Mối quan hệ “cộng sinh”

Du lịch làng nghề Hà Nội và mối quan hệ “cộng sinh”

"Cộng sinh” làng nghề và du lịch sẽ giúp đôi bên cùng có lợi giữa bối cảnh nhiều làng đang mất nghề, nghệ nhân đỏ mắt hoài niệm...
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đang nỗ lực vực dậy các làng nghề truyền thống, cũng là cách để phát triển ngành nói chung. Mối liên kết “cộng sinh” này nếu đi đúng sẽ giúp đôi bên cùng hưởng lợi trong bối cảnh nhiều làng đang mất nghề, nghệ nhân đỏ mắt hoài niệm, các sản phẩm thủ công truyền thống bị xâm chiếm bởi hàng Trung Quốc.

Chia sẻ với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội Mai Tiến không chỉ trăn trở việc phải tổ chức được các tour du lịch làng nghề cho “ra tấm ra món” nhằm giới thiệu với bạn bè quốc tế mà còn mong Hà Nội có được một trung tâm tổ hợp làng nghề...

Hướng đến tour du lịch làng nghề


- Chúng ta đang nỗ lực để đưa những sản phẩm của làng nghề truyền thống đến gần hơn với người tiêu dùng và nhất là gắn hoạt động của làng nghề với du lịch. Vậy Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng năm 2013 diễn ra vào tháng Mười tới sẽ có gì đặc biệt để giúp làng nghề tương tác với du lịch, thưa ông?

Ông Mai Tiến Dũng: Chúng tôi rất mong muốn và cũng tin rằng sẽ đạt được mục tiêu có thể gắn hoạt động của làng nghề với du lịch. Bởi vì ngay trong Liên hoan này chúng tôi sẽ tổ chức đón một số đoàn doanh nghiệp du lịch từ nước ngoài đến tham dự đồng thời cũng kết hợp tổ chức các tour du lịch làng nghề kết nối một số điểm làng nghề giàu tiềm năng và có điều kiện phát triển để giới thiệu với họ.

Nếu như họ thấy hấp dẫn thì chắc chắn rằng trong năm tới thậm chí sẽ có những tour du lịch chuyên đề về làng nghề. Cụ thể, chúng tôi cũng đã bàn với Ủy ban vùng Île-de-France để khai thác các công ty du lịch của Pháp, trên cơ sở đó họ sẽ tuyên truyền, quảng bá và bán các sản phẩm du lịch làng nghề của Hà Nội và của Việt Nam.

Chúng tôi đánh giá thị trường khách Pháp là một trong những thị trường rất trọng tâm của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng.

- Kế hoạch là như thế nhưng một thực tế đáng buồn là nhiều năm qua ở các làng nghề của chúng ta tràn ngập các sản phẩm của Trung Quốc hay xuất xứ không phải của Việt Nam...

Ông Mai Tiến Dũng:
Hiện nay, một số làng nghề đã có thương hiệu như Gốm Bát Tràng hay Lụa Vạn Phúc, bên cạnh sự phát triển mang tính tích cực cũng đã xuất hiện những yếu tố tiêu cực làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh làng nghề, đó là sự xuất hiện rất nhiều của các đồ Trung Quốc, dẫn đến đôi khi du khách dễ bị nhầm lẫn về xuất xứ.

Trước thực trạng này, chúng tôi đang cùng với chính quyền các địa phương làng nghề Vạn Phúc, Bát Tràng... có những biện pháp để giải quyết. Trước hết là động viên, khuyến khích và giáo dục nhận thức cho những người kinh doanh về lợi ích lâu dài chứ không chỉ là lợi ích cục bộ, trước mắt; thứ hai là có những cơ chế, chế tài để xử lý.

Về phía ngành du lịch, chúng tôi đã có kế hoạch và sẽ đi kiểm tra lại các cơ sở bán đồ thủ công mỹ nghệ và hàng lưu niệm, nếu không đáp ứng được yêu cầu, tất nhiên cũng không thể cấm họ không được bán lẫn các thứ hàng khác nhưng phải với một tỷ lệ phù hợp và làm sao phải nổi bật được sản phẩm của làng nghề. Thứ hai, phải có khu vực bày bán riêng các sản phẩm để tránh sự nhầm lẫn và có xuất xứ rõ ràng. Ví dụ như, một cửa hàng bán đồ gốm Bát Tràng vẫn có thể có góc bán đồ gốm xuất xứ khác nhưng phải ghi rõ nguồn gốc.

Nếu không đảm bảo yêu cầu chúng tôi sẽ khuyến cáo đến các doanh nghiệp du lịch và đề nghị không cho đưa khách du lịch đến các điểm đó.

Ngoài ra, chính quyền địa phương sẽ có những giải pháp để động viên, giáo dục, nhắc nhở và thậm chí có chế tài xử lý những cơ sở bán hàng nhập nhèm, gây ảnh hưởng xấu tới thương hiệu làng nghề.

Tổ hợp làng nghề truyền thống?


- Theo ông, làm thế nào các nghệ nhân và người kinh doanh ở các làng nghề có thể cạnh tranh với những đồ thủ công mỹ nghệ có xuất xứ nước ngoài?


Ông Mai Tiến Dũng: Trước hết, các sản phẩm lưu niệm hay thủ công mỹ nghệ để phục vụ cho du khách phải đạt các yêu cầu là giữ được các nét truyền thống và độc đáo của Việt Nam nói chung và của từng làng nghề nói riêng.

Thứ hai, các sản phẩm truyền thống cũng phải đa dạng hóa để phù hợp với xu hướng và thị hiếu của khách du lịch, đặc biệt là khách từ những thị trường trọng điểm như Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Có như thế hiệu quả khai thác kinh doanh của những sản phẩm đó sẽ tốt hơn rất nhiều.

Thứ ba, mẫu mã của sản phẩm cũng cần được phát triển, vừa gắn với tinh hoa nghề truyền thống vừa theo sát những nhu cầu, thị hiếu ngày càng đa dạng của nhiều thị trường khách khác nhau.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần cải tiến khâu bao bì và đóng gói. Vì có những hàng thủ công mỹ nghệ thực chất giá trị không lớn nhưng do họ biết làm bao bì, đóng gói rất đẹp nên đã tạo ra giá trị gia tăng và sức hấp dẫn hơn cho sản phẩm.

- Chúng ta có nên quy hoạch riêng thành một khu đặc thù đối với các sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở các địa phương có làng nghề, đặc biệt là Hà Nội để tiện cho việc giới thiệu tập trung đến du khách trong nước và quốc tế không, thưa ông?


Ông Mai Tiến Dũng: Với Hà Nội, chúng tôi cũng muốn được đầu tư một trung tâm dạng như tổ hợp liên kết giữa bán hàng lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ cho du khách với các dịch vụ khác như ăn, nghỉ, vui chơi giải trí hay giới thiệu cả ẩm thực, các món ăn ngon của Việt Nam trong trung tâm này. Ở đây có thể tập trung được nhiều sản phầm tinh hoa của các làng nghề truyền thống.

Tuy nhiên, cho đến giờ Hà Nội vẫn chưa có được dự án như vậy, vì nó đòi hỏi quỹ đất tương đối lớn; phải đầu tư công phu vì chắc chắn sẽ không chỉ là nơi bày bán hàng thủ công mỹ nghệ và hàng lưu niệm mà phải trình diễn để tạo nên sự hấp dẫn cho khách hiểu và thêm yêu, từ đó sẽ nâng cao khả năng tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa đó.

Ngoài ra, cần phải đặc biệt lưu ý tạo điều kiện cho khách có thể tham gia vào một hoặc một số công đoạn nào đó cho phép để trong sản phẩm lưu niệm có dấu ấn của chính họ, điều đó sẽ thực sự giá trị và tạo hấp dẫn.

Tất cả những cái đó đòi hỏi phải được đầu tư lớn cả về mặt nhận thức, về quan điểm và đương nhiên là đầu tư về tài chính. Đáng tiếc là hiện nay Hà Nội chưa có được một trung tâm hoặc một dự án nào thực sự đáp ứng đúng mong mỏi của ngành du lịch Hà Nội như thế.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục