MobiFone khẳng định đã sẵn sàng để triển khai 4G trên diện rộng

Không phải đến bây giờ, khái niệm về 4G mới được nhắc nhiều đến như vậy, mà ngay từ đầu năm 2014, khái niệm 4G đã được nhắc đến tại Việt Nam một cách háo hức.
MobiFone khẳng định đã sẵn sàng để triển khai 4G trên diện rộng ảnh 1

Trước 1/7/2016, tại Việt Nam, hai nhà mạng Viettel và Vinaphone đã rục rịch khởi động 4G với đích đến là cung cấp băng thông rộng với tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn, chỉ riêng MobiFone vẫn im hơi lặng tiếng. Cho đến tận ngày 1/7/2016 vừa qua, với sự ra mắt đường trục truyền dẫn Bắc - Nam, thử nghiệm thành công những dịch vụ của công nghệ 4G trên nền tảng trục truyền dẫn này; và rồi thương hiệu MobiTV của MobiFone trình làng hết sức ấn tượng với cầu truyền hình trực tiếp “made by MobiFone” bắc qua 04 điểm cầu trên khắp cả nước.

Tất cả dường như đã làm nên một cú “bùng nổ” của MobiFone, và rồi sau đó, những mảnh ghép cuối cùng đã được ghép lại để một “hệ sinh thái” với đa dạng các dịch vụ và tiện ích khép kín trong cùng một nhà cung cấp dần lộ diện, đảm bảo nguyên tắc “bí mật và bất ngờ đến phút chót”.

Màn trình diễn ấn tượng đấy chính là thành quả của gần một quá trình chuẩn bị công phu, âm thầm nhưng đầy ráo riết của MobiFone sau ngày tách ra khỏi VNPT (12/2014). Triển khai 4G đồng nghĩa MobiFone sẽ phải đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng, một cuộc đua tốn kém trong điều kiện MobiFone vừa tái cấu trúc vừa gấp rút chuẩn bị cho quá trình cổ phần hóa.

Với kinh nghiệm của gần chục năm triển khai 3G (từ năm 2009), dày dặn trong việc xây dựng giá thành của các gói cước và khám phá tiềm năng của người tiêu dùng, MobiFone tự tin khi nhìn thấy tiềm năng của 4G còn rất lớn. Và 4G là một cơ hội lớn mà không nhà mạng lớn trên thế giới nào có thể bỏ qua

Là quốc gia có tốc độ phát triển công nghệ nhanh nhất trong khu vực, việc cung cấp dịch vụ 4G sẽ đem lại lợi ích cho người dùng công nghệ tại Việt Nam. Đầu tư vào 4G đòi hỏi một chiến lược với lộ trình hợp lý. Trên thế giới, việc triển khai 4G cũng phải đặt trọng điểm như đô thị hay những khu vực không có băng thông cố định, chứ không triển khai đồng loạt, bởi chi phí đầu tư cao, giá thành cao, người sử dụng ít.

MobiFone khẳng định đã sẵn sàng để triển khai 4G trên diện rộng ảnh 2

Tìm kiếm một phương án đầu tư 4G để không quá chậm so với thế giới mà vẫn đảm bảo mức giá hợp lý là bài toán không dễ giải. Tung ra các gói dịch vụ 4G vào thời điểm này, có vẻ như MobiFone đã bắt đúng “điểm rơi” khi mà các yếu tố như băng tần, chiến lược của các nhà khai thác, giải pháp, sản phẩm 4G và sự sẵn sàng về thiết bị đầu cuối… đều đã hội tụ đầy đủ.

Vấn đề tiếp theo là lượng khách hàng sử dụng. 4G phải được người dùng chấp nhận bỏ tiền sử dụng với mức giá hợp lý. MobiFone là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên xây dựng các gói cước riêng có mức ưu đãi hấp dẫn nhất trên thị trường dành cho 4G, theo đúng xu thế “data - centric” (Chỉ dùng data, miễn phí thoại và SMS) của các Telco trên thế giới. Các gói cước mà MobiFone xây dựng về cơ bản giống với gói cước 3G, với giá không đổi.

Là nhà mạng duy nhất tại Việt Nam tiến hành thử nghiệm 4G cùng lúc với 5 nhà cung cấp thiết bị 4G hàng đầu thế giới, các giải pháp kỹ thuật của MobiFone nhờ thế cũng sẽ toàn diện hơn so với thử nghiệm chỉ trên một dòng máy. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, MobiFone đã tiến hành thử nghiệm 4G trên thuê bao của các cán bộ công nhân viên Tổng công ty tại 03 thành phố để đánh giá, hoàn thiện chất lượng dịch vụ trước khi cung cấp cho khách hàng.

Ra mắt trên thị trường tại thời điểm tháng 7/2016, MobiFone trở thành nhà cung cấp dịch vụ thử nghiệm 4G với sự chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng trên tất cả các linh vực Kinh doanh - Truyền thông - Dịch vụ GTGT - Chăm sóc khách hàng - Kỹ thuật - Tính cước - Vận hành khai thác.  Không thể phủ nhận, đây chính là những “điểm cộng” của MobiFone trong cuộc đua 4G.

Công nghệ di động 4G/LTE đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu thống kê của hãng nghiên cứu thị trường công nghệ viễn thông OVUM, trong một năm qua, tổng số thuê bao 4G LTE đã tăng gấp đôi từ 645 triệu trong quý 1/2015 lên 1,29 tỷ vào quý 1/2016. Nếu so với tổng số 7,4 tỷ thuê bao di động trên toàn cầu thì mức thâm nhập 4G LTE đã đạt mức 17,43%. Với những con số này, 4G/LTE tiếp tục được công nhận là chuẩn công nghệ di động có tốc độ tăng trưởng thuê bao nhanh nhất trong lịch sử phát triển của các công nghệ di động. Dự báo, thuê bao 4G/LTE và LTE-Advanced sẽ vượt 3G vào năm 2020.

Người Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ mạng 4G. Chi phí trên mỗi dung lượng sử dụng của 4G/LTE thậm chí còn thấp hơn 3G. Đơn cử như gói cước 4G DP120 của MobiFone: chỉ cần bỏ thêm 50.000đ khách hàng sẽ được 3Gb Data sử dụng, gấp 5 lần dung lượng so với gói 70.000đ của 3G chỉ được 600Mb Data. Tuỳ theo vùng phủ sóng, địa hình phủ sóng, mật độ người dùng, cấu hình trạm phát, tài nguyên tần số và chất lượng thiết bị đầu cuối... tốc độ tải 4G có thể sẽ khác nhau và hiện nay dao động từ 10 - 200 Mbps, tuy nhiên trong điều kiện thực nghiệm tiệm cận lý tưởng thì tốc độ 4G đo được của nhà mạng này đạt đến hơn 700 Mbps.

Có thể thấy rằng, dù xuất phát sau nhưng MobiFone đã chọn được thời điểm chín muồi và tận dụng mọi lợi thế của mình để tạo dấn ấn riêng trong mắt khách hàng. Với sự chuẩn bị bài bản và kỹ càng, MobiFone đã sẵn sàng để triển khai 4G trên diện rộng ngay sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức cấp phép 4G trên toàn quốc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục