Mọi người đều có nguy cơ sốt xuất huyết nếu không phòng tránh

Mọi người đều có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nếu không phòng tránh

Trong tám tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước với 18 trường hợp tử vong.
Mọi người đều có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nếu không phòng tránh ảnh 1Bác sỹ bệnh viện Nhi Đồng 1 thăm khám cho bệnh nhi bị sốt xuất huyết. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Bệnh sốt xuất huyết hiện đang có xu hướng gia tăng ở Việt Nam, nhất là ở miền Nam, đã có trường hợp tử vong.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu đã trao đổi với phóng viên TTXVN, làm rõ thông tin về tình hình bệnh, nguyên nhân cũng như cách thức phòng bệnh hiệu quả.

- Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay trên thế giới và tại Việt Nam đang diễn biến như thế nào, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Trần Đắc Phu: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên. Bệnh lây truyền từ người sang người qua vật chủ trung gian truyền bệnh là muỗi vằn. Bệnh lưu hành trên 100 quốc gia trên thế giới có khí hậu nhiệt đới với khoảng 3,5 tỷ người sống trong vùng nguy cơ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 100 triệu trường hợp mắc, phần lớn là trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ tử vong trung bình do sốt xuất huyết khoảng 2,5-5%.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, từ đầu năm 2015 đến nay, tại nhiều nước trong khu vực như Malaysia, Philippines, Singagore... ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng. Tại Việt Nam, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành tại hầu hết các tỉnh, thành phố, có nguy cơ tăng cao vào các tháng mùa mưa, bệnh ghi nhận chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.

Trong tám tháng đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước với 18 trường hợp tử vong. Số trường hợp mắc bệnh tập trung chủ yếu ở các tỉnh khu vực miền Nam, là nơi có tập quán trữ nước, khu đô thị, công trường xây dựng và khu dân cư đông đúc như Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Số mắc năm 2015 mặc dù có xu hướng tăng hơn cùng kỳ năm 2014 (là năm có số mắc thấp nhất trong vòng 10 năm qua) nhưng so với giai đoạn 2009-2013 vẫn thấp hơn.

- Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng. Vì đâu có sự gia tăng này thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Trần Đắc Phu: Do đặc điểm địa lý, khí hậu khác nhau nên ở miền Nam và miền Trung bệnh xuất hiện quanh năm. Ở miền Bắc và Tây Nguyên, bệnh thường xảy ra từ tháng 4-11.

Ở miền Bắc những tháng khác bệnh ít xảy ra vì thời tiết lạnh, ít mưa, không thích hợp cho sinh sản, hoạt động của muỗi mang bệnh. Bệnh sốt xuất huyết xảy ra cao vào các tháng 7, 8, 9, 10 hàng năm.

Thời kỳ ủ bệnh là từ 3-14 ngày, trung bình từ 5-7 ngày. Bệnh nhân là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, năm ngày đầu là giai đoạn trong máu có nhiều virus.

Muỗi bị nhiễm virus sau đến 8-12 ngày hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt vòng đời. Mọi người chưa có miễn dịch đặc hiệu đều có thể mắc bệnh. Sau khi khỏi bệnh sẽ được miễn dịch suốt đời với tuýp virus gây bệnh nhưng không được miễn dịch bảo vệ chéo với các tuýp virus khác...

Hiện nay, số ca mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng do nhiều nguyên nhân. Trong đó, thời tiết thay đổi thuận lợi cho véc tơ phát triển; bệnh chưa có vắcxin và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; nguy cơ dịch luôn tiềm ẩn khó kiểm soát; do biến đổi khí hậu. Do đô thị hóa nông thôn và di dân dẫn đến chu kỳ dịch thay đổi, khó dự báo được nguy cơ bùng phát dịch. Ngoài ra, chính quyền các ban ngành đoàn thể chỉ đạo chưa sâu sát đến từng hộ dân; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện phòng bệnh chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, ngành y tế còn thiếu hụt về nguồn nhân lực cho y tế dự phòng cộng với nguồn kinh phí bị cắt giảm dẫn tới hiệu quả diệt lăng quăng ở hộ gia đình thấp. Cộng đồng vẫn chủ quan, chưa nhận thức rõ trách nhiệm và tự giác tham gia diệt lăng quăng, muỗi tại hộ gia đình. Đặc biệt, thói quen trữ nước của người dân tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển.

- Trước thực trạng trên, ngành y tế đã triển khai hoạt động phòng chống bệnh như thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Trần Đắc Phu: Từ đầu năm 2015, Bộ Y tế đã tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết. Bộ đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh sốt xuất huyết từ Trung ương đến địa phương; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh. Đồng thời, Bộ đã có công điện và văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết ngay từ đầu năm, khi bắt đầu vào các thời điểm có nguy cơ mắc bệnh tăng cao; giám sát diễn biến tình hình bệnh và có văn bản chỉ đạo kịp thời về tăng cường phòng chống sốt xuất huyết đối các tỉnh, thành phố.

Bộ đã thành lập năm Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch năm 2015, trong đó tập trung vào các tỉnh có nhiều nguy cơ sốt xuất huyết.

Các cơ sở điều trị đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc và dịch truyền để sẵn sàng thu dung, cách ly điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết; chuẩn bị hóa chất, máy phun hóa chất, dụng cụ điều tra bọ gậy phục vụ công tác phòng, chống sốt xuất huyết; tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc sốt xuất huyết để xử lý kịp thời; tổ chức các chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi triệt để tại các khu vực có nhiều nguy cơ.

Ngành y tế cũng tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới cộng tác viên về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch, hướng dẫn chẩn đoán điều trị, hướng dẫn quản lý mô hình cộng tác viên về nội dung quản lý chương trình phòng chống sốt xuất huyết. Đồng thời, tăng cường đăng tải các khuyến cáo, các hoạt động truyền thông phòng chống sốt xuất huyết tại các địa phương, triển khai áp dụng các biện pháp kiểm tra, hướng dẫn diệt muỗi, diệt loăng quăng, bọ gậy tại các hộ gia đình thông qua mạng lưới cộng tác viên; huy động chính quyền địa phương và các ban ngành, đoàn thể tham gia chiến dịch phòng, chống sốt xuất huyết...

- Để tiếp tục phòng chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, đặc biệt là giảm số trường hợp mắc và tử vong, thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế như thế nào, thưa ông? Ngành y tế có khuyến cáo gì đối với người dân để phòng chống lây nhiễm bệnh?

Cục trưởng Trần Đắc Phu: Thời gian tới, để giảm số trường hợp mắc bệnh, ngành y tế tăng cường truyền thông về bệnh sốt xuất huyết và các biện pháp phòng chống trong cộng đồng qua phát thanh, truyền hình, tranh ảnh; tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, phun hóa chất diệt côn trùng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực hệ thống cộng tác viên sốt xuất huyết; huy động sự hợp tác và ủng hộ trong cộng đồng.

Đồng thời, để giảm tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết, ngành y tế tiếp tục nâng cao hiệu quả điều trị; cải tiến Hướng dẫn điều trị sốt xuất huyết; kết hợp phương pháp điều trị cổ truyền và hiện đại; thường xuyên kiểm tra để phát hiện, xử lý ngay các tổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh. Đặc biệt, ngành y tế hàng tuần kiểm tra tất cả các nơi có chứa nước; thực hiện tốt vệ sinh, thu gom, loại bỏ, lật úp các vật liệu phế thải, không để vật chứa đọng nước mưa...

Bộ Y tế khuyến cáo để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, người dân phải đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Người dân phải ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch. Khi bị sốt kéo dài, xuất huyết... người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời; không được tự ý điều trị tại nhà.


- Trân trọng cám ơn Cục trưởng Trần Đắc Phu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục