Mở rộng phát triển cây mắcca gắn với nhu cầu của thị trường

Trong thời gian tới Việt Nam sẽ hướng tới nhân rộng phát triển diện tích trồng cây mắcca, tập trung cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên góp phần tăng thu nhập cho người nông dân.

Cây mắcca (tên đầy đủ là macadamia) là một giống cây trồng khá mới trên thế giới cũng như ở Việt Nam, tuy nhiên, trong những năm gần đây, với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắcca nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu trong các loại hạt và được mệnh danh là “Hoàng hậu của các loại hạt.”

Tại các nước phát triển trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ mắcca ngày một tăng cao và luôn trong tình trạng cung không đủ cầu, theo các chuyên gia thì sản lượng mắcca trên toàn thế giới mới đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu. Tốc độ tăng trưởng của thị trường bình quân khoảng 15%/năm.

Do đó, trong thời gian tới Việt Nam sẽ hướng tới nhân rộng phát triển diện tích trồng cây mắcca, tập trung cho vùng Tây Bắc và Tây Nguyên góp phần tăng thu nhập cho người nông dân tại đây.

Đó là ý kiến phát biểu của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn tại Hội thảo “Phát triển cây mắcca vì mục tiêu làm giàu của nông dân Tây Bắc và Tây Nguyên”do Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây và Công ty cổ phần Thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ quốc tế (IDT) phối hợp tổ chức ngày hôm nay (8/7), tại Hà Nội.

“Kể từ năm 2002, cây mắcca được đưa về Việt Nam để khảo nghiệm, đến nay, đã có thể khẳng định là Việt Nam có đầy đủ các yếu tố và hoàn toàn có khả năng để phát triển cây này thành một ngành kinh tế mới với tiềm năng vô cùng to lớn,” ông Nguyễn Công Tạn đánh giá.

Theo ông Tạn, hai vùng khí hậu Tây Bắc và Tây Nguyên của Việt Nam rất phù hợp để phát triển cây mắcca do đó có thể coi là điều kiện đặc hữu của Việt Nam trong việc trồng loại cây này. Với thực tế hiện nay, một cây mắcca có thể cho tới 70 kg quả và với giá hiện khoảng 15 USD/kg nhân thì Việt Nam chỉ cần 10 năm để phát triển 100.000 ha và có thể đạt được kim ngạch khoảng 2 tỷ USD/năm.

Thực tế cũng cho thấy, mức đầu tư vào trồng cây mắcca ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với một số nước như Australia, Mỹ, Nam Phi… Do đó, mắcca hoàn toàn có thể mang lại nhiều giá trị cho người nông dân và Việt Nam có thể trở thành cường quốc về mắcca.

Hiện nay, đã có một số doanh nghiệp thành công trong việc trồng loại cây này như: doanh nghiệp Vinamaca thành công bước đầu khá vững chắc trong lĩnh vực giống cây và phát triển canh tác tại Tây Nguyên; Công ty IDT cũng đang tiến hành triển khai dự án trồng cây mắcca trên diện tích 4.000 ha tại Điện Biên và IDT cũng đã đưa ra thị trường những sản phẩm chế biến mắcca đầu tiên với thương hiệu cao cấp Delix.

Đặc biệt, mới đây ngân hàng Lienviet Postbank đã công bố Đề án 10.000 tỷ đồng đầu tư vào mắcca và hiện đang trong quá trình nghiên cứu để triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây nhấn mạnh rằng, Việt Nam có đầy đủ các yếu tố và hoàn toàn có khả năng để phát triển cây mắcca thành một ngành kinh tế mới với tiềm năng lớn.

“Tuy nhiên, để phát triển cây mắcca bền vững cần có sự chung sức vào cuộc của cả phía nhà nước và các doanh nghiệp, cũng như các nhà khoa học tạo giá trị cao, làm giàu cho người nông dân Việt Nam nói chung và người nông dân khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên nói riêng,” ông Nguyễn Trí Ngọc chia sẻ./.

Cây mắc ca được Chính phủ đặc biệt quan tâm, điều 12 Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn vừa chính thức có hiệu lực từ 10/2/2014 quy định: “Các dự án trồng cây mắcca có quy mô từ 50 ha trở lên được ngân sách nhà nước hỗ trợ 15 triệu đồng/ha để xây dựng đồng ruộng, cây giống. Hỗ trợ xây dựng cơ sở sản xuất giống cây mắcca quy mô 500.000 cây giống/năm trở lên, mức hỗ trợ tối đa là 70% chi phí đầu tư/cơ sở …”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục