Mô hình cộng đồng quản lý, cấp nước đạt hiệu quả

Để có nước sinh hoạt cho người dân vùng cao, Hòa Bình thí điểm mô hình cộng đồng khai thác, quản lý hiệu quả nguồn nước sinh hoạt.
Để có nước sinh hoạt cho người dân vùng cao, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức thí điểm mô hình cộng đồng khai thác, quản lý hiệu quả nguồn nước sinh hoạt, trước mắt là lo nước cho mùa khô năm 2010 theo dự báo là khá gay gắt.

Mô hình cộng đồng khoan giếng và quản lý, sử dụng nước giếng khoan phục vụ sinh hoạt ở xóm Dụ 6, xã Mông Hòa, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) được đầu tư hơn 14 triệu đồng, trong đó dân đóng góp gần 4,5 triệu đồng, chủ yếu bằng công lao động, số vốn còn lại do cơ quan Hợp tác và phát triển Thụy Sỹ tài trợ.

Đến nay, mô hình đã hoàn thành và đưa giếng khoan vào sử dụng, cung cấp nước sạch bền vững đến tận nhà cho 13 hộ dân tộc thiểu số trong xóm, chấm dứt những cơn “khát” trong mùa khô. Có giếng khoan, người dân không phải mất nhiều thời gian từ 3-4 tiếng đồng hồ mỗi ngày đi xa gánh nước.

Mô hình cộng đồng khai thác, quản lý, sử dụng nguồn nước tự chảy ở xóm Đoàn Kết 1, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, do dân điều hành quản lý được đầu tư hơn 15 triệu đồng, trong đó dân tự nguyện đóng góp hơn 6 triệu đồng, còn lại là vốn tài trợ.

Đến nay, người dân đã khắc phục nhiều khó khăn trong vận chuyển nguyên vật liệu của vùng cao, lắp đặt được đường ống chính dài 1.400m, xây dựng một bể chứa nước sạch 4m3, lắp đặt hệ thống ống nước chân rết từ bể chứa về tận từng hộ dùng nước dài từ 1.190-1.530m.

Ngoài ra, đến nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình còn xây dựng được hàng chục mô hình cộng đồng khai thác, quản lý, sử dụng nước sinh hoạt cho vùng cao hiệu quả như bể chứa nước mưa, hồ chứa nước tự nhiên./.

Quốc Trị (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục