Mô hình phát triển của Mỹ chiếm ưu thế trước Trung Quốc tại châu Phi

Trên 18 quốc gia được khảo sát, 32% ưa thích mô hình phát triển của Mỹ, trong khi 23% ưa thích mô hình của Trung Quốc. Nhìn chung, tỷ lệ này không thay đổi nhiều kể từ năm 2014-2015.
Mô hình phát triển của Mỹ chiếm ưu thế trước Trung Quốc tại châu Phi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Trang mạng Đối thoại (The Conversation) vừa đăng bài phân tích của Folashade Soule, cộng tác viên nghiên cứu cấp cao tại Đại học Oxford, và Edem E. Selormey, Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển dân chủ Ghana, về kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu toàn châu Phi Afrobarometer đối với nhận thức của người dân châu Phi về Trung Quốc và các đối tác khác.

Nội dung như sau:

Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) đã trải qua 20 năm.

FOCAC tiếp theo dự kiến được tổ chức vào tháng 9/2021 tại Dakar, Senegal, trong bối cảnh các quan chức Trung Quốc và châu Phi đang xem xét và đánh giá về quá trình hợp tác này.

Sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc với châu Phi đã có tác động tích cực, dù không đồng đều, đối với tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa kinh tế, tạo việc làm và kết nối của châu Phi.

Quan hệ Trung Quốc-châu Phi chủ yếu diễn ra ở cấp độ quan hệ chính phủ với chính phủ. Nhưng nhận thức và cuộc sống của những người dân cũng cần được xem xét sâu sắc hơn.

Năm 2016, Viện nghiên cứu toàn châu Phi Afrobarometer đã công bố nghiên cứu đầu tiên về cảm nhận của người châu Phi đối với sự can dự của chính phủ họ với Trung Quốc.

Nghiên cứu cho thấy 63% công dân được khảo sát từ 36 quốc gia nói chung có đánh giá tích cực đối với sự trợ giúp của Trung Quốc về cơ sở hạ tầng, các dự án phát triển và đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi.

[Những lầm tưởng về đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi]

Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng của các sản phẩm Trung Quốc đã làm xấu đi hình ảnh của cường quốc châu Á này.

Năm 2019-2020, Afrobarometer đã tiến hành cuộc khảo sát toàn diện khác.

Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 18 quốc gia trước đại dịch COVID-19, tiến hành khảo sát trực tiếp những nhóm người được chọn ngẫu nhiên dựa trên ngôn ngữ mà người trả lời lựa chọn.

Các câu hỏi khảo sát bao gồm nhận thức của người dân châu Phi về các khoản vay từ Trung Quốc và việc trả nợ, cũng như sự phụ thuộc của châu Phi vào Trung Quốc để phát triển.

Những phát hiện sơ bộ cho thấy phần lớn người châu Phi vẫn ưa thích mô hình phát triển của Mỹ hơn của Trung Quốc; ảnh hưởng của Trung Quốc phần lớn vẫn được coi là tích cực đối với châu Phi và những người châu Phi nhận thức được các khoản vay của Trung Quốc cho rằng quốc gia của họ đã vay quá nhiều.

Điều này rất quan trọng trong bối cảnh các nhà lãnh đạo châu Phi và Trung Quốc đều đang đánh giá sự can dự trong 20 năm qua, do đó những phát hiện này sẽ cho phép hau bên xây dựng một mối quan hệ hướng tới tương lai, phản ánh tốt hơn ý kiến và nhu cầu của người dân châu Phi.

Mô hình phát triển Mỹ hay Trung Quốc?

Các cuộc khảo sát cho thấy người châu Phi ưa thích mô hình phát triển của Mỹ hơn so với mô hình của Trung Quốc.

Mô hình phát triển của Trung Quốc xoay quanh việc hoạch định chính sách do nhà nước lãnh đạo trong khi mô hình của Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường tự do.

Trên 18 quốc gia được khảo sát, 32% ưa thích mô hình phát triển của Mỹ, trong khi 23% ưa thích mô hình của Trung Quốc. Nhìn chung, tỷ lệ này không thay đổi nhiều kể từ năm 2014/15, nhưng một số thay đổi cấp quốc gia đã xuất hiện.

Tại Lesotho và Namibia, Mỹ đã vượt qua Trung Quốc với tư cách là đối tác phát triển ưu tiên. Ở Burkina Faso và Botswana, Trung Quốc được ưa chuộng hơn Mỹ.

Người Angola và Ethiopia (không tham gia cuộc khảo sát 2014-2015) lựa chọn mô hình Mỹ. Tuy nhiên, 57% người Ethiopia và 43% người Angola tin rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đang có tác động tích cực đến quốc gia của họ.

Các nhà phân tích cho rằng mô hình phát triển của Trung Quốc mang tính năng động và đa diện, thay đổi theo thời gian tùy thuộc vào bối cảnh và thời kỳ.

Các chính phủ châu Phi cần quyết định những khía cạnh nào của mô hình Trung Quốc là tốt nhất cho quốc gia của họ.

Xem xét kỹ hơn các phản hồi từ các cuộc khảo sát 2014/15 và 2019/20 cho thấy ở các quốc gia mà Trung Quốc đầu tư chủ yếu vào cơ sở hạ tầng, nhận thức đã ổn định hoặc trở nên tích cực hơn, như tại Ghana, Nigeria, Uganda, Guinea và Côte d’Ivoire.

Trung Quốc ngày càng nổi tiếng hơn tại khu vực Sahel

Nhận thức của người dân khu vực Sahel về Trung Quốc thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Một số nước Sahel nằm trong số những quốc gia bị bỏ rơi và xung đột nhiều nhất trên thế giới.

Về mặt chiến lược, Trung Quốc đã tham gia sâu vào các hoạt động an ninh và phát triển, các dự án cơ sở hạ tầng kết nối với sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), cũng như các hoạt động hòa bình và an ninh trong khu vực.

Chẳng hạn, ở Burkina Faso, mức độ phổ biến của mô hình phát triển Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi, từ 20% lên 39%, trong 5 năm kể từ cuộc khảo sát trước.

Tại Guinea, nơi các công ty Trung Quốc chủ yếu tham gia vào các dự án khai khoáng, 80% người dân sở tại cho rằng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc là tích cực, tăng 4 điểm phần trăm so với 5 năm trước.

Nhìn chung, sự tham gia ngày càng tăng của Trung Quốc vào khu vực Sahel dường như đã tác động mạnh mẽ đến quan điểm của người dân về cường quốc này.

Cơ hội kinh tế và vấn đề trả nợ

Đa số người dân châu Phi cho rằng các hoạt động kinh tế của Trung Quốc có "một số" hoặc "rất nhiều" ảnh hưởng đến nền kinh tế của quốc gia họ.

Nhưng theo cảm nhận của người được khảo sát, mức độ ảnh hưởng đã giảm từ 71% trong năm 2014-2015 xuống còn 56% vào năm 2019-2020 ở 16 quốc gia được khảo sát trong cả hai vòng.

Trong khi 60% người châu Phi được khảo sát cho rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với đất nước của họ là tích cực, thì nhận thức này đã giảm từ 65% xuống còn 60% trên 16 quốc gia.

Thay vào đó, các cường quốc châu Phi trong khu vực, các tổ chức khu vực và Liên hợp quốc, cũng như Nga đạt điểm cao về ảnh hưởng tích cực; 38% số người được khảo sát đánh giá tốt về Nga.

Điều này có thể phản ánh sự tham gia ngày càng tăng về chính trị, kinh tế và an ninh của Nga với châu Phi, cũng như vai trò của các phương tiện truyền thông Nga như Russia Today và Sputnik.

Một nghiên cứu gần đây về nội dung truyền thông kỹ thuật số ở Tây Phi thuộc Cộng đồng Pháp ngữ cho thấy cách thức nội dung kỹ thuật số được các cơ quan truyền thông này chuyển tải đã nhanh chóng xâm nhập vào không gian truyền thông châu Phi.

Cuộc khảo sát của Afrobarometer cho thấy chưa đến một nửa (48%) người dân châu Phi biết về các khoản vay hoặc hỗ trợ tài chính của Trung Quốc cho đất nước của họ.

Trong số những người nhận thức được về sự trợ giúp của Trung Quốc, hơn 77% lo ngại về việc trả nợ. Đa số (58%) cho rằng chính phủ của họ đã vay quá nhiều tiền từ Trung Quốc.

Tại các quốc gia nhận được nhiều khoản vay của Trung Quốc nhất, người dân bày tỏ lo lắng về việc mắc bẫy nợ, như Kenya, Angola và Ethiopia với các tỷ lệ lần lượt 87%, 75% và 60% công dân lo ngại về gánh nặng nợ nần.

Bài học kinh nghiệm

Dữ liệu mới nhất của Afrobarometer mang đến những bài học cho cả các nhà phân tích về quan hệ Trung Quốc-châu Phi và các nhà lãnh đạo châu Phi.

Trước hết, không có sự độc quyền hay cuộc đua độc quyền song mã về ảnh hưởng ở châu Phi. Người dân châu Phi cho rằng ngoài Mỹ và Trung Quốc, một loạt yếu tố thuộc châu Phi và ngoài châu Phi có ảnh hưởng đến chính trị và kinh tế đối với quốc gia và tương lai của họ. Các tác nhân này bao gồm Liên hợp quốc, các cường quốc khu vực châu Phi và Nga.

Kết quả khảo sát cho thấy mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc vẫn mạnh mẽ và tích cực trong mắt người dân, nhưng mức độ đã giảm so với 5 năm trước.

Sự sụt giảm này cũng có thể liên quan đến nhận thức về các khoản vay và hỗ trợ tài chính, được đóng khung bởi câu chuyện "bẫy nợ" và cáo buộc liên quan Trung Quốc thu giữ tài sản của nước đối tác nếu không đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục