Môi giới chứng khoán xoay vần cùng cổ phiếu

Vào lúc thị trường có tính thanh khoản như hiện nay, mỗi tháng, một môi giới chứng khoán chưa niêm yết có kinh nghiệm khoảng 3 năm có thể kiếm được 60-100 triệu đồng.

Khoản thu nhập này là lý do khiến từ những người làm nghề buôn bán bình thường đến cử nhân đại học có lương cao tại các công ty đa quốc gia tập trung về chợ OTC ngày một đông. Nhưng, nay thị trường đã phát triển hơn, tương lai của nghề này sẽ ra sao?
Thị trường chứng khoán ra đời cũng là lúc nghề môi giới chứng khoán hình thành. Đã có thời, ngay cả những bà bán nước, những ông trông xe ở cổng các công ty chứng khoán cũng trở thành người môi giới chứng khoán. Nay thị trường đã phát triển hơn, tương lai của nghề này sẽ ra sao?

Vào lúc thị trường có tính thanh khoản như hiện nay, mỗi tháng, một môi giới chứng khoán chưa niêm yết có kinh nghiệm khoảng 3 năm có thể kiếm được 60-100 triệu đồng. Khoản thu nhập đáng mơ ước này là lý do khiến từ những người làm nghề buôn bán bình thường đến cử nhân đại học có lương cao tại các công ty đa quốc gia bỏ việc từ nhiều năm nay, mỗi ngày tập trung về chợ OTC một đông.

Cả nhà cùng môi giới


Cách đây 3 năm, T đang làm việc ở một công ty có vốn đầu tư nước ngoài với mức lương 700 USD/tháng đã quyết định nghỉ việc để phụ cho bà chị làm môi giới tại chợ chứng khoán OTC. Trong giai đoạn 2006-2007, khi chứng khoán đang “hot”, hai vợ chồng bà chị T mỗi ngày kiếm được 50-100 triệu đồng tiền lời công việc môi giới.

Thấy anh chị, không có bằng cấp gì, kiến thức kinh tế không có, thậm chí không biết đọc cả báo cáo tài chính mà ra chợ OTC, từ không có gì mà mua được nhà lầu, xe hơi, cho con đi học trường quốc tế, T thực sự thấy ham. Công việc ban đầu của T là giúp bà chị chạy lo đặt cọc, thực hiện thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu cho khách hàng.

Dần dà, có được lượng khách hàng riêng, T bắt đầu chuyển sang tự môi giới cho khách, nhận hoa hồng và tiết kiệm được 2 tỷ đồng làm tiền vốn trong 2 năm. Hiện mỗi tháng T kiếm được ít nhất cũng 50 triệu đồng. Nhưng công việc vất vả, phải lo tìm kiếm người mua-bán, thuyết phục khách hàng chấp nhận giá mua bán hợp lý mà vẫn có được chênh lệch để bỏ túi.

Mỗi sáng T lên chợ chứng khoán, trước ở Công ty chứng khoán Đông Dương, nay ở VN Directcafe, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh để nhận lệnh mua-bán từ khách hàng, các môi giới khác và tìm nguồn hàng đáp ứng. Buổi chiều T đi giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu, nhận tiền từ những giao dịch chốt được.

Thi thoảng có khách ở tỉnh Đồng Nai, Bình Dương hay Vũng Tàu là “bay” xuống tức thì. Có khi T có thể kiếm được từ vài triệu cho đến vài chục triệu đồng tiền chênh lệch từ những chuyến đi như vậy. Ở chợ OTC có khoảng 50 môi giới thuộc đủ lứa tuổi thường xuyên đến đây để làm môi giới như T.

“Ở đây, trường hợp vợ chồng, anh chị em trong một gia đình cùng làm môi giới là thường. Vợ môi giới chốt hàng, chồng chạy lo chuyển nhượng, tiền nong. Có người kéo cả nhà ra làm mỗi khi có giao dịch lớn”, T cho biết.

Đằng sau các môi giới là hệ thống khách hàng từ Nam ra Bắc, sở hữu cổ phần của nhiều công ty khác nhau. Các môi giới tự do có mối liên hệ với các môi giới chính thức ở các công ty chứng khoán. Môi giới tự do có lợi thế là có mạng lưới khách hàng rộng, có thể thu gom khối lượng lớn cổ phiếu từ những khách hàng nhỏ. Còn môi giới là nhân viên của công ty chứng khoán thường nhận được đặt hàng của các khách hàng lớn.

Một môi giới tên Hải nói: “Thông thường chúng tôi phải dựa vào nhau. Người này có khách mua, người kia có khách bán. Sau đó chia nhau hưởng phần chênh lệch giá”.

Phất môi giới, chết đánh “phiêu”

“Hồng bán cho Hoa, Hoa bán cho Hường, Hường bán cho Thắng, cấn trừ cấn trừ”, bốn môi giới tụ lại một góc ở sàn giao dịch chứng khoán VN Direct để kết sổ các giao dịch đánh “phiêu” cổ phiếu MB. Theo dân trong nghề, đánh “phiêu” là đánh theo cảm giác.

Dựa vào thông tin có được, ai cảm giác thị trường sẽ lên thì mua vào, ai cảm giác thị trường xuống thì bán ra. Không cần vốn lớn, chẳng cần cổ phiếu, các môi giới chỉ cần chốt giá với nhau và có tiền trả tiền chênh lệch khi chốt sổ. Giả sử nếu chốt bán MB với giá 30.100 đồng/cổ phiếu buổi sáng, đến chiều giá lên 30.700 đồng/cổ phiếu thì người bán được hưởng chênh 600 đồng/cổ phiếu, còn người mua phải trả phần chênh đó.

Giao dịch đánh “phiêu” tối thiểu là 1 lô, tức 10.000 cổ phiếu. Mỗi ngày đánh một lô có thể kiếm hay mất vài ba triệu đồng là chuyện thường. Thế nhưng, các môi giới thường đánh tới vài ba lô. Vào những ngày có “sóng lớn”, môi giới có thể đánh hai ba chục lô MB, kiếm cả trăm triệu đồng chênh lệch.

Cấn trừ là một nghệ thuật mà chỉ người trong nghề mới có thể tính nhanh và chính xác. Các môi giới chốt giá mua-bán chéo nhau, sau đó người này gán nợ cho người kia. Danh sách tham gia đánh “phiêu” mỗi ngày viết kín cả trang giấy A4. Hầu hết các môi giới đều đánh MB theo cách thức mang nặng tính bài bạc này.

Được nhiều nhưng thua cũng lắm. Tiền cứ chảy từ túi người này sang túi người khác. Bao nhiêu tiền kiếm được từ môi giới thật có thể bị nướng hết vào đánh “phiêu” MB. Những vụ “nổ” trên thị trường OTC, tức là thua trong các vụ đánh “phiêu”, thường trị giá tới vài chục tỷ đồng, đủ sức làm sạt nghiệp các môi giới với số vốn tích lũy được sau nhiều năm.

Nếu đại diện cho khách hàng đánh “phiêu” thì môi giới cũng rất dễ gặp rủi ro do khách hàng xù không thanh toán chênh lệch. Trong khi đó, môi giới phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với người mua - bán trong giao dịch khi đã nhắn tin chốt giá.

Môi giới tự do sẽ đi về đâu?

Từ hai tháng nay thanh khoản trên thị trường tự do được cải thiện mạnh mẽ, nhất là về số lượng cổ phiếu thường xuyên giao dịch. Ngoài MB, Eximbank, các cổ phiếu ngân hàng khác, chứng khoán và gần đây là cổ phiếu bất động sản được giao dịch khá sôi nổi. Cổ phiếu sắp niêm yết cũng lên cơn sốt. T quyết định nghỉ hẳn đánh “phiêu” MB để tập trung làm môi giới.

“Đánh “phiêu” thắng là tiền ảo mà thua là tiền thật. Ai cũng thua cả, chỉ có các nhà cái đứng đằng sau là thắng. Rút kinh nghiệm, môi giới được bao nhiều tiền tôi đầu tư hết vào cổ phiếu niêm yết”, T tâm sự.

Trước những thông tin về việc các cổ phiếu công ty đại chúng sẽ giao dịch trên sàn Upcom, rồi các cổ phiếu trụ cột của thị trường như MB, Eximbank cũng niêm yết, dân môi giới cũng lo ngại một ngày nào đó sẽ mất việc. T đã tính đến chuyện xin vào một công ty chứng khoán làm, chấp nhận nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng, nhưng nghĩ đến việc phải chia 60% lợi nhuận kiếm được cho công ty, T lại thấy nản.

"Thà mình làm cố 1-2 năm nữa, tích lũy 1-2 tỷ đồng rồi làm tự do còn hơn là lại làm công ăn lương. Cả ngàn công ty chưa niêm yết, chẳng lẽ các môi giới tự do lại không còn việc làm”, T băn khoăn hỏi.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang phê duyệt gói thầu phần mềm giao dịch hiện đại gấp nhiều lần hiện nay, phục vụ cho cả hai sàn giao dịch và Trung tâm lưu ký. Khi đó, dù có cả nghìn công ty cũng đều được đưa vào sàn chính thức giao dịch, và công việc lưu ký lúc đó cũng sẽ không còn là trở ngại trong quản lý giao dịch như hiện nay.

Các môi giới giờ đây đang đứng trước những thay đổi lớn trong công việc của mình. Có người bị thị trường đào thải, có người trở thành môi giới chuyên nghiệp hơn. Âu cũng là lẽ thường tình!./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vietnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục