"Mở cửa" vốn vay bằng báo cáo tài chính minh bạch

Hiện cả nước có gần 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên những doanh nghiệp này lại rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng.
Hiện cả nước có gần 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 90% tổng số doanh nghiệp Việt Nam, đây là lực lượng sản xuất quan trọng đã tạo ra gần 50% GDP cho nền kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Song, đến nay phần lớn những doanh nghiệp này lại đang loay hoay, khó tiếp cận các nguồn vốn, nhất là vốn ngân hàng.

Tại hội thảo “Vai trò kiểm toán trong việc gia tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp” do Hiệp hội Kế toán công chứng Anh tại Việt Nam (ACCA) phối hợp với báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 9/9, giới ngân hàng và kiểm toán cho rằng, việc tiếp cận vốn vay cũng không quá khó, nếu doanh nghiệp hiểu rõ và nắm bắt được các điều kiện mà ngân hàng cần.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp này cũng cần phải trang bị được cho mình báo cáo tài chính minh bạch, rõ ràng. Đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp này có thể tiếp cận các nguồn vốn, kêu gọi đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay

Ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty nhựa và in Phú Thịnh cho biết, là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên việc tiếp cận vốn ngân hàng rất khó khăn, song do nhu cầu vốn để mở rộng hoạt động và mong muốn được sử dụng nguồn vốn ngân hàng, công ty nhiều lần tìm đến ngân hàng, nhưng đều bị từ chối.

Hiện nguồn vốn lưu động của công ty đều do tự phải xoay sở bằng cách vay từ tín dụng ngoài ngân hàng. Lãi vay phải trả lên đến 1 tỷ đồng mỗi năm, dẫn đến chi phí hoạt động tăng, lãi giảm.

Cũng theo ông Phong, các ngân hàng cần có chính sách “mở” hơn trong việc xét duyệt hồ sơ cấp tín dụng, nhất là yếu tố tài sản đảm bảo. Có như vậy mới giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có thêm điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng.

“Thực tế hiện nay, trong các điều kiện tín dụng mà ngân hàng đưa ra, tài sản đảm bảo luôn là yếu tố đòi hỏi đầu tiên, vì thế rất khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Phong nói.

Theo một kết quả điều tra của Cục phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ có 1/3 doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; 1/3 khó tiếp cận và 1/3 không tiếp cận được. Trong số doanh nghiệp tại Việt Nam không tiếp cận được vốn vay ngân hàng thì 80% không đáp ứng đủ điều kiện cho vay.

Chính vì sự khó khăn này nên có nhiều ý kiến cho rằng các ngân hàng đang “gây khó dễ” với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Giải thích điều này, bà Nguyễn Thị Hương Nga, Trưởng Ban rủi ro tín dụng Ngân hàng ANZ cho rằng, điều này rất phi lý, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đang phải cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Thực tế, khi xem xét hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp, ngân hàng thường quan tâm đến các yếu tố như phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư của doanh nghiệp, năng lực vốn sở hữu hiện tại của doanh nghiệp, tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh dựa trên các báo cáo tài chính…

Chuyên gia tài chính độc lập Nguyễn Đại Lai thẳng thắn: Nguồn vốn của ngân hàng còn hạn hẹp, năng lực thẩm định còn hạn chế do đó phải thận trọng trong các quyết định cho vay. Điều làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vì ngân hàng e ngại về “tư cách” vay vốn, về năng lực trả nợ của họ. Vì hầu hết khố doanh nghiệp này là thành phần kinh tế tư nhân và cổ phần, không có “bà đỡ” phía sau bảo đảm như doanh nghiệp nhà nước.

Minh bạch tài chính doanh nghiệp qua kiểm toán

Cũng theo các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp vẫn biết rằng muốn nâng cao năng lực tài chính doanh nghiệp thì việc thông qua các báo cáo kiểm toán là tối ưu nhất, vì đây là công cụ kiểm tra tài chính cần và có thể làm tốt chức năng kiểm tra, đánh giá và xác nhận thông tin tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thực hiện kiểm toán.

Bà Lê Thị Hồng Len, Trưởng đại diện ACCA Việt Nam cho biết: Nguyên nhân là do chi phí doanh nghiệp sẽ “đội” lên đáng kể khi phải thực hiện kiểm toán, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn trốn tránh vì cảm giác đây là một cuộc sát hạch, một sự kiểm tra gây khó.

Bà Len cho rằng, không có kiểm toán, niềm tin vào năng lực tài chính của các công ty sẽ bị ảnh hưởng. Báo cáo kiểm toán có thể giúp đánh giá chính xác về tình trạng sức khoẻ tài chính và quản lý của công ty cho các bên liên quan. Như vậy, để nâng cao năng lực tài chính doanh nghiệp, dù luật có yêu cầu hay không thì kiểm toán doanh nghiệp vẫn là điều nên làm.

Để giải quyết tốt vấn đề trên, tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng: trước hết cần nâng cao năng lực tài chính của cả ngân hàng và doanh nghiệp.

Muốn vậy, tài chính của doanh nghiệp phải lành mạnh, minh bạch có độ tin cậy cao với ngân hàng, đảm bảo mọi khoản vốn và tài sản được quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Để thực hiện được, doanh nghiệp cần phải có một hệ thống kiểm soát nội bộ, các quy trình, quy tắc quản trị… và kiểm toán nội bộ cũng như kiểm toán dịch vụ từ bên ngoài.

Một số ngân hàng đưa ra kinh nghiệm, các doanh nghiệp nhỏ và vừa khi có nhu cầu vốn, nên tiếp cận các chi nhánh hoặc điểm giao dịch quy mô nhỏ và vừa của ngân hàng, thay vì cứ đến hội sở hoặc điểm giao dịch lớn, vì thông thường, tại các điểm giao dịch nhỏ, khách hàng có khoản vốn vay vừa phải sẽ được tư vấn và chăm sóc tốt hơn.

Tuy nhiên, theo những ngân hàng này, để được xét duyệt hồ sơ tín dụng cấp vốn vay, các doanh nghiệp cần chú trọng 4 điều kiện tín dụng: kinh nghiệm và nhân thân; ngành, lĩnh vực hoạt động; dòng tiền của doanh nghiệp; tài sản đảm bảo của doanh nghiệp khi tiếp cận vốn vay.

Theo đánh giá của các ngân hàng, khả năng lãi suất cho vay thỏa thuận sẽ tiếp tục giảm thêm và dần dần đi vào ổn định. Vì thế, các doanh nghiệp có phương án sản xuất, kinh doanh và đáp ứng đủ điều kiện tín dụng nên mạnh dạn tiếp cận vốn vay ngân hàng./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục