'Miếng bánh Syria' trong giai đoạn đầu tư và tái thiết thời hậu chiến

Cần bao nhiêu tiền cho việc tái thiết đất nước vẫn là câu hỏi khó vào thời điểm hiện nay. Chính quyền Syria, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia độc lập đưa ra những con số rất khác nhau.
'Miếng bánh Syria' trong giai đoạn đầu tư và tái thiết thời hậu chiến ảnh 1Tổng thống Syria Bashar al-Assad (giữa) thăm một căn cứ quân sự của quân đội nước này tại thị trấn Habit, tỉnh Idlib ngày 22/10/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Moskva tổng hợp báo chí địa bàn cho biết với những diễn biến gần đây tại Syria, giới chuyên gia nhận định Tổng thống Syria Bashar al-Assad cùng với các đồng minh sẽ từng bước giành được chiến thắng.

Tuy nhiên, công cuộc tái thiết đất nước sẽ là cuộc chiến khó khăn tiếp theo mà nhà lãnh đạo Syria sẽ phải đối mặt.

Hàng trăm tỷ USD cho công cuộc tái thiết

Cần bao nhiêu tiền cho việc tái thiết đất nước vẫn là câu hỏi khó vào thời điểm hiện nay. Chính quyền Syria, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia độc lập đưa ra những con số rất khác nhau.

Tháng 11/2017, Liên hợp quốc cho rằng công cuộc tái thiết Syria sẽ phải mất ít nhất 250 tỷ USD.

Chỉ sau đó mấy tháng, các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế Xã hội Liên hợp quốc lại đánh giá tổn thất vật chất của Damacus vào khoảng 400 tỷ USD.

Năm ngoái, Tổng thống Assad dự tính tiến trình tái thiết đất nước sẽ diễn ra trong vòng 10-15 năm, với chi phí khoảng 400 tỷ USD.

[Mỹ lần đầu tuần tra biên giới Syria kể từ khi thông báo rút quân]

Các đại diện của quỹ từ thiện World Vision cho rằng đến năm 2020, cuộc chiến tại Syria sẽ tiêu tốn khoảng 1.300 tỷ USD. Ngoài ra, còn có ý kiến cho rằng con số này có thể lên đến 2.000 tỷ USD.

Đến nay không ai có thể đưa ra con số chính xác. Theo Giám đốc Trung tâm các vấn đề an ninh và phát triển thuộc trường Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva (MGU) Vladimir Bartenev, các phương pháp tính toán của các tổ chức khác nhau sẽ cho ra các kết quả khác nhau.

Mặt khác, các hoạt động chiến đấu vẫn đang diễn ra trên lãnh thổ Syria, bởi vậy đánh giá quy mô tổn thất lúc này là không thể.

Ông Bartenev cho rằng cơ sở hạ tầng ở Syria bị phá hủy với quy mô chưa từng có trong các cuộc chiến trước đây.

Theo đó, hơn 1/3 diện tích nhà ở trên cả nước bị phá hủy, quá nửa số trường học, bệnh viện bị tổn thất, số người tị nạn ở nước ngoài và đi lánh nạn ở trong nước chiếm hơn nửa tổng dân số Syria.

Tái thiết hạ tầng hay tái cấu trúc nền chính trị

Theo tính toán của các chuyên gia, Chính quyền Syria có bốn nguồn lực hỗ trợ tài chính cho công cuộc tái thiết gồm: tiền của Chính phủ Syria, tiền của các công dân và kiều bào, hỗ trợ bên ngoài (tín chấp, các khoản vay ưu đãi) và đầu tư nước ngoài. Khả năng tự có của Chính phủ Syria rất khiêm tốn và rõ ràng là không đủ.

Ngân sách năm 2019 của nước này vào khoảng 9 tỷ USD, trong đó chi cho công cuộc tái thiết là 2,5 tỷ USD. Như vậy, cần phải tích góp 160 năm mới có đủ số tiền 400 tỷ USD như dự tính.

Tình hình sẽ càng phức tạp hơn khi nguồn thu từ khai thác dầu mỏ giảm mạnh bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây và bởi phần lớn các mỏ dầu trữ lượng lớn đến thời điểm này vẫn nằm ngoài vùng lãnh thổ do quân chính phủ Syria kiểm soát.

Ngay cả với kịch bản lạc quan nhất, việc khôi phục sản lượng dầu như mức trước chiến tranh vẫn là bài toán khó mà một mình Syria không thể giải quyết được.

Chuyên gia Bartenev cho rằng giả sử Syria có thể sớm khôi phục được ngân sách như trước chiến tranh với khoảng trên dưới 20 tỷ USD, thì chi ngân sách cho công cuộc tái thiết cũng chỉ ở ngưỡng khoảng 5 tỷ USD.

Theo ông Bartenev, nhiều quốc gia có thể là đối tác tiềm năng đầu tư vào nền kinh tế và tái thiết Syria sau chiến tranh.

Tuy nhiên, những quốc gia hàng đầu sẽ là Nga, Iran, Trung Quốc và các nước đã bỏ phiếu chống lại các dự thảo nghị quyết trừng phạt Syria cũng như duy trì chính sách độc lập trong quan hệ với Damacus.

Các nước vùng vịnh Persia, với nguồn lực tài chính dồi dào, có thể nằm trong nhóm các nước tiếp theo được chấp nhận đầu tư vào Syria.

Mỹ và EU có tài chính và kinh nghiệm phong phú trong việc khôi phục các khu vực thời hậu chiến.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Nga, phương Tây có những quan điểm khác biệt với Chính phủ Syria và đồng minh.

Theo đó, một số cho rằng công cuộc tái thiết đơn thuần là xây dựng lại các công trình, cơ sở hạ tầng...

Một số khác lại đưa ra khái niệm tái cấu trúc với hàm ý rằng việc xây dựng lại đất nước bắt buộc phải gắn liền với việc chuyển đổi hệ thống chính trị.

Ông David Satterfield, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Trung Đông, lại nêu điều kiện cho việc cung cấp hỗ trợ cho chính quyền Syria là phải cải cách hiến pháp và tiến hành bầu cử dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Trong khi đó, đặc phái viên của Ngoại trưởng Mỹ về vấn đề Syria James Jeffrey đưa ra quan điểm cứng rắn hơn.

Khi phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về Syria, ông Jeffrey tuyên bố thẳng: “Assad và tay sai của ông ta sẽ không bao giờ được cộng đồng các quốc gia văn minh chấp nhận, sẽ không có bất kỳ sự hỗ trợ nào cho việc tái thiết đất nước này trong mọi trường hợp từ phía chúng tôi."

Về phần mình, Tổng thống Assad và các quan chức Syria đã nhiều lần tuyên bố rằng họ sẵn sàng xây dựng lại đất nước sau chiến tranh mà không cần sự trợ giúp của phương Tây.

Tổng thống Assad nói: “Họ (phương Tây) sẽ không được phép tham gia tiến trình tái thiết Syria bởi chúng tôi biết họ sẽ chỉ đến với những đòi hỏi có lợi cho họ.”

Thổ Nhĩ Kỳ có cách tiếp cận đặc biệt với công cuộc tái thiết Syria. Ankara sẵn sàng đầu tư tiền của, nhưng sẽ chỉ nhằm vào các khu vực nằm dưới sự kiểm soát hoặc ảnh hưởng của họ.

Theo hãng tin AP, các tuyến đường ở các khu vực biên giới phía Bắc Syria đang được người Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành khôi phục, các bệnh viện được xây dựng lại, giáo viên được nhận tiền hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, khắp nơi treo cờ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria cùng nhau.

Nga, Iran, Trung Quốc và “miếng bánh Syria”

Các ngành công nghiệp địa phương có thể được các nhà đầu tư tiềm năng quan tâm nhất là khai thác hydrocarbon và phốtphát.

Theo chuyên gia Nga, Damascus đã bắt đầu hợp tác với Moskva và Tehran trong việc sản xuất, chế biến và vận chuyển dầu và khí đốt tự nhiên.

Tuy nhiên, Chính quyền Syria vẫn phải giành lại quyền kiểm soát các khu vực có các mỏ dầu lớn nhất.

'Miếng bánh Syria' trong giai đoạn đầu tư và tái thiết thời hậu chiến ảnh 2Xe quân sự của Mỹ di chuyển qua một trạm bơm dầu ở thành phố Qamishli, Đông Bắc Syria ngày 26/10/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Syria cũng cần phải thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng điện, đặc biệt là sản xuất và phân phối điện. Khôi phục các tuyến đường sắt cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng.

Các tuyến đường sắt được khôi phục sẽ giúp kết nối các khu vực với nhau và khơi thông năng lực của các cảng biển.

Cơ sở hạ tầng cảng biển rất quan trọng, vì vậy, Chính quyền Syria đã cho Nga và Iran thuê dài hạn các cảng Tartus và Latakia. Công suất vận tải của các cảng Syria trước chiến tranh có thể đạt đến hơn 3 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Hiện nay, theo chuyên gia Nga, Iran và Trung Quốc có quan tâm lớn tới lĩnh vực viễn thông của Syria.

Từng có thông tin rằng Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư hơn 2 tỷ USD vào nền kinh tế Syria để công ty Huawei sẽ nắm quyền khôi phục cơ sở hạ tầng viễn thông ở Syria.

Rõ ràng, Bắc Kinh đang chiếm ưu thế về nguồn lực tài chính trong số các đối tác hữu nghị với Chính phủ Syria.

Theo chuyên gia Bartenev, Chính phủ Trung Quốc có tham vọng lôi kéo Syria vào dự án toàn cầu "Vành đai và Con đường," song các công ty nước này lại khá thận trọng trong các vấn đề an ninh và những rủi ro chính trị.

Bởi vậy, Bắc Kinh cũng không vội thúc đẩy đầu tư vào Syria, các hỗ trợ khác cho Damacus cũng khá hạn chế, không tương xứng với Iran và Nga.

Tuy vậy, theo chuyên gia Bartenev, lập trường của Nga và Iran cũng không hẳn thống nhất.

Trong khi Moskva muốn thu hút các nước phương Tây vào tiến trình tái thiết Syria, Teheran lại cho rằng không nên cho phép những “người ngoài” tham gia tiến trình này.

Về khả năng chính quyền Mỹ tiến hành trừng phạt các công ty nước ngoài làm ăn với Chính quyền Syria và ở mức độ nào, chuyên gia Nga cho rằng nguy cơ trừng phạt có thể khiến nhiều công ty thoái lui, nhưng cũng có nhiều công ty không e ngại, thậm chí là bất chấp trừng phạt. Những công ty đó có ở Nga và Trung Quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục