Mở rộng phạm vi công chứng, giảm tải cho cơ quan hành chính

Chiều 28/5, Quốc hội làm việc tại hội trường; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công chứng (sửa đổi).
Mở rộng phạm vi công chứng, giảm tải cho cơ quan hành chính ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chiều 28/5, Quốc hội làm việc tại hội trường; thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật công chứng (sửa đổi). Dự án Luật này cũng đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.

Các ý kiến tại buổi làm việc xoay quanh một số nội dung cơ bản của dự án Luật Công chứng (sửa đổi) như phạm vi công chứng; việc miễn đào tạo nghề công chứng và độ tuổi hành nghề của công chứng viên; tổ chức hành nghề công chứng; tổ chức xã hội-nghề nghiệp của công chứng viên.

Giao thêm quyền hạn cho công chứng viên

Thảo luận về dự thảo Luật, đối với việc mở rộng phạm vi hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng, của công chứng viên, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội tán thành giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước để tạo thuận tiện cho người dân cũng như giảm áp lực công việc cho các cơ quan hành chính.

Các đại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa); Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc); Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tán thành mở rộng phạm vi hoạt động công chứng, cho phép công chứng viên được quyền công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ phù hợp với năng lực và điều kiện thực tế của các tổ chức này, đồng thời bảo đảm tốt hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận dịch vụ chứng nhận bản dịch.

Việc mở rộng thẩm quyền chứng thực bản dịch giấy tờ cho công chứng viên nhằm bảo đảm tốt hơn cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công chứng trong điều kiện các giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại ngày càng đa dạng, phong phú và phức tạp.

Song các ý kiến cũng đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định công chứng viên cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch và việc chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội nhằm đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này.

Đại biểu Huỳnh Nghĩa đề nghị cần mở rộng hơn nữa phạm vi các hoạt động công chứng thông qua việc công chứng các bản dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân. Tuy nhiên, dự luật cũng cần có quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người dịch nếu dịch sai.

Cân nhắc việc giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên

Về độ tuổi hành nghề của công chứng viên, buổi làm việc ghi nhận các ý kiến khác nhau. Có đại biểu tán thành với phương án quy định công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ.

Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng công chứng là một nghề nghiệp như nhiều ngành nghề khác trong xã hội, có thể kéo dài mà không cần thiết phải quy định tuổi về hưu.

Xung quanh hình thức tổ chức văn phòng công chứng một số ý kiến đề nghị nên thành lập các văn phòng công chứng có từ hai công chứng viên trở lên để bảo đảm duy trì một cách thường xuyên, có hiệu quả hoạt động của các văn phòng này, đồng thời có sự bổ túc, giám sát lẫn nhau giữa những người cùng hành nghề.

Các đại biểu đề nghị quy định rõ trong Luật nguyên tắc văn phòng công chứng phải do ít nhất từ hai công chứng viên trở lên thành lập; ở địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, có thể cho phép một công chứng viên thành lập văn phòng công chứng.

Để ngăn chặn tình trạng thành lập văn phòng công chứng rồi chuyển nhượng để thu lợi, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung quy định công chứng viên đã chuyển nhượng văn phòng công chứng thì sẽ không được thành lập văn phòng công chứng trong vòng 5 năm và bổ sung quy định chỉ được chuyển nhượng sau 2 năm kể từ khi thành lập văn phòng công chứng.

Để dự án Luật nhanh chóng phát huy hiệu quả khi đi vào đời sống xã hội, một số ý kiến cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cụ thể hóa nhiều hoạt động công chứng, tránh việc chờ Nghị định hướng dẫn thi hành. Dự luật cũng cần ấn định rõ, tiếng nói và chữ viết dùng trong công chứng phải là tiếng Việt.

Theo Chương trình, sáng mai 29/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở Tổ về Dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật dạy nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục