"Mọi công dân trong độ tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự"

Chủ tịch Quốc hội cho rằng Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) cần thiết quy định mọi công dân trong độ tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự, không có quy định miễn gọi nhập ngũ.
"Mọi công dân trong độ tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự" ảnh 1Đại tướng Phùng Quang Thanh trình bày Tờ trình dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi). (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Tiếp tục Phiên họp thứ 30, sáng 14/8, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).

Cần thiết ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi)

Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) do Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày khẳng định Luật Nghĩa vụ quân sự được Quốc hội khóa VII thông qua tại Kỳ họp thứ hai, ngày 30/12/1981; đã sửa đổi, bổ sung qua các năm 1990, 1994 và 2005.

Sau nhiều năm triển khai thực hiện, Luật Nghĩa vụ quân sự đã đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý bảo đảm cho công dân thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc theo quy định của Hiến pháp.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mọi mặt của đất nước và yêu cầu của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập chưa phù hợp cần phải được sửa đổi. Đó là Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sỹ quan và binh sỹ là 18 tháng; hạ sỹ quan chỉ huy, hạ sỹ quan và binh sỹ chuyên môn kỹ thuật do Quân đội đào tạo, hạ sỹ quan và binh sỹ trên tàu hải quân là 24 tháng.

Hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan, binh sỹ là 18 tháng, không đủ thời gian huấn luyện chương trình, nội dung giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân và kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị.

Mặt khác, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình quá rộng. Do đó, việc sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành là rất cần thiết. Dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) gồm 9 chương, 66 Điều.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng tán thành với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành, góp phần khắc phục những vướng mắc, bất cập, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

Mọi công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Tại phiên họp, các ý kiến cơ bản tán thành với nhiều nội dung được đề cập trong Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), đồng thời tập trung thảo luận một số nội dung trọng tâm như khái niệm nghĩa vụ quân sự; đăng ký nghĩa vụ quân sự; thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan, binh sỹ; tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ.

Góp ý về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), nhiều ý kiến nhất trí như dự thảo Luật chỉ điều chỉnh những nội dung về nghĩa vụ quân sự; không đưa vào dự thảo Luật những quy định liên quan đến sỹ quan và quân nhân chuyên nghiệp và công nhân viên quốc phòng vì chế độ phục vụ của các đối tượng này không phải thực hiện theo chế độ nghĩa vụ và được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác.

Một trong những nội dung của Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến thảo luận là vấn đề thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan, binh sỹ. Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật nên quy định thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan, binh sỹ thống nhất chung là 24 tháng.

Lý giải về điều này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh cho rằng quy định như vậy sẽ bảo đảm chất lượng sẵn sàng chiến đấu trong quân đội, đồng thời tạo sự công bằng đối với mỗi công dân tham gia nghĩa vụ quân sự.

Mặt khác, hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, nếu để thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan, binh sỹ 18 tháng thì không đủ thời gian huấn luyện chương trình, nội dung về giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân và huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị.

Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị, Luật nên quy định thống nhất thời gian phục vụ tại ngũ là 18 tháng. Quy định như vậy vừa đáp ứng mục tiêu xây dựng, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, đồng thời thực hiện các nguyên tắc cơ bản liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp.

Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần thiết quy định mọi công dân trong độ tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự. Môi trường quân đội rất có ý nghĩa trong việc rèn luyện thanh niên, qua đó tạo cho họ có có ý thức bảo vệ Tổ quốc, đồng thời chín chắn, trưởng thành hơn trong cuộc sống. Do vậy, mọi công dân từ 18 đến 25 phải tham gia nghĩa vụ quân sự.

Nhất trí với Tờ trình của Chính phủ quy định thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan, binh sỹ là 24 tháng, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng quy định như vậy, hạ sỹ quan, binh sỹ có thời gian trang bị kiến thức chính trị, quân sự, hậu cần, kỹ thuật. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, họ sẽ tiếp tục tạo nguồn cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng và Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) cần quy định chung một mức thời gian phục vụ tại ngũ của hạ sỹ quan, binh sỹ là 18 tháng hay 24 tháng, chứ không nên để hai mức và mọi công dân trong độ tuổi từ 18-25 đều phải tham gia nghĩa vụ quân sự.

Thảo luận về vấn đề tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ (Điều 44), theo Báo cáo thẩm tra, việc thu hẹp đối tượng tạm hoãn là hợp lý để bảo đảm công bằng xã hội, tuy nhiên đề nghị nghiên cứu thêm để khắc phục những hạn chế, vướng mắc của Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành. Đề nghị không phân biệt diện tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên đại học, cao đẳng đang học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân để bảo đảm sự bình đẳng về cơ hội học tập trong giáo dục theo quy định của Luật Giáo dục.

Bên cạnh đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm về quy định độ tuổi gọi nhập ngũ để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng mọi công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Do đó, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) không quy định miễn gọi nhập ngũ đối với mọi công dân trong độ tuổi.

Theo Chủ tịch Quốc hội, tham gia nghĩa vụ quân sự không phải chỉ để cầm súng mà còn để rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chính trị và bản lĩnh sằn sàng chiến đấu khi Tổ quốc cần.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc kỹ về diện tạm hoãn gọi nhập ngũ để khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Những lý do để hoãn gọi nhập ngũ phải thể hiện chính đáng và phải bảo đảm công bằng. Trong đó cần xem xét kỹ đối tượng được tạm hoãn là những người có hoàn cảnh gia đình khó khăn, hoặc đối với những công chức, viên chức, người lao động đang đảm nhiệm những loại việc công ích thuộc các lĩnh vực bảo đảm và duy trì pháp luật.

Theo dự kiến, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục