"Mỗi thành viên Chính phủ phải đề cao trách nhiệm"

Thủ tướng lưu ý mỗi thành viên Chính phủ phải đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, làm tốt quản lý nhà nước.
"Mỗi thành viên Chính phủ phải đề cao trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, bám sát chức năng, nhiệm vụ được giao phó, làm tốt chức năng quản lý nhà nước trong thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ" là vấn đề quan trọng đầu tiên trong 5 vấn đề quan trọng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương.

Các vấn đề quan trọng khác được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý tại phiên họp Chính phủ mở rộng, tổ chức trong hai ngày 6 và 7/1 là bám sát thực tiễn, làm tốt công tác dự báo tình hình kinh tế-xã hội và các mặt công tác khác từ đó đề ra các quyết sách đúng; chỉ đạo điều hành phải quyết liệt, năng động, linh hoạt, sáng tạo, lo trước mắt nhưng cũng tính lâu dài; thực hiện đúng nguyên tắc, đúng pháp luật.

Có cơ chế phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành với địa phương; và phải tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội và cả hệ thống chính trị; trong đó chú trọng tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền, cũng là những vấn đề quan trọng được Thủ tướng nêu ra tại phiên hợp chính phủ.

Phiên họp lần này Chính phủ thảo luận tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 và Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ; đặc biệt là kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành, tình hình thực hiện Quy chế làm việc năm 2009 và chương trình công tác năm 2010 của Chính phủ; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng năm 2009; công tác cải cách hành chính năm 2009 và một số nội dung quan trọng khác.

Năm 2009, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, Chính phủ đã sớm chủ động báo cáo với Bộ Chính trị và trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tổng quát từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế và duy trì tăng trưởng hợp lý, trong đó có điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế.

Trên cơ sở đó, Chính phủ kịp thời triển khai các giải pháp kích thích kinh tế mà trọng tâm là gói hỗ trợ lãi suất đối với các tổ chức, cá nhân vay vốn tại ngân hàng thương mại, công ty tài chính và ngân hàng chính sách, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thực hiện việc giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, miễn thuế thu nhập cá nhân đối với một số đối tượng; giảm thuế nhập khẩu đối với một số nhóm hàng là nguyên liệu đầu vào của sản xuất, giảm phí trước bạ.

Chính phủ quyết định tạm hoãn thu hồi vốn ứng trước, cho ứng trước vốn ngân sách nhà nước năm 2010, 2011 để thực hiện một số dự án quan trọng cấp bách, có khả năng hoàn thành trong năm 2009, 2010.

Hết sức coi trọng ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, Chính phủ đã nhanh chóng chuyển việc điều hành chính sách tài chính, tiền tệ từ thắt chặt sang chính sách tài chính tích cực và chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng với việc thực hiện các giải pháp kích thích kinh tế; điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở; điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá linh hoạt.

Đáng chú ý, trước tình hình biến động trong những tháng cuối năm, Chính phủ đã kịp thời điều chỉnh giảm mức hỗ trợ lãi suất và thu hẹp phạm vi áp dụng đối với các khoản vay trung và dài hạn để tiếp tục thực hiện năm 2010; kết thúc gói hỗ trợ vay vốn lưu động ngắn hạn theo đúng thời gian quy định tại Quyết định số 131/ QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ; điều chỉnh biên độ và tỷ giá để bảo đảm bình ổn thị trường vàng, thị trường ngoại tệ.

Nhờ vậy, năm 2009, Việt Nam sớm ngăn chặn được suy giảm kinh tế, sản xuất kinh doanh phục hồi và có bước phát triển nên tăng trưởng GDP ước tăng 5,32%, vượt chỉ tiêu điều chỉnh đã được Quốc hội thông qua.

Trong đó, sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 5,52%; dịch vụ tăng khoảng 6,63%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,83%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 41% GDP; giá cả thị trường tương đối ổn định, với chỉ số CPI tăng 6,88% so với năm 2008; và tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.

Cùng với ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, công tác an sinh xã hội được Chính phủ quan tâm đặc biệt và chỉ đạo triển khai thực hiện có kết quả.

Cùng với việc bảo đảm nguồn lực và tăng cường thực hiện các chính sách, biện pháp đã ban hành, Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội mới như hỗ trợ người nghèo ăn Tết Nguyên đán, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn và người lao động mất việc việc làm; trợ cấp khó khăn cho cán bộ, công chức có thu nhập thấp.

Đồng thời, Chính phủ cũng hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo ở vùng khó khăn; hỗ trợ khuyến nông, khuyến ngư ở dịa bàn khó khăn; hỗ trợ lãi suất vay mua vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn; xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp tập trung, người có thu nhập thấp ở đô thị; tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt.

Thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo, tổng cộng các nguồn vốn đầu tư phát triển năm 2009 cho các huyện nghèo đạt khoảng 10.700 tỷ đồng, đạt bình quân 172 tỷ đồng/huyện, gấp 1,8 lần so với kế hoạch giao đầu năm 2009. Nhờ đó, đến hết năm 2009, tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm xuống còn khoảng 12,3%.

Các lĩnh vực văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có bước phát triển tích cực. Chính phủ chủ động chỉ đạo triển khai có hiệu quả công tác đối ngoại, giữ vững an ninh quốc phòng và duy trì trật tự an toàn xã hội. Dưới sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, cải cách hành chính có chuyển biến tốt; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phái đạt kết quả bước đầu quan trọng.

Sự phối hợp công tác giữa Chính phủ với Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị-xã hội được duy trì chặt chẽ, nền nếp, có hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các nhiệm vụ kinh tế- xã hội.

Nhìn lại năm qua, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới tác động trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam, Chính phủ đã bám sát diễn biến, đánh giá đúng tình hình, xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ, chuyển hướng kịp thời, quyết sách nhanh nhạy; trên cơ sở đó chỉ đạo, điều hành một cách tập trung, quyết liệt, liên tục, cụ thể, ứng biến và sáng tạo. Kết quả là đã sớm thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm, khôi phục đà tăng trưởng và là một trong số ít nước có mức tăng trưởng khá cao trên thế giới; kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững; an sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng nghiêm túc nhận thấy những hạn chế, yếu kém trong chỉ đạo, điều hành kinh tế-xã hội như việc tổ chức, hướng dẫn, triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách chưa thật sự quyết liệt và kịp thời, làm cho chính sách và giải pháp chậm đi vào cuộc sống, hiệu quả thấp; việc điều hành tỷ giá, lãi suất, quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng, bất động sản có lúc còn chậm; công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch lạc hậu; việc khai thác, sử dụng tài nguyên và nguồn lực chưa hiệu quả; vấn đề ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng còn nhiều bức xúc.

30 ý kiến phát biểu của các Phó Thủ tướng, thành viên Chính phủ và đại biểu tham dự kỳ họp đều cơ bản nhất trí với các báo cáo, nhất là những kết quả nổi bật đã đạt được và những khuyết điểm, yếu kém trên các lĩnh vực trong năm 2009.

Đáng chú ý, Chính phủ đã đánh giá cao đóng góp của các cơ quan báo chí, nhất là Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, đã thông tin nhanh, kịp thời những chủ trương, đường lối, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước để nhân dân cả nước hiểu rõ, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội trong phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị đất nước.

Năm 2010, Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội, với tư tưởng chủ đạo là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó bảo đảm tăng trưởng kinh tế cao hơn cả về số lượng và chất lượng; đồng thời ngăn ngừa lạm phát cao trở lại; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009.

Chính phủ tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng ngay từ đầu năm; trong đó tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và tái cấu trúc nền kinh tế.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh phục hồi tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng; điều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, thận trọng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nhập siêu, ngăn ngừa kịp thời lạm phát cao trở lại; bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; tạo bước tiến mới về chất lượng giáo dục-đào tạo, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ; thực hiện quyết liệt các, với các giải pháp cụ thể về công tác bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên họp này và cả ý kiến của lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại phiên họp này./.

Quang Liên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục