Mở room tín dụng, "giải vây" BĐS và nền kinh tế

Sau đúng 1 tháng kể từ cuộc họp báo trước thông báo hạ trần lãi suất xuống 13%, hôm nay (11/4), Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục công bố điều chỉnh trần lãi suất huy động giảm thêm 1 điểm %, xuống còn 12%/năm.

Tuy nhiên, điểm mới đáng kể là bên cạnh việc hạ lãi suất, thì việc mở room tín dụng cho một loạt các ngành trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng mà cơ quan này công bố được kỳ vọng sẽ "giải vây" cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Sau đúng 1 tháng kể từ cuộc họp báo trước thông báo hạ trần lãi suất xuống 13%, hôm nay (11/4) Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục công bố điều chỉnh trần lãi suất huy động giảm thêm 1 điểm %, xuống còn 12%/năm. Như vậy, lãi suất cho vay sẽ dao động trong khoảng từ 13-16%/năm. Tuy nhiên, điểm mới trong một loạt các quyết sách của Ngân hàng Trung ương, đó là bên cạnh việc hạ lãi suất, thì việc mở room tín dụng cho một loạt các ngành trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng mà cơ quan này công bố được kỳ vọng sẽ "giải vây" cho thị trường bất động sản nói riêng và nền kinh tế nói chung. Mở room 50% cho vay tiêu dùng Phát biểu với báo giới tại cuộc họp báo công bố 3 văn bản quan trọng mới ban hành chiều qua (10/4) về lãi suất và tín dụng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Việc hạ lãi suất được đưa ra trên cơ sở hội đủ các yếu tố cần và đủ là lạm phát được kiềm chế và thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện rõ rệt. "Chỉ số giá tiêu dùng CPI của cả nước tháng 3 tăng rất thấp, chỉ 0,16%. Như vậy, tính chung cả quý I năm 2012, CPI mới chỉ ở mức 2,55%, là mức rất thấp so với nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tương đối dồi dào. Với tình hình thanh khoản và diễn biến lạm phát đó, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất," Thống đốc nhấn mạnh. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy thanh khoản ngân hàng được cải thiện tích cực. Nếu như trong quý IV/2011, tỷ trọng sử dụng nguồn cao hơn nguồn thì từ đầu năm đến nay tình hình đã được cải thiện. Hiện nay, chênh lệch giữa nguồn và sử dụng là 13.000 tỷ đồng; dự trữ của các tổ chức tín dụng đạt khoảng 60.000 tỷ đồng, cao hơn dự trữ bắt buộc 125.000 tỷ đồng, ổn định từ đầu năm tới nay. Hơn nữa, việc phát hành thành công trái phiếu Chính phủ, đạt trên 130.000 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm đã chứng tỏ các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt. Bên cạnh việc mua trái phiếu, các tổ chức tín dụng cũng đã mua một lượng tín phiếu lớn của Ngân hàng Nhà nước phát hành, với các kỳ hạn 1-3 tháng, với tổng giá trị lên tới 45.000 tỷ đồng. Song song đó, lãi suất trong hệ thống liên ngân hàng luôn ổn định ở mức thấp, lãi suất cho vay qua đêm phổ biến ở mức 6-7,5%. Lãi suất cho vay theo tuần, tháng tiếp tục biến thiên, cao nhất chỉ 12%. Điều này có nghĩa, mức lãi suất này đã thấp hơn lãi suất thị trường mở 12% và liên tục ổn định trong tháng 3 vừa qua và hai tuần đầu tháng 4. Như vậy, so với lãi suất liên ngân hàng quý IV/2011 thì lãi suất liên ngân hàng đã giảm 45%. Chính nhờ những yếu tố này, mà Ngân hàng Nhà nước đã quyết định "mở" tín dụng đối với các lĩnh vực không khuyến khích cho vay so với trước kia. Hiện tại, các tổ chức tín dụng đang không "mở van" tín dụng đối với ba lĩnh vực: Chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng. Theo quyết định mới của Ngân hàng Nhà nước, tuy vẫn giữ nguyên 3 lĩnh vực không khuyến khích cho vay này, nhưng lại mở room đối với từng loại đối tượng. Cụ thể, với cho vay tiêu dùng, chỉ hạn chế cho vay chi tiêu ở nước ngoài (thẻ tín dụng, cho vay du học, đi chữa bệnh ở nước ngoài...). Còn cho vay mua sắm trong nước (mua sắm đồ dùng gia đình...) thì không bị hạn chế. "Về cho vay bất động sản, thì từ cuối năm 2011, đầu năm 2012 các ngân hàng đã từng bước mở dần đối tượng cho vay này. Đến nay, trừ một số nội dung chúng tôi đã liệt kê, còn lại đã mở ra rất nhiều. Ví dụ trước đây chỉ cho vay mua nhà để ở, tức chỉ cho đối tượng mua nhà để ở vay, hiện nay đã cho vay mua nhà để đầu tư, đầu cơ, bán, cho thuê. Tương tự, cho vay để xây dựng nhà để ở, bán, thuê… đã mở ra," Thống đốc Bình cho hay. Lý giải cho những băn khoăn về việc mở room tín dụng trong cho vay bất động sản, Thống đốc Bình khẳng định quyết định này đã được cân nhắc rất kỹ. Thực tế, dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng trực tiếp cho vay bất động sản không cao, khoảng trên dưới 10% và ổn định trong nhiều năm qua. Thế nhưng, dư nợ tín dụng có tài sản đảm bảo là bất động sản lại rất lớn, chiếm khoảng 60%. Trong thời gian qua, để mục tiêu kiềm chế lạm phát hiệu quả, chúng ta thu hẹp tăng trưởng tín dụng ở mức tối đa, đã đưa toàn bộ bất động sản vào lĩnh vực phi sản xuất, không khuyến khích cho vay. Đến nay, điều kiện kiềm chế lạm phát, thanh khoản ngân hàng đã được cải thiện. Nói cách khác mục tiêu cơ bản đã đạt được, mới tính đến chuyện tháo dần các lĩnh vực đó ra," Thống đốc lý giải. Cũng theo Thống đốc Bình, do dư nợ tín dụng ngân hàng liên quan đến bất động sản rất lớn, nên việc từng bước tháo gỡ lĩnh vực này, nhất là trong xây dựng nhà sẽ giải quyết được nhiều vấn đề liên quan đến hàng tồn kho (như xi măng, sắt thép), tạo chu chuyển hợp lý trong nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm đồng thời cũng cải thiện nợ xấu cho lĩnh vực ngân hàng. Mặt khác, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương cũng tái khẳng định, sẽ tiếp tục không khuyến khích cho vay kinh doanh chứng khoán, bởi "về bản chất, vốn ngân hàng là vốn ngắn hạn, không thể dùng đi mua cổ phần, cổ phiếu. Vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán phải là vốn dài hạn, vốn của nhà đầu tư." Tính đến cuối tháng 3/2012, tỷ trọng cho vay lĩnh vực không khuyến khích chỉ còn 10%, giảm so với mức 11% của cuối năm 2011, chứng tỏ tín dụng ngày càng tập trung cho sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Dư nợ tín dụng trực tiếp vào bất động sản chỉ xoay quanh 10% và cho vay chứng khoán hiện chỉ khoảng 3%. Như vậy, với các điểm mới này, Ngân hàng Nhà nước đã loại khoảng 50% những đối tượng, lĩnh vực trước đây không khuyến khích cho vay. Trong khi đó, vẫn giữ nguyên tỷ trọng lĩnh vực phi sản xuất 16%, có nghĩa là cho vay không khuyến khích sẽ tăng lên gấp đôi. "Nói 'không' với người cần tiền bằng mọi giá" Liên quan đến những ý kiến cho rằng dù hạ lãi suất nhưng doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận được vốn vay, Thống đốc Bình khẳng định: Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, chỉ quyết định cho vay khi xét thấy các điều kiện của doanh nghiệp được đáp ứng. "Tôi ghi nhận các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, và ngân hàng đã có nhiều tháo gỡ, ví dụ trong lĩnh vực bất động sản. Thế nhưng, có một câu ngạn ngữ áp dụng với mọi ngân hàng là: 'Chỉ cho vay tiền với những người không cần vay tiền bằng mọi giá'. Vì vậy, những doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện, ngân hàng không thể cho vay bằng mọi giá. Nếu tôi phát hiện giám đốc ngân hàng nào cho vay những doanh nghiệp này, tôi sẽ cách chức ngay," Thống đốc kiên quyết. Lý giải thêm, Thống đốc Bình cho hay, doanh nghiệp cũng có nhiều loại hình khác nhau, với tình hình tài chính khác nhau. Nếu doanh nghiệp nào tốt, đủ điều kiện vay vốn theo các quy định hiện hành đều được vay với mức lãi suất 14-16%. Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp tốt thật, nhưng họ không thuộc lĩnh vực khuyến khích cho vay, vì vậy họ tiếp cận ngân hàng đòi vay vốn lãi suất thấp cũng không thể có! "Chúng tôi không cấm cho vay, nhưng không khuyến khích cho vay bằng đưa ra tỷ trọng nhất định. Cụ thể với loại này, có thể các tổ chức tín dụng vẫn cho vay và áp mức lãi suất cao, vì đây là công cụ hạn chế loại hình này, để dành vốn cho những lĩnh vực ưu tiên," Thống đốc nói. Thực tế hiện nay cho thấy, rõ ràng bên cạnh việc tiếp cận vốn, thì vấn đề hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế mới là điều đáng quan tâm hơn cả. Việc các tổ chức tín dụng, mặc dù thanh khoản đã dồi dào nhưng vẫn thiếu đầu ra, trong khi con số họ đổ tiền vào mua trái phiếu chính phủ, tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước vẫn cứ tăng lên là điều đáng để suy ngẫm. Cũng trong cuộc họp báo, Thống đốc Bình đã thông tin về con số nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện đang ở mức 3,6% (đầu năm là 3,2%). Tuy nhiên, ông Bình cũng thừa nhận con số này ở từng tổ chức tín dụng là cao hơn rất nhiều. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện quyết liệt các biện pháp để từng bước cơ cấu lại nợ xấu, tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng theo hướng lành mạnh hóa. Theo đó, trước mắt Ngân hàng Nước tiến hành thanh tra toàn diện và kiểm toán để đánh giá thực trạng của các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng chủ động tìm biện pháp khắc phục. "Có tổ chức tự khắc phục được, để họ tự làm. Có tổ chức thấy không tự khắc phục được, có đề án sáp nhập hợp nhất thì chúng tôi sẽ thông qua. Có tổ chức tín dụng không có nội lực mà cũng có đối tác hợp nhất, sáp nhập thì khi đó chúng tôi có thể có ngân hàng tiếp quản tạm thời để xử lý nợ xấu, trên cơ sở đó làm lành mạnh hóa sau đó áp dụng biện pháp khác như: kêu gọi cổ đông góp vốn," Thống đốc Bình cho biết.
Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15-17% là khả thi
Có ý kiến lo ngại tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ thấp và không đạt mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, với việc theo dõi sát sao các động thái trên thị trường và của các tổ chức tín dụng, chỉ tiêu 15-17% là hoàn toàn khả thi. Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy: tháng 1/2012, tăng trưởng tín dụng tuy ở mức giảm 20% so với cuối năm trước nhưng đến tháng 2 chỉ còn giảm 0,07%. Điều nay cho thấy, về cơ bản là giữa thu nợ và cho vay mới đã gần như cân bằng nhau. Đến tháng 3/2012, tăng trưởng tín dụng là 1%, tức là đã có dấu hiệu tăng trở lại. Thế nhưng, theo số liệu của các tổ chức tín dụng thì tăng trưởng tín dụng tính đến 31/3/2012 lại giảm 1%. Ngân hàng Nhà nước nhận định, sở dĩ có sự "vênh" này là vì cuối quý IV/2011, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng "ảo", muốn có con số tăng cao để lấy chỉ tiêu tăng của năm 2012 do biết Ngân hàng Nhà nước sẽ áp hạn mức cho từng ngân hang. Điều này đã dẫn đến thực trạng, nhiều tổ chức tín dụng tuy cuối tháng12/2011 có mức tăng trưởng tín dụng cao, nhưng ngay sau đó lại giảm mạnh vào tháng 1/2012, thể hiện mức tăng "ảo." Do vậy, nếu tháng 3, tăng trưởng tín dụng ở mức tăng 1% và mỗi tháng trong năm tăng từ 1,5-2%/tháng thì hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu của năm nay là tăng trưởng tín dụng 15-17%, đảm bảo được tăng trưởng của nền kinh tế 6%./.
Lãi suất cho vay ra là theo thỏa thuận

Trước cuộc họp này, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 14 ngân hang thương mại, khẳng định lãi suất cho sản xuất kinh doah khuyến khích sẽ dao động 13-16%, có tổ chức thấp hơn. Vì chiều hướng hạ lãi suất là chiều hướng chắc chắc. Nhiều tổ chức tín dụng đã có phương án đi tắt đón đầu, hạ lãi suất nhanh để thu hút khách hàng.

Về diễn biến cho vay, từ đầu năm tới nay, tuy chưa đồng đều nhưng đã xảy ra các tổ chức tín dụng lớn với lãi suất niêm yết theo các kỳ hạn khác nhau. Tổng mức lãi suất mà các tổ chức tín dụng lãi suất thời gian  vừa qua là thấp hơn trần của Ngân hàng Nhà nước. Cũng trong quý I vừa qua, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 2-3%. Ví dụ, vay cho nông nghiệp-nông thôn, xuất khẩu phổ biến ở mức 14-16%, thấp nhất là 13%; cho vay khác lãi suất thấp nhất 15%, còn phổ biến từ 16-18%. Lãi suất cho vay lĩnh vực không khuyến khích (tiêu dùng, đầu tư-kinh doanh chức khoán...) dao động trong khoảng từ 20-25%.
Bình-Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục