở núi, sạt lở bờ sông, những nơi ngập úng, vùng hạ du các hồ chứa nước để chủ động phương án di dời, sơ tán dân khi cần thiết; yêu cầu các lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng trực, xử lý các sự cố do thiên tai gây ra và triển khai các biện pháp cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu… Các chiến sỹ Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ trực tại khu vực cầu cảng để hướng dẫn tàu thuyền vào neo đậu đúng vị trí, giữ khoảng cách an toàn để tránh va đập.

Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã có điện chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác nắm tình hình, số phương tiện hoạt động trên các vùng biển; kiểm tra kỹ công tác ứng phó để chủ động khi bão vào đất liền.

Thượng úy Lê Huy Bình, Trực Ban tác chiến thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên, cho biết từ sáng 12/9 đến 14 giờ cùng ngày đã có 207 tàu thuyền với 1.068 lao động của tỉnh Phú Yên đã vào bờ an toàn. Hiện, tỉnh còn 172 tàu thuyền với 1.253 lao động đang hành nghề đánh bắt xa bờ đã vào khu vực neo đậu của các đảo thuộc khu vực quần đảo Trường Sa hoặc đã ra ngoài vùng nguy hiểm của áp thấp nhiệt đới; 143 tàu thuyền với 686 lao động đang hoạt động gần bờ thuộc địa phận các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và tỉnh Ninh Thuận.

Tất cả các phương tiện đang hành nghề trên biển đều liên lạc được với gia đình và các Đồn Biên phòng để nắm thông tin về diễn biến áp thấp nhiệt đới. Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên phân công cán bộ, chiến sĩ trực 24/24 giờ để nắm tình hình, theo dõi diễn biến áp thấp nhiệt đới và thường xuyên liên lạc với ngư dân đang hoạt động trên biển.

Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa, ngày 12/9, 2.514 tàu cá đang đánh bắt hải sản trên biển với trên 9.600 thuyền viên của tỉnh Khánh Hòa đã nắm được thông tin về áp thấp nhiệt đới và di chuyển đến nơi tránh trú đảm bảo an toàn. Các tàu cá còn lại đang hoạt động trên biển cũng đã biết được hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.

Bên cạnh đó, trên 7.200 tàu cá với hơn 15.000 lao động đang neo đậu tại bến cũng đã được thông tin về áp thấp nhiệt đới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa đã chỉ đạo các đài canh duy trì nghiêm chế độ trực 24/24 giờ, liên tục thông báo tin áp thấp nhiệt đới để các chủ phương tiện biết chủ động phòng, tránh và tìm nơi trú ẩn an toàn. Riêng Hải đội 2 Biên phòng duy trì kíp trực 2 tàu, biên đội trực 16 chiến sỹ sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có lệnh.

Hiện nay hàng trăm tàu cá đánh bắt xa bờ làm nghề lưới vây, câu cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa trở về cảng, sau hơn 20 ngày đi biển, nên việc di chuyển để tránh trú áp thấp nhiệt đới thuận lợi hơn. Tại các khu vực, từ cầu Bình Tân đến cảng cá Hòn Rớ; cửa sông Cái, cảng và bến cá trên địa bàn tỉnh, có hàng trăm tàu cá đã vào neo đậu. Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Khánh Hòa đã thông báo diễn biến áp thấp nhiệt đới đến các địa phương để chủ động ứng phó.

Ngày 12/9, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum đã có công điện về tăng cường phòng chống lụt, bão nhằm chủ động ứng phó diễn biến khó lường của thời tiết. Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các địa phương, các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống thiên tai; theo dõi chặt thông tin diễn biến của áp thấp nhiệt đới; tổ chức trực ban 24/24 giờ, chủ động phương án phòng, ứng phó; thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ;” nắm chắc số lượng phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai ở địa phương và có phương án huy động phương tiện, lực lượng để ứng cứu kịp thời khi có sự cố xảy ra do thiên tai.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố phân công thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện bám sát địa bàn các xã xung yếu, kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai; kiểm tra, rà soát những làng, hộ dân sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa, lũ, sạt lở đất đá (vùng ven sông, ven suối, ven sườn đồi dễ bị sạt lở, vùng trũng); sẵn sàng triển khai phương án sơ tán người dân khi cần thiết; cảnh báo cho nhân dân ở các khu vực nguy hiểm biết thông tin để chủ động ứng phó, nhất khu vực các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei; vận động người dân thuộc diện tái định cư tại các khu vực xung yếu, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, lũ ống về ở tại các khu tái định cư nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố tổ chức cung ứng hàng hóa, chất đốt, lương thực, thực phẩm, nhu phẩm thiết yếu cho người dân khi sơ tán, di dời, cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại, không để người dân thiếu đói, rét.

Trong 24 giờ qua trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có mưa vừa, mưa to trên diện rộng; lượng mưa đạt phổ biến từ 10-30mm; khu vực các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, lượng mưa đạt từ 30-70mm. Trên các sông, suối mực nước có dao động và tăng dần. Mực nước lúc 7 giờ ngày 12/9 trên các sông phổ biến ở mức thấp hơn báo động cấp 1.

Dự báo trong 24 giờ tới tỉnh Kon Tum có khả năng nằm trong vùng ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên có mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Lượng mưa khả năng đạt từ 50-100mm, có nơi lớn hơn 100mm, mực nước trên trên các sông, suối tăng dần và có lũ. Các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục