"Miếng bánh Idlib” và rủi ro ngoại giao cho các bên tại Syria

Hội nghị ba bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ qua cơ hội, dù mong manh, để đạt được một giải pháp ngoại giao trong nỗ lực nhằm phân tách thường dân và phiến quân khỏi các tay súng Hồi giáo ở Idlib.
"Miếng bánh Idlib” và rủi ro ngoại giao cho các bên tại Syria ảnh 1Các tay súng thuộc phe nổi dậy sau một buổi huấn luyện quân sự tại tỉnh Idlib, Syria ngày 11/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng tin AFP cho biết không quân Nga ngày 9/9 đã tiến hành các đợt oanh tạc “mạnh mẽ” nhất nhằm vào Idlib, thành trì cuối cùng của phiến quân ở Syria.

Động thái này diễn ra sau khi hội nghị ba bên Nga-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ tại Tehran kết thúc nhưng vẫn tồn tại những bất đồng ba bên về cách thức đạt được nền hòa bình và thống nhất Syria.

Hãng tin AP bình luận động thái này đã thu hẹp những cơ hội đạt được một giải pháp ngoại giao về Syria cũng như nhằm tránh điều mà nhiều người gọi là thảm họa nhân đạo đẫm máu tại quốc gia Trung Đông này.

Theo AP, cuộc họp ba bên tại Tehran gồm Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gây thêm áp lực đối với các lực lượng phiến quân vẫn hoạt động ở tỉnh Idlib, miền Tây Bắc Syria.

Cuộc họp này đã bỏ qua cơ hội, dù mong manh, để đạt được một giải pháp ngoại giao trong nỗ lực nhằm phân tách thường dân và phiến quân khỏi các tay súng Hồi giáo ở Idlib.

[Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh giải pháp chính trị cho xung đột tại Idlib]

Iran và Nga ủng hộ chính quyền Syria thực hiện chiến dịch quân sự nhằm giành lại Idlib, thành trì cuối cùng do quân nổi dậy kiểm soát ở Syria trong khi Thổ Nhĩ Kỳ muốn thực hiện một lệnh ngừng bắn.

Lý do là Ankara, vốn hậu thuẫn các lực lượng đối lập chống lại Tổng thống Syria Bashar Assad, lo ngại một cuộc tấn công quân sự sẽ gây ra làn sóng người tị nạn và làm bất ổn những khu vực mà Ankara hiện kiểm soát ở Syria.

Ankara hiện cũng có hàng trăm binh sỹ tại 12 trạm quan sát ở Idlib.

Tổng thống Erdogan cảnh báo bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào Iblib sẽ gây ra tác động đối với tương lai của Syria cũng như đến tình hình an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và toàn khu vực.

Còn đối với Nga và Iran, đều là đồng minh của Damascus, việc giành lại Idlib có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực hoàn thành điều mà cả hai cho là một chiến thắng quân sự trong cuộc nội chiến ở Syria sau khi binh sỹ Syria tái chiếm gần như toàn bộ các thành phố và thị trấn chủ chốt.

Tuy nhiên, một cuộc tấn công đẫm máu tại Idlib lại đi ngược với tuyên bố lâu nay của Moskva và Tehran rằng tình hình ở Syria đang tiến triển bình thường, đồng thời cũng có thể làm tổn hại những nỗ lực dài hơi của Nga nhằm hồi hương người tị nạn Syria và để các nước phương Tây đầu tư vào công cuộc tái thiết Syria thời hậu chiến. Moskva cũng muốn duy trì sự hiện diện tại khu vực nhằm lấp đầy chỗ trống mà Mỹ bỏ lại.

[Tình hình Syria: Nga khẳng định sẽ vẫn không kích Idlib nếu cần thiết]

Tại cuộc họp ba bên, phản ứng trước đề xuất ngừng bắn ở Idlib của Tổng thống Erdogan, hãng tin AFP dẫn lời Putin cho rằng Damascus “có quyền và phải giành lại quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ.” 

Tuyên bố này “đồng điệu” với Damascus khi Đại sứ tại Liên hợp quốc của Syria, ông Bashar Ja'afari nói trước Hội đồng Bảo an rằng chính phủ quyết tâm giành lại lãnh thổ Syria từ tay khủng bố và sự chiếm đóng của nước ngoài.

Kết thúc phiên họp, Đặc phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Syria Staffan De Mistura thừa nhận rằng một cuộc tấn công quân sự ở Idlib sẽ là một thất bại ngoại giao cũng như đi ngược lại những nỗ lực của Liên hợp quốc về việc thành lập một ủy ban soạn thảo hiến pháp mới cho Syria.

Tuy nhiên, vào lúc lãnh đạo Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ nhóm họp thì người dân địa phương Syria được AP dẫn lời cho biết hàng loạt cuộc không kích nhằm vào các ngôi làng ở phía Tây Nam của tỉnh Idlib đã xảy ra sáng 7/9.

Theo Rami Abdurrahman, người đứng đầu Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria, các chiến đấu cơ của Nga đã thực hiện đợt tấn công này. AFP đưa tin Nga đã oanh kích Idlib vào ngày 8/9.

"Miếng bánh Idlib” và rủi ro ngoại giao cho các bên tại Syria ảnh 2Phương tiện và cơ sở của các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn ở thành phố Manbij, miền bắc Syria ngày 8/5. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhận định về khả năng sớm xảy ra một cuộc tấn công quy mô lớn, Hassan Hassan, chuyên gia về Syria tại Viện Chính sách Trung Đông Tahrir có trụ sở ở Washington tỏ ra hoài nghi, giải thích rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn có được sự ủng hộ của Mỹ về việc phản đối một cuộc tấn công quy mô lớn.

“Chính quyền Damascus có thể tiến hành một cuộc tấn công nhằm giữ thể diện tại các khu vực xa vùng hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ thì tỏ rõ thái độ rằng Washington sẽ không nói chơi lần này còn Thổ Nhĩ Kỳ thì phản đối tấn công.”

Washington không ngớt lời cảnh báo cuộc tấn công Idlib sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc.

Mỹ lâu nay cảm thấy bị gạt ra ngoài lề khi ba nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về tương lai của Iblib. Lưu ý là cả Moskva, Tehran và Ankara đều đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt của Washington.

Trong một bài viết khác, hãng tin AP bình luận rằng chính quyền Trump đã mất tầm ảnh hưởng để có thể chặn bước chân của Nga, Iran và Syria thực hiện một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào tỉnh Idlib.

Washington đã phát đi những thông điệp lẫn lộn về kế hoạch của mình đối với cuộc xung đột kéo dài 7 năm đầy phức tạp này khi vừa tuyên bố sẽ đáp trả bằng hành động quân sự đối với bất kỳ cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học nào, vừa muốn rút binh sỹ khỏi Syria cũng như cắt viện trợ cho quốc gia Trung Đông này.

AP khẳng định những điều này cho thấy rõ rằng chính quyền Trump đã bộc lộ sự bất lực trước việc ngăn chặn ba nước thực hiện kế hoạch tái chiếm Iblib.

Trong một lời kêu gọi dường như bất lực, Trump viết trên Twitter rằng Tổng thống Syria không nên “liều lĩnh” tấn công Idlib và rằng “đừng để điều đó xảy ra”.

AP lưu ý rằng Mỹ muốn giải quyết xung đột Syria bằng cơ chế đàm phán Geneva do Liên hợp quốc dẫn đầu vốn đình trệ nhiều năm qua, chứ không phải bằng cơ chế ba bên Nga, Iran, và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, mọi “công cụ” khác của Mỹ nhằm gia tăng ảnh hưởng, như trừng phạt kinh tế hoặc oanh kích đáp trả cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, dường như không phát huy tác dụng.

Ông Nicholas Heras, chuyên gia phân tích về Syria tại Trung tâm An ninh Mỹ mới giải thích rằng Idlib là cơ hội cuối cùng để Mỹ tăng cường ảnh hưởng ở Syria.

Nếu Idlib sụp đổ trước khi các cuộc đàm phán Geneva dự kiến được nối lại vào ngày 14/9 tới, thì những nỗ lực của chính quyền Trump nhằm tái can dự vào cuộc đàm phán hòa bình này sẽ có nguy cơ thất bại.

Chuyên gia này cũng cảnh báo rằng ê-kíp của Trump đã chậm trễ để có thể đưa ra được một chính sách toàn diện về Syria./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục