Miếu Bà Rá được công nhận là di tích lịch sử của tỉnh Bình Phước

Ngày 20/4, tại thị xã Phước Long, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng và đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh cho Miếu Bà Rá.

Ngày 20/4, tại thị xã Phước Long, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã tổ chức lễ công bố quyết định xếp hạng và đón nhận bằng di tích lịch sử cấp tỉnh cho Miếu Bà Rá.

Tỉnh Bình Phước có núi Bà Rá được người dân tôn là một trong ba ngọn núi thần ở Nam bộ. Đồng bào dân tộc S’tiêng gọi ngọn núi với cái tên thành kính là núi thần Yang Yumbara (Đồng bào Khmer gọi là núi Chân Phật).

Miếu Bà Rá được xây dựng vào năm 1943, là một công trình kiến trúc tín ngưỡng dân gian, nằm trong quần thể Di tích lịch sử quốc gia Núi Bà Rá. Kiến trúc và bàn thờ trong miếu là sự kết hợp giữ tín ngưỡng thờ Mẫu ở Bắc bộ và thờ Bà ở Nam bộ.

Tín ngưỡng thờ Bà, thờ Mẫu trong miếu Bà Rá thể hiện sự giao thoa văn hóa của các dân tộc, các vùng miền trên địa bàn tỉnh Bình Phước, nơi hội tụ của 41 dân tộc anh em sinh sống. Đặc biệt, từ ngày 1-3/3 âm lịch hàng năm, lễ hội Bà Rá được tổ chức đã thu hút đông đảo khách du lịch, người dân trong và ngoài tỉnh đến tham dự.

Việc Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước công nhận Miếu Bà Rá là di tích lịch sử đã nâng tổng số di tích cấp tỉnh được công nhận lên 11 di tích trên tổng số 24 di tích được xếp hạng trên địa bàn tỉnh, trong đó 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 11 di tích cấp quốc gia và 11 di tích cấp tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục