Mối quan hệ mong manh Thổ Nhĩ Kỳ-Saudi Arabia đang 'căng như dây đàn'

Vụ việc nhà báo mất tích đang khiến tình hình trở nên "rất nghiêm trọng" và "có thể dẫn đến một sự tuyệt giao quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Saudi Arabia."
Mối quan hệ mong manh Thổ Nhĩ Kỳ-Saudi Arabia đang 'căng như dây đàn' ảnh 1Hình ảnh từ camera an ninh cho thấy Jamal Khashoggi (phải) đi vào tòa lãnh sự Saudi ở Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: News.co.au)

AFP đưa tin các nhà phân tích cho biết việc nhà báo kiêm nhà phê bình Riyadh Jamal Khashoggi mất tích khỏi lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) đã làm trầm trọng thêm mối quan hệ mong manh giữa hai đối thủ mạnh mẽ luôn cạnh tranh giành ảnh hưởng ở thế giới Hồi giáo này.

Khashoggi, mang hai quốc tịch Saudi Arabia và Mỹ, hiện đang là cộng tác viên của báo Washington Post, người đã viết nhiều bài báo phê phán một số chính sách của Thái tử Saudi Mohammed bin Salman trên báo chí Arab và phương Tây, đã biến mất từ hôm 2/10.

Nguồn tin Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cảnh sát nước này cho rằng Khashoggi đã bị giết hại bên trong lãnh sự quán.

Phía Riyadh bác bỏ cáo buộc này và gọi đây là điều “vô căn cứ.”

Mặc dù Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã yêu cầu Saudi Arabia chứng minh lời xác nhận của họ rằng nhà báo này đã rời khỏi lãnh sự quán, song cho đến nay, ông vẫn không ngừng khẳng định rằng Khashoggi đã chết, đồng thời cho biết ông sẽ chờ một cuộc điều tra chính thức.

Từ mối quan hệ ngoại giao nhạy cảm giữa hai nước, các nhà phân tích lo ngại rằng vụ việc lần này sẽ trở thành nguyên nhân gây leo thang căng thẳng, khiến mối quan hệ giữa các cường quốc phát sinh từ những lợi ích chồng chéo trong khu vực tiếp tục “căng như dây đàn.”

Khalil Jahshan, giám đốc điều hành tổ chức tư vấn phi lợi nhuận Arab Center Washington, nói: “Cách duy nhất để giải thích cho sự lưỡng lự của Riyadh và việc Ankara không nhanh chóng công bố những gì họ cho rằng đã xảy ra là bởi cả hai bên đều lo sợ sẽ khiến tình hình leo thang một cách không cần thiết. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, đây là việc vi phạm chủ quyền quốc gia, nên vẫn chưa bên nào có thể lên tiếng vì những lo ngại chính trị và an ninh quốc gia.”

Nhà báo Khashoggi, cựu cố vấn chính phủ Saudi Arabia, đã sống lưu vong tại Mỹ kể từ năm ngoái vì sợ bị bắt giữ.

Ông là một nhà phê bình gay gắt sự can thiệp của Riyadh trong cuộc xung đột ở Yemen, và từng so sánh vị thái tử trẻ tuổi của Saudi với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một bài báo trên Washington Post.

[Thổ Nhĩ Kỳ có bằng chứng nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại]

Ông đã mất tích kể từ khi ông đến lãnh sự quán ở Istanbul để nhận một số giấy tờ cần thiết cho cuộc hôn nhân sắp tới của ông với một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ.

Liên Hợp Quốc, Mỹ và Anh đều thúc giục thực hiện một cuộc điều tra kỹ lưỡng.

Hãm hại lẫn nhau

Jana Jabbour, một giáo sư tại trường đại học Sciences Po ở Paris, cho biết ông Erdogan "không muốn tham gia vào cuộc đối đầu trực tiếp với Riyadh trước khi nhận được sự đảm bảo về lập trường cũng như ủng hộ của các nước khác," chẳng hạn như Qatar và Mỹ.

Tuy nhiên, bà cho biết tình hình "rất nghiêm trọng" và "có thể dẫn đến một sự tuyệt giao quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ-Saudi Arabia."

[Saudi Arabia chưa giải thích rõ ràng về số phận của nhà báo mất tích]

Jabbour cho biết: “Riyadh và Ankara đang lâm vào tình trạng bế tắc trong cuộc cạnh tranh giành lấy vị thế "lãnh đạo khu vực," lãnh đạo về ‘tôn giáo’ đối với cộng đồng Hồi giáo theo dòng Sunni và các mối quan hệ với phương Tây, đặc biệt là với Washington."

Vị giáo sư này cho rằng họ đang muốn “hãm hại lẫn nhau.” Sự ganh đua trong khu vực đã làm chệch hướng các mối quan hệ song phương. Saudi Arabia đặc biệt không hài lòng với mối quan hệ gần gũi của ông Erdogan và phong trào Anh em Hồi giáo - vốn bị Riyadh coi là một tổ chức “khủng bố”...

Lợi ích chồng chéo

Theo Jahshan, cả Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ “đều không thể thua cuộc trước bên còn lại vì những lợi ích chồng chéo” trong khu vực, ám chỉ cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, xung đột Syria và Yemen cũng như những mâu thuẫn về phong trào Anh em Hồi giáo.

Đã có những suy đoán về việc liệu Thổ Nhĩ Kỳ có đoạn tuyệt quan hệ với Saudi hay không trong bối cảnh nền kinh tế của họ đang tụt dốc và ngày càng phải phụ thuộc vào lượng khách du lịch từ vùng Vịnh.

Theo đó, khoảng nửa triệu du khách Saudi đã đến Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2017, trong khi đó, Saudi Arabia là một trong 20 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, học giả Dalay cho biết ông tin rằng “tiền bạc không phải là vấn đề giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia.”

Ông nói: “Hình ảnh Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một nơi an toàn cho những người bất đồng chính kiến, những doanh nhân, trí thức từ thế giới Ả-rập… sẽ bị hủy hoại nếu Thổ Nhĩ Kỳ không có phản ứng thích hợp”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục