Mịt mù giữa “mê hồn trận” bánh trung thu cao cấp

Hiện nay, nhiều loại bánh Trung thu đang "chèo kéo" người mua bằng cái mác cao cấp hay nhập ngoại nhưng chất lượng lại rất mù mịt.
Bắt nhịp với xu hướng chuộng bánh trung thu cao cấp của khá đông người tiêu dùng năm nay, không ít dòng bánh mang danh cao cấp với vẻ ngoài bắt mắt hay mác nhập ngoại được thể lũ lượt kéo nhau lên kệ. Nhưng chất lượng bánh có xứng đáng "cao cấp" thật không thì cả người mua lẫn người bán đều… mù tịt.

Bánh cao cấp: Từ vỉa hè đến... quán cơm

Bỏ cả  buổi tối đi chọn mua bánh Trung thu biếu bố mẹ, chị Nga (phố Trần Phú, Hà Nội) được một phen hoa mắt vì khắp đường phố, đâu đâu cũng đỏ chói với đủ loại bánh từ "vô danh" đến thương hiệu lớn.

“Dạo qua một vòng các phố Bà Triệu, Lý Thái Tổ, Đồng Xuân... thấy cửa hiệu nào cũng trưng biển bánh cao cấp. Có những hãng mình đã nghe tên nhưng có những loại nghe lạ hoắc làm mình hoa cả mắt, không biết đường nào mà chọn lựa,” chị Nga tâm sự.

Thậm chí, theo lời chị, nhiều tuyến phố nay đã phủ kín vì mấy rạp bánh Trung thu ngồi tràn ra vỉa hè. Một vài nơi trước vốn bán cà phê hay đồ ăn nhanh nay cũng hăm hở chuyển sang bán bánh Trung thu.

“Chưa biết chất lượng ra sao nhưng mẫu mã nhìn cũng muốn xiêu lòng,” chị Nga nói.

Thực tế, ngoài những hãng bánh lớn đua nhau "ngôi vị" cao cấp, không ít loại bánh lạ cũng đang hò nhau ra sức chèo kéo người tiêu dùng với cái mác “cao cấp” hay “nhập ngoại."

Có mặt tại một cửa hàng cơm kiêm bán bánh bánh Trung thu Hongkong trên đường Kim Mã, chúng tôi được chị chủ hàng giới thiệu rất tỉ mỉ về loại bánh cao cấp mà theo chị, đã có uy tín từ bao năm nay, khách tới mua riết rồi phải lòng thành quen.

Giải thích cho khách hàng về cái tên nghe khá “Tây” của loại bánh nọ, chị nói chắc như đinh đóng cột: “Nguyên liệu làm bánh phải nhập tận Hongkong. Chỉ có người làm bánh là ở trong nước. Thế nhưng, đấy cũng là thợ ở một khách sạn nổi tiếng tại Hà Nội. Vì thế, chất lượng khỏi phải bàn.”

Tất nhiên, để sở hữu mấy hộp bánh Trung thu “cao cấp, nhập ngoại” này, người mua cũng phải bỏ không ít tiền. Một hộp bánh với 6 chiếc "gọn gàng" tới mức… nhỏ xíu cũng ở mức 250.000 đồng đến 300.000 đồng/hộp.

Ấy thế nhưng, theo lời quảng cáo nửa thật nửa mời khách của chị chủ hàng, “hàng vẫn bán hết veo, vì mẫu mã đẹp, lại là hàng… ngoại, nên khách cũng chuộng.”

Thấy chúng tôi thắc mắc về chứng nhận sản phẩm bảo đảm chất lượng, chị nọ cũng tự tin khẳng định, cơ sở nhà chị có đủ các loại giấy tờ chứng nhận chất lượng cần thiết. Nếu muốn, chị sẵn sàng cho xem.

“Nhưng mà, khách tới nhà mình đều đã thành quen, nên đâu cần giấy tờ gì,” người chủ cửa hàng thản nhiên cho hay.

Nói về kinh nghiệm mua bánh Trung thu cao cấp, anh Nguyễn Xuân Toản (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy) cũng từng rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Năm ngoái, anh hí hửng khuân về một lô bánh Trung thu, nào là mùi vị Trung Hoa, lại cả bánh nhập ngoại của Malaysia. Tốn không ít tiền, nhưng rốt cục khi mở ra dùng thử, cả nhà anh mới tá hỏa vì bánh cao cấp có vị chua loét không thể ăn nổi.

“Từ đó mình mua gì cũng phải xem thật kỹ xuất xứ, bao bì, hỏi rõ chất lượng rồi mới rón rén mua. Trung thu năm nay cũng thế, đâu đâu cũng thấy bánh cao cấp, nhưng cứ phải cẩn trọng, không là mua phải bánh rởm cũng không chừng,” anh Toản chia sẻ.

“Cẩn thận rước bệnh vào thân”

Thừa nhận tình trạng  bánh Trung không đạt tiêu chuẩn vẫn được bày bán trên thị trường, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay người tiêu dùng cần cẩn trọng với những mặt hàng trôi nổi trên thị trường như thế.

Thực tế, trong buổi đi kiểm tra đột xuất của Sở Y tế Hà Nội ngày 11/9, đoàn thanh tra đã phát hiện tại cửa hàng bán bánh Trung thu lớn trên phố Bà Triệu chưa xuất trình được hồ sơ pháp lý liên quan đến việc kinh doanh sản phẩm này.

Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng đang kinh doanh các loại bánh của Kinh Đô, Hải Hà, Bảo Minh và bánh ngoại của Malaysia. Tuy nhiên, chỉ có bánh của công ty Bảo Minh có giấy tờ hợp lệ còn các hãnh bánh còn lại đều không có đủ loại giấy tờ như hợp đồng, chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và hồ sơ công bố các loại bánh.

Vì thế, theo ông Tuấn, người tiêu dùng khi mua bánh Trung thu cần phải chú ý tới những địa chỉ cụ thể, phải xem xét kỹ bao bì, hạn sử dụng, nơi sản xuất và chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm để tránh bị sản phẩm kém chất lượng “qua mặt.”

Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Gia Phan, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, với sự đa dạng của nhiều loại bánh Trung thu cao cấp trên thị trường như hiện nay, người tiêu dùng rât dễ bị rối khi chọn mua bánh.

Theo ông Phan, những sản phẩm kém chất lượng nhưng dán mác cao cấp hay nhập ngoại rất có nguy cơ sẽ gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng. Hơn nữa, khi mua phải sản phẩm này, người tiêu dùng sẽ rất khó để khiếu kiện đòi quyền lợi trong trường hợp gặp phải những loại bánh kém chất lượng như thế.

“Bởi vậy, trước 'rừng bánh Trung thu' như thế, người tiêu dùng phải thật tỉnh táo, tránh tình trạng vừa mất tiền lại có khi rước bệnh vào thân,” ông Phan cảnh báo./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục