Mỏi mòn chờ đợi

Vụ 36 lao động trở về từ Nga: Mỏi mòn chờ đợi

Hơn 70 người gồm 36 lao động từ Nga trở về từ 2 tháng trước cùng thân nhân đã tụ tập mấy ngày nay để đòi thanh lý hợp đồng.
HTML clipboard Trong buổi chiều nóng bức oi ả cuối hè, ông Trần Văn Bổn, 59 tuổi, bố của lao động Trần Hồng Xuân, ngồi thui thủi một góc trong khuôn viên của Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài của Tổng công ty Thép tại phố Lạc Trung (Hà Nội).
 
Đây là một trong hơn 70 người đã tập trung tại Lạc Trung từ mấy ngày qua. Lao động và người nhà đến Trung tâm để đòi quyền lợi bởi sau 2 tháng từ Nga về nước mà vẫn chưa được thanh lý hợp đồng.
 
Trông chờ tài sản lớn nhất!
 
Chốc chốc, ông Bổn lại lấy khăn lau mồ hôi đầm đìa trên mặt. Vẻ mặt nhăm nhúm, đôi mắt thâm quầng, những nếp nhăn hiện rõ. Cất lời một cách khó nhọc, ông Bổn bảo: "Chúng tôi đã chờ chực ở đây hơn 4 ngày. Cho tới nay vẫn chưa có tiến triển gì."
 
Xung quanh ông lão là những dãy dài la liệt người ngồi, người đứng thất thần, một số gương mặt lộ rõ vẻ thất vọng và mệt mỏi.
 
36 lao động của được Trung tâm đưa đi Nga từ đầu năm nhưng phải về nước trước thời hạn từ tháng 6. Hơn 2 tháng đã qua, sau nhiều cuộc họp với những lời hứa hẹn, tới nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Vậy nên, 36 người và cả người nhà là hơn 70 con người già lẫn trẻ kéo lên trụ sở của Trung tâm “để làm cho ra nhẽ.”
 
Theo ông Bổn, từ khi về nước, người con trai cả của ông là Trần Hồng Xuân đã phải theo cánh thợ xây ở làng đi khắp các tỉnh kiếm sống. Mọi chuyện giải quyết thanh lý hợp đồng lao động đều nhờ hết vào những người đi Nga cùng đợt với anh.
 
Ông Bổn thấy mọi người kéo nhau lên Hà Nội đòi quyền lợi, ở nhà thì nóng ruột nên cũng xin đi theo.
 
Anh Nguyễn Hùng Vỹ thay mặt cho 36 lao động nói: “Cực chẳng đã chúng tôi mới phải dắt díu lên Hà Nội tụ tập như thế này. Nhưng chờ đợi thêm nữa thì biết đến bao giờ. Về nước, nợ ập đến, tất cả anh em cũng chỉ mong sớm thanh toán hợp đồng để lấy tiền trả nợ và yên tâm làm công việc mới.”
 
Còn anh Nguyễn Văn Thanh quê Lương Tài, Bắc Ninh đang cặm cụi xem lại những giấy tờ gồm visa, thẻ lao động, quay ra nói với phóng viên: “Cả nhà tôi chỉ trông chờ vào khoản tiền này (tiền thanh lý hợp đồng), giờ chỉ còn khoản này là tài sản có giá trị nhất trong nhà.”
 
"Sổ đỏ nhà đã cầm cố để vay ngân hàng, số nợ vay họ hàng đã lên tới hơn 60 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng, tiền trả lãi lớn, lãi bé đã hơn 1 triệu...,” anh Thanh cho biết thêm.
 
Số tiền mà người lao động đưa ra để thanh lý hợp đồng lao động là 4.500 USD, bao gồm 3.000 USD chí phí trước khi đi và một phần tiền lương trong 5 tháng làm việc bên Nga, khoảng 1.500 USD. Theo anh Thanh, nếu được Trung tâm đền bù đúng yêu cầu, số tiền này cũng chỉ đủ để các anh trả hết nợ và lãi từ khi đi đến nay mà thôi.
 
Đối tác “gài bẫy” nên chậm thanh lý hợp đồng?
 
Trao đổi với Vietnam+, ông Đặng Văn Việt, Giám đốc Trung tâm cho biết: Trung tâm chỉ có thể “hỗ trợ” mỗi lao động 500 USD. Riêng khoản tiền lương trong 5 tháng của lao động, rất khó đòi được công ty đối tác của Trung tâm là Công ty TNHH Xây dựng APC (Nga).
 
"Lao động đã ký vào các biên bản vi phạm công trình xây dựng nên công ty APC không trả lương thì người lao động phải chịu," ông Việt nói thêm.
 
Thế nhưng các sai phạm từ Nga, qua tài liệu mà Vietnam+ có được, thì những lỗi này rất vô lý. Cụ thể, công trình xây nhà biệt thự 5022 tại Nga, 36 lao động tham gia đã bị bắt những lỗi không thuộc trách nhiệm về họ, ví dụ chịu trách nhiệm về kỹ thuật trong công trình xây dựng phải do người giám sát kỹ thuật chứ không phải do người lao động. Trong hợp đồng ký với chủ sử dụng lao động cũng không có điều khoản nào quy định về việc phạt lao động trong trường hợp có sai sót.
 
Mặc dù không đồng ý về quyết định phạt công nhân của chủ sử dụng lao động bên Nga nhưng Trung tâm “cũng không biết giải quyết bằng cách nào,” ngoài lời hứa “sẽ thảo luận với APC trong thời gian sớm nhất.”
 
Ngay chính ông Trần Gia Bảo, cán bộ của Trung tâm được cử sang Nga để giải quyết vụ việc, khi trở về nước cũng nói rằng công ty APC đã “gài bẫy” người lao động.
 
Trong những cuộc làm việc với báo chí, ông Bảo và ông Việt cũng luôn một mực nói rằng, công ty đứng về phía người lao động.
 
Ngay từ truớc khi đi Nga, việc tuyển lao động cũng như việc đưa người sang nước ngoài làm việc của Trung tâm đã có hàng loạt sai phạm. Chính Giám đốc Việt cũng thừa nhận rằng công ty đã không có đào tạo định hướng đầy đủ, không có người đi theo quản lý lao động tại Nga, không tổ chức dạy tiếng Nga cho người lao động...
 
Nay lao động đã về nước hơn 2 tháng mà chưa được giải quyết thanh lý hợp đồng, và Giám đốc Việt cũng thừa nhận: "Trung tâm chậm thanh lý hợp đồng với người lao động dẫn tới vụ việc phức tạp."
 
Được biết, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản yêu cầu phía Trung tâm giải quyết vấn đề phát sinh ngay từ khi lao động về nước cách đây 2 tháng. Nhưng sự việc tới nay vẫn chưa xong! Không biết, người lao động sẽ còn phải chờ trực ở Trung tâm Hợp tác lao động với nước ngoài đến bao lâu nữa?!

Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục