Mối quan hệ giữa Nga và Gruzia phụ thuộc vào tình hình Ukraine?

Tương lai của mối quan hệ Nga-Gruzia sẽ phụ thuộc vào tình hình tại Ukraine và vào mối quan hệ Nga-Mỹ khi mà cả hai "trụ cột" này không có nhiều cải thiện.
Mối quan hệ giữa Nga và Gruzia phụ thuộc vào tình hình Ukraine? ảnh 1(Nguồn: Wikipedia)

Trong cuộc chiến tranh Nam Ossetia năm 2008 đã có hơn 1.000 người, trong đó có 72 binh sỹ Nga, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột với quân đội Gruzia.

20 ngày sau chiến tranh, Moskva công nhận chủ quyền của cả Nam Ossetia lẫn Abkhazia. Đây là nguyên nhân khiến quan hệ ngoại giao Nga-Gruzia bị cắt đứt.

Mối quan hệ đó cho đến nay vẫn chưa được nối lại cho dù Tổng thống Mikheil Saakashvili đã ra đi. Công dân Nga có quyền nhập cảnh miễn thị thực vào Gruzia, song Bộ Ngoại giao Nga lại không đáp lại theo thông lệ ngoại giao, và đến nay cũng không có ý định đáp lại.

Tổng thống Gruzia Georgi Margvelashvili tuyên bố Nga là bên có lỗi trong cuộc xung đột Nga-Nam Ossetia, đồng thời bày tỏ tin tưởng sẽ khôi phục “toàn vẹn lãnh thổ của Gruzia” thông qua hòa bình.

Nhiều người cho rằng những phản ứng mạnh của Nga trước những khiêu khích của Gruzia phần nhiều là do ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Gruzia.

Không thể không đồng ý với ý kiến này, Moskva đã rất tức giận khi khả năng Gruzia và Ukraine gia nhập NATO được đề cập công khai vào tháng 4/2018 tại hội nghị thượng đỉnh NATO tại Bucharest.

[Nga cảnh báo NATO kết nạp Gruzia sẽ châm ngòi xung đột]

Và cuộc chiến 5 ngày năm 2008 ấy ít nhất đã trì hoãn được bước đi trên. Song khó có thể khẳng định được rằng cuộc xung đột đó đã "dập tắt" khả năng gia nhập NATO và ngày hôm nay nó lại được vang lên từ phía phương Tây.

Và giờ đến lượt Tổng thống Nga Vladimir Putin buộc phải cảnh báo về những thảm họa của quyết định đó. Việc Ukraine, cũng như Gruzia, gia nhập NATO bị Moskva xem là mối đe dọa hiện hữu, và vì thế sẽ gặp phải sự đáp trả thích đáng, kể cả đáp trả về mặt quân sự.

Vấn đề là các “cuộc xung đột bị đóng băng” (như tại Donbass, Ukraine) và các nhà nước không được công nhận (chỉ có Nga, Nicaragua, Venezuela và hai quốc đảo nhỏ là Nauru và Vanuatu công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia) có thể cản được NATO mở rộng sang không gian hậu Xô Viết.

Giải pháp cho các khu tự trị cũ của Gruzia hiện chưa được xem xét trong dài hạn. Sự tồn tại độc lập thực sự của một quốc chỉ có thể khi được các quốc gia khác công nhận, khẳng định bằng việc chính thức được gia nhập Liên hợp quốc. Song hiện nay chưa thể có điều này.

Bản thân sự tồn tại của Abkhazia và Nam Ossetia chỉ nhờ vào hỗ trợ chủ yếu từ phía Nga. Hai khu vực này không có đồng nội tệ mà sử dụng đồng ruble Nga. Ngân sách của vùng Abkhazia rộng lớn hơn thì phụ thuộc hơn 50% vào viện trợ của Nga trong khi vùng Nam Ossetia nhỏ hơn thì phụ thuộc gần như 100%.

Trong 10 năm qua, Abkhazia được chi khoảng 1 tỷ USD. Cho dù nhỏ hơn về dân số và diện tích, song Nam Ossetia được viện trợ nhiều hơn khoảng 1,5 đến 2 lần. Trong giai đoạn 2018-2020, theo kế hoạch Abkhazia được chi thêm 11,5 tỷ rubble, còn Nam Ossetia là 16,8 tỷ ruble.

Gruzia không có ý định công nhận nền độc lập của hai khu vực này, không muốn xích lại gần Nga hơn, trừ về kinh tế. Nga thì không muốn ngừng ủng hộ độc lập cho Abkhazia và Nam Ossetia, cho dù về mặt lý thuyết có cơ sở cho một diễn biến như vậy, ví dụ Nga “nhắm mắt làm ngơ” cho hai khu vực trên tự thỏa thuận về việc quay trở lại Gruzia để đổi lấy một “thương vụ” lớn hơn như quy chế trung lập vĩnh viễn được NATO đảm bảo của Gruzia.

Tbilisi hiểu rõ vai trò của mình trong “trò chơi lớn” giữa phương Tây và Nga và sẽ không từ bỏ vai trò đó. Trong dài hạn, Gruzia sẽ không từ bỏ hội nhập châu Âu.

Tương lai của quan hệ Nga-Gruzia, cũng như số phận của Abkhazia và Nam Ossetia không là gì ngoài sự phái sinh từ quan hệ Nga với phương Tây.

Trong tương lai gần, mối quan hệ này sẽ phụ thuộc vào tình hình tại Ukraine và vào mối quan hệ Nga-Mỹ khi mà cả hai "trụ cột" này đang tiếp tục suy thoái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục