MobiFone: Đẳng cấp riêng bởi biết Việt hóa "gen Tây"

Thị trường di động Việt Nam từ khi bắt đầu đến nay đã có khá nhiều mạng di động thương hiệu ngoại, song đã phải âm thầm rút khỏi cuộc chơi.

Nhưng, MobiFone - mạng di động đầu tiên của Việt Nam đã bước vào tuổi 20 với một đẳng cấp riêng biệt, dù nó cũng được mang gen Tây nhưng lại là một thương hiệu Việt vô cùng nổi tiếng...
 
Năm 1993, MobiFone - mạng di động đầu tiên của Việt Nam chính thức được thành lập. Ở thời điểm đó, thông tin di động còn là khái niệm xa lạ với đa số người tiêu dùng.

Trong 2 năm đầu tiên, MobiFone gặp nhiều khó khăn bởi kinh nghiệm xây dựng và khai thác mạng hoàn toàn là con số 0. Những cơ sở hạ tầng đầu tiên chỉ gồm có tổng đài dung lượng 2.000 số với 7 trạm BTS tại Hà Nội và tổng đài 6400 số với 6 trạm BTS ở khu vực phía Nam. Tại thời điểm đó, số lượng thuê bao ít vì vùng phủ sóng hạn chế và giá cước thiết bị đầu cuối ở mức cao.

Chăm sóc khách hàng- "yếu tố Tây" đầu tiên

Năm 2005, một trong những yếu tố quan trọng giúp MobiFone có bước thay đổi lớn là hợp đồng hợp tác kinh doanh với Comvik – Tập đoàn viễn thông lớn của Thuỵ Điển. Chính nhờ sự hợp tác ấy, MobiFone đã có những điều kiện phát triển quý giá.

Đại diện lãnh đạo của MobiFone đã từng nhận định, sự hợp tác cùng Comvik đã mang lại những hiệu quả rõ rệt về các mặt như đóng góp vốn, đầu tư thiết bị mạng lưới, áp dụng công nghệ tiên tiến, tham gia đào tạo phát triển nhân lực, tiếp thu những kinh nghiệm đáng quý về kinh doanh, marketing và chăm sóc khách hàng…

Ngoài ra, MobiFone đã mang cho mình bộ “gen” chuyên nghiệp về phong cách phục vụ khách hàng và đẳng cấp về chất lượng.

Trong những năm đầu tiên cung cấp dịch vụ, dù vẫn ở giai đoạn độc quyền, MobiFone đã thành lập phòng chăm sóc khách hàng với mục đích ban đầu là giải tỏa các thắc mắc của khách hàng, đồng thời giúp nâng cao chất lượng phục vụ. Vào thời điểm đó, MobiFone là một trong số rất ít các công ty tại Việt Nam có phòng mang tên phòng “Chăm sóc khách hàng.”

Đại diện của MobiFone cho biết: "MobiFone thành lập phòng chăm sóc khách hàng với định hướng sẽ cung cấp dịch vụ thông tin di động theo các tiêu chuẩn quốc tế." Còn theo đánh giá của các chuyên gia về viễn thông, yếu tố "Tây" (Comvik) trong MobiFone là một nhân tố quan trọng giúp mạng di động này có văn hóa phục vụ khách hàng với tiêu chuẩn cao ngay từ những ngày đầu tiên. Đây là điểm làm MobiFone khá khác biệt so với các mạng di động lớn còn lại.

Ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông đưa ra nhận định, quá trình hợp tác với đối tác Comvik đã giúp cho mạng di động đầu tiên của Việt Nam là MobiFone có một nguồn vốn đầu tư tốt. Nhưng điều quan trọng hơn là đối tác nước ngoài này đã đào tạo cho MobiFone nguồn nhân lực cùng với phong cách quản trị doanh nghiệp theo tính chuyên nghiệp.

“Chúng ta cũng vì thể nhận thấy những chương trình marketing, và chăm sóc khách hàng của MobiFone đã được thể hiện tốt trong thời gian qua. May mắn cho MobiFone ngay từ đầu đã có sự hợp tác với đối tác có kinh nghiệm và tiềm lực mạnh nên đã thúc đẩy được mạng này trở thành một thương hiệu lớn của Việt Nam," ông Trực nói.

Đẳng cấp nhờ Việt hóa được “gen Tây"

Phát biểu tại buổi làm việc mới đấy về tái cơ cấu MobiFone, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đánh giá cao tính chuyện nghiệp của MobiFone qua thời gian hợp tác với đối tác Comvik vẫn giữ được bộ gen “Tây” nhưng được Việt hoá.

Điều này thể hiện MobiFone hiện đứng trong Top 10 thương hiệu lớn của Việt Nam và liên tục có doanh thu và lợi nhuận tăng tốt, đặc biệt là đạt năng suất cao nhất trong các doanh nghiệp viễn thông, là doanh nghiệp đóng thuế cao nhất cho nhà nước.

Thông thường, người tiêu dùng Việt Nam thường chuộng các thương hiệu nước ngoài hơn trong nước nhưng trong lĩnh vực thông tin di động, điều ngược lại đang xảy ra khi thương hiệu và nhân tố nội chiếm ưu thế hoàn toàn.

Thực tế cho thấy, thị trường di động Việt Nam cũng chứng kiến nhiều mạng di động thương hiệu ngoại, song đã phải âm thầm ra đi. Với S-Fone, đối tác ngoại là SK Telecom sau nhiều năm trầy trật kinh doanh đã bỏ cuộc,  Vimpelcom rút thương hiệu Beeline khỏi Việt Nam. Còn lại, Vietnamobile cùng đối tác là Hãng viễn thông khổng lồ Hutchison hiện cũng chưa thể “lật ngược thế cờ” so với các nhà mạng “nội.”

Nói như Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thị trường viễn thông Việt Nam rất khắc nghiệt, có nhiều doanh nghiệp phải ra đi hoặc hoạt động cầm chừng. Thế nhưng, viễn thông vẫn là ngành ngẩng cao đầu thắng trên sân nhà và liên tục giảm giá dịch vụ cho người dùng.

Những năm qua, ngành viễn thông đã đưa điện thoại di động từ vật xa xỉ trở thành bình dân, mang tri thức thông tin đến với bà con vùng sâu, vùng xa và nối liền khoảng cách biển đảo với đất liền. Viễn thông cũng là ngành đi đầu trong việc thực hiện tốt nhất Cuộc vận động người Việt dùng hàngViệt. Và MobiFone đã góp phần quan trọng làm nên kết quả đó trong suốt 20 năm qua./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục