Mô hình kinh doanh mới của hàng không giá rẻ

Hãng Jetstar sẽ cắt giảm chi phí bằng cách cho hành khách thuê phim và sử dụng các thiết bị hạng nhẹ để giảm tiêu tốn nhiên liệu.
Các hãng hàng không Qantas Airways và AirAsia đang thách thức với Singapore Airlines và các hãng hàng không dịch vụ trọn gói khác bằng một mô hình kinh doanh giá vé rẻ, đường bay dài mà vốn trước đây từng bị thất bại.

Hãng Jetstar, một chi nhánh của Qantas, sẽ bắt đầu thực hiện các chuyến bay đường dài giá rẻ từ Singapore vào cuối năm nay. Hãng này sẽ cắt giảm chi phí bằng cách cho hành khách thuê phim và sử dụng các thiết bị hạng nhẹ để giảm tiêu tốn nhiên liệu.

Trong khi AirAsia X, hãng hàng không trong năm 2009 đã chuyên chở được một triệu lượt khách và có một phần sở hữu của AirAsia, sẽ tìm mọi cách để thu hút thêm hành khách đi trên các chuyến bay của họ được nhiều hơn các hãng hàng không dịch vụ trọn gói tới 35% nhằm cắt giảm chi phí.

Hai hãng hàng không này còn nhận được sự hỗ trợ của các hãng hàng không khác, theo đó, AirAsia X có thể bay từ Kuala Lumpur tới khoảng 70 thành phố thông qua sự liên kết với AirAsia, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á. Nhờ sự liên doanh, liên kết, các hãng vận tải hàng không đường dài có thể tránh được số phận của Oasis Hong Kong Airlines và Zoom Airlines của Anh, hai hãng phải ngừng bay vào năm 2008.

Nhà phân tích thuộc viện nghiên cứu UOB-Kay Hian của Singapore, K.Ajith cho rằng mô hình giá rẻ, đường dài đang làm biến đổi toàn bộ khung cảnh vận tải hàng không ở châu Á. Các hãng hàng không giá rẻ có thể là một lực lượng được coi là quan trọng trong tương lai vì nếu họ có một mạng lưới vững mạnh và có thể phát triển được, họ sẽ có khả năng hút được khách của các hãng hàng không có uy tín khác.

Giá vé của hãng Airasia X cho một chuyến bay từ Kuala Lumpur tới sân bay Stansted, cách ngoại ô London 640km chỉ từ khoảng 400 USD. Giá vé hạng phổ thông trên các chuyến bay của Malaysian Airlines, hãng hàng không lớn nhất của Malaysia, tới sân bay Heathrow chỉ vào khoảng từ 645 USD trong khi giá vé của hãng Singapore Airlines từ Singapore cũng đến sân bay này lại là 1.067 USD.

Malaysian Airlines không có ý định cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ hàng không có giá vé rẻ nhất mà hãng này nhằm vào các đối tượng hành khành đi lại không chỉ quyết định dựa trên giá vé.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu không liên doanh, liên kết mà chỉ dựa vào thị trường bay giữa hai địa điểm thì nguy cơ vỡ nợ là điều rất có thể, bởi lẽ các chuyến bay thường ngày sẽ không có đủ khách. Sở dĩ Oasis Hong Kong, bay tới London và Vancouver, và hãng hàng không liên Đại Tây Dương Zoom bị phá sản bởi hai hãng này không có được những đối tác tốt như AirAsia X từng có với AirAsia và Jetstar liên kết với Qantas đồng thời cộng tác với Air France-Tập đoàn KLM, hãng hàng không lớn nhất của châu Ấu.

AirAsia X sẽ cắt giảm chi phí bằng cách rút số chiêu đãi viên trên mỗi chuyến bay còn lại ít hơn so với các hãng hàng không khác vị họ chỉ phải phục vụ các bữa ăn mà khách đặt hàng. Với phương thức này, hãng tiết kiệm được tới 100 USD trên mỗi đầu khách.

Jetstar cũng liên doanh với AirAsia hồi tháng Giêng nhằm cắt giảm chi phí phụ tùng thay thế và các dịch vụ dưới mặt đất. Năm ngoái, chi phí của AirAsia X cho mỗi ghế bay/km là 2,8 cent, của Jestar là 5,7 cent trong sáu tháng kết thúc hồi tháng 12/2009. Trong khi đó, chi phí của Singapore Airlines trung bình là 6,2 cent hồi năm ngoái.

Các hãng hàng không giá rẻ có thể giảm giá tới 30%, kể cả đối với các chuyến bay đường dài, vào năm 2015 so với 20% hiện nay.

Hãng Singapore Airlines có thể đối chọi được với sự cạnh tranh giá rẻ bằng cách trông cậy vào số hành khách hạng sang, những người đóng góp tới 40% doanh thu của hãng này bởi nhiều hành khách hiện đang đi vé hạng phổ thông của các hãng hàng không dịch vụ trọn gói có thể cũng không sẵn lòng từ bỏ những dịch vụ tiện nghi để chuyển sang đi hạng vé rẻ hơn.

Mô hình hoạt động giá vé rẻ, đường bay dài có tiềm năng lớn ở châu Á vì các hãng hàng không dịch vụ trọn gói có chi phí cao hơn./.

Thanh Thủy/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục