Mộc bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới

Ngày 30/7, UNESCO đã công bố danh sách 35 di sản tư liệu thế giới, trong đó có Di sản Mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam.
Ngày 30/7, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công bố danh sách 35 di sản tư liệu được đưa vào Chương trình Ký ức thế giới, trong đó có Mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam.

Mộc bản là bản gỗ khắc chữ Hán hoặc chữ Nôm ngược để in ra thành trang sách. Đây là kỹ thuật in ấn thời kỳ trước. Tài liệu mộc bản hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV bao gồm những tác phẩm chính văn, chính sử do triều Nguyễn biên soạn, các sách kinh điển và các mộc bản được chuyển từ Quốc tử giám Hà Nội về (các mộc bản có niên đại từ 1697 - 1945).

Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.555 tấm mộc bản, “chế bản” của 152 đầu sách với nhiều chủ đề khác nhau như lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, quân sự, pháp chế, giáo dục, văn thơ... Tài liệu mộc bản có nhiều tác phẩm quý hiếm như "Đại Nam thực lục", "Đại Nam nhất thống chí", "Khâm định Việt sử thông giám cương mục", "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ"..., ngoài ra còn có các tác phẩm "Ngự chế văn", "Ngự chế thi" do các vị hoàng đế nổi tiếng như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sáng tác.

Chính vì những tính chất quan trọng đó mà trong thời kỳ phong kiến, những tài liệu này được coi là quốc bảo, chỉ những người có trách nhiệm và thẩm quyền làm việc tại Quốc sử quán mới được tiếp xúc và làm việc với chúng. Mỗi bộ sách chỉ được khắc in khi có lệnh của vua.

Bản khắc mộc bản là nguồn sử liệu tin cậy để khảo cứu, đối chiếu, đính chính các nguồn sử liệu liên quan phục vụ tốt cho việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam trên nhiều lĩnh vực... Ngoài giá trị về mặt sử liệu còn có giá trị về nghệ thuật, kỹ thuật chế tác. Nó đánh dấu sự phát triển của nghề khắc ván in ở Việt Nam.

Trong lễ công bố 35 di sản tư liệu thế giới, ông Koichiro Matsuura, Tổng giám đốc UNESCO cho biết,  các di sản tư liệu đã được UNESCO bầu chọn sau một cuộc họp kéo dài 3 ngày của các chuyên gia quốc tế.

Cùng với Mộc bản triều Nguyễn của Việt Nam, các gương mặt mới của lần bầu chọn này gồm có một số đại diện tiêu biểu. Đó là tài liệu về nô lệ ở vùng Caribbean thuộc Anh trong giai đoạn 1817-1834, các tác phẩm nghệ thuật của Norman McLaren (Canada), các cuốn phim âm bản gốc của Noticiero ICAIC Lationamericano, Cuba...

Đặc biệt, trong các di sản được đưa vào Ký ức thế giới năm nay còn có tài liệu Bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng. Các tài liệu gồm ảnh hơn 5.000 tù nhân, những lời khai, hồ sơ..., trong đó vạch rõ tội ác diệt chủng của Khmer Đỏ.

Ngoài ra, danh sách các di sản còn có Magna Carta, văn bản luật của nước Anh có từ năm 1215 được xem là có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của sự tự do, luật pháp và dân chủ trên toàn cầu.

Được bổ sung năm nay còn có các tài liệu hoàng gia Thái Lan và Madagasca. Tài liệu khủng bố từ Paraguay, trong đó ghi lại hoạt động đàn áp của cảnh sát trong suốt 35 năm chế độ độc tài trước khi bị chấm dứt vào năm 1989. Tài liệu của tổ chức Liên minh các quốc gia, cơ quan tiền thân của Liên Hợp Quốc và nhiều tài liệu giá trị khác./.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục