Mở ra nhiều cơ hội cho các nhà phát triển game Việt Nam

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số, ngành công nghiệp game cũng đang phát triển với quy mô, tốc độ tăng trưởng cao.
Mở ra nhiều cơ hội cho các nhà phát triển game Việt Nam ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AdobeStock)

Theo dự báo của Newzoo, thị trường Game toàn cầu ước tính sẽ vượt mốc 200 tỷ USD vào năm 2023, đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với thị trường Game toàn cầu.

Thị trường trò chơi điện tử đang ngày càng trở nên sôi động và bắt đầu có những đóng góp rõ rệt vào nền kinh tế toàn cầu.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và quá trình chuyển đổi số, ngành công nghiệp game cũng đang phát triển với quy mô, tốc độ tăng trưởng cao, có nhiều cơ hội trở thành ngành xuất khẩu mới, giá trị cao, hỗ trợ quá trình hồi phục kinh tế.

Thị trường giàu tiềm năng

Nhận định về sự phát triển của game Việt, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do cho biết thời gian qua, thị trường game sôi động đã mở ra cơ hội cho các studio, nhà phát hành game có cơ hội thể hiện năng lực sản xuất vượt trội của đội ngũ nhân sự người Việt.

Theo bảng xếp hạng của App Annie 2020, Việt Nam đứng thứ 7 trên thế giới, thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á về số lượng game download (tải về). Ngoài ra, Việt Nam cũng xếp thứ 3 trong top 10 các nhà sản xuất ứng dụng game của khu vực; cứ 25 games được download, có 1 game sản xuất tại studio Việt Nam.

[Lần đầu tiên có một giải thưởng dành cho cộng đồng game Việt Nam]

Còn theo số liệu thống kê của Sensor Tower và Câu lạc bộ game studio Việt Nam, hiện có khoảng 5000 game do người Việt sản xuất, trong đó tập trung chủ yếu vào các đề tài, nội dung dành cho trẻ em, giải trí, giáo dục.

Ông Lê Quang Tự Do cho rằng lĩnh vực sản xuất game phát triển đã đem đến nhiều cơ hội về việc làm, mức lương hấp dẫn cho các vị trí sản xuất trò chơi tại Việt Nam, với mức lương trung bình cho vị trí Game Developer (nhân viên lập trình game) khoảng 187 triệu đồng/năm, vị trí Game Artist (nghệ sỹ game -người vẽ hình ảnh cho game dưới hình thức 2D và 3D) khoảng 389 triệu đồng/năm.

Đây là mức lương cao so với mặt bằng thu nhập chung của người Việt Nam. Bên cạnh đó, ngành game còn mở rộng ra nhiều loại hình đa dạng, như marketing, quảng cáo, streamer (những người thực hiện việc phát sóng trực tiếp cho người xem thông qua một nền tảng online trực tuyến).

Hiện nay, nhiều cơ sở đào tạo các chuyên ngành liên quan đến game, như lập trình, thiết kế, đồ họa,… cũng đã được các trường đại học, Trung tâm đào tạo chú trọng, bổ sung, đáp ứng nhu cầu đào tạo, cung cấp nhân lực có trình độ, chuyên môn cao cho ngành game trong nước.

Doanh thu ngành game trong nước những năm qua cũng đã có sự tăng trưởng dương. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, doanh thu ngành game năm 2021 đạt hơn 7 nghìn tỷ đồng, dự kiến sẽ đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng vào năm 2022.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được coi là “đại lộ giao thương” của các công ty phát hành game online hàng đầu trên thế giới đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và khu vực Bắc Mỹ với lợi thế về dân số trẻ, dễ dàng thích nghi và tiếp nhận làn sóng công nghệ mới.

Nhất là từ năm 2021, Việt Nam nổi lên như một “thủ phủ” của game ứng dụng công nghệ blockchain, NFT với hàng loạt tựa game do người Việt sản xuất, phát hành. Thông qua game, Việt Nam có thể xuất khẩu văn hóa ra thế giới.

Nhận thấy được tiềm năng, giá trị kinh tế khổng lồ ngành game mang lại, các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam đang dần tận dụng được lợi thế này để xây dựng “đòn bẩy” cho nền kinh tế của nước nhà.

Ông Phạm Văn Thành, Giám đốc phụ trách game, Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện (VTC) cho rằng dân số trẻ với hơn một nửa ở độ tuổi dưới 25, cùng với sự phổ biến của Internet và tỷ lệ sử dụng thiết bị di động cao đứng thứ 5 thế giới về tỷ lệ thuê bao điện thoại so với dân số; đứng vị trí thứ 10 trong danh sách các nước có số lượng người dùng smartphone nhiều nhất thế giới (tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 2 sau Indonesia) là những ưu thế quan trọng cho sự đột phá của thị trường game Việt Nam. Hơn nữa, chơi game đã trở thành hình thức giải trí không chỉ của trẻ em, mà cả nhiều người trưởng thành.

Theo Statista, Việt Nam là nước có tỷ lệ người trưởng thành độ tuổi từ 18 đến 64 chơi game trên các thiết bị điện tử cao nhất trên thế giới. Báo cáo của Adsota cho biết, tỷ lệ người Việt Nam chơi game hằng ngày đứng thứ 4, đồng thời dẫn đầu về tỷ lệ người chơi tìm trò chơi mới mỗi tuần trong số những nước được khảo sát như Brazil, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh và Hàn Quốc (năm 2020).

Ngoài ra, theo Báo cáo của We are social 2022, có 92% người Việt Nam đã từng chơi game trên ít nhất một thiết bị, thể hiện sự phổ biến của digital game trong đời sống của chúng ta. Trong đó chủ yếu chơi game trên smartphone (85%), PC (44,4%), Tablet (22,6%), Console (8,6%).

Bên cạnh là một thị trường giàu tiềm năng về khai thác doanh thu trong lĩnh vực game, Việt Nam từ nhiều năm đã trở thành địa chỉ “outsource” (thuê ngoài) đáng tin cậy của các công ty phát hành game lớn trên thế giới.

Có rất nhiều tựa game nổi danh được sản xuất bởi đội ngũ nhân sự 100% người Việt, như Free Fire, Caravan War, Game 7554, I Squad, Arena of Survivors,...

Tuy nhiên, bên cạnh tiềm năng phát triển, ngành game ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những rào cản để vươn lên phát triển. Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự do chỉ rõ khó khăn và là rào cản lớn nhất, cản trở sự phát triển của ngành game trong nước chính là định kiến của xã hội về ngành game Việt, chưa coi là ngành công nghiệp giải trí nhân lực cao.

Bên cạnh đó, việc đánh thuế cao, cũng như hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán trong game chưa được hoàn thiện đang phần nào hạn chế tiềm năng phát triển, buộc các doanh nghiệp phải đăng ký thành lập, đặt trụ sở, gọi vốn đầu tư từ thị trường nước ngoài.

Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, nhiều dịch vụ phát sinh cùng với các trò chơi trực tuyến như blockchain, tài sản mã hóa, tiền ảo,… nhưng chưa có hành lang pháp lý dẫn đến nhiều rủi ro; xu thế lừa đảo người dùng qua không gian mạng từ đó cũng gia tăng nhiều hơn.

Việc sản xuất game Việt chưa được chú trọng mặc dù tiềm năng phát triển lớn và đang được coi là một trong những ngành xuất khẩu được sản phẩm nội dung số của Việt Nam ra thế giới.

Việt Nam hiện có gần 200 công ty phát hành, sản xuất game trong nước. Khoảng 900 game G1 và hơn 10.000 game G2, G3, G4 đang phát hành tại Việt Nam.

Tuy nhiên, 88% game G1 - thể loại game có hàm lượng gia công cao lại đến từ nước ngoài. Thị trường game Việt Nam đang trở thành nơi để các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, thay vì người Việt làm chủ.

Trong lĩnh vực game, Việt Nam có nhiều công ty, doanh nghiệp, cá nhân làm game xuất sắc, trong đó có 1 kỳ lân công nghệ về game. Khoảng 50% các tựa game hot nhất hiện nay có bàn tay tham gia của người Việt, thế nhưng chúng ta lại đang làm thuê, gia công cho nước ngoài.

Nhiều tựa game hay do Việt Nam sản xuất chỉ phát hành ra thị trường toàn cầu, thậm chí có công ty đặt trụ sở ở Singapore. Điều này có nghĩa, người Việt Nam giỏi, doanh nghiệp Việt Nam giỏi, nhưng đóng góp của ngành game cho sự phát triển của đất nước còn hạn chế.

Mặt hạn chế khác là game không phép, cờ bạc, bạo lực,… cung cấp xuyên biên giới ngày càng gia tăng mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực rà soát, ngăn chặn truy cập vào các website cung cấp game vi phạm và yêu cầu các kho ứng dụng chặn, gỡ bỏ.

Sự nổi lên của nhiều game xuyên biên giới không phép, phát hành qua kho ứng dụng Apple Store, Google Play đã gây thiệt hại lớn cho thị trường game Việt Nam. Theo đó, doanh thu từ game “lậu” chiếm khoảng 30% doanh thu toàn thị trường game. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh, suy giảm doanh thu, lợi nhuận, mất khách hàng.

Định hình phong cách và thương hiệu game Việt

Đánh giá về tiềm năng thị trường game Việt Nam, bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam cho rằng, thị trường game Việt Nam với lực lượng lập trình viên, các kỹ sư, nhà sáng tạo game có chất lượng tốt. Việt Nam có cơ hội lớn đối với lĩnh vực gaming. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam thúc đẩy lĩnh vực này và mở ra cơ hội cho các nhà phát triển game.

Mở ra nhiều cơ hội cho các nhà phát triển game Việt Nam ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Riêng trong năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng số. Cuộc sống số đã trở nên thường nhật, trong đó game là lĩnh vực chiếm tỉ trọng lớn. Thông qua các tựa game kinh điển, dịch vụ sáng tạo nội dung, phát triển các game hiện đại và mở rộng hợp tác chiến lược với các đơn vị tiên phong sẽ tạo ra bước tiến đột phá, góp phần tạo ra giá trị lớn cho nền kinh tế số của Việt Nam - bà Nguyễn Quỳnh Trâm nói.

Năm 2021, Liên minh các nhà sản xuất và phát hành trò chơi điện tử trên mạng tại Việt Nam đã chính thức được thành lập với tên gọi VGDA (Vietnam Game Development Alliance). Đến nay, Liên minh đã thu hút và tập hợp được gần 60 thành viên đang hoạt động trong lĩnh vực trò chơi điện tử trên mạng, trong đó Ban Điều phối có 10 thành viên: VNG, Vietnam Esports, GOSU Corp, SohaGame, VTC Game, Gamota, Funtap, Viettel Media, Travellet, Solaplay.

Với tinh thần chung là “Đoàn kết chia sẻ-Không ngừng đổi mới,” Liên minh Game có sứ mệnh dẫn dắt các tổ chức, công ty, đơn vị trong ngành game Việt đi đúng hướng, bắt kịp xu thế toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng hình ảnh game Việt có bản sắc, định hình phong cách và thương hiệu game Việt...

Đồng thời, cuối năm 2022, lần đầu tiên, Ngày hội Game Việt Nam 2023 - Vietnam GameVerse 2023 đã được tổ chức, nhằm tạo sân chơi lành mạnh cho những người yêu game có cơ hội gặp gỡ và giao lưu chia sẻ kinh nghiệm. Chương trình sẽ diễn ra từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023 với nhiều hoạt động mới mẻ, đa dạng.

Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tạo dựng môi trường cho các doanh nghiệp sản xuất và phát hành giới thiệu, quảng bá game ra thị trường, mở ra cơ hội kết nối giữa các startup game trong và ngoài nước với các nhà đầu tư. Đồng thời, đây cũng là nơi thảo luận về chính sách, cơ chế, các vấn đề được quan tâm giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị trong ngành công nghiệp game.

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực game trong giai đoạn 2022-2027. Mục tiêu của chiến lược là đề xuất các chính sách để bảo vệ, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất game phát triển ở Việt Nam; giảm phụ thuộc vào game nước ngoài trong mảng phát hành và tăng doanh thu cho các doanh nghiệp trong nước.

Để có những bước đi, giải pháp phù hợp cũng như khai phá đánh thức ngành game Việt, chiếm lĩnh thị trường, dần thay thế game nhập khẩu rất cần những thay đổi và giải pháp tổng thể.

Dưới góc độ quản lý, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã đề ra các giải pháp: hoàn thiện môi trường pháp lý và có nhiều chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế đối với game sản xuất và phát hành tại Việt Nam; cắt giảm các điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong cấp phép phát hành game; xây dựng chính sách hỗ trợ đầu tư, đặt hàng làm game về giáo dục, lịch sử, game phục vụ công việc chuyên môn; giới hạn tỷ lệ cấp phép phát hành game nhập khẩu từ nước ngoài; thí điểm cho phép phát hành thử nghiệm đối với game do Việt Nam sản xuất có nội dung giáo dục.

Cơ quan quản lý cũng sẽ đẩy mạnh việc đấu tranh, ngăn chặn việc phát hành game vi phạm pháp luật tại Việt Nam; yêu cầu các trung gian thanh toán không kết nối thanh toán cho các game vi phạm pháp luật Việt Nam; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chú trọng giám sát cảnh báo sớm, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh game.

Đồng thời, ngành chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành game; thành lập Hiệp hội trò chơi điện tử trên mạng, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Startup công nghệ và game Việt Nam để nghiên cứu, phát triển công nghệ mới cho thị trường game; kết nối các quỹ đầu tư mạo hiểm, vườn ươm khởi nghiệp hỗ trợ các nhóm phát triển game trẻ; xây dựng mạng lưới các trung tâm dữ liệu toàn cầu để cung cấp cho các nhà phát triển, phát hành game tại thị trường Việt Nam.

Gắn phát triển game với phát triển thể thao điện tử, đồng thời truyền thông nhằm thay đổi định kiến của xã hội đối với ngành game.

Cũng theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, các doanh nghiệp sản xuất, phát hành game cần ưu tiên tập trung hợp tác, phát hành các dòng game trong nước, đặt lợi ích cộng đồng lên trên hết để phát triển bền vững, dài hơi; hỗ trợ các cộng đồng game nhỏ, chia sẻ kinh nghiệm, đặc biệt là các công ty startup vừa bước vào ngành, từ đó, xây dựng một hệ sinh thái ngành game lành mạnh, bền vững tại Việt Nam.

Tích cực mở rộng thị trường, xuất khẩu game ra nước ngoài. Xu thế này dự kiến sẽ đem lại doanh thu to lớn cho các doanh nghiệp sản xuất game, đồng thời góp phần rất lớn trong việc quảng bá văn hóa, hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển ngành game trong nước - ngành “công nghiệp không khói” tạo ra doanh thu và lợi nhuận cao, lại phù hợp với các doanh nghiệp Việt, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã trình Chính phủ bổ sung điều chỉnh một loạt quy định quản lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và chơi game của người dân, để hạn chế tối đa những mặt trái của game, nhất là đối với trẻ em - ông Lê Quang Tự Do chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục