Mô hình sấy thảo quả tiết kiệm nhiên liệu, thời gian

Với lò sấy kiểu mới được xây khép kín, có thể sấy 3-5 tạ thảo quả tươi, giảm thời gian sấy xuống một nửa và chỉ tốn một lượng củi nhỏ.
Để được một tạ thảo quả khô, người trồng thảo quả phải mất ít nhất 2m3 củi.

Năm ngoái, gia đình thu gần 5 tạ thảo quả khô, cả nhà phải đào lò và chặt hàng chục cây gỗ to mới đủ củi sấy khô toàn bộ thảo quả được thu hái từ trên nương về.

Nhưng năm nay, nhờ Nhà nước hỗ trợ vật liệu và hướng dẫn kỹ thuật sấy thảo quả theo phương thức mới mà lượng củi chỉ tiêu tốn khoảng 1/4, chất lượng quả sấy vẫn tốt, thời gian cũng giảm một nửa.

Đây là ý kiến của ông Sùng A Dé, một trong những hộ trồng nhiều thảo quả nhất ở Mường Hum, huyện Bát Xát, Lào Cai.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có trên 8.800ha thảo quả, tập trung ở huyện Bát Xát, Văn Bàn, Sa Pa. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch lên đến trên 7.400ha, sản lượng trung bình khoảng 1.200 tấn/năm. Với sản lượng này, nếu dùng hình thức sấy thủ công sẽ tốn một lượng củi lớn, xâm hại đáng kể vào gỗ rừng.

Để khắc phục tình trạng này, sau nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm thành công mô hình sấy thảo quả theo phương pháp mới, năm nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã mở rộng mô hình lò sấy thảo quả theo hướng tiết kiệm củi tại các huyện Văn Bàn 10 mô hình/10 xã, Sa Pa 13 mô hình/13 xã, Bát Xát 17 mô hình/14 xã.

Các hộ thực hiện mô hình này được dự án hỗ trợ một phần nguyên vật liệu xây lò và hướng dẫn kỹ thuật sấy thảo quả.

Cũng theo ông Sùng A Dé, với lò sấy kiểu mới được xây dựng khép kín, nhiều tầng một lúc có thể sấy được 3 đến 5 tạ quả tươi, giảm thời gian sấy xuống một nửa so với các năm trước; đầu tư xây lò sấy tuy có tăng đôi chút, nhưng sử dụng được nhiều năm và tận dụng được các loại nhiên liệu rẻ như rơm để sấy, không nhất thiết phải củi to như trước đây.

Việc ứng dụng rộng rãi mô hình lò sấy thảo quả kiểu mới kết hợp với quy hoạch diện tích đến các khu rừng được trồng thảo quả, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân sẽ góp phần bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường tự nhiên./.

Lục Văn Toán (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục